Nhà thơ Nguyễn Thị Phụng
Hôm qua nay người ta đi tìm con bò vàng có cái bớt màu nâu ngang bụng, còn cái sừng cong cong như hai vầng trăng lưỡi liềm đầy đặn cân xứng đối nhau trên cái đầu cũng màu vàng gạch nhưng sậm hơn. Nó sinh đôi được hai con bê vừa tròn ba tháng tuổi. Có người bảo hay nó đi lạc đâu đây, hay nó bị ai lừa đi mất rồi. Có người còn bảo đồ ngu như bò, chủ mất hai ngày đã bỏ đi đâu, còn mỉa mai bóng gió theo trai là chắc!... Người nói ra, người nói vào. Còn trách thằng Phúc chiều hôm qua chủ nhật đi thả bò không chăm ngó cẩn thận, chị Hạnh mẹ thằng Phúc tiếc đứng tiếc ngồi, tiếc công chăm sóc của cô Hai đã mấy năm trời chứ ít gì, nhưng chị không nói ra lời nào, bảo của cô Hai cho con có thì hưởng không thì thôi, thêm con bò cũng đâu giàu mà mất con bò cũng đâu có nghèo, hay số con trai chưa được hưởng phúc lộc người khác cho tặng, số con là phải cố gắng học tự mình làm ra tiền con ạ. Chị cố ý nói to cho mọi nguời nghe. Nói thì nói thế chứ cô Hai đâu để tài sản cho một ai, mình người trong nhà thì thừa hưởng chứ ai vô đây chen vào!... Chị Phúc thắp hương khấn cô Hai mà lòng ấm ức, con cũng tiếc lắm cô Hai ơi!...
Buổi sáng cúng ba ngu xong, bóng chiều vừa khuất ngọn tre chị Hạnh đem bao trấu ra mả cô Hai châm lửa đốt lên cho ấm. Chị bất ngờ con bò vàng có cái bớt nâu ngang bụng nằm ở đây, hay là nó bị ai đánh què chân, bị đau không về được. Đúng là con bò lúc cô Hai còn sống đã hứa làm quà cho thằng Phúc khi nó vào đại học. Mà tại sao nó nằm ở đây, chắc từ chiều hôm qua thằng Phúc thả bò ở gò bên quên lừa nó về, nó không nhớ đường nhớ sá chứ gì, nó rẽ được qua đến mả cô Hai rồi nghỉ một đêm ở đây, may mà… Nhìn đôi mắt nó lộ to, buồn tênh, ngấn nước. Chị hỏi có lạnh lắm không, nó chỉ nhìn và không trả lời. Chị đưa tay sờ lên xoáy hoa trên trán thấy âm ấm, chết rồi nó bị sốt đây! Gió thổi bùng ngọn lửa trấu cháy mạnh, tạt hơi ấm trùm lấy con bò vàng, hai mắt lim dim, những giọt nước từ khóe mắt ấy chảy ra. Lần đầu tiên chị Hạnh thấy nước mắt bò cũng màu trắng trong veo, chị nghĩ chắc cũng mặn như nước mắt người. Vì tất cả được vắt ra từ nguồn yêu thương nhung nhớ trong một cơ thể sống đó mà. Hay là lúc này nó nhớ những đêm mùa đông cô Hai thường ra chuồng bò un muỗi, che chắn cho cả đàn khỏi lạnh. Chắc nó nhớ những sáng mùa hè ở ngoài bãi sông bên kia, bàn tay nhăn nheo của cô Hai tắm rửa kì cọ da dẻ cho nó được bóng mượt thơm tho hơn. Chắc là nó nhớ lúc trời mưa tầm tã cả tuần ở trong chuồng mà vẫn được ăn cỏ mật xanh non ngon lành… Chị Hạnh lại vuốt ve lên khắp sống lưng nó rồi bảo có thương thì để cô Hai nằm yên ở đây, về chuồng nghỉ thôi. Con bò đứng lên, đi trước, chị đi sau. Nắng chiều đã tắt hẳn, còn để lại góc trời lênh láng ráng đỏ trên dãy núi phía tây. Con đường vào làng im vắng, chỉ tiếng thuyết minh phim trên sóng truyền hình từ trong các nhà gần lối ra vào vọng lại, thỉnh thoảng một vài chiếc xe máy chạy ngang qua phả khói xăng trộn lẫn mùi phân trâu bò hắc lên ngai ngái hăng hắc khó chịu khi cái mũi của chị luôn bị dị ứng. Thằng Phúc chờ mẹ mãi cũng nóng lòng, nên ra ngõ đứng trông, bất ngờ reo lên:
- Đúng là con bò của bà Hai! Mẹ tìm nó ở đâu vậy?!...
- Nó nhớ bà Hai! Nằm ngoài mả suốt đêm. Mẹ năn nỉ vuốt ve nó mới chịu về cùng. Con lừa nó vô chuồng rồi đóng cổng lại nghen!
Thằng Phúc hớn hở chạy đi lấy nước đổ vào máng cho nó uống, chạy vào bếp lấy dao liêm ra phía sau vườn chặt hai cây mía, cắt từng khúc, kê trên miếng ván dày khoảng năm phân, vuông vắn như mặt ghế đẩu, cầm cái chày nhỏ đập dập khúc mía, rồi đem bỏ vào chuồng cho con bò vàng ăn. Trời tối hẳn, Phúc bật ngọn đèn tròn tỏa sáng cả chuồng, những đôi mắt hiền từ lộ to nhìn quanh rồi nhắm lại, còn con vàng chỉ đưa mũi ngửi mấy khúc mía nằm ngay ngắn trước mõm nó không buồn nhai, chỉ uống chút nước rồi nằm im, mắt đờ đẫn xa xăm…
Ở trong nhà chị Hạnh gọi vô dùng cơm với mẹ, Phúc dạ nhưng vẫn cứ phân vân sợ con bò đói, xem chừng một lát sau mới chạy vào nói với mẹ cho nó uống thuốc, nó bị đau rồi đấy. Phúc thắp một cây nhang đứng trước bàn thờ lẩm nhẩm: Bà Hai ơi, con bò đã về chuồng rồi, cháu sẽ chăm sóc nó tử tế!...bÁnh mắt bà nhòa đi hiền từ nhìn cháu.
Hương khói tỏa quanh nhà.
Thường ngày Phúc phải đạp xe đi học và về nhà gần mười cây số, chiều lại thỉnh thoảng sang thăm bà Hai. Lúc thì cùng bà nhổ cỏ vườn, giúp bà dọn chuồng bò, hốt phân ra ngoài ủ kín lại cho hoai để mùa sau bón ruộng, lúc thì bỏ rơm cho bò ăn. Bà thương Phúc lắm, mới học lớp bảy mà biết làm được mọi chuyện trong gia đình. Bà bảo cho con bò đóng tiền học phí khi vào đại học. Chị Hạnh nghe vậy mừng lắm, ngoài một sào rưỡi ruộng nhà nước cấp cho hai mẹ con, chị không có đất vườn gì cả, được ông bà nội lúc sống cất cho cái nhà cấp bốn nho nhỏ đủ hai mẹ con chị ở phía góc vườn tự đường họ Hà, như thế là quý lắm rồi. Chị xin che cái chuồng gà chuồng heo phía sau bếp để chăn nuôi thêm dành dụm lúc ốm đau, ông bà không giúp gì cho cháu khi cơ nhỡ nên cũng đồng ý luôn. Thực ra chị phải ở chung và thừa hưởng gia tài tự đường và thờ cúng giỗ, nhưng vì chồng chị mất sớm lúc mới về nhà chồng được nửa năm và đang có thai ba tháng tuổi. Với lại chị muốn được tự do trong sinh hoạt cá nhân vì còn một chú út đi làm xa sắp cưới vợ nữa rồi.
Nhìn di ảnh cô Hai, chị Hạnh cứ ngậm ngùi thương nhớ. Chị nhớ khi chồng chị vừa mất, trong nhà chỉ có cô Hai là người hiểu chị nhiều nhất. So với cô Hai chị còn hạnh phúc vì đứa bé đang từng giờ từng ngày quẫy đạp trong bụng chị chờ ngày ra đời và đó là giọt máu đầu tiên cũng là cuối cùng của chồng chị. Chứ cuộc đời cô Hai làm gì có được diễm phúc làm mẹ như chị. Những đêm nằm bên, chị cứ đắng lòng nghe kể lúc nhớ lúc quên thành một xâu chuỗi về tuổi xuân của cô Hai từ khi học xong lớp đệ nhất, đỗ tú tài hai, cô Hai chọn thi vào trường Nữ hộ sinh Quốc gia Huế, học ở đó ba năm, ra trường về làm ở Lệ Cần, Pleiku. Đến năm hai mươi bảy tuổi mới lập gia đình, chồng cô chính là bạn học cùng lớp từ thời phổ thông với cô. Anh có khuôn mặt chữ điền khá là đẹp trai, dáng người cân đối, mái tóc lúc nào cũng húi cao trông lại càng cao hơn, ăn mặc rất giản dị với chiếc áo sơ mi trắng hoặc màu, cà vạt màu xanh đen, quần chỉ một màu xanh đen, đôi giày da màu đen khi lên lớp. Tất cả đã tạo nên phong cách thầy giáo mẫu mực. Đã tám năm qua cứ ngỡ chị muộn con, chiều hôm đó ở bệnh viện Từ Dũ về, bà Lãm mới biết con dâu mình vô sinh. Bà nói ra nói vào có chồng mà không có con ví bằng hoa nở trên non một mình, có lúc bà đay nghiến bảo là ăn ở độc nên đâu được lộc trời cho, cô Hai nhớ nhất đêm giao thừa năm Ất Mão đó, khói hương trên bàn thờ chưa tàn, bà gọi cô Hai vào ngồi trước bàn thờ tổ tiên rồi bảo:
- Chị đã không có con, sao chẳng biết thân phận mình, hãy thả thằng Phan nhà tôi ra để nó có vợ khác?! Hay chị muốn dòng họ nhà tôi tuyệt tự?! Chị nói trước vong linh ông bà nội thằng Phan đi chứ?!
Mỗi lời nói bà kéo dài và nhấn giọng ở cuối câu, đôi mắt ở tuổi sáu mươi lúc này bén hơn cả dao cau cắt hẳn trái tim chị ra nhiều mảnh vụn. Bình thường mỗi lần xúc động điều gì, nước mắt ứa ra lăn dài trên má, nhưng sao lúc này khô khốc chảy ngược vào trong mặn chát từng thớ thịt thớ da, chị im lặng cúi đầu. Anh Phan đứng ở nhà dưới đã nghe hết câu chuyện, giả vờ kéo lê đôi dép xuống nền bước lên nhà trên hỏi mẹ dạy vợ con chuyện gì, chia bớt cho con trai với chứ để con thiệt thòi mất phần là con không chịu đâu! Được thể bà Lãm phán một câu thật đẹp: Con trai mẹ bị cắm sừng mà còn giả ngây giả ngô, trên đời này đâu có ai thờ vợ như mầy hả con!!!
Bà vừa dứt lời, chị run bắn đôi chân, miệng lập cập có phải do trời rét ở nhiệt độ thay đổi thất thường, hay là từ chiều ăn vội chén cơm cúng rồi quét dọn nhà cửa đến bây giờ bụng đói. Chị chỉ có một lỗi là không sinh được con, sao mẹ chồng buộc tội gán ghép xúc phạm nhân cách chị đến như thế này, người mà bấy lâu nay được tiếng đồn gia phong nề nếp. Thường ngày bà vẫn một tiếng xưng mẹ với con đã ba năm qua rồi, tự dưng chỉ vì kết quả không mong muốn bà lại đối xử với chị như người dưng nước lã vậy sao! Chị muốn ra khỏi nhà đúng lúc một giờ ngày mùng một đầu năm. Nhưng anh Phan đã khóc, biết nói gì cho mẹ hiểu được đây…
Tháng giêng trôi qua thật nặng nề, những khóm dã quỳ dọc con đường đến bệnh viện cứ rưng rưng trong nắng gió se sắt vừa thân quen vừa xa lạ biết chừng nào. Màu vàng của hoa sao cứ nhòe nhoẹt khắc sâu vào trong đôi mắt chị thế! Chị mỉm cười chua chát thương chồng có một mà thương mình lại đến gấp đôi. Chị quyết định chia tay dù đóa quỳ ngai ngái ngày nào anh đùa tình yêu của chúng mình là sắc vàng quỳ bất tử như ánh sáng mặt trời của tự nhiên! Mặc cho anh thuyết phục, chị là của anh, chúng mình sống với nhau chứ có phải sống với mẹ đâu. Hay là nuôi con nuôi, hay là em… Hay là em cưới vợ khác cho anh chứ gì! Chị cắt ngang câu nói của anh. Nhưng chị hiểu và không thể…
Không khí mùa xuân 1975 cứ đọng lại trong chị những bộn bề, hồi hộp, lo âu, tủi hờn, e chề, khi cùng đoàn người di tản từ Phú Bổn xuống Tuy Hòa ngày đi đêm nghỉ, những bì cơm sấy vừa hết là lúc trời đã chạng vạng, chị sắp xếp chỗ nghỉ cùng một số chị em ở gần nhà trọ cũ của mình. Chị nằm dài ra gần lùm cây gần bờ sông che chắn lối đi, tưởng có thể ngắm sao hôm không bao giờ thay đổi giữa bầu trời cao xanh kia, nhưng hai mắt chị cứng lại lúc nào không hay biết gì nữa. Như phản ứng tự nhiên, chị cố mở mắt định đưa tay đẩy vật nặng đè trên người, hơi thở hổn hển cùng với mùi mồ hôi lâu ngày nằng nặc phả kín khuôn mặt chị, màn đêm vây quanh, thân mình chị cứng đờ bẹp trên mặt đất. Cái bóng đen đã làm xong nhiệm vụ của một con đực, ngã mình qua một bên ngáy phò phò. Chị giật mình tỉnh giấc khi sương thấm lạnh, xung quanh là cả đoàn người vẫn nằm la liệt. Cái quần của chị lưng chừng một ống còn một ống nữa nằm trễ nãi bên cạnh người đàn ông lạ.Chị đã hiểu ra, thôi mình đã có chồng rồi cũng không sao, chỉ thương mấy đứa con gái lỡ bị… thì tiếc lắm. Mà thời buổi loạn lạc này biết kêu cứu ai đây, còn sống là mừng….
Vâng, còn sống là còn niềm vui vô tận, cái giá của sự sống hơn cả vàng bạc kim cương. Cái giá của sự sống được đổi bằng sự nhịn nhục chịu đựng thể xác chứ không thể bằng trí tuệ và tâm hồn. Nước mắt chan hòa mừng mừng tủi tủi mong được gặp lại cha mẹ anh em trong những ngày về quê đoàn tụ. Bụi chuối chát góc vườn thuở nào cho gia đình chị những cây non làm món rau ăn ghém chấm mắm cua ngon lành cho bữa cơm chiều ấm áp, giờ còn trơ trụi để lại những cái lổ khoét sâu to gấp đôi gấp ba cái muỗng dừa. Những cây thảo nhơn không trồng to bằng cổ tay mà nào thành hàng thành lối. Chị cùng gia đình bắt tay dọn dẹp lại nhà cửa, phát quang khuôn vườn bao nhiêu năm bỏ hoang. Chỉ một năm sau, hoa quả rau xanh đủ dùng thường ngày. Mười hai con vịt cũng cho chị được chục trứng. Thường năm ngày đến phiên chợ, chị mang ra chợ bán và mua về cá, tôm, thịt,… đổi món cho bữa cơm được ngon miệng hơn. Một năm qua chị xin vào làm ở trạm xá của xã. Chỉ khổ nhất là những đêm trực một mình chị phải vừa nhóm lửa nấu nước, vừa đỡ đẻ. Rồi cũng thành thói quen cùng hai việc “Bà đỡ” và hộ lí. Kể cả khi thai ngược, với chị cũng thuận chiều cho mẹ tròn con vuông. Một cháu bé khóc chào đời là một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt chị. Tiếng thơm lan xa đến cả huyện, cả tỉnh. Đến lúc vào tuổi năm mươi, con mắt trái của chị bị mờ phải đi bệnh viện đa khoa tỉnh cắt mây, nhưng từ lúc đó chị nhìn không rõ lắm và xin nghỉ việc. Quanh quẩn nuôi mấy con gà, con vịt trong nhà cũng buồn, chị nghĩ việc nuôi thêm vài con bò cũng hay…
Từ ngày bà Lãm mất, anh Phan không ở trong phòng đọc sách thì sang nhà hàng xóm đánh cờ vui chơi. Có một điểm rất lạ là anh không bao giờ uống rượu như những người đàn ông khác bị vợ con càm ràm nhăn nhó. Chỉ có điều cô Hạ, vợ thứ hai của anh Phan đã có hai thằng con trai lại hay ghen ngược với chị. Kể từ lúc mới về làm dâu nhà bà Lãm cho tới nay đã gần ba mươi năm, nhưng mỗi lần gặp chị, chưa bao giờ cô Hạ bắt chuyện trước hay thăm hỏi chị một lời, mặc dù hai nhà chỉ cách nhau một hàng rào chè xanh. Còn với chị thì ngược lại, thăm hỏi cô Hạ lúc ốm đau hay sinh đẻ, kể cả quà bánh cho con anh Phan. Những lúc ấy, anh Phan hay tránh mặt chị. Có phải anh Phan sợ phải nhìn vào đôi mắt như chỉ chờ chực khóc của chị không, có phải anh Phan sợ cô vợ “đẳng cấp” của mình hay bóng gió ghen tuông không, có phải anh Phan chưa nói được lời xin lỗi cùng chị không, hay anh Phan sợ chị phải hằng đêm trăn trở lộ rõ đôi mắt thâm quầng kia không?!... Với anh, chị là mối tình đầu. Còn với Hạ là sự sắp xếp của mẹ, là nghĩa vợ chồng, là mối ràng buộc con cái thì như thế có tội cho Hạ và anh không?!...
Trời mưa không ngớt. Đứng trước hiên nhà, anh Phan nhớ dáng mảnh khảnh của chị còn lại ngày nào trong chiếc áo tơi lùa đàn bò vào chuồng ở bên kia hàng rào mà ngậm ngùi. Giá như chị cùng anh có con, giá như mẹ anh không khát khao có đứa cháu nội, giá như… thì giờ này bên bếp lửa chiều thơm nức mùi cá bống kho tiêu. Cuộc đời có những thứ mình muốn chưa chắc đã được, có những thứ mình đâu đòi hỏi lại khắng khít gắn bó suốt đời! Rồi mình cũng yêu cũng quý cũng nâng niu những đứa con là giọt máu của mình đây. Âu cũng là sự sắp đặt của tự nhiên hay do con người quyết định. Anh Phan nóng ruột hơn hai tiếng đồng hồ mà sao điện nhà chị không sáng, giờ này anh xem hết chương trình thời sự chiều rồi, ruột anh cồn cào như thể muối xát vào trong. Anh nghĩ sang nhà cháu dâu của chị mượn cái cuốc để sớm mai đi chạp mả, lúc ấy hai mẹ con Hạnh cơm nước vừa xong. Nghe vậy, Hạnh bảo thằng Phúc ra chuồng bò nhà bà Hai lấy cuốc mới về cho ông Phan mượn.Thằng Phúc đi ngang qua cửa nhà bếp bà Hai còn mở, trong nhà tối ôm, nó gọi mãi mà không nghe tiếng bà Hai trả lời. Khi bật điện lên, thấy bà Hai nằm cong người bên cái bếp còn mặc nguyên chiếc áo mưa lúc chiều lùa bò về…
Tháng 12.2010
N.T.P
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét