Nhà thơ Triệu Từ Truyền
Triết ngồi xe đò đi Vũng Tàu. Xe chạy nhanh trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, bấy giờ là tháng giêng năm 1970. Sau ba năm bị tù đày ở nhiều trại giam, kể cả chuồng cọp Côn Đảo, lần đầu tiên Triết tự do đi xa. Anh cắt tóc ngắn mặc áo trắng, quần xanh, đi giầy da đen bóng, da mặt trắng hơn vì ít gặp nắng trời. Anh miên man nhớ lại ba mình hai năm trước ông đã mất vì bệnh, lúc anh còn bị giam ở tổng nha cảnh sát, bị điều tra chưa xử án. Triết hồi tưởng tiếp thuở còn cha: Vào mỗi trưa thứ bảy hơn mười mấy năm trước, một chiếc xe hàng chở không đầy ba mươi công nhân và trẻ con, đi tắm biển Vũng Tàu, thường gọi là đi Ô Cấp, họ ngồi ngổn ngang xuống sàn xe. Ba thường mua năm, bảy ổ bánh mì; vài hộp cá mòi Sardin, xuất xưởng từ Ma Rốc. Thức ăn của hai cha con trong một ngày rưỡi đi tắm biển. Vào năm 1955, chiếc xe hàng này vốn vận chuyển vật liệu của Ty vật liệu thuộc Nha thương cảng Sài Gòn.
Cậu bé Triết là dân miệt vườn, lớn lên trong cơ quan kháng chiến ở bưng biền miền Tây Nam
Bộ. Trong chìm nổi những trận càn quét nên sớm hình thành ý thức phản kháng thực dân thống trị. Triết biết biển lần đầu trong ký ức sơ sài như vậy. Có lẽ là Bãi Sau, thời ấy rất vắng người; rải rác mấy hòn đá to; đàn ông, con trai mặc quần cụt đen nhào xuống nước biển. Trời tối, trải chiếc đệm nằm trên cát, Triết không nhớ có lần nào gặp mưa? Nếu mắc mưa sẽ ra sao?!
Chiếc xe đò 50 chỗ đầy khách đang qua cầu Sài Gòn, ngồi cạnh Triết là một phụ nữ, nàng kín đáo liếc nhìn anh. Nàng trạc tuổi anh, có lẽ trên dưới 23, màu da sáng trắng, đôi mắt to, áo bà ba kiểu cọ màu vàng chanh. Anh ngồi lặng thinh nhìn thẳng
phía trước, suy xét về người phụ nữ; nàng là ai người tốt hay làm chỉ điểm? Bạn đồng hành với Triết là một phụ nữ khác, chị ngồi ở băng ghế trên cùng. Hai người tỏ ra không quen biết. Triết muốn ứng xử bình thường như mọi người đàn ông; anh nhìn thẳng vào mắt nàng mỉm cười.
Nàng bắt chuyện:
- Anh ra Vũng Tàu?
- Tôi xuống bến xe.
- Em nhìn anh quen quá... anh có thường tới câu lạc bộ sĩ quan?
- Ít khi lắm. (Triết thầm nghĩ nàng ngộ nhận mình là sĩ quan Sài Gòn).
- Em nấu ăn ở đó!
Trí yên tâm vì biết chắc nàng không là indicateur. Anh dẫn dắt chuyện tiếp.
- Quê cô ở đâu?
- Mỹ Tho... em ở Hòa Khánh.
- Tôi ở Cổ Cò.
- Em biết rồi anh ở gần bắc Mỹ Thuận.
Nàng nghiêng đầu để đối mặt với anh, ánh mắt chợt tối lại, dù nở nụ cười mỉm rất duyên:
- Anh đi nhận chức trưởng đồn chớ gì...?
Triết mỉm cười đáp lại, im lặng, nheo mắt, làm tín hiệu đồng thuận.
Chồng em tử trận năm ngoái, - đôi mắt ngấn lệ, người cô phụ hạ giọng như chỉ nói với chính mình.
- Chiến tranh mà, cô có con nhỏ không?
- Em có một trai 3 tuổi gửi ngoại ở Hòa Khánh.
Triết thương cảm cho người phụ nữ trẻ, sao chị không lấy chồng làm gì khác... nếu lấy chồng hoạt động cách mạng... cũng có thể chết. Anh tự thấy mình lẩn thẩn quá. Anh chợt thấy việc này nghiêm trọng hơn, dặn lòng mình không kể với ai hết, cho đến ngày xuống mồ; vì nếu có người trong tổ chức biết, anh sẽ bị quy là thiếu lập trường, quan điểm; tác phong thế nào, ăn nói thế nào mà quần chúng đánh giá là sĩ quan của địch. Bàn tay nàng chạm nhẹ vào vai anh:
- Xin lỗi em muốn biết tên anh?
- Tôi là Tân - anh nói tên trong căn cước làm giả.
- Còn em là Bích Ngọc... để em ghi địa chỉ nhà riêng ở Vũng Tàu.
Bích Ngọc đưa mảnh giấy cho Triết, bàn tay nàng run lên trong cơn xúc động dâng trào. Bàn
tay mỏng manh rụt rè muốn nắm chặt tay anh, vừa vội vã vừa ngại ngùng. Anh nhìn bàn tay thon từng ngón dài, nhưng không khít lại, vết chai sần bên trong, cổ tay vài vết bỏng. Bàn tay nàng run run lơ lửng khoảng không, cô đơn, lạnh giá. Triết cảm nhận như nhìn em bé sắp té ngã, không thể không đỡ, anh chìa tay ra, bàn tay nàng rớt vào, bấu chặt như để được sống. Nếu không phải trong xe đò, không là chỗ công cộng, có lẽ nàng đã ôm hôn anh.
Xe đi qua một đọan nhiều nhà phố liền kề nhau, hàng quán nhộn nhịp. Nàng nhìn ra cửa sổ nói khẽ:
- Đã đến Long Thành mau quá anh!
Triết lúng túng làm sao rút tay ra; ý tưởng biệnnminh hiện lên: “Không sao, quen với người quả phụ đối phương này sẽ có lợi đi lại họat động hợp pháp. “Nàng nghiêng đầu vào vai anh, Triết hơi lo ngại người bạn gái đồng hành nhìn thấy; anh hướng mắt lên phía trước. Hạnh vẫn nhìn thẳng không nghiêng đầu ra sau... Bích Ngọc thủ thỉ:
- Em có đạo Công giáo, tin Chúa nhưng ít dịp đi nhà thờ. Hai ngàn năm trước Chúa khuyên ai tát vào má này cho họ tát tiếp vào má kia, nhưng em thấy chẳng ai làm được. Một số nguyên thủ quốc gia hiếu chiến, ai cũng muốn diệt đối phương đến người cuối cùng; anh làm trưởng đồn đừng giết người nghe anh. Ở Hòa Khánh có một chuyện rất đau lòng, người em con chú là trưởng đồn phục kích bắn chết anh con bác là bí thư chi bộ xã, một tuần sau du kích lại bắn chết trưởng đồn, ông nội em gần như điên vì trong vòng bảy ngày ông phải đi chôn hai cháu trai.
Triết giả như lơ đãng không nghe Bích Ngọc nói gì. Anh nói to cố ý cho Hạnh nghe, “cho tôi
xuống xe”. Đúng theo dự tính của giao liên, Triết xuống xe dọc đường, xe Honda ôm đưa đến chỗ họp mặt, Hạnh tiếp tục đi đến bến xe. Bích Ngọc đưa mắt ngơ ngác:
- Anh xuống đây sao?
- Ờ vào đồn gần hơn.
- Em theo anh luôn được không?
- Thôi, không tiện đâu, chắc chắn gặp lại.
Xe dừng, Triết nhoài ra cửa xuống xe, Bích Ngọc chồm theo, hôn lướt qua má và một phần
môi anh. Ngồi sau Honda của giao liên, Triết ngẫm nghĩ về Hạnh và Bích Ngọc.
Ba năm trước, Hạnh là nữ sinh một trường trung học nữ nổi tiếng của Sài Gòn, Hạnh là bạn chiến đấu. Hạnh rất quyết liệt, có lần ở trong nhà một bà má phong trào, được bà đùm bọc, nuôi ăn, che giấu để hoạt động. Hạnh biết bà má có đứa con đang đi lính Sài Gòn, Hạnh vẫn nói tiêu diệt kẻ thù, không chút kiêng dè; có lẽ Hạnh lỡ lời chăng? Triết càng cảm phục bà má, vì sau đó bà má vẫn xử sự ân cần với Hạnh. Còn Bích Ngọc đúng là nạn nhân, theo nghĩa đầy đủ nhất của chiến tranh.
Honda ôm đưa Triết đến một ngôi biệt thự ở Long Hải, cuộc họp được bắt đầu ngay khi anh
đến. Vợ chồng người giữ nhà canh gác và phục vụ ăn ở. Người chồng đã gần lục tuần, sống qua nhiều chế độ cầm quyền, uống rượu đã ngà ngà:
- Các cháu tháo centure ra, để ăn no, đồ biển ngon lắm.
Bà vợ sửa sai:
- Ông quên Tây về nước hết rồi a, centure,
centure... dây nịt thì nói dây nịt đi...
Những tia nắng cuối cùng đang chìm xuống đường chân trời của biển. Hạnh và Triết ngồi ngắm hòang hôn ngoài bãi cát. Hai người đang bàn về bố trí công tác trong tổ chức, đột nhiên, Hạnh hỏi:
- Ai ngồi cùng băng ghế với anh?
- Tình cờ làm sao biết được.
- Sao anh nói chuyện nhiều và lâu quá vậy?
- Họ hỏi thì phải trả lời chớ sao?!
- Anh nên bỏ tật truyền kiếp của đàn ông đi!
Triết nắm tay Hạnh:
- Em đừng lo quá!
Hạnh rút tay ra:
- Mấy đứa nó thấy kìa.
Anh nhìn quanh, bãi vắng, trời tối đen, không nhìn được cử động của bất kỳ ai. Triết ra tù, Hạnh chăm sóc anh tận tình, từ lo khám chữa bệnh, đến bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, nên bên cạnh tình đồng đội họ còn chớm rung động con tim. Tiếng súng nổ xa xa, vài loạt pháo cầm chừng, không gây ai lưu ý; ốc đảo bình yên giữa sa mạc chiến tranh dữ dội. Cuộc họp tiếp tục khoảng một giờ, thì có tin cảnh sát đặc biệt sẽ xét nhà. Mỗi người phải tản ra và tự tìm đường rút cho an toàn. Triết đi ra hướng Vũng Tàu vì anh sẵn có địa chỉ nhà Bích Ngọc. Anh nhìn đồng hồ tay, phân vân có khuya quá chăng? 23 giờ rồi! Nhưng biết làm sao tốt hơn. Anh mạnh dạn gõ cửa, Bích Ngọc nhìn qua cửa sổ:
- Trời ơi, em biết thế nào anh cũng tới! Nàng gấp gáp tra chìa khóa vào cửa.
- Em mừng quá, anh làm em bị sét đánh rồi! Vào đi anh! Em dọn cơm nha.
Triết vào nhà, nói dối rất hệ thống:
- Anh dùng cơm chiều rồi. Đám lính anh cho ăn nhiều cua, ghẹ quá...
- Sao trưởng đồn trốn ra được hay vậy?
- Anh nói với tụi nó cho tao đi gặp người yêu, sáng tao trình diện sớm.
Bích Ngọc mở tủ lạnh làm soda chanh đường:
- Em nghĩ bây giờ uống bia sẽ khó ngủ lắm! Anh nằm đỡ xuống ghế dài của salon nghỉ một chút đi; em nói đứa em nó dọn phòng cho anh.
Triết ngả lưng, cảm nhận không khí đầm ấm yên lành. Anh có hỏi trước khi thiếp đi:
- Trong nhà còn ai nữa không?.
- Ngoài em ra chỉ có đứa em gái kết nghĩa thôi.
Quá căng thẳng, mệt mỏi, nhưng Triết cũng chỉ chợp mắt khoảng 15 phút. Anh ngồi dậy và lo lắng, tiếng nói của Bích Ngọc từ trong buồng vọng ra làm anh yên tâm:
- Anh uống nước rồi đi tắm, em đã nấu nước nóng.
Triết làm theo chỉ dẫn của nàng. Sau đó anh lên giường ngủ thiếp; anh không thắc mắc sao gối tỏa ra mùi hương của phụ nữ. Nửa đêm, anh tỉnh giấc vì mắc tiểu, có cánh tay
phụ nữ choàng qua ngực anh. Anh đưa bàn tay sờ vào bàn tay âu yếm ấy, tim anh bỗng hồi hộp, sống lưng gay gay lạnh dần dần. Anh chưa qua đêm với người khác phái bao giờ. Bích Ngọc càng ôm ghì anh hơn. Anh thở nhanh, cả người lạnh toát như bị sốt rét. Anh chống chế để thoát khỏi bàn tay ấm của nàng:
- Xin lỗi anh mắc tiểu!
Nàng không cho anh nói, bằng cách đưa lưỡi vào môi anh, rồi họ hôn nhau say đắm. Nàng mặc áo ngủ, trong ánh sáng đục mờ làm nổi rõ thân hình đàn bà một con; đầy đặn và gợi cảm dữ dội. Triết là trai tân nên còn lớ ngớ, lại thêm nghĩ mình là cán bộ không thể làm chuyện phi đạo đức, lúc đầu anh hoàn toàn bị động, Bích Ngọc thì thầm: em không hấp dẫn sao?...
Anh ngủ sâu chừng hai giờ sau, anh vào nhà vệ sinh rồi trở lại giường làm người đàn ông thật sự. Anh đóng chặt hai thân xác đầy nhựa sống, bất chấp chiến tranh, bất chấp đạo đức giả, bất chấp hiểm nguy đang rình rập, không ai nghe tiếng giầy đinh, tiếng tu huýt xôn xao ngoài phố, của nhiều cuộc vây ráp trong đêm thời chiến.
Trời hừng sáng, anh từ giã Bích Ngọc bằng một lần ôm nhau nồng nàn nữa; vội vã đến điểm hẹn của giao liên. Giao liên đã bố trí cho Triết lên xe đò trở lại Sài Gòn, anh ngồi băng ghế đầu. Qua cầu Thị Vải; xe dừng lại có ni cô bước lên, cậu lơ xe ngồi cạnh anh, nhường chỗ cho ni cô. Ni cô nhìn Triết kín đáo nhiều lần. Anh tỏ ra lãnh đạm.
- Thưa có phải ông là Triết ở tổng vụ thanh niên
Phật tử?
Anh không thể bỏ qua được:
- Chị Tuyến phải không? Chị xuống tóc lúc nào vậy?
- Vào cuối năm, sau khi Viện Hóa Đạo bị tấn công và anh bị bắt. Anh được họ trả tự do hồi nào?
- Được sáu tháng rồi, chị đi tu ở Bà Rịa?
- Không tôi đi thăm sư cô trụ trì ngoài này. Mau quá mới đây mà bốn năm đã qua.
- Anh đi ra đây có việc gì? - Không đợi trả lời, ni cô tiếp.
- Ở đây thường đụng độ ác liệt lắm.
Cả hai im lặng. Triết nhớ lại: Tuyến năm ấy là sinh viên y khoa năm thứ nhất; tích cực cứu chữa những người bị thương hoặc ngất xỉu trong các cuộc xuống đường.Tuyến kể lại: Lúc anh bị bắt ai cũng lo chúng nó thủ tiêu anh... vì ai cũng biết an ninh quân đội trước đó nhiều lần đã bắn anh. Tuyến có đến thăm nuôi anh ở nha cảnh sát đô thành, mà họ không cho, qua đến Chí Hòa cũng vậy. Phải là mẹ hay vợ mới được vào thăm. Tuyến buồn quá về quê theo dì ruột đi tu.
- Sao không học tiếp để ra bác sĩ?
Ba má Tuyến sợ mình đi tranh đấu sẽ dẫn đến thoát ly theo giải phóng, nên ép gả cho ông phó quận trưởng, con trai bạn của ba Tuyến. Sợ quá trốn nhà theo dì Út xuống tóc đi tu. Dì Út có người yêu là bộ đội giải phóng tử trận ở Bình Giã.
- Đất nước bị giầy xéo tang thương, theo mình đi tu là tiêu cực quá!
Ni cô chắp tay niệm Phật, buồn và im lặng:
- Phật dạy không sát sanh, không dùng bạo lực đáp trả bạo lực. Dì Út nói bạo lực có thể tạm thời khống chế ai đó, nhưng nó không thuyết phục được con người. Anh biết cho Tuyến luôn ủng hộ anh, vì anh là chính nghĩa mà. Dì Út em nói bạo lực không phải là phương pháp duy nhất đúng. Thí dụ ở Ấn Độ, được độc lập nhờ chủ trương của Thánh Gandhi, bất bạo động. Dì Út nói đánh đổ bằng bạo lực sẽ tạo ra những người tôn thờ bạo lực mà bạo lực về thực chất là công cụ để hủy diệt, không tạo được xã hội công bằng dân chủ. Hơn nữa vũ trụ này cũng hiện ra theo tâm thức của con người; chiến tranh là nghiệp báo của xã hội. Mô Phật! Tuyến nói nhiều quá!
Triết xuống xe gần ngã ba Vũng Tàu. Tuyến còn kịp nhắn nhủ: anh ráng giữ đừng để bị bắt! Sau này có trở thành lãnh đạo, mà người đa cảm như anh khó lên cao lắm, anh nhớ hạn chế sát sanh, tránh xa hành vi giết đồng loại!
Triết xuống xe, đi vài trăm bước gặp điểm hẹn, anh lánh nhanh vào nhà. Hạnh chờ sẵn tại phòng khách, nhanh chóng dắt Honda ra cửa:
- Mình về sớm thôi anh. Đi ngả xa lộ Đại Hàn để tránh qua Hàng Xanh, bọn chiêu hồi nhìn mặt lúc này khá đông.
- Anh gặp Tuyến trên xe đò.
Hạnh mỉm cười.
- Anh ra ngõ luôn gặp phụ nữ, cảnh giác nha. Á, Hạnh y khoa hả; nhiều người đã xây dựng nó, mà nó thích đi tu hơn!
Hạnh ngồi sau, đặt hờ tay lên đùi Triết:
- Anh và em viết thư về cứ, báo cáo mình tìm hiểu nhau đi.
- Vũng Tàu sau hiệp định Genève khác rất xa với Vũng Tàu bây giờ! Triết trả lời vu vơ.
Sau giải phóng, Triết nếm trải bao thăng trầm, anh không thích hợp với những chức vụ lãnh đạo, anh đã trở thành nhà văn không mấy nổi tiếng. Những trang viết của Triết thường đầy ưu tư, không theo số đông, cô độc và đa nghĩa, gần 60 tuổi anh đi dự trại sáng tác ở Vũng Tàu. Mấy hôm liền Triết có cảm giác ai đó quan sát mình mỗi lần xuống bãi biển. Sáng sớm hôm nay cũng thế. Đang bước một mình ra biển, anh chợt nghe tiếng gọi khẽ phía sau:
- Ông Triết!
- Xin lỗi bà là ai mà biết tôi?
Người phụ nữ có tuổi này, Triết thấy quá quen nhưng không thể nhớ nổi là ai? Bà mỉm cười nói tiếp:
- Làm sao nhớ nổi anh Tân? Anh còn nhớ trên chuyến xe đò đi Vũng Tàu cuối năm 1969?
Triết bị che mờ ký ức thuở ấy lâu rồi, hơn nữa nhiều lần tự phê bình mình bị bản năng chi phối, mất cảnh giác, dù chuyện ấy là kỷ niệm đầu đời nhưng đối chiếu với lập luận giáo điều: “Sự rung động với Bích Ngọc là ngẫu nhiên, còn tình yêu với đồng đội mới là tất yếu”. Dù phải gặm nhấm nỗi cay đắng thêm nữa, nhưng không nỡ để một người phụ nữ thất vọng:
- Đúng, có lúc tôi lấy tên Tân hồi 30 năm trước. Thôi, mời chị ngồi tạm vào băng ghế này, mình nói chuyện tiếp. Triết chỉ vào ghế đá gần bên, người phụ nữ khoan thai và phúc hậu bắt đầu kể:
- Anh nhớ không, lúc đó mình còn trẻ quá, xin lỗi anh sau đêm định mệnh đó em nhớ anh điên dại, nên đã mò về Cổ Cò, tìm tông tích của anh, bà con của anh có người làm cai tổng nói rằng anh là Việt Cộng; em thất vọng ê chề. Nhưng không biết sao cứ nghĩ và tìm hiểu về anh. Một lần xem tivi có hình anh bị cảnh sát quốc gia truy nã, em rất buồn vì chắc không có dịp gặp lại anh, với ý định nói anh đừng theo giải phóng về sống suốt đời với em. Mắt bà ngấn lệ, nhưng mỉm cười ngay để trấn tỉnh. Triết bàng hoàng, vì thật ra làm sao quên được người phụ nữ đầu tiên của mình, dù cho nghịch cảnh đến đâu. Nhưng cuộc chiến đấu ác liệt, dai dẳng cộng với kiến thức duy lý “quy luật và những cặp phạm trù” đã làm anh cố ý vô tình. Triết cố nhớ tên đầy đủ của người đàn bà, nhưng chỉ nhớ được là Ngọc,
cái gì Ngọc đây? Thanh Ngọc; Lan Ngọc...???
- Bà Ngọc làm sao biết tôi ở đây?
- Em đã đi Mỹ sau 1975, biết anh còn sống vì em biết được tên thật của anh lúc về Cổ Cò; và quá dễ để tìm một nhà văn có tiếng. Em đã ra Vũng Tàu cùng ngày với anh đi dự trại sáng tác. Muốn gặp anh một lần để thanh toán món nợ tình giờ phút ấy. Tuần sau, em về Mỹ rồi!
Triết không biết phải làm sao? Phải nói gì đây? Anh lẩm bẩm một mình: “thân phận mỗi con người có sức sống hơn mọi học thuyết!”.
Bà cầm tay Triết, rung lên và siết mạnh:
- Anh nói gì đi! Nhà văn sao thiếu chữ quá vậy?? Anh muốn quên em như quên một gái điếm
chớ gì dù anh thừa biết không phải tình cờ thoáng qua vậy đâu! Phải không người tình một đêm của đời em? Cuộc gặp gỡ tình cờ nào mà không ngẫu nhiên, chuyện tình cảm sao đòi hỏi phải tất yếu?!
Khoảng lặng kéo dài. Bà không muốn bế tắc:
- Không sao, Vũng Tàu bây giờ đẹp không thua bờ biển Cannes của Pháp. Chỉ tiếc em không còn căn nhà và tuổi thanh xuân ở đây nữa!...
Viết ở Vũng Tàu, hoàn chỉnh ở Salavan,
Nam Lào tháng 6.2016
T.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét