Một trong những vật dụng quan trọng làm hành trang của lứa tuổi học trò là bút mực. Đi kèm với bút mực là thước kẻ, com-pa, bút chì, phấn, bảng… Bây giờ công nghệ sản xuất bút đã vô cùng phát triển, học trò được bố mẹ mua cho nhiều loại đắt tiền, mầu sắc sặc sỡ, trong đó thông dụng nhất là các loại bút bi, bút chì, bút máy ruột cứng bơm mực sẵn của các hãng nổi tiếng trong nước cũng như nước ngoài.
Học trò ngày xưa thiếu thốn, khác ngày nay nhiều quá. Lớp một và lớp bốn dùng bút chấm mực - dòng thủ công, chầm chậm, dễ rây bẩn nhưng bù lại có nhiều điểm mạnh. Các em nhỏ xưa đến trường thường một tay cắp cặp, tay kia cầm theo lọ mực, hễ chạy tay vung là mực sóng lên, rây ra đồ đạc. Ở lớp, học trò ngồi viết cứ phải nghiêng xẹo sang một bên. Cuốn vở để trước mặt, lọ mực để trước thẳng cánh tay phải thuận cầm bút. Bút chấm mực thường được gọi là bút tay, vì cứ mỗi cái chấm vào lọ, nhấc ra viết được một đến hai chữ thì lại chấm tiếp, rồi lại viết. Bởi vậy bút chấm mực viết nét thanh nét đậm rất rõ. Có những chữ đến nét cuối cùng thì mực cạn, nét mờ. Học trò phải chấm tô lại, nên nét cuối thành ra đậm. Nhiều em vội vàng, lóng ngóng còn làm đổ cả lọ mực ra mặt bàn, rây vào cuốn vở.
Do đặc điểm của bút tạo cho học trò tính cẩn thận. Viết chậm, nắn nót, giữ cho đừng rây mực, lấm lem sách vở, quần áo là đức tính của những học trò ngoan. Mực là cục mực khô mua ở các cửa hàng tạp hóa hoặc chuyên văn phòng phẩm được pha với nước vào lọ mực. Mực khô cũng có hai loại là mực dẻo và mực bột dạng cát mịn. Khi pha phải dùng nước nóng, kèm theo vài giọt rượu trắng, khi viết đầu bút sẽ trơn hơn, nét đều hơn. Gia đình nào bận quá, bố mẹ chưa kịp pha mực cho con thì đám trẻ tinh nghịch nghiền những quả mồng tơi chín viết tạm một ngày. Đứa nào thông minh hơn thì đốt những chiếc lốp cau su bỏ đi, lấy muội khói pha với cồn làm mực đen. Có điều, mực mồng tơi chỉ vài ngày là bay mất màu, còn mực muội cau su thì bền mãi.
Bút chấm có chất liệu cán nhựa, sắt hoặc bằng gỗ, được chế tạo đủ các kích cỡ lớn bé cho phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ngòi bút được chế tạo bằng sắt, còn gọi là ngòi bút lá tre, hình thù nhỏ như móng tay út trẻ em, mỏng mảnh, cong cong, giữa có đường dẫn mực. Ngày nay, chắc lẽ hiếm học sinh, thậm chí sẽ chẳng có học sinh còn nhớ quản bút là gì. Quản bút chính là thân bút, là phần để cắm ngùi bút vào, cũng là phần mà những ngón tay cầm bút chạm vào nhiều nhất. Vì cầm nhiều nên nhiều chiếc, quản bút mùn vẹt. Liên quan chuyện quản bút, vùng ngoại thành Hà Nội xưa lưu truyền câu thơ của một nhà thơ nổi tiếng: “Quản bút mòn như vai mẹ trĩu/ Gánh những mùa thương khó qua sông/ Vai mẹ mòn đòn gánh cong nhẫn nại/ Con nên người thương bút mực nhọc công”. Ý thơ ví quản bút cùng với sự nhọc công học hành cũng vất vả như mẹ gánh gồng, mòn vai, mòn cả đòn gánh. Để có thành quả, tất thẩy đều phải trải qua gian nan, thử thách.
Thầy cô giáo ngày xưa rèn nét chữ thì cũng dạy cả nết người. Chữ phải đẹp tròn như con người phải gọn gàng, sạch sẽ. Do tính chất của việc học, thầy cô giáo giảng bài nhanh hơn, nên từ lớp 5 trở nên là dùng bút máy để viết cho kịp. Bút máy có ruột mềm bơm mực nên không cần phải chấm. Đây là dòng bút khá tiện lợi mà đến nay nhiều hãng vẫn sản xuất. Mực cho bút máy cũng hạn chế dòng tự pha, mà được nâng cấp, là những loại pha sẵn để trống đóng cặn, gây tắc ngòi. Ngày ấy hai hãng nổi tiếng trong nước là Trường Sơn và Hồng Hà, sản xuất nhiều dòng bút đẹp. Tuy nhiên bút Trường Sơn chỉ rẻ bằng một phần bút Hồng Hà, do hãng Hồng Hà có độ bền, chắc. Hồng Hà là hãng bút vẫn thịnh vượng đến ngày nay.
Nhiều bậc cao niên kể lại, ngày xưa có các loại bút Kim tinh, bút hiệu Hero tuyệt đẹp. Bạn nào sở hữu những cây bút này coi như sở hữu một khối tài sản quý, bởi số tiền bằng một nửa tháng lương công nhân khi ấy. Nhiều anh sinh viên, kỹ sư, bác sĩ còn lấy bút cài lên ngực áo làm sang, thể hiện mình là người học thức.
Bây giờ công nghệ tiên tiến, người ta sử dụng máy tính, điện thoại để ghi chép. Cách viết tay thông thường ra giấy đang bị đẩy dạt sang một bên. Ngay cả thư viết tay cũng mai một. Học trò cũng không coi trọng bút như xưa. Nhưng dù thời nào cũng vậy, cây bút vẫn là tinh thần của sự học, yêu tri thức và biểu tượng của tiến bộ xã hội.
N.V.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét