Nhà văn - nhà báo Nam Thi
Xin được thưa trước: “tôi” trong tự sự này là linh hồn của một người đàn ông chết vì bệnh ung thư gan hơn một năm về trước, lúc đó mới 48 tuổi. Gã đẹp trai, có tài, nguyên là giám đốc một công ty du lịch quốc doanh của một thành phố biển đẹp nổi tiếng. Tiền đồ thăng quan tiến chức đang xán lạn, đùng một cái gã được chẩn đoán mắc bịnh nan y nầy, sau hơn ba năm chạy chữa với hai lần phẫu thuật, hết trong nước lại ra ngoại quốc, hết Tây y lại chuyển sang Đông y, hao tiền tốn của, cuối cùng gã bó tay chịu chết.
Gã chết, nhiều người thương tiếc nhưng cũng lắm kẻ mừng vì bớt đi một người ngáng đường hoạn lộ của họ. Khi gã nằm nhà thương mổ đợt đầu, người ta lũ lượt đến thăm, nhiều người thực lòng quan tâm chia sẻ, nhưng chắc có nhiều kẻ đến xem thử gã bệ rạc đến mức nào, liệu có qua khỏi không. Càng về sau càng ít người thăm viếng. Gã hầu như đã biến mất trong cuộc sống của nhiều người, trong đó không ít người từng gắn bó với gã. Cũng có người thực lòng muốn chăm sóc gã nhưng do hoàn cảnh riêng nên không thực hiện được ý nguyện. Cuối cùng, chỉ còn vợ con ngày đêm bên giường bệnh trong những ngày còn lại của gã. Âu đó cũng là lẽ thường.
Lẽ ra, gã không nên kéo dài cuộc tử chiến với ung thư lâu đến như vậy, chết sớm ngày nào tốt cho gã ngày ấy. Lúc đầu vết ung thư mới có một phân rưỡi, bác sĩ bảo mổ cắt đi là giải pháp tối ưu. Do chưa hiểu biết mấy về ung thư gã lên bàn mổ với hy vọng sẽ giải quyết dứt điểm cái của nợ ấy một lần. Làm người ai chả có bệnh, không bệnh nầy thì bệnh khác, gã may mắn phát hiện bệnh sớm - trong rủi có may là vậy - nên gã hăng hái lên bàn mổ với một vị giáo sư chuyên ngành nổi tiếng. Mười lăm ngày sau ca phẫu thuật, gã hồ hởi ra viện, trong tay cầm tờ giấy xét nghiệm với những chỉ số lạc quan. Gã dặn người thân không được tiết lộ gã bị ung thư mà chỉ là một cái bướu lành, cắt đi là xong. Gã trở lại công việc thường ngày và mấy tháng sau gã được quy hoạch là cán bộ lãnh đạo nguồn của tỉnh.
Mười ba tháng sau lần mổ thứ nhất, sức khỏe gã xuống cấp nhanh chóng. Thầy thuốc nội bó tay. Vợ gã bán một căn hộ ở Phú Mỹ Hưng để gã đi Singapore chữa trị. Bệnh đã di căn nên ở đó người ta từ chối mổ. Nằm viện một thời gian, tiền bán căn hộ vừa đủ trả viện phí. Tiền mất mà bệnh không giảm, bụng phình to dần, da vàng xỉn. Bán thêm hai lô đất đẹp ở Sài Gòn. Lần này gã bay qua Trung Quốc, xứ sở của Hoa Đà, may ra Đông – Tây y kết hợp có thể cứu được mạng. Gã liều chịu phẫu thuật lần hai. Phước chủ may thầy đâu không thấy, bệnh ngày càng trầm kha, tiền bạc ký cóp cả đời trôi ra sông ra biển, vợ con mòn mỏi nuôi bịnh, xác thân đau đớn, tiều tụy. May không bỏ mạng ở xứ người. Giá như gã nghèo kiết xác, có lẽ gã không phải kéo dài sự khổ đau thân xác và tinh thần đến thế.
Hai cuộc viễn chinh chiến đấu với tử thần hao tài, nhọc công. Gã đành về nhà, ai mách gì cũng uống, từ linh chi, sừng tê giác, mật gấu, đến mủ đu đủ đực, củ cỏ gấu… Chết còn sướng hơn.
Khi gã bắt đầu hôn mê sâu có hai sự kiện trớ trêu không mong đợi xảy ra. Dĩ nhiên con người sinh lý của gã đã trở nên vô tri vô giác như cái máy tính bị “treo” hệ điều hành, bị virus tàn phá dữ liệu, hoặc bị cắt nguồn. Nhưng con người khác với máy tính ở chỗ, linh hồn là một sản phẩm “phần mềm” thiêng liêng do nguyên khí đất trời kết tụ, đến từ đất trời và khi chết thì trả lại cho trời đất.
***
“Phần mềm” đó là tôi. Nếu không còn vướng mắc chuyện gì với trần thế, thì tôi êm ái lìa khỏi xác gã, trở về trời đất. Những vướng mắc ấy là vía, là sợi dây trói buộc, là cái neo giữ linh hồn lại.
Linh hồn vốn vô hình, vô tướng, phi thời gian, phi không gian. Vật chất thì hiện diện ở đây hoặc ở đó, còn linh hồn thì vừa ở đây vừa ở đó. Vật chất thì có quá khứ, hiện tại và tương lai, còn linh hồn không tồn tại trong thời gian…
Bởi vía của gã nặng nề, nên tôi chưa thoát khỏi thời gian và không gian. Chỉ khi nào cắt đứt được mấy cái neo quái quỷ ấy cố kéo tôi lại với trần thế để đòi nợ, khi ấy tôi mới thực sự giải thoát như ngọn đèn tắt trả lửa lại cho trời đất, lửa biến mất trong vô hình, vô tướng… vô tuyệt đối.
Như tôi đã nói, tôi có tới hai cái neo nảy sinh khi gã sắp chết.
Cái neo thứ nhất là việc chôn cất xác chết của gã. Khi còn tỉnh táo, gã đã dặn vợ con chôn gã bên cạnh mộ cha mẹ gã ở ngoài quê. Nhưng khi gã mới tắt thở, vợ con gã cho rằng chôn ngoài quê xa hàng nghìn cây số, mỗi lần đi thăm khó khăn, mà không đi thăm sẽ mang tiếng bất hiếu, bất nghĩa. Tôi thấy cũng có lý, nên khi họ thảy đồng tiền xin keo để hỏi ý kiến tôi, tôi liền chấp thuận. Sự sấp - ngửa của hai đồng tiền chẳng phải ngẫu nhiên, vì có bàn tay vô hình của tôi tác động vào. Đó là kênh thông tin giản đơn giữa linh hồn và người sống, ngoài ra còn có thể sử dụng các kênh khác như báo mộng, lên đồng, cầu cơ, ngoại cảm… vân… vân… Tôi “duyệt” thay đổi chỗ chôn xác gã vì thấy ý nguyện của vợ con gã hợp lý. Hơn nữa tôi muốn dứt nợ trần càng sớm càng tốt, nấn ná lưu luyến làm gì.
Con trai gã bèn liên hệ cơ quan có thẩm quyền để xin một chỗ chôn trong nghĩa trang dành cho cán bộ cao cấp mà gã đủ tiêu chuẩn. Thế là chuyện phiền toái lại xảy ra khi con gã đến nhận đất và chuẩn bị đào huyệt.
Số là lô đất được cấp để chôn gã trước đó đã được một sếp lớn chọn làm sinh phần của mình theo sự tư vấn của một thầy địa lý nhưng vì ông ta chưa chết nên chưa làm thủ tục giao chính thức. Chuyện này được giữ kín bởi ông ta đang sống sờ sờ ra đó, xuất hiện trong các hội nghị, trên truyền hình đều đều, lỡ chuyện xí phần ở nghĩa trang lộ ra thì thiên hạ sẽ cười cho thúi mũi, các đối thủ trong quan trường sẽ khai thác “đánh” không chết cũng trầy vi tróc vảy. Xưa nay vẫn thế, ông to nào khi còn chức quyền đều làm hai việc đại sự: giữ ghế và lo hậu sự. Từ các Pharaoh, Tần Thủy Hoàng, Tào Tháo cho tới hạng lục lục thường tài như sếp tỉnh lẻ này đều bỏ công của kiếm chỗ chôn mình. Họ xây mồ tuy lớn nhỏ có khác nhau, quan niệm về sống - chết khác nhau nhưng giống nhau ở chỗ luôn sợ người ta đào mồ cuốc mả mình. Mà có lăng mộ nào thoát khỏi bàn tay của kẻ thù và bọn trộm khai quật đâu, rồi đến lượt cuốc xẻng của những nhà khảo cổ và xe ủi của công nhân giải tỏa san lấp mặt bằng.
Ông này vốn là bạn của gã từ thời niên thiếu. Khi nghe tin lô đất ấy được cấp cho gã, ông ta ra tận nơi để xem hư thực thế nào. Thấy ông ta đến, cậu con gã cứ ngỡ cha mình được sếp lớn quan tâm. Ai dè, sau đó người quản lý nghĩa trang gặp vợ con gã trình bày sự việc, năn nỉ vợ gã để hoán đổi chỗ khác phía sau dãy mặt tiền. Vợ con gã phản đối, muốn làm lớn chuyện “coi thử ai xấu mặt”. Nhưng việc kiện tụng ắt kéo dài, mà cái xác của gã đâu có thể nằm chờ đó dăm, mười ngày được.
Hai đồng tiền kẽm lại thảy trước bàn thờ gã. Vợ gã lâm râm khấn xin ý kiến. Tôi muốn cho xong chuyện nên “quyết” cho hoán đổi. Cái thây ma vô dụng ấy chôn chỗ nào chả được. Để xem ông lớn nọ giành chỗ chôn đó có giúp mấy thằng con trai phá gia chi tử của ông ta bớt hư hỏng hay không. Nếu nhờ phúc địa ấy mà con cháu ba đời của ông ta trở nên lương thiện hơn thì cũng đỡ khổ cho xã hội. Giải quyết xong chuyện nầy coi như tôi nhẹ thêm được một nghiệp chướng, bớt đi một cái neo.
Nhưng còn một cái neo khác nặng nề hơn nhiều, đó là neo tình – nợ tình. Khi gã hôn mê sâu, con trai gã lấy cất điện thoại di động của gã. Ý định của nó là giữ cái máy và cả số thuê bao của cha để làm kỷ niệm. Nó mở xem những tin nhắn nhận được mà gã chưa kịp xóa. Trong những tin ấy có hai tin của một bà tên Mai, nội dung “giá gì em được ở bên anh…” và “em và con xin được để tang anh”.
Thật ra, từ khi biết cái chết sắp cận kề, gã định đem chuyện dan díu vụng trộm giữa gã và Mai thổ lộ với con trai nhưng gã cứ do dự mãi, rồi cái chết ập đến mà chưa kịp trối trăng với vợ con. Đương nhiên gã chẳng còn sợ kỷ luật của tổ chức về hành vi “hủ hóa” hay bị luật pháp xử phạt vì tội ngoại tình. Điều gã áy náy duy nhất là làm tổn thương vợ gã, nếu con trai gã mang chuyện này trình tấu với mẹ. Trong đời ai cũng có sai lầm. Nhưng có những sai lầm chẳng đặng đừng, biết là sai mà vẫn làm. Việc gã yêu và có con với Mai có lẽ là một trong những trường hợp ấy. Vì Mai là người phụ nữ mà bất kỳ người đàn ông bình thường nào như gã không thể không yêu. Tôi thấy không cần thiết đi sâu chi tiết tình sử của gã vì ái tình của con người xưa nay cơ bản giống nhau, nói mãi không hết. Hạnh phúc và đau khổ cận kề. Biết khổ mà vẫn lao vào. Nhưng nói cho cùng, chính ái tình và những nghịch lý của nó lại làm cho con người khác với những sinh vật khác trên trái đất. Đó là một phần của tính người. Cho nên, trong chuyện nhân tình nhân ngãi này tôi và gã là đồng phạm, nếu người ta cho đó là điều sai trái. Bởi tình yêu là trọn vẹn thể xác và tâm hồn. Và vì vậy, sau khi gã chết, còn lại tôi – linh hồn của gã – phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả.
Trước ngày mai táng gã, con trai gã nói với mẹ về chiếc điện thoại và những tin hắn của Mai. Vợ gã tỏ ra không ngạc nhiên, bảo nó:
- Má biết rồi. Má đã đọc mấy tin ấy sau khi ba con hôn mê sâu. Đêm hôm đó, ở bên ba con, má đã nghe tín hiệu nhận tin… Ý con thế nào?
Con trai gã nói:
- Con không biết. Đó là chuyện riêng của ba má…
Vợ gã bảo con:
- Thôi bỏ qua đi con. Nghĩa tử nghĩa tận… Nếu quả thật ba con có con riêng thì đứa bé ấy là em của con, cùng chung máu mủ của con. Việc ấy, sau nầy tùy con ứng xử.
Đúng như lời vợ gã nói ra, với số thuê bao của Mai còn lưu trong máy của gã, bà ấy đã thông báo cho Mai về chương trình tang lễ của gã. Mai và con nàng từ Sài Gòn ra, mang theo khăn tang, đi lẫn trong đám đông người đưa tiễn. Nàng và đứa con gái nhỏ ở lại bên mộ gã cho đến khi mọi người đã về hết. Có lẽ, vợ gã không nhận ra nàng vì họ chưa từng gặp mặt. Nhưng tôi thì “thấy” từng giọt nước mắt lăn trên má nàng, “nghe” được tiếng nàng gọi thầm tên gã…
Những lời vợ gã nói với con trai giải phóng cho tôi khỏi cái neo cuối cùng. Mọi chuyện thế gian coi như đã được thanh lý.
Từ ấy tôi nhẹ hẫng, bỏ lại cái xác của gã thối rữa ở nghĩa trang, trở về với uyên nguyên của đất trời, siêu thoát trong cõi vô cùng của tam thiên bát thiên thế giới, không còn bị cái neo nào níu kéo với cõi trần nầy nữa.
N.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét