Nhà văn Nguyễn Văn Học
Tiếng chim như là khúc nhạc đời, thường vang ra từ những tán cây, bức tường cây hàng chục tuổi xanh mơn mởn nơi những làng quê. Đó là tiếng nhạc của những chú chim yêu người yêu đời. Vì yêu nên làm trong trẻo tiếng hót. Nhưng ở ngoại ô thành phố, nhà cửa chen lấn, đất đai thu hẹp, nhà với nhà không được “kết nối” bởi những tường rào bằng cây dâm bụt hay bằng cây ô-dô có cửa thông qua nữa. Mà bằng những bức tường gạch. Trên nóc những bức tường gạch, người ta cắm lên hàng nghìn hàng vạn mảnh chai, mảnh sành vỡ để cản người trèo qua. Giờ làng quê, cảnh kín cổng cao tường, tường lại cao vời vợi đã trở thành chuyện quá ư bình thường. Vừa để tránh trộm cắp, người lạ xâm nhập, vừa tạo sự an toàn cho gia chủ. Thậm chí chúng được xây để tạo sự ngăn cách cho hàng xóm làng giềng khi đôi bên có hiềm khích.
Đi nhiều vùng quê, chứng kiến những bức tường ấy, thấy lòng se lại và chạnh buồn. Buồn vì bởi xưa kia ở vùng quê, hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, nên có câu ca dao “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Giờ nông thôn thay đổi nhiều quá. Nông thôn bị đô thị hóa. Nông thôn bị lối sống đô thị thổi qua, làm mai một vẻ đẹp và nề nếp làng quê. Không còn những con ngõ dài, mở thông thống cho bất cứ ai đi vào, và bất kể giờ nào. Giờ thay vào đó là tường gạch, cổng gạch bê tông, có cánh cửa sắt im ỉm khóa. Ai đến phải gọi cửa. Chủ nhà ra mở mới vào được. Xưa thì chủ đi vắng, quên không đóng cửa nhà thì hàng xóm đi qua có thể đóng hộ. Xưa gia đình thiếu gạo, chúng tôi vẫn thoải mái sang hàng xóm vay gạo, theo bơ, đấu, ca… tùy tên gọi từng địa phương. Sau đó đong được gạo, hoặc đến mùa lúa mới thì mang trả. Giờ nề nếp ấy đã không còn nữa. Không còn bởi văn hóa làng quê thay đổi. Làng không còn nề nếp của làng, không gian làng. Thay đổi vì giới trẻ cứ lớn lên là ra đi, xa làng. Ở lại chỉ còn người già, trẻ em, vốn là đối tượng yếu thế. Trẻ đi xa thì ngấm chất sống đô thị, lấy vợ sinh con, lập nghiệp ở đó. Làng chỉ còn là chỗ bọn trẻ ghé chân, về thăm cha mẹ, thắp hương cho tổ tiên rồi nhốn nháo ra phố. Làng quê bị bỏ lại phía sau. Người già bị bỏ lại ở quê. Khi người già mất thì cũng ít người trẻ về đưa tiễn. Chỉ còn người già đưa tiễn người già. Một sự thay đổi khủng khiếp khi trước năm 2000, quê tôi còn nghèo. Nghèo nên làng nhiều thanh thiếu niên. Một người mất cả thôn làng đưa tiễn, có nhiều ban bệ, trong đó có đội thiếu nhi, đội giới trẻ. Nay thì cả hai đội này đều không còn.
Quay trở về với bức tường mảnh chai, bác tôi, một nhà giáo yêu chữ và yêu văn hóa làng. Mới đây ông đã phá bỏ hàng rào do hàng xóm bỏ hoang ngôi nhà của họ, rồi được chuyển nhượng cho một trọc phú khác. Trọc phú phá không gian cũ và xây ở chỗ đó một biệt thự, nuốt hết không gian nhà bác tôi, liên liên tục mở nhạc xập xình, khách đến xăm trổ đầy người. Họ có vẻ không thiện cảm nên bác tôi xây tường gạch bao quanh tường. Nghiện ngập tràn nan nên để bảo đảm an toàn, ông đã gắn những mảnh thủy tinh, mảnh sành lên nóc tường. Thay vì dây thép gai thì ông dùng mảnh thủy tinh, được đập vỡ từ những chai bia cũ, truốt sự đề phòng bằng sự sắc nhọn của mảnh chai.
Đáng nói là từ đó đến nay, đã ba năm, tôi không thấy chú chim nào về hót trên tường nữa. Tường vẫn là tường, nhưng thay vì trồng cây cối thì giờ là gạch, vôi vữa và thủy tinh. Mà loài chim thì không thích những mảnh thủy tinh sắc nhọn. Chúng sợ bị cứa đứt chân, sợ bị cứa mất giọng hót hay tâm hồn, nên mất dạng.
Những bức tường thủy tinh không chỉ cản ngăn con người, mà còn cản ngăn loài chim chóc. Những tiếng chim vẫn quẩn quanh đâu đây. Nơi cây khế góc vườn, dưới tán bưởi phía bờ ao, hay trên vạt mây góc trời.
Dù thế nào thì đó cũng là một mất mát. Không chỉ mất tiếng chim, những chuyến trở về với thiên nhiên. Con người đã đánh mất nhiều thứ, trong đó là mảnh hồn làng, tình người, và cả sự gần gũi với sự cao thượng của thiên nhiên.
N.V.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét