Nhà thơ Triệu Từ Truyền
Đã 13 năm kể từ ngày đất nước mở cửa, người con trai xuống đường dữ dội tranh đấu cho tự do, dân chủ và công bằng ngày ấy, đã đi làm trở lại, đi làm hay tham chánh cũng được, sau nhiều năm chao đảo buông trôi. Anh ta đặt chữ ký đầu tiên vào những phương án kinh doanh vay vốn Nhà nước, chữ ký thứ hai là của tổng giám đốc quỹ đầu tư, và chữ ký có sức nặng tối hậu là của chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố. Tuy là chữ ký nhẹ nhất trong ba, song nếu không có sự khai bút đó thì dự án vay vốn sẽ bế tắc, nghĩa là không ai đặt bút cho hai chữ ký sau vì anh ta là giám đốc thẩm định tài chánh. Chiều tối nay anh ta được mời dự sinh nhật của vợ một Việt kiều ở ÚC, nghe đâu mấy năm trước ông Việt kiều này rất hăng hái cầm đầu biểu tình chống cầm quyền ở Việt Nam, bây giờ ông về nước làm ăn và cưới vợ đàng hoàng, đang sống ung dung và tỉnh bơ như không có quá khứ. Gần 20 người dự tiệc sinh nhật ở tầng trệt, của một khách sạn 5 sao có 7 tầng.Tầng trệt có thể chứa hàng trăm thực khách, bục nhạc sống đặt đối diện, với ít nhạc cụ. Ngoài bàn sinh nhật ra, có vài bàn được bốn, năm khách, nhìn chung chưa đạt 50% chỗ ngồi. Anh ta không nghe ca sĩ hát vì mải trò chuyện, một người bạn, giám đốc ngân hàng cổ phần, nhắc: - Ông Tri, cô ca sĩ này là đến lượt ông tặng hoa đó nghe! Tri lắng nghe giọng hát, nữ ca sĩ đang trình diễn bày Rừng xưa đã khép của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “... Ta thấy em trong tiền kiếp với giọng buồn cỏ khô/ ta thấy em đang ngồi khóc khi ngoài trời đổ mưa...” Tri bị cuốn hút với hồn vía lời ca, với giọng ca xoáy hết cỡ vào lòng người, như lửa xanh bùng phát từ hai hòn đá thô sơ, lửa ấy cháy trong tim... lửa ấy bay vào vũ trụ... Tri nghe Ân rỉ tai vài câu thơ: “Âm thanh cháy xanh bắn từ lửa đá/ lặng vào tim trôi chảy hạt hồng cầu/... bay vút cao tan băng giá tinh cầu...” Nữ ca sĩ đang hát lời ca cuối, Tri cầm một đóa hồng bước lên trao tặng, dĩ nhiên hoa hồng này có nhân là tờ giấy bạc cuộn tròn, như thói quen ngày nay, tình mộ điệu phải dính với tiền. Có tiếng đề nghị từ bàn sinh nhật: - Anh Tri đọc thơ đi! Anh Tri đọc thơ đi! - Tri bước về bàn, nhưng phải khựng lại vì tiếng vỗ tay cổ võ đọc thơ. Tri không thích đọc thơ trong không khí hát hò sôi động, vì thơ cần suy tư và cô độc, trí tuệ và tâm hồn không dành cho đám đông ham vui ồn ào giải trí. Cũng đành chiều bạn, Tri quay lại bục ca sĩ, nàng cũng bất ngờ song rất lịch sự trao micro cho Tri, đứng nép mình vào đàn piano. Nàng chờ hát một bài nữa mới đúng hợp đồng. Trong cảnh tình này, Trí quyết định đọc bài thơ sáng tác hồi 15 tuổi. Cô ca sĩ thấy bài thơ hay nên cho rằng tác giả không phải là Tri, vài người bạn cùng bàn biết Tri chỉ đọc thơ của chính mình. Người nghe không quên những câu thơ lãng mạn tuổi học trò: ...“Trời mùa nắng mùa mưa xuân đã tạnh áo xiêm em dìu dịu khí hậu lành tôi vẽ trong hồn chật nét màu xanh muôn hy vọng chảy về đây hy vọng bảy giờ sáng mái trường chưa tiếng trống bước chân em còn gõ nhịp học trò tôi trở về thưa lại với bài thơ đường đi học mù sương mờ em quá... nhan sắc ấy thưa em xin gói lại tôi lặng thầm hôn dấu cát bàn chân ngắm nhìn xa nhưng vóc dáng đã gần...” Sau khi nghe thêm một bài hát nữa, Tri cảm động gần phát khóc, tại sao thời này lại có một ca sĩ hát có hồn như vây?! Trong lúc biết bao chương trình ca nhạc trên ti-vi cũng như sân khấu ngoài trời hầu hết chỉ gào thét múa may quay cuồng, nhạc và lời chẳng dính dáng gì nhau, lời thì sáo mòn hoặc thô sơ đến phát ngượng. Tri về nhà Ân, một người bạn thời phong trào tranh đấu, cũng là Việt kiều Úc. Tri không che giấu nổ̃i tâm trạng chết đứng vì tiếng sét của giọng ca, hai người trở lại phòng trà ấy ngay ngày sau. Đến lần thứ ba, Ân nói với cô ca sĩ ngay cửa ra vào, sau tiết mục của nàng - Anh bạn tôi muốn có số phôn của cô. Ca sĩ mỉm cười nhã nhặn: - Em không có thì giờ, ngại làm phiền quý anh. Rồi nàng thoát ra cửa thật nhanh, có lẽ gấp rút đến một sô khác. Ngay chiều tối hôm sau, Tri và Ân cũng đến ngồi đúng chiếc bàn cũ, khách vắng hơn mấy buổi tối trước, nhưng chỉ cần một trái tim dữ dội si tình đủ làm phòng trà ấm cúng hẳn. Cô ca sĩ cũng cảm giác như vậy khi vừa bước lên bục biểu diễn. Tri cảm nhận cô ca sĩ quá gầy, không hiểu lấy năng lượng ở đâu mà tạo ra những sóng âm thanh, với biên độ dao động cao rộng hết mức, lúc thật trầm rồi bay lên cao vút, lúc như bước đi chập chữ̉ng rồi như những bước chạy của vận động viên... Không chỉ là chuyên nghiệp mà còn tận hiến cho nghệ thuật với tâm linh của thánh nữ. Tri bị một hấp lực không cưỡng nổi hơn cả đam mê, hơn cả đắm chìm. Cô ca sĩ hát xong, có lẽ bị tương tác từ tâm hồn của Tri qua ánh mắt ngây dại dù ẩn giấu, cô bước lại bàn ghi vội số điện thoại: - Em không ngồi cùng bàn được, em không sử dụng di động. Tri nói rất khẽ: - Ca sĩ không dùng nước sao? - Em vội, nếu gọi, anh nhớ em gần trưa mới ngủ dậy. Nàng thoát ra cửa, Ân cố nhìn xem nàng đi xe nào, nhưng không thấy đâu hết: - Tôi muốn tìm hiểu để giúp thi sĩ, ngoài kia nhốn nháo và tối quá, chẳng phân biệt được gì. Đêm đó, Tri về nhà Ân nói chuyện và ngủ lại. Ngôi nhà của Ân là một biệt thự sang trọng nép mình trong xóm chuồng ngựa nhưng không còn bóng dáng một con ngựa nào theo nghĩa đen, mà chỉ còn theo nghĩa bóng. Xưa kia, vùng này cây cối um tùm, nhà cấp 4 lưa thưa, chỉ sau vài năm mở cửa, nhà vài ba tầng chen chúc nhau, lấn áp cả khuôn viên thiền viện. Có lẽ trong tổng số tiền người nước ngoài gửi về bốn, năm tỷ đô la Mỹ mỗi năm, đã chi cho bất động sản không nhỏ. 24 giờ, Tri bấm số điện thoại nhà của cô ca sĩ. Tiếng chuông reo chưa dứt có tín hiệu nhấc máy, Tri nói ngay: - Anh Tri đây, nhớ em chịu không nổ̃i..., đừng giận gọi khuya quá... - Không sao, em vừa về nhà, giờ này đến 1 giờ sáng anh gọi là đúng lúc mà. - Anh muốn ngày mai mình gặp nhau? - Ở đâu? - Em rảnh lúc nào? - 11 giờ trưa mai em không đi ráp nhạc, anh chọn chỗ nào dễ nhìn thấy. - Grival đối diện nhà hát lớn được không? Tri định nói nhà quốc hội nhưng kịp nhớ ra phải nói nhà hát lớn người thế hệ sau mới biết: - Grival đối diện nhà hát lớn được không? - Rồi em sẽ ra đúng giờ. Anh ngủ ngon nhé. - Anh gác máy đây, chúc em có giấc mơ đẹp! Tri cũng không ngờ hôm nay là chủ nhật, cho dù là ngày làm việc thì Tri vẫn rời văn phòng đúng 11 giờ để gặp người mình yêu.Tình yêu muộn của người trung niên có sôi nổi riêng, không hẳn như tuổi dậy thì. Tri ngồi trước tách cà phê espresso, có thể uống ba lần trong ngày, tuy không thường xuyên như vậy. Tri thích vị chua của cà phê Arabica, nên thường dùng theo phong cách pha chế châu Âu. Dù sốt ruột, nhưng vẫn đảo mắt quanh tìm chiếc bàn mà Phạm Xuân Ẩn thường ngồi trước 1975. Tri lặp lại câu trả lời, do nhà báo quốc tế phỏng vấn bằng tiếng Anh, đầy thâm thuý của nhà tình báo hoàn hảo “Tôi chưa bao giờ là nhà cách mạng, tôi là người lãng mạn, yêu Tổ quốc và sẵn sàng bảo vệ quê hương cho đến chết”. Tri nhiều lần tự hỏi công việc của mình hiện nay có yêu nước không? Sau ngụm cà phê, Tri nhìn ra đường. Cô ca sĩ vừa được một phụ nữ đưa đến bằng xe gắn máy. Cô cười rất tươi, gọn gàng trong trang phục giản dị: - Anh chờ lâu không? - Em đến thì chờ bao lâu cũng được. Sau hàng giờ tự giới thiệu về nhau, hai người càng phải lòng nhau hơn nữa. Ca sĩ nói khẽ: - Chút nữa, em xin nghỉ đi làm tối nay. Tri nghe hai từ “đi làm” có vẻ không hợp, bỗ̉ng vỡ lẽ ngay, đi hát để kiếm tiền lo gia đình thực chất cũng là đi làm chớ sao? - Anh cũng muốn như vậy... nhưng ngại em bể hợp đồng với các phòng trà, tụ điểm. - Không sao đâu anh, lâu lâu ca sĩ cũng phải bệnh chớ, dù đó là bệnh tương tư.
Nắng chiều đang lịm dần, taxi đã đưa hai người đến một cù lao bên sông Sài Gòn. Nó là bán đảo nhỏ còn giữ nguyên sinh thái đồng bằng Nam Bộ, được sửa soạn chút ít cho ra dáng môt khu du lịch. Ca sĩ chọn bàn cạnh mép nước dưới tàng cây dại. Hai người tình đắm đuối hôn nhau trước khi người phục vụ mang thực đơn đến. Dù trên hai chiếc ghế xếp bằng vải, ca sĩ cũng biểu hiện hết nỗi đam mê tột cùng của mình. Vài phút có ánh đèn pin quét ngang nhắc nhở không được quá trớn như trong phòng riêng. Tri cũng quên mất mình có lúc là công chức, lãnh đạo cấp quận, và rất nhiều người biết mình trong khắp thành phố này, 23 giờ đành phải chia tay nhau. Trước khi ca sĩ rời taxi trước ngõ vào nhà, nàng ôm chặt Tri: - Hôn em đi! Sau nụ hôn vội, Tri hẹn: - Ngày mai mấy giờ? - Khuya nay em gọi, bye bye, ngủ ngon mình nhé! Dù biết 9 giờ sáng sẽ gặp nhau, Tri vẫn cảm giác từng tế bào run lên bần bật vì trông ngóng. Nửa đầu sau của Tri căng lên như dây đàn được bấm, phát lên âm thanh của khúc dạo đầu, có lẽ chỗ xung yếu nhất là gáy bên trái, giật giật liên tiếp tưởng chừng dây thần kinh sắp đứt. Chưa bao giờ tình yêu chấn động dữ dội thế này trong đời Tri. Bản tin thời tiết sáng sớm trên ti vi báo biển Đông đang có áp thấp nhiệt đới lớn lên thành bã̉o cấp 16, 17... Làm sao biết được bản chất? Thôi được rồi, chấp nhận hiện tượng đi. Triết gia Đức Huserl chẳng phải xây dựng một học thuyết để luận về hiện tượng sao? Tri ngẫm nghĩ để kết luận như vậy cho câu trả lời cô ca sĩ có yêu mình thật vậy không? Cũng như biết bao câu hỏi khác có thật vậy không trên khắp hành tinh? Nếu thật sự các tổ sư học thuyết nắm rõ được bản chất thì học trò sau này đâu làm đổ bể hết? Chẳng qua cũng vội lấy một hiện tượng mà mình yêu thích rồi khăng khăng cho nó là bản chất. Rời khỏi quán phở nổi tiếng mà cô ca sĩ đã hẹn giữa đêm qua, hai người lên taxi đi tới ngôi biệt thự của một Việt kiều Úc cho Tri mượn. Sau hàng giờ cùng tắm nước ấm, kỳ cọ nhau mơn trớn nhau, hai người gần với nhau hết mình như vợ chồng muốn sinh con. Tri thoáng so sánh hai thế hệ phụ nữ: “Thế hệ sinh trước 1950, có lẽ phần đông còn thụ động và rụt rè trong làm tình. Còn phụ nữ sinh sau 1960, họ rất chủ động và sành điệu trong sinh hoạt vợ chồng, ngay cả những người ngoan đạo Chúa hay tu tại gia đạo Phật như cô ca sĩ đáng yêu này. Phải chăng sự mạnh dạn trong chăn gối nó được tác động từ trong bào thai? Bố mẹ của họ đã ăn sâu văn hóa phương Tây cả hai miền Nam Bắc. Xem chuyện ấy là thuần túy sinh lý như đói ăn, khát uống, không dính dáng gì tới đạo lý đâu, miễn là thỏa mãn tột đỉnh. Tri nói với ca sĩ trong nỗi xúc động đòi chiếm hữu tuyệt đối: - Em đừng để ai đụng đến, anh sẽ đau khổ lắm! Cô ca sĩ ôn tồn: - Sao vậy mình? Đương nhiên rồi, nhưng nhẹ nhàng chút coi, chuyện ấy như đói thì ăn có gì nghiêm trọng đâu. Tri đau lòng vì câu trả lời của người yêu, nhưng đam mê đã vượt qua lý lẽ. Trước lúc chia tay của buổi ban đầu ấy, hai người còn gần nhau hai lần nữa và đều đạt cực điểm. Ngày nào họ cũng gặp nhau, giữa trưa và chập tối. Tri thuê phòng trong một biệt thự của người quen, biệt thư xây theo kiến trúc Pháp, có lẽ không dưới 60 năm tuổi. Chung quanh ngôi biệt thự sang trọng này không còn cây xanh, không còn khe hở cho gió sông Sài Gòn thổi tới, nhà cao tầng đã bao quanh như dãy lô cốt siêu bự của một trại lính. Mấy cửa sổ rộng và cao đủ hút gió trời, làm dịu mát ngôi nhà vùng nhiệt đới nhưng bây giờ đành đóng kín để gắn máy điều hòa, giữ nhiệt độ trong phòng tùy thích từ 15 đến 30 độ C. Tri thường chọn 17 độ để cộng hưởng với nhiệt tỏa ra từ vách tường dày 50cm sẽ cho 18;19 độ C, gần với nhiệt độ ban ngày trên các cao nguyên hơn mặt biển 1.700m ở Đông Dương. Hôm nay là chiều cuối tuần của tháng cuối năm, Tri chọn chai rượu mạnh được trữ dưới hầm ba mươi lăm năm, được một đại gia châu Á tặng vào dịp đi công vụ ở một nước Đông Bắc Á ba năm trước. Đặt chai rượu trên bàn nhỏ của bộ salon, bên cạnh lọ hoa hồng đỏ thắm, Tri ngồi chờ cô ca sĩ hát bản cuối ở phòng trà gần chỗ ở hai người. Chỗ ở bán thời gian thì đúng hơn, vì nàng bao giờ cũng về nhà của mẹ mình trước 12 giờ 30. Còn Tri cũng chẳng thèm ở đấy một mình bao giờ. Tri tự hỏi: nàng có thật yêu mình không? Tại sao chưa lần nào tỏ ý nhận lời cầu hôn...? Phải chăng nàng đã có ai đó, sao luôn khẳng định mình độc thân? Có lần nàng hỏi lại: anh đến nói với mẹ em ra sao khi đòi cưới con người ta mà không có nhà riêng? Có lẽ nàng thấy mình ít tiền quá? Nàng còn dám nói em bước ra đường là phải kiếm được tiền... Vậy sao không cắt đứt cho rồi? Lần này mình phải thẳng thắn hơn... hỏi lại lời hứa 6 tháng trước đây sẽ cưới nhau vào đầu năm mới? Tri để cửa phòng khép hờ, ở ngoài có thể nhìn thấy toàn cảnh bộ salon trong phòng đang sẵ̉n sàng. - Mình ơi! - Tiếng gọi hình như chậm hơn bước chân của nàng, vì ca sĩ lướt vào phòng rồi sà vào lòng Tri trước khi kịp nghe nàng gọi và tiếng chốt cửa. - Em đẹp quá! - Anh chỉ thấy áo xiêm và son phấn rồi khen em sao? - Không, với anh em hoàn hảo. Anh muốn hỏi lại em, lúc nào làm đám cưới được? - Em là vợ anh rồi còn gì? - Anh muốn bố mẹ em và dòng họ anh phải biết. - Vậy anh mua nhà ở đây chưa? Em làm sao ở Nhà Bè được?! Tri nhận ra nàng luôn nói cho qua như bao lần trước đó. Tri đã báo với nàng mình có năm ngàn mét vuông đất ở gần cầu Chữ Y, thuộc huyện Nhà Bè, đang quy hoạch sẽ thành một quận nội thành với kiến trúc hiện đại và tạo ra khu dân cư hài hoà với thiên nhiên. Như vậy nếu kết hôn xong không bao lâu sau, số tiền đền bù ít ra cũng còn được một nền biệt thự vài trăm mét vuông. Nhưng nàng không đếm xỉa gì tới khả năng cụ thể này. Tri tự trấn tĩ̉nh để không làm mất vui đêm cuối năm: - Anh khui rượu được chưa? Tiếng nhạc của bài hát Happy Newyear vừa vang tới báo hiệu giờ bước sang năm mới. Hai cốc thuỷ tinh đầy rượu, nhìn xa óng ánh vàng sậm như hai hòn hổ phách. Nàng nâng ly: - Chúc anh năm mới sức khoẻ và vạn sự như ý! Tri đưa ly chạm vào ly ca sĩ: - Chúc em luôn duyên dáng và hát hay, mong cho chúng mình yêu nhau mãi! Hai người cạn ly thật nhanh, rồi ngã xuống sofa, hai cơ thể hừng hực lửa sinh linh, hồn nhiên bám sát nhau trong những tư thế tương hợp kỳ diệu mà thời gian chung sống đã sàng lọc ra cách rất riêng đó. Ca sĩ nói huyên thuyên chuyện này chuyện nọ để khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn người yêu, hay cố đè nén vài lời chân thật muốn nói với người chồng không bao giờ cưới. Tri xót xa cho nàng và cũng cho mình: - Thôi được rồi, mẹ đang chờ em đó! - Em yêu mình, năm mới mình sẽ chung sống với nhau. - Thôi được rồi, mai còn gặp nói nhiều hơn. Nàng đứng lên với nét mặt đau đớn: - Cho em xin ba chữ “thôi được rồi”, em hai chồng còn gì nữa... nàng kịp ghìm lại nhận ra mình đang nói gì sơ hở, rồi vội lảng sang đề tài khác. Lúc bước ra cửa, nàng rủ rê: - Ngày mai em đón anh đi chùa nhé! Ngồi một mình, phân tích một mình, Tri nhận ra: “Mình chưa bao giờ hỏi thẳng nàng để giải toả hoài nghi của mình. Mình sợ nàng nói ra thực trạng mà cả hai cùng muốn ém nhẹm. Lúc nãy nàng vừa nói lấy hai chồng rồi còn gì? Nhưng biết đâu người chồng kia đã là chuyện xa lơ xa lắc phải không, không mang ý nghĩa ngoài mình ra nàng hiện đang sống với một người khác nữa. Rất nhiều hiện tượng cho thấy nàng rất yêu mình, ngay lúc bố nàng mất, đi đưa tang xong, nàng lên xe hơi của mình để về nhà trước mắt đám đông, gần như tất cả người thân đều thấy. Mình cũng nhìn quanh để tìm xem có người đàn ông nào tỏ chút phản ứng trên mặt không, tuyệt nhiên chẳng có ai như thế. Không lẽ chỉ vì thiếu một ngôi nhà mà nàng không tiến tới hôn nhân?”. Tri ngờ rằng chính nàng cũng không biết mình có yêu thật Tri không? Thế thì làm sao hiểu được bản chất có thật? Điện thoại rung liên tiếp, Tri mở máy: - A lô. Tri hả, đang ở đâu? Bận gặp ca sĩ phải không? Ra đây đi mừng đầu năm. - Mà Ân ngồi với ai? Ở đâu vậy? - Giọng buồn quá vậy, chỗ cũ đó, ra đi. Tri không kềm chế được: - Ca sĩ vẫn chưa chịu làm đám cưới. Ân thấy cô ta có yêu tôi không? Giọng Ân đã nhão ra vì uống nhiều rượu mạnh: - Thôi dẹp đi, làm gì có một tình yêu cố định, tuyệt đối, lúc nào nàng ngủ với ông là yêu ông, lúc khác ai biết được mà cũng không cần biết. Ông cứ băn khoăn bản chất và hiện tượng hoài. Ông không thấy sao? Ngay cả một chính thể bao gồm những người từng chống áp bức bất công xây dựng nên, một lúc sau cũng bị biến dạng. Nhiều quốc gia trên hành tinh suốt thế kỷ 20 đã minh chứng như thế. Phải chăng bản chất là sự khẳng định võ đoán? Hiện tượng mới là thực tại, là sư thật để con người vui, buồn, chết, sống với nó... Tri hăng hái lên vì nhận định của Ân cũng khá gần với suy nghĩ của mình: - Tôi ra ngay đây! Tri nói thầm: “Bản chất là ảo tưởng, tôi chỉ tin vào những gì tôi thấy!”.
T.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét