Nhà văn Nguyễn Thị Mây
Xóm Cù Lao có nhiều trẻ con nhưng nổi bật nhất là Dã Quì.
Ai cũng biết Dã Quì. Không phải vì nó ngoan mà do tính hay phá phách. Chỗ nào có Dã Quì tới, chỗ đó rối tinh lên, sự yên tĩnh biến mất, nhường chỗ cho náo nhiệt. Quì không thích ngồi yên một nơi. Nó thường đi rong khắp xóm. Cái xóm chẳng rộng gì cho lắm, nằm giữa hai con kênh, cái mương nhỏ và một con xẻo. Sóng nước đục ngầu, nhấp nhô, vây bọc vùng đất bạc màu. Vài chục nóc nhà lô xô, đứng trầm tư bên những bóng cây xanh mát. Chúng xòe tán rộng như chíếc dù thiên nhiên. Đó cũng là nơi giải trí của Dã Quì. Người ta cho rằng Dã Quì… cốt khỉ. Nên nó thích leo trèo, nhảy nhót. Quen lạ gì cũng không thoát được nó. Nếu muốn, Dã Quì tìm cách tót lên cây, làm đủ trò khỉ. Ngắt lá xanh ném xuống, rung cành cho lá vàng rơi tơi tả, hái trái chín ăn và trái non thì ném tứ tung. Chỉ có những khóm hoa là được yên ổn vì Dã Quì cho rằng loại này vô tích sự, chỉ làm vui lòng mấy con bướm mà thôi, tha cho nó.
Ba mẹ Dã Quì bị láng giềng “kể khổ” mỗi ngày ít nhất một lần. Họ khuyên ông bà nên sắm một sợi “xích chó” để xiềng Dã Quì, cho họ được yên. Vì ngoài chuyện tự tiện leo trèo cây cối nhà họ, Dã Quì còn hù dọa con cái họ. Nó thích trùm khăn, giả làm ma, lẻn vào sân dời cái chậu kiểng bên góc trái sang bên phải. Dã Quì cột một lá bùa màu đỏ, có vẽ loằng ngoằng những đường đen sì ngoài khung cửa sổ phòng học của tụi bạn, khiến cho chúng hoảng sợ khi bất ngờ trông thấy. Dã Quì còn nấp sau gốc đa bên đường, cất tiếng rên ư ử như ma… bị ốm. Dã Quì thường xuyên làm cho bọn trẻ sợ hãi, dù chúng biết tỏng rằng con ma đó chính là Dã Quì, thằng bạn của chúng.
Ở lớp, Dã Quì cũng quấy nhiễu bạn bè và cô giáo. Nó lấy mắc mèo thoa vào ghế cho các bạn bị ngứa, giấu hộp phấn và cây roi mây của cô giáo, để cô phải tìm mãi. Hoặc treo ngược bảng danh dự, lật bề lưng bảng chương trình, ngắt bớt một cánh hoa giấy dán để trang trí lớp và cắm thêm hoa ny lông vào bồn hoa thật của lớp.
Những lần trước, cô còn tra gạn. Riết rồi quen đi, không cần hỏi cô cũng biết rõ thủ phạm là ai. Nhưng học sinh ngạc nhiên vì chẳng thấy cô phạt Dã Quì, làm ngơ trước hiện tượng phá phách. Nhưng, một hôm, cô hỏi:
- Các em tin có ma hay không?
Học sinh nhao nhao:
- Tin! Tin…!
- Tại sao tin?
Một học sinh trả lời:
- Tụi em nghe người ta nói có ma… nên tin.
- Có em nào gặp ma chưa?
Không ai trả lời được. Cô kết luận:
- Vậy là chưa rõ có ma hay không ? Các em tin và sợ vẩn vơ, không căn cứ. Các em đã để cho những người thích… làm ma có cớ giễu cợt.
Dã Quì đỏ mặt, cả lớp cười rộ, cô cũng mỉm cười:
- Mà nếu như có ma thật thì “Con ma giả” nầy sẽ có ngày bị ma chánh hiệu… thanh toán, vì tội “mạo nhận”.
Sau buổi học đó, Dã Quì trở về nhà với trạng thái lo lắng. Khi sắp tới chỗ cây đa, nó chần chừ, chờ lũ bạn đi tới để cùng chạy một lượt. Mảnh giấy đỏ trong hộc bàn ở nhà, nó đốt hết và cây cối lân cận cũng không thấy bóng dáng Dã Quì mon men tới. Nó lẻn xuống bếp lấy trộm một tép tỏi, bỏ vào túi áo để “trừ tà, ếm ma” nếu có ma thật. Buổi tối, ba sai ra chợ mua gì, Dã Quì vừa chạy vừa đưa tay bắt ấn, miệng niệm Phật liên hồi. Thế nhưng nó cũng không thoát.
Dã Quì đang lầm lũi bước thì trời chợt tối sầm. Đèn đường phụt tắt. Có ánh lửa chập chờn phía trước. Ai treo cây đèn bão trên ngọn cây bàng. Dã Quì run lên bần bật, chân nó cóng lại, mồ hôi lạnh toát ra răng va vào nhau cồm cộp. Bỗng dưng, cây bàng động đậy. Cành lá như những cánh tay đưa cao, mỏi mệt, bất ngờ buông xuôi xuống, quặt quà quặt quại, gốc cây lay lay rồi tưng cọng rễ rút ra khỏi mặt đất. Cây bàng lửng thửng tiến dần tới chỗ Dã Quì đang đứng chôn chân. Nó đưa những “cánh tay” đầy lá ôm choàng lấy Dã Quì, nhấc bổng thằng bé như người mẹ ôm con vào lòng. Dã Quì kinh hải thét lên và nhắm nghiền mắt. Cây bàng ra lệnh:
- Mau biến thành một chiếc lá! Biến!
Dã Quì bỗng thấy mình mềm nhũn, nhẹ tênh và bay lên, bám vào cành cây. Nó đã thành một chiếc lá. Dã Quì định kêu cứu nhưng tiếng nó tắt nghẹn, chỉ phát ra những âm thanh rì rào, lạc lõng. Đúng lúc đó, trời trở lại bình thường, ánh sáng chan hòa. Mấy chú chim chìa vôi từ đâu bay lại, đậu bên Dã Quì, hót ríu rít. Chúng bảo nhau:
- Trông kìa! Một chiếc lá non. Trông ngon lành quá!
Một chú chim đề nghị:
- Chúng ta hãy nếm thử!
Mỗi con mổ vào Dã Quì một cái, rứt ra một miếng… xác lá, khiến cho tấm thân mỏng mảnh của Dã Quì bị thương, thủng lỗ chỗ. Một con bĩu môi:
- Rõ chán! Chát ngầm, xảm xì hà!
Bầy chim rủ nhau bay mất. Chưa hết đau thì Dã Quì đã thấy các bạn láng giềng vừa đi tới. Quế An trông thấy “Chiếc lá Dã Quì” trước tiên. Nó reo lên:
- Trông kìa, một chiếc lá mới!
Các bạn “Ồ” lên kinh ngạc. An lại nói:
- Mùa này sao cây bàng lại thay lá nhỉ?
Thằng Tí Sún là đứa chúa nhát gan, nói rằng:
- Coi chừng lá ma đó!
Cả nhóm lại ồ lên và cùng… bỏ chạy. Dã Quì vừa tức cười vừa bực bội. Nó gọi với theo:
- Tôi là Dã Quì đây, các bạn ơi!
Nhưng không ai nghe được. Nó đành nằm phơi ra nắng. Hơi nóng mặt trời khiến cho những vết thương ban nãy đau nhức không thôi. Nó mau chóng làm héo làn da và vàng úa khuôn mặt sầu thảm của Dã Quì.
Khi lũ bạn tan học thì dã Quì đã trở nên già cỗi. Nó đang bám lấy cành và sợ điếng hồn mỗi khi có gió phất nhẹ.
Quế An lại kêu lên khi đi tới;
- Ủa, sao mới đó mà lá đã vàng úa!
Huy cụ non lý sự:
- Đời một chiếc lá là thế!
- Nhưng thường thì đời chúng cũng đâu ngắn ngủi thế!
- Ngắn dài gì cũng vậy thôi. Nếu nó không tự héo úa mà gặp phải tay thằng Dã Quì thì cũng bị… lìa cành như thường.
Tí Sún chợt thắc mắc:
- À, hôm nay, sao không thấy Dã Quì đi học vậy hả, tụi bây?
Quế An đoán”
- Hay là nó đã bị ma bắt hồn rồi!
Và, ba đứa bỗng nhìn lên chiếc lá hình dạng lạ lùng trên cây bàng. Chúng chợt đồng thanh lêu lên: "Ma!” rồi bỏ chạy Chúng chạy vắt giò lên cổ. Mặc cho Dã Quì thét gọi, kêu cứu vì nó cũng sợ hãi.
- Dã Quì, Dã Quì… dậy đi học, con! Giờ này mà còn nằm mơ, kêu réo om sòm hà.
Dã Quì chợt thức. Nó sung sướng khi thấy mình không bị biến thành một chiếc lá. Mẹ nó đang đứng trước mặt nó, mỉm cười.
- Dậy đi con, kẻo trễ!
Dã Quì mừng rỡ. Đúng là nó đã nằm mơ, một giấc mơ kinh dị, khủng khiếp. Nó lẩm bẩm: "May quá!” Mẹ Dã Quì ngạc nhiên:
- Con nói gì vậy?
- Mẹ ơi! Nếu một đứa trẻ có lỗi mà biết sửa lỗi thì có được tha thứ không hở mẹ?
Người mẹ nhìn đứa con yêu với ánh mắt dịu hiền, âu yếm:
- Nếu biết hối lỗi, chẳng những được tha thứ mà còn được mọi người khen ngợi.
Dã Quì ôm choàng lấy mẹ, hân hoan nói:
- Mẹ ơi! Từ nay,con sẽ ngoan ngoãn như bao trẻ khác, mẹ nhá.
Nắng lên. Một ngày mới bắt đầu. Dã Quì cũng là một con người mới.
N.T.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét