Nhà văn, nhà báo Nam Thi
Lúc này khoảng hơn 7 giờ sáng.
Minh lang thang trên bãi biển Nha Trang từ đầu đường Lê Lợi ngược về phía Café Bốn Mùa, nơi anh hẹn Thu. Nàng chỉ hứa chừng 8 đến 9 giờ, khi nào lên tới nơi nàng sẽ “nhá” máy di động. Nàng không đến sớm được bởi một trong tám đứa em của nàng bị sốt từ hôm qua nên nàng phải giúp mẹ săn sóc. Chính anh bảo nàng lúc nào em bé khỏe, hẵng gặp nhau. Khi anh đến thăm nhà, bé gái 4 tuổi đang sốt cao, mẹ nàng đang chườm nước đá cho bé.
Anh qua đêm ở một nhà nghỉ trên đường Hoàng Hoa Thám, song song với đường Trần Phú. Con đường nhỏ yên tĩnh có hàng chục mini hotel. Mỗi khi có dịp ghé Nha Trang anh đều lưu trú ở con đường này vì chỉ cần năm phút đi bộ là ra tới biển, muốn ăn gì cũng có, và anh thích nhất là những quán café vườn tao nhã. Trước khi ra biển, anh đã ăn bún bò Huế gần khách sạn và sau đó ngồi cả giờ ở café Cây Đa ở đầu đường, nghe lại những bản nhạc ưa thích mà đã lâu anh không có dịp vì cuộc sống bận rộn của một kỹ sư điện, anh thường có mặt ở công trường xa Sài Gòn.
Anh ngồi trên bờ kè đá ngắm biển. Dân Nha Trang quen tắm biển từ khi mặt trời chưa lên. Đám trai trẻ chia phe đá bóng trên bãi cát. Người lớn tuổi đi bộ trên lối đi dọc theo bờ cát hoặc tụ tập từng nhóm tập thể dục trên công viên. Có vẻ như người dân ở đây không ai bận rộn, chạy đua với thời gian, họ sống nhàn nhã, chậm rãi. Minh ước gì một ngày nào đó, anh được sống ở thành phố biển này. Anh đã nhiều lần nói với Thu điều đó và luôn được Thu hưởng ứng. Quen nhau từ khi Thu còn học Đại học Kinh tế năm thứ hai, đến nay đã bốn năm nhưng đây là lần đầu tiên nàng đưa anh về thăm nhà nàng. Nàng cứ lần khất mãi. Anh đoán dường như nàng có lý do nào đó khó bộc bạch với anh. Cho đến hôm nay anh mới biết Thu xuất thân từ làng trẻ SOS, và mẹ nàng là mẹ nuôi của những đứa trẻ bất hạnh, côi cút, vô thừa nhận trong đó có nàng. Chính vì vậy, nàng giữ kín thân phận mình, cho đến khi anh xin cưới nàng. Tình yêu cần thử thách trước khi đi đến hôn nhân.
Như vậy, nàng muốn anh hỏi lòng mình lần nữa khi biết được thân thế nàng.
Có cái gì đó lợn cợn trong lòng anh, tuy nhỏ như hạt bụi trong ly nước nhưng anh phải suy nghĩ thấu đáo trước khi cưới Thu. Từ đêm qua nằm ở khách sạn cho đến lúc này, ngồi trên bờ cát nhìn mặt biển mênh mông loang loáng nắng ban mai trong ngần, anh muốn lòng mình trầm lắng để tìm câu trả lời thực sự cho những câu hỏi nghiêm túc và thực tế. Chẳng hạn, với cuộc đời đặc biệt như thế, Thu có thể trở thành người vợ tốt hay không? Liệu có tác động nào về tâm sinh lý hay không? Và sau cùng, liệu má anh khi biết thân thế của Thu, có chấp nhận cho anh cưới nàng không? Chắc chắn Thu ít nhiều mang những mặc cảm nào đó về những thiệt thòi, bất hạnh của mình. Anh nhớ nhiều lần Thu bảo anh, nàng không muốn lập gia đình và luôn nói đến ước nguyện dành cuộc đời cho công việc thiện nguyện. Đến bây giờ, anh mới hiểu vì sao Thu có ý nguyện như thế. Sau này nàng thành vợ anh, nếu nàng còn giữ ý nguyện ấy, chắc chắn anh sẽ ủng hộ, tạo điều kiện cho nàng… Càng nghĩ anh càng thương Thu. Trước kia anh chỉ yêu một người con gái, lúc này anh không chỉ yêu mà còn thương cuộc đời nàng.
Mẹ Hảo, người mẹ nuôi của Thu anh gặp ở làng SOS hôm qua, đón anh và Thu niềm nở, chu đáo như bất cứ bà mẹ nào được con gái đưa người yêu về giới thiệu. Mỗi căn nhà trong làng này có một người mẹ như mẹ Hảo tự nguyện sống độc thân suốt đời để nuôi dưỡng những đứa trẻ bất hạnh. Họ chăm sóc lũ trẻ như những người mẹ mà họ không mang nặng đẻ đau sinh chúng ra. Lũ trẻ thương họ cũng như thương mẹ đẻ nhưng khi lớn lên chúng nhận ra sự thực người đàn bà nào đó đã sinh chúng chứ không phải người mẹ hiện hữu.
Chắc rằng chúng sẽ có ước nguyện tìm kiếm hoặc ít ra tìm hiểu về mẹ ruột của chúng. Không hẳn đứa nào cũng được toại nguyện. Chắc rằng chúng ít nhiều oán trách người đã tạo ra chúng rồi bỏ rơi chúng. Sự bất hạnh dù sao cũng sẽ đeo đẳng chúng suốt đời.
Trong lúc Thu bận chơi với mấy đứa bé vây quanh nàng vòi vĩnh bánh kẹo nàng mang về, mẹ Hảo nói với anh:
- Tôi có nghe bé Thu nói về cậu lâu rồi. Cũng như bao người mẹ khác tôi mong con mình được gặp người tốt như cậu. Nhưng cậu cũng nên suy nghĩ cho chín khi có một người vợ có hoàn cảnh như Thu, nhất là phía gia đình bên cậu.
Tôi nghĩ không nên che giấu sự thật. Mà việc gì phải che giấu vì sự bất hạnh không phải là điều xấu… Chính tôi khuyên bé Thu phải đưa cậu về đây cho cậu biết hết sự thật trước khi hai đứa có quyết định cuối cùng.
Anh nghe bà nói hết và chỉ đáp vỏn vẹn một tiếng “Dạ…”.
Nhiều lần Minh đã đưa Thu về thăm gia đình anh ở Mỹ Tho. Có lần gần Tết khi má anh gửi ít kẹo dừa cho mẹ Thu, nàng hai tay run run đón gói quà nhỏ, nước mắt lưng tròng. Lúc ấy anh hơi ngạc nhiên về sự dễ xúc động của nàng.
Đến lúc nầy thì anh đã hiểu những giọt nước mắt ấy của Thu. Anh còn nhớ nàng ấp úng: “Cảm ơn má”. Tiếng “má” tuy rất khẽ nhưng anh vẫn nghe được. Sau chuyến đi này, anh sẽ nói hết với má về Thu. Anh có chút lo lắng dù anh tin má anh sẽ chấp nhận vì bà có lòng nhân từ và thương con.
***
Thu điện thoại hỏi anh đang ở đâu để nàng tới. Anh bảo nàng anh đang ngồi bên cạnh những tượng đá. Khi nhìn nàng băng qua đường, anh có cảm giác khang khác. Người con gái ấy không còn là Thu của ngày hôm trước, tháng trước, năm trước. Dường như nàng là một phần của anh, gần gũi hơn, gắn bó hơn.
Cảm giác lạ lẫm làm anh xao xuyến. Khi đi bên nàng anh thấy mình cứ bị hút về phía nàng, khiến anh không thể không quàng tay dìu nàng dù anh biết nàng thường e thẹn với những cử chỉ âu yếm của anh ở nơi công cộng. Lần này Thu để yên cho anh dìu đi, thỉnh thoảng nàng còn quay đầu nhìn anh với đuôi mắt lúng liếng vừa thẹn thùng vừa mời gọi. Tóc nàng theo gió quấn quít vào má anh.
Họ chọn một bàn gần những cây phong ba ở café Bốn Mùa. Từ đó họ vừa nhấm nháp ly café đá thơm mát vừa có thể nhìn hết chiều dài bãi biển và mặt biển mênh mông. Minh lên tiếng trước:
- Em bé bớt chưa em?
Nàng đáp:
- Dạ, hết sốt rồi anh. Con nít mà, hễ trở trời là cảm cúm. Lúc nào cũng có đứa bịnh, có khi chúng lây cho nhau bịnh hết sáu bảy đứa… Mẹ em vất vả quanh năm với chúng nên quen rồi.
Đến lúc anh phải nói với Thu những điều cần nói:
- Sao từ lâu em không cho anh biết gì về em?
Dường như đã đoán trước câu hỏi của anh, Thu nhìn anh với một nụ cười quen thuộc:
- Em chưa cho anh biết vì chưa đến lúc. Em quý tình yêu của anh dành cho em. Nhưng theo em nghĩ tình yêu và hôn nhân khác nhau. Tình yêu không cần cơm, áo, gạo, tiền còn hôn nhân thì phải tính đến nhiều thứ thực tế, thậm chí cả môn đăng hộ đối… Tuy ai cũng cho quan niệm đó lạc hậu nhưng ít nhiều nó vẫn còn chi phối hôn nhân. Giờ thì anh biết em như thế nào rồi…
Minh lắng nghe hết những điều Thu vừa nói nhưng thấy không còn gì phải bận lòng. Anh chỉ im lặng nhìn nàng. Lòng anh rộn lên khi nhận ra hôm nay Thu tươi trẻ hơn với chiếc T-shirt màu mận chín. Gió biển từng lúc thổi tung tóc nàng bay xỏa trên má phơn phớt hồng, trên bờ vai thon và làn ngực trắng.
Anh thầm cảm ơn Thu đã cho anh ghé nhìn qua khung cửa đời nàng vừa hé mở. Minh muốn ôm Thu vào lòng và hôn nàng như chưa từng được âu yếm nàng như thế. Hẳn là Thu cũng nhận ra những điều mắt Minh muốn nói. Rồi sau đó họ cười đùa, trêu chọc nhau như họ vẫn thường như thế.
Thu cho anh biết thêm mẹ đẻ nàng chết khi sinh nàng. Bà không có người thân, nên làng SOS ở Gò Vấp nhận nàng và giao cho mẹ Hảo nuôi dạy nàng từ đó. Năm 1999, làng SOS Nha Trang thành lập, mẹ nàng chuyển về đây để được gần quê hơn vì bà gốc người Quy Nhơn. Lúc ấy, nàng học cấp 2, tiếp tục ở lại Sài Gòn, không theo mẹ Hảo được vì theo quy định của SOS các bà mẹ nuôi tự nguyện không lập gia đình, không sinh hoặc nhận bé nào làm con riêng.
Nhưng những quy định đó không ngăn cản quan hệ mẹ con với những đứa trẻ đã được bà nuôi nấng và cả khi chúng trưởng thành. Cho nên, mỗi khi có dịp là Thu ra Nha Trang thăm mẹ. Chính trong một chuyến đi như thế, nàng và Minh đã gặp nhau trên một chuyến tàu đêm Sài Gòn - NhaTrang.
Trong giấy khai sinh của nàng, mẹ đẻ nàng tên Nguyễn Thị Xuân, cha vô danh… Thu cho anh biết nàng đã bỏ nhiều công sức để tìm gốc gác của mẹ nàng nhưng hoàn toàn thất bại. Ngay cả ngôi mộ của bà, nàng cũng không tìm được. Bệnh viện nơi mẹ nàng qua đời cho biết những người chết không có thân nhân thường được chôn ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Có hàng vạn ngôi mộ ở đó, nàng không thể tìm một cây kim trong đám cỏ.
Một hôm trước ngày cưới của họ không lâu, Minh đã tìm thấy một ngôi mộ có thể là của mẹ Thu. Trước đó anh đã thuê đám trẻ bụi đời ở nghĩa trang tìm giúp, chỉ vài ngày sau, chúng đã báo kết quả.
Chúng dẫn anh đi xem một ngôi mộ vô chủ lè tè với tấm bia bằng xi măng xiêu vẹo nằm lẫn trong đám cỏ có khắc tên Nguyễn Thị Xuân, giống tên mẹ của Thu ghi trong giấy khai sinh. Ngoài ra, không có thông tin gì khác, những dòng ghi ngày sinh, ngày chết lớp xi măng đã bị bong tróc không còn đọc được.
Với chỉ cái tên giống nhau ấy chưa đủ yếu tố kết luận người nằm dưới mộ là mẹ của Thu. Tuy vậy, Thu cũng bảo anh đưa nàng đi xem. Chính nàng biết như vậy nhưng nàng đã quyết định xây mộ.
Lần đầu thắp hương trước ngôi mộ mới xây, nàng ràn rụa nước mắt và khẽ gọi:
- Mẹ ơi!
27.3.2013
N.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét