Nhà văn Nguyễn Thị Mây
“Mồ cụ Tổ bị quật!”. Như tiếng sét nổ giữa trời quang, nguồn tin đó khiến cho cả dòng họ kinh hoàng, đổ xô vào nghĩa địa.
Tôi và ba là những người đến sau rốt. Ở khu nhà mồ đông nghịt người. Ngoài người thân thích ruột rà trong họ còn có công an xã và những người hiếu kỳ. Họ túm tụm quanh ngôi mộ bị đào xới, bàn tán, chỉ trỏ về phía cái lỗ hỗng đen ngòm vừa vặn cho một người chui xuống.
Tuy nhỏ tuổi nhưng vai vế của ba tôi cao nhất trong những người có mặt tại hiện trường. Ba tôi gọi người nằm dưới mộ kia là ông cố nội. Cụ Tổ có ba vợ. Người vợ cả không sinh con. Vợ hai sinh năm một nhưng toàn là gái. Người vợ bé nhất lại sinh nhiều nhất. Mười lăm người. Mười hai nữ, ba nam. Hai người con trai lớn hình dung xấu xí lại học kém. Trong khi, người con trai út mặt hoa da phấn đẹp như con gái lại học giỏi. Lớn lên, ông được làm quan nên cụ Tổ cưng hơn vàng ngọc. Đó là ông nội của ba tôi. Có lẽ vì vậy mà tiếng nói của “nhánh út” này có giá trị hơn cả. Đến đời ba tôi có giảm đôi chút vì nghèo. Dù vậy, cả dòng họ cũng không thể chối cãi được một điều là ba tôi học cao và trở thành giáo viên dạy giỏi có tiếng.
Vừa nhác thấy cha con tôi, đám đông tự động dạt ra hai bên chừa lối cho chúng tôi vào. Vốn là học trò cũ của ba, anh Nghiêm, công an xã lễ phép nói:
- Thưa thầy, thầy vẫn khoẻ ạ!
- Cảm ơn anh, tôi vẫn bình thường!
Không chờ ba hỏi, anh kể lại sự việc:
- Thưa thầy, sáng nay, bác ba Thới đi soi ếch ngang qua khu nhà mồ, chợt thấy có nhiều dấu chân lạ. Sinh nghi, bác ba liền đến báo với công an. Khi em tới đây thì thấy cửa rào bị mở toang hoác. Cái bia mộ bằng đá cẩm thạch biến mất. Một số gạch bông bị nạy, chưa biết còn mất mát gì nữa không?
Đảo mắt một vòng, tôi chẳng thấy gì lạ. Hai chậu nguyệt quế vẫn còn. Mấy bóng đèn đỏ đính ở bốn góc nhà mồ... vẫn còn nguyên. Ba tôi nhận xét:
- Có lẽ chỉ mất mấy miếng gạch bông.
Nhiều người lên tiếng:
- Dễ không! Quí giá gì vài miếng gạch. Sợ là sợ mất của nả dưới huyệt kia!
Ngạc nhiên, ba quay nhìn bà cụ vừa nói. Đó là bà Chín người trong họ:
- Ý dì Chín muốn bảo bọn trộm đã...
Bà Chín cướp lời:
- Chớ gì nữa! Cụ Tổ nhà mình là người khai hoang, lập nên mấy cái vườn dừa, xoài Cát Hoà Lộc, xoài Châu Hạng Võ nổi tiếng khắp xứ. Hằng năm, thu lời không biết bao nhiêu mà kể. Tiền chất như núi. Cậu hai cũng biết đó, khi cụ Tổ già yếu, biết mình sống không bao lâu, cụ đã cho xây sẵn nhà mồ nầy. Đích thân trông coi thợ thi công. Nghe đâu, dưới đó có nhiều báu vật được chôn giấu. Chắc bọn trộm đánh hơi được nên mò tới...
Hình như ba tôi chẳng biết gì về chuyện nầy. Hằng năm, vào ngày mùng một Tết và ngày Thanh Minh, ông thường dắt tôi viếng mộ, cúng kiến. Những lúc ấy, ngồi dưới tán cây sứ đỏ, ba thường nhắc lại công lao mà cụ Tổ đã trải qua như chống chọi với thiên tai, thú dữ, bệnh tật... nhưng khó khăn nào cụ cũng vượt qua. Cụ biết làm những cái bẫy để loại trừ thú và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi những con vật hiền lành. Chưa lần nào nghe ba nhắc tới kho báu, kho tàng. Chẳng biết ba tôi muốn giữ bí mật hay chẳng rõ về chuyện nầy. Trông vẻ mặt ba căng thẳng lắm!
- Thì ra vậy! Ba buông thỏng. Hoá ra tiền của lại đem đến những điều không lành!
Bà Chín bĩu môi, lườm mắt, trở giọng chanh chua:
- Hứ! Thằng Hai, mày tính đem ba cái triết lý ra đây đặng... hù sao cà? Ai mà không biết cậu học giỏi!
Ba lắc đầu, giọng buồn buồn:
- Dạ, tôi không có ý đó. Nhưng qua việc này cho thấy có vàng bạc chưa hẳn đã sung sướng. Thậm chí chết còn chưa yên thân.
- Nhưng không tiền, liệu cậu có sung sướng không? Chắc cậu ăn không khí trừ cơm nên không cần tiền.
- Dì hiểu lầm ý tôi rồi. Ai mà chẳng cần tiền. Nhưng đối với tôi, tiền chỉ là phương tiện chớ không phải mục đích, nên...
Thôi, thôi.... cậu muốn xem tiền là cái mốc xì gì cũng được. Nhưng tóm lại, bọn ăn trộm hám tiền, quật mồ cụ Tổ mình. Chắc mất sạch rồi!
Nhiều người lao xao bàn tán:
- Chắc không còn gì đâu!
- Bây giờ tính sao đây?
Anh công an xã hỏi ba:
- Thưa thầy, thầy liệu sao ạ?
Ba tôi mỉm cười:
- Đó là chuyện của anh, sao lại phải hỏi tôi?
Gãi đầu, anh công an xã cười cười:
- Dạ, em biết vậy nhưng không dám.
- Anh có quyền quyết định. Chuyện này thuộc quyền của anh. Đừng ngại!
- Dạ, vậy thì phải gỡ thêm một ít gạch nữa.
Tiếng ồ kinh ngạc rộ lên.
- Trời đất! Lo bắt trộm không lo! Gỡ thêm thêm gạch làm gì cho động mồ động mả!
Anh công an xã từ tốn giải thích:
- Làm như vậy mới dễ quan sát phía dưới huyệt. Để tum húm vầy làm sao nhìn thấy còn mất cái gì? Mà cho người chui xuống thì sợ bị nhiễm khí độc.
Bà Chín lớn tiếng:
- Nhưng làm như chú thì động mồ cụ Tổ chúng tôi, cụ quở...
Ba tôi bật cười trước ý nghĩ mê tín:
- Dẫu sao, tụi trộm cũng động rồi còn gì!
Đỏ mặt, bà Chín nói như quát:
- Nè, cậu Hai. Cậu không được ngạo tôi nghe không! Đó, có giỏi thì động đi rồi lãnh hậu quả!
- Được, được... để tôi lãnh hậu quả cho. Này, anh Nghiêm! Anh cứ làm nhiệm vụ!
Anh công an liền cho người mở rộng cửa huyệt. Trước mắt tôi hiện ra một khung cảnh lạ lùng. Giống như một gian phòng hình hộp chữ nhật khá to, lát gạch men màu ngọc bích. Cái hòm vẫn còn giữ được sắc vàng của gỗ huỳnh đàn. Cái nắp bị nạy, lệch qua một bên, để lộ một lớp vải hoa đồng tiền đỏ trên nền vàng mục rệu. Nhiều chỗ bị bàn tay bí mật nào đó mò xốc. Bà Chín bật khóc, kể lể:
- Ối trời ơi, bọn độc ác. Chúng nỡ bới cả xương cụ Tổ...
Ba tôi cũng có vẻ buồn nhưng mắt ráo hoảnh, nhìn đăm dăm cái cẩm đôn mặt tròn và cái bàn gỗ mặt vuông nho nhỏ đặt bên quan tài quan tài. Trên đó, một cái hộp thiếc bên ngoài vẻ hoa văn tuyệt đẹp bị ngả nghiêng, nắp bật ra để lộ vài tờ giấy còn sót lại ở đáy hộp. Quyển sổ bị ném rơi vào một góc huyệt. Tựa như nó bị ai đó vừa tìm kiếm điều gì đó. Không toại nguyện, họ tức giận, quăng vèo nó vào một góc huyệt lạnh.
Ba tôi nhảy vội xuống, nhặt quyển sổ lên, ông ngồi phịch trên cẩm đôn, tay lần giở từng trang, ngấu nghiến đọc. Nét mặt biến đổi không ngừng. Chốc chốc lại bừng đỏ, kèm theo hơi thở dồn dập rồi lại trở nên hồng hào, thư thái. Mọi người nín thở chờ đợi. Lát sau, ba tôi đứng bật dậy, nói như reo:
- Đừng tìm kiếm nữa. Không mất đâu. Châu báu nằm cả trong nầy!
Mọi người trố mắt nhìn quyển sổ bìa đen, giấy ngả màu vàng xỉn mà ba tôi đưa cao. Họ nhao nhao:
- Ồ! Vậy là sao?
- Sao lạ vậy cậu Hai?
Ba leo lên, thủng thỉnh đến ngồi bên cây sứ đỏ. Mọi người ùa theo, thúc hối:
- Trong đó viết những gì vậy?
Ba rung rung giọng:
- Cũng gần gần như nhật ký của cụ Tổ nhưng cụ không ghi lại diễn biến trong đời sống hằng ngày mà chỉ viết về số tài sản đã được sử dụng vào việc gì, tổng cộng bao nhiêu, ngày tháng năm nào. Đây, bà con hãy lắng nghe, sẽ rõ.
Ba lật trang đầu, dõng dạc đọc:
- Tôi không mong được trở thành vĩ nhân, chỉ muốn được làm người hữu ích, bằng việc thiện!
Trang kế, ba đọc:
- Ngày... tháng... năm... đã xây xong ngôi trường đầu tiên trên quê hương hẻo lánh này. Tổng số chi phí là 10 lượng vàng.
Sang trang khác:
- Ngày... tháng... năm..., Xây xong chùa Phước Thiện. Vừa mới khánh thành. Tống số tiền xây dựng 15 lượng vàng.
...
Đến trang cuối. Mặt ba tái đi, giọng nghẹn ngào:
- Ôi, tuổi già thật đáng ghét! Nó đã cướp đi sức lực của ta. Còn biết bao mơ ước chưa được thực hiện. Thôi thì, chỉ mong đợi con cháu sẽ tiếp nối con đường của ta đi còn dang dở.
Anh công an xã kêu lên:
- Thì ra trong sổ bộ tài sản của xã, vị mạnh thường quân có công đóng góp nhiều nhất cho việc xây dựng xã nhà phát triển nhưng yêu cầu ghi là VÔ DANH lại chính là cụ Tổ nhà ta! Ôi! Thật đáng kính! Đáng phục vô cùng việc làm của người xưa!
Nhìn vẻ ngỡ ngàng, thất vọng của một số bà con mong được chia của, ba tiếp lời:
- Và cũng đáng để chúng ta suy ngẫm “Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tựa thiên kim!” Kho báu cụ Tổ để lại cho chúng ta chính là bài học này đây!
N.T.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét