Trong chuyến đi thực tế tại Bến Tre do Hội văn học dân gian thành phố Cần Thơ tổ chức, tôi đã được đi thăm rất nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, thắng cảnh đẹp… Bến Tre nay đã là một thành phố lớn với những con đường trải nhựa rộng thênh thang, với những hàng cây râm mát, những cây cầu nối dài mới đưa vào hoạt động như cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông góp phần làm cho giao thông thuận lợi, thu hút khách tham quan, du lịch. Nhưng điều thú vị nhất của tôi là đi xe ngựa, nghe đờn ca tài tử và ngồi trên tàu thuyền đi dạo vùng sông nước, tiếp xúc với bà con nơi đây giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống của bà con nông dân, những người dân lao động chân chất, hiền hòa. Trong khi khả năng khai thác du lịch sinh thái còn hạn chế thì người dân một số vùng ở Bến Tre đã nghĩ ra cách tổ chức các tour du lịch bằng xe ngựa kết hợp với đờn ca tài tử, đi tàu thuyền trên sông nước để ngắm cảnh thiên nhiên. Đây là hình thức du lịch sinh thái thân thiện giúp cho du khách có dịp gần gũi với thiên nhiên, cảm nhận hết những vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng.
Về Bến Tre ta cũng dễ dàng nhận thấy thế mạnh của Bến Tre không chỉ là kẹo dừa, những sản phẩm được làm từ dừa, những cù lao, những khu vườn xanh ngút trời mà từ xưa, Bến Tre còn nổi tiếng với xe ngựa và đờn ca tài tử. Không biết xe ngựa ở Bến tre có từ khi nào nhưng theo một số tư liệu thì khoảng năm 1930 xe ngựa có mặt ở khắp Nam kỳ lục tỉnh. Thời đó xe máy còn rất hiếm, đường sá nhỏ hẹp, gồ ghề khó đi nên phương tiện chủ yếu là xe ngựa (có nơi xe bò, xe trâu) vì ngựa có thể đi trên những con đường gồ ghề, chật hẹp. Ngày nay xã hội phát triển mạnh, xe máy đã thay thế cho xe ngựa nên xe ngựa giờ chỉ được dùng trong việc khai thác du lịch. Theo một số người dân sống lâu năm ở đây cho biết nhờ biết khai thác du lịch mà đời sống người dân nơi đây cũng khá hơn. Người dân nơi đây biết liên kết nhau để cùng nhau làm giàu như nhà nào có ao thì tổ chức câu cá, nhà nào có vườn trái cây thì tổ chức cho du khách đi thăm vườn, thưởng thức những trái chín thơm ngon, ngọt lịm, nhà nào có ngựa thì tổ chức đưa du khách đi ngắm cảnh bằng ngựa, có tàu thuyền thì đưa du khách ngắm cảnh bằng thuyền trên những kênh rạch chằng chịt với hai bên là những hàng dừa nước, bần… Không cần phương tiện hiện đại, du khách vẫn thấy thích thú, dễ chịu, thoải mái vì được hòa mình với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành. Cũng theo bà con nơi đây, thế mạnh của Bến Tre không chỉ có cảnh đẹp hoang sơ, các di tích mà còn có những câu lạc bộ đờn ca tài tử chuyên nghiệp làm xao lòng biết bao du khách, nhiều du khách đã trở lại nhiều lần chỉ để được nghe giọng hát ngọt ngào của các cô gái xứ dừa, được ngắm nhìn mái tóc dài bay trong gió, chiếc áo bà ba và chiếc nón lá duyên dáng làm tăng nét đẹp dịu dàng duyên dáng của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Bến Tre nói riêng. Và cũng vì mến thái độ thân thiện cũng như chất lượng phục vụ rất nhiệt tình của bà con nơi đây “Vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi"
Nét đặc biệt là Bến Tre có các tour du lịch bằng xe ngựa. Đến xã Tân Thạnh, huyện Châu Thành – Bến Tre chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên bởi các “bác tài” đánh xe ngựa ở đây đa phần là phụ nữ, những cô gái trẻ, đẹp với nước da bánh ít mịn màng. Không chỉ đánh xe ngựa, các cô gái này còn biết hát đờn ca tài tử, nếu có yêu cầu các cô có thể vừa cầm cương vừa hát một cách say sưa không cần đàn, trống. “Đội quân tóc dài" này hát cũng hay mà cầm cương cũng tài giỏi, chuyên nghiệp không thua gì đấng mày râu. Đúng là không hỗ danh con cháu của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Khi tôi hỏi chị Thủy, người quản lý tour du lịch nơi đây, tại sao nơi đây có nhiều phụ nữ làm dịch vụ đón khách bằng xe ngựa thì chị cho biết nơi đây đường nhỏ, ngựa cũng nhỏ hơn nơi khác, mỗi xe chỉ chở được khoảng 4-5 khách, phụ nữ có lợi thế là nhẹ cân hơn nam giúp ngựa bớt gánh nặng, ngựa đi sẽ dễ dàng và nhanh hơn, chỉ khi các cô bận hay có việc đột xuất thì các bác tài nam mới thay thế nhưng chỉ tạm thôi, các cô là chính mà. Có lẽ chị Thủy nói đúng bởi tôi quan sát các “bác tài nữ" này ai cũng dáng người thon thả, mảnh mai rất đẹp. Tôi hỏi một cô gái đứng bên xe, chở 4-5 khách vậy có quá nặng, quá sức của ngựa không, tôi thấy ngựa gồng mình gánh nặng như vậy thấy thương quá. Cô gái cười nói, không quá sức đâu, ngựa kéo xe được chủ chăm sóc kỹ cho ăn đầy đủ, thức ăn là cỏ tươi, chuối trộn với lúa, đôi khi cho ăn thêm mật đường để ngựa có đủ chất; đêm ngủ phải có màn tránh để muỗi đốt, phải tắm rửa mỗi ngày nếu không da sẽ đóng vảy; khi thấy ngựa có hiện tượng mỏi mệt thì cho nghỉ dưỡng sức, thuốc uống thường là thuốc nam. Những buổi chiều hết việc về tháo xe ra cho ngựa thong thả rong chơi nơi những đám cỏ xanh bên bờ ruộng để ngựa thảnh thơi gặm cỏ. Cô nói mỗi ngày đi làm về, là mỗi ngày cả người với ngựa đều mệt mỏi. Do vậy, được nghỉ ngơi là cảm giác thoải mái nhất khi màn đêm buông xuống. Con ngựa kéo trong nhà được xem như là một thành viên, là đứa con cưng nhất đấy. Bởi nó là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình. Còn chị Tuyền (người kéo xe ngựa) cho biết gia đình chị đã mấy đời sống bằng nghề kéo xe ngựa, chị tập cầm cương ngựa ngay từ nhỏ nên giờ những động tác của chị rất thành thạo. Tôi hỏi chị ngựa mang về có kéo xe liền được không. Chị nói không phải con ngựa nào cũng kéo xe được, muốn thuần ngựa phải mất cả tháng trời, cho ngựa lội sông đến khi mỏi nhừ, rồi mới dùng ngựa thuần trước đó đi dẫn đường tập cho ngựa mới quen dần, khi tập cho ngựa phải có đến 4-5 người cùng giúp, giữ ngựa đứng yên, ghìm cương ngựa, cho ngựa vào xe… mới kéo đi được, nhanh lắm thì một tháng, có con phải mất tháng rưỡi, hai tháng mới kéo xe được. Tôi nhìn những chú ngựa bên cỗ xe đang nhởn nhơ gặm cỏ mà thầm nghĩ: trải qua thời gian những chú ngựa trên vẫn cần cù làm việc giúp ích cho người chủ của chúng mà không một lời than phiền chỉ cần chủ cho ăn đầy đủ ,tắm rửa sạch sẽ là các chú sẽ làm việc cần mẫn hết sức lực của mình. Ngày nay hiếm có người còn giữ nghề xe ngựa bởi phương tiện không còn là nguồn sống. Ai còn giữ được nghề trước hết là vì niềm đam mê với ngựa, sau là vì có những người còn yêu những cuốc xe ngựa đường quê, có tâm hồn hoài cổ. Có lẽ tâm sự đó cũng là tâm sự của Bà Huyện Thanh Quan trong bài “Thăng Long hoài cổ” đã kín đáo gói trọn tâm tình thể hiện sự luyến tiếc khi gợi nhớ đến mối hoài cổ thành Thăng long xưa
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Không chỉ được đi xe ngựa mà đến đây du khách còn được đi trên những chiếc thuyền nhỏ len lỏi qua những kênh rạch chằng chịt, hai bên là những hàng dừa nước xanh rì, mát dịu. Điều thú vị là “bác tài" chèo ở đây cũng là phụ nữ, một cô gái dong dỏng cao, tóc dài, tính tình vui vẻ. Cô nói chuyện vui suốt chặng đường, nào chuyện gia đình, chuyện cư dân nơi đây, chuyện du khách… Thuyền từ từ trôi theo dòng nước, không hối hả, không vội vàng, du khách có thể tự do ngắm cảnh, chụp hình, quay phim, nói chuyện râm ran với những nụ cười sảng khoái và thả tâm hồn hòa nhập với thiên nhiên. Trước khi từ giã, tôi hỏi cô gái chèo thuyền sao các cô gái ở đây ai cũng có mái tóc dài và đẹp thế. Cô nói tóc dài và đẹp là do sử dụng dầu dừa Bến Tre đấy, nói xong cô cười rất tươi. Có lẽ vậy, cô gái đang tự hào về vùng quê của mình. Cũng đúng thôi, đáng tự hào mà! Bởi hình ảnh đó cũng đã được một nhạc sĩ ghi lại “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió, có phải người còn đó là con gái của Bến Tre…”
Cuộc vui nào cũng có lúc phải tàn, chúng tôi đành phải luyến tiếc từ giã Bến Tre. Trên đường về, âm thanh của tiếng móng sắt ngựa nhịp lốc cốc đều đều trên đường, tiếng lục lạc keng keng, tiếng ngựa hí, tiếng mái chèo khua nước như một điệu nhạc của tiếng lòng vang mãi bên tai khiến cho tôi bùi ngùi. Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại nơi đây để tận hưởng cảm giác ngồi trên xe ngựa, nghe tiếng vó ngựa lúc nhanh lúc chậm trên đường quê, mắt ngắm nhìn quê hương đất nước mình ngày một đổi mới mà tự hào.
Thạch Sene
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét