1. Chiếc môtô 250 cũ xì như con ngựa chiến đã già, chạy đều đều với tốc độ 60km/h; rất nhiều xe honda đời mới dung tích không quá 120 qua mặt nó dễ dàng. Con đường tráng nhựa ngoằn ngoèo, nhựa mỏng và mặt đường hẹp, mong manh dán lên núi đồi dài hun hút. Con đường là quốc lộ được khai mở từ thời Pháp cai trị. Thỉnh thoảng chiếc LA cũng lồng lên bay vút lên đồi, bỏ xa những xe khác, hình như nó muốn chứng tỏ thời huy hoàng của nó. Nhưng có bao giờ nước rút giữ mãi được trên đường đua? Ngồi trên môtô là cặp nam nữ trung niên, khó ai đoán họ là vợ chồng hay đôi tri kỷ “già nhân ngãi”. Chiếc LA dừng lại một quán xập xệ ven đường. Người phụ nữ, khuôn mặt phúc hậu, người ta thường nói như trăng rằm, mũi và mắt đẹp kiểu Hy Lạp, bà hỏi người đàn ông với giọng Hà Nội:
Đây là đâu anh nhỉ? Daknông, thuộc tỉnh Daklak,... em mệt không? Không, em thích lắm, chưa bao giờ em được ngồi môtô phân phối lớn đi xa thế! Người đàn ông mặc quần kaki trắng, áo màu đỏ rượu chát, nhưng không bụi chút nào, toát lên vẻ bệ vệ của người có vị trí xã hội. Tuy nhiên đôi mắt ướt, mái tóc rũ xuống, với tia nhìn hiền từ làm liên tưởng đến người giàu nội tâm. Ông có giọng nói rặt Sài Gòn: Em có để ý mình vừa qua đoạn đường có nhiều cây thông già không? Bắt đầu từ đó khí hậu mát lạnh, tương tự vùng quanh Đà Lạt, mình sẽ qua khoảng đường 50km gần với khí hậu ôn đới. Em có thích sống nơi này không? Em thích lắm, lúc em còn bé bố đã đưa cả nhà về một vùng đồi ở Bắc Ninh, em quen thân với thôn dã, đầy ắp kỷ niệm! Sau khi ăn trưa xong, chiếc xe LA 250, lên đường đi thẳng.
2. H.Bê, nói trong máy di động: - Chú nhớ Hồ Vịt không?... Cháu sẽ đón chú ở quán cà phê Lành ấy, chỗ bữa trước chú đến rồi, nhớ không?
Thức bước xuống xe đò, chuyến xe còn phải về bến Ban Mê Thuột sau hơn ba giờ nữa. Thức thở sâu nuốt lấy làn gió dịu ngọt, thơm hương rừng cà phê, lành lạnh như ở phố Đà Lạt. Bước lên thềm quán cà phê, cũng là bước lên dốc đồi, H.Bê rời ghế ngồi, đứng lên mỉm cười: - Chú ngồi uống nước, chồng cháu sẽ đưa chú vào rẫy.
Thức nghe mùi cà phê nguyên chất thơm đậm đà, ít có dịp gặp mùi hương này dù là ở những quán nước sang trọng nhất Sài Gòn. Cho tôi một ly đen, Thức nhìn người đàn bà đang đứng ở quầy pha chế, chị bán cho tôi vài trăm gờ ram cà phê bột, thứ chị đang pha đó. Người đàn bà dáng cao gầy hỏi Thức: - Anh dân miền Tây hả? - Đúng rồi, quê tôi ở Cần Thơ. Người bán quán vừa đặt phin cà phê lên chiếc tách sứ trắng: - Em gặp đồng hương rồi, em cũng ở Cần Thơ, ở chợ Cái Răng đó. Ngã ba Hồ Vịt như khuôn mặt cô gái Mơ Nông vượt qua tuổi dậy thì đẹp vì tươi sáng ra và ẩn giấu sinh lực. H.Bê nói khẽ: - Từ ngày tách tỉnh, Gia Nghĩa sung túc lắm... Chú uống cà phê đi, anh Ninh chồng cháu sắp tới rồi. Chủ quán gốc Cần Thơ chào mời: - Nếu anh có cần nhà nghỉ, em chỉ cho - vẫy tay về hướng nam, có một ngôi nhà vài ba tầng sơn màu vàng đất, mới mọc lên sau rặng thông già - chủ quán nói tiếp - ở đây, người tứ xứ, miền nào cũng có, người dân tộc đông lắm. - Cám ơn cô, có lẽ tôi vào Quảng Khê, ở lại nhà bạn. Thức nhấm nháp cà phê nhớ lại chuyến đi hai năm trước. Thức và nàng dự tính đi LA 250 ra Festival Huế, nhưng đến Ban Mê Thuột, ở lại thủ phủ Tây Nguyên vài hôm rồi về với Gia Nghĩa. Lúc ấy Daknông chưa nâng lên tỉnh. Gia Nghĩa gồm mấy ngọn đồi chụm lại, có dòng suối lớn vắt ngang, cắt quốc lộ 28 hướng về đông. Thức còn nhớ rõ khách sạn trên điểm cao, bao quanh những cội thông già cao ngất, có một kiosque bán cà phê, mở nhạc Trịnh Công Sơn, ngay phía trước khoảng sân đầy hoa đối diện với tiền sảnh. Chiều xuống, sương mờ uốn khúc, khí hậu của Đà Lạt như lấn chiếm vùng đất phía tây này.
- Chú ơi, anh Ninh đến rồi, mình về nhà sớm để khỏi mắc mưa - tiếng H.Bê vang lên, Thức nâng tách cho hết giọt cuối cùng. Ninh xách ba lô của Thức để trước xe gắn máy, nói khẽ: - Cháu có mang theo áo mưa.
Ninh cẩn thận, trong ba lô có máy tính xách tay. Thức ngồi sau: - H.Bê thì sao? - Vợ cháu, em gái nó đi chợ xong quay lại đón. Ninh tăng tốc vượt qua một dốc dài. Nhà hai bên đường phần lớn đã lên tầng, mặt tiền khang trang hơn, so với lúc Thức và nàng thơ thẩn ở đây. Nàng thích đi bộ trong đêm, nghe hơi lạnh của núi rừng, nghe bước chân trên mặt đường luân chuyển thấp cao, nhớ nàng ví von: - “Em cảm giác thiên nhiên hoang sơ sao lại giống xã hội đương đại, đi lên như có ai kéo lại, tuột dốc như có người xô luôn. Và liên tưởng đến bước đường sự nghiệp của mình, nàng nói tiếp: “Bố em nói anh là người sâu sắc, nhưng con phải rất thận trọng vì Thức là người sinh bất phùng thời, anh ấy mang nặng nỗi buồn của đại cuộc”. Thức thở dài nghĩ thầm có lẽ vì vậy mà em đã... Không nàng sẽ trở về. Chiếc xe gắn máy mới màu sơn, nhưng vừa túi tiền của phần đông người dân, do một nước láng giềng sản xuất, dù dân của họ ít dám đi vì dễ hư hỏng, nó rú lên vượt dốc. Thức ngồi sau xe không yên tâm: - Xe sao kêu to vậy? - Tiền nào của nấy mà chú; nhưng chú cứ ngồi cháu đưa đến nơi thôi! Thức nhìn vách núi bên phải rất cao, đầy vết cào của máy cạp, từng thớ đất vàng chen lẫn ít đá xám. Ninh nhìn xuống vực trái: - Chú thấy không đất sạt lở liên tục, làm đi làm lại mấy năm vẫn chưa xong. Thức nhìn xuống thung lũng, mấp mô đồi cà phê, đồi trà, trải dài ngút mắt về hướng biên giới phía tây. Thức cảm thấy ù tai như ngồi trong máy bay lúc cất cánh, có lẽ độ cao trên ngàn mét. Chiếc xe mong manh đưa hai người qua một khúc quanh chữ s từ thấp lên cao. Trước mặt rừng thông xuất hiện, dòng sương mù trôi chậm từ vực sâu bốc lên như khói, xoa dịu thần kinh Thức trong môi trường dịu ngọt, mát lạnh của miền ôn đới. Thức mơ màng hồi tưởng: Nàng cuộn tròn trong tấm mền len, nói khẽ; tuổi trẻ em chịu lạnh ở miền Bắc đã quen, nhưng vào Nam hơn 20 năm em hết thích nghi rồi. Em xong đại học y Hà Nội là tình nguyện về Cà Mau ngay. Những năm bao cấp ấy ở Cà Mau em no đủ lắm, nhờ gạo thừa để nuôi lợn, còn tôm cá đầy sông, mấy bà má thương con nhỏ Bắc kỳ lắm, dạy em nấu ăn để sau này lấy chồng Nam. Một dự báo em yêu anh... phải không? Nàng là bác sĩ nên táo bạo khi nói những gì liên quan đến sinh lý: Anh cho em thắng anh một lần đi, sao lần nào em cũng đạt đến đỉnh, còn anh đòi làm tiếp, em xin thua... Thức nói với nàng: chỉ có với em anh mới như vậy, mấy năm trước anh tưởng mình bị liệt rồi, đáp trả câu nói đùa của nàng: “Tiếc cho chị em phụ nữ chưa biết Thức của tôi" - Ninh vừa cho xe lên điểm cao, một đoạn đường bằng phẳng: - Qua khỏi ngã ba vào công trình thủy điện, khoảng một cây số là đến nơi đấy, chú. - Mình vẫn đi trên quốc lộ 28, hướng về Di Linh phải không? - Dạ, cháu đi qua Di Linh bằng xe này nhiều lần. Thức tự hỏi mình có phải quá hoài nghi không, mỗi tuần đều liên lạc với nhau qua điện di động. Nàng bảo vì mẹ ốm nặng, bị ung thư dạ dày, nên ở lại Hà Nội chăm sóc, đã sáu tháng trôi qua những dự tính của hai người vẫn dậm chân. Thức hoài nghi cho rằng biết đâu nàng đã gặp lại người tình cũ nào đó. Đến một đầu dốc, Ninh cho xe rẽ trái, chạy trên mặt đường đất đỏ. Hai bên nối tiếp những vườn cà phê, một màu xanh đậm mượt mà, được chăm sóc chu đáo. Đến trước một ngôi nhà trệt lợp tôn, vách bằng gỗ thông thô ráp, vững chắc nhưng không trau chuốt. Ninh ngừng xe: - Nhà ông Hai đây ạ. Thức xuống xe, một người đàn ông khuôn mặt khắc khổ, tóc bạc trắng, nhưng dáng vẻ linh hoạt, cơ thể chắc khỏe. Ông bước ra sân nhà, vui vẻ mời khách vào nhà. - Tôi nghe cháu Ninh giới thiệu về anh, anh vào nghỉ, uống nước rồi mình bàn việc sau. Từ Sài Gòn lên cũng mệt chớ...
3. Xưa kia quanh đây là nông thôn ven Hà Nội, vừa được đô thị hóa. Chỗ này nhà cao tầng, chỗ kia còn ao đầm thiên nhiên. Bên này đường là khu biệt thự, bên kia còn nhà ổ chuột. Ngôi nhà của bố mẹ và anh trai bác sĩ Lan xây dựng đơn giản, không có bàn tay của kiến trúc sư, trong khuôn viên có sân gấp đôi nền nhà trệt. Nhà kế bên một ao thiên nhiên, giúp điều hòa nhiệt độ các phòng. Gần mép nước có cây khế ngọt, và một gốc bưởi to trái. Vừa chăm sóc mẹ xong, Lan ra ngồi bên gốc khế, nhớ Thức. Năm rồi, anh ra thăm bố mẹ ngồi chỗ kia, trông rất nghệ sĩ mà uy nghi. Anh nói với mình em là vợ, là tri âm, là bạn văn của anh. Anh thông minh, tài hoa, nhưng yếu đuối quá. Tại sao gan góc với đối phương thời chiến, lại ủy mỵ trong thời bình, có phải luật bù trừ của thượng đế không? Rồi anh sẽ gặp bao nhiêu người phụ nữ dang dở nữa? Sống với anh thật tuyệt vời nhưng luôn run sợ bên bờ vực đắng cay... Đang có áp thấp nhiệt đới, trời mưa dông từng đợt. Lan đang lo cho con gái sẽ tan trường chiều nay. Con gái học lớp 8, Lan lập gia đình không hạnh phúc và dẫn đến tan vỡ hơn năm năm trước. Điện di động reo lên: - A lô. Anh Thức nói đi... không nghe rõ... trời đang mưa... mẹ đỡ nhiều, con học được, em khỏe. Anh đang ở đâu? Daknông, em sẽ thu xếp, tiếc quá chưa vào được, em rất nhớ anh, hôn anh.
4. Qua đêm tại nhà ông Hai, nằm trên mấy tấm gỗ thông Thức ngủ rất ngon, có lẽ nhờ ly rượu thuốc và khí hậu mát lạnh trên đồi cà phê. Gần sáng, hai cẳng chân bị tê buốt nhẹ, Thức phải xoa dầu mới nằm lại. Thức vừa thương nàng lo cho con và mẹ, lại vừa giận sao nàng mãi né tránh không về sống chung cùng nhà, nhất là nàng xác nhận Thức có tài và tự nguyện giúp mình chăm sóc sự nghiệp văn học. Thức sẽ ở đây một mình, trồng cà phê và viết tiếp những suy tư một đời. Có tiếng gà gáy đơn độc. Nếu ở thành phố Thức không dám tin là có con gà xương thịt đang gáy, mà đó là tiếng chuông của điện thoại di động. Ông Hai dậy pha trà, ngoài trời sương mù dày đặc, tiếng chim hót, tiếng gà rộ lên... xao động cả ngọn đồi. Ông Hai châm trà ra mấy cái ly rẻ tiền: Anh nhà báo, nhà văn lên đây sống với gia đình tôi thiệt tốt. Năm nay cà phê lên giá trở lại, sẽ đỡ tệ hơn, tôi về Sài Gòn ngủ không quen, ồn ào và nóng quá. Mới đi thăm con gái, thấy nó cực quá làm suốt ngày đêm cho một quán nhậu đông khách. Anh Hai có giảm cho tôi một ít được không? Tôi đã sạch túi khi sang nửa ngọn đồi cà phê của anh. Giá chuyển nhượng này tính theo thị trường giá thấp mấy năm trước, nếu tính theo mùa cà phê này còn cao hơn. Nếu vợ chưa cưới của tôi không vào kể như tôi phải ở trọ nhà anh, hết tiền cất nhà rồi. Anh ráng một năm nữa, sẽ thu hoạch lứa cà phê đầu, giống tôi xuống rất tốt, đặt bên Di Linh đó. Thức uống xong ly trà nhỏ, nói ông Hai cùng đi xem rẫy cà phê. Ông Hai đã kể cuộc đời của mình, 17 tuổi vào Sài Gòn, do tình cờ ông trở thành huấn luyện viên quần vợt, nên sống trong môi trường thượng lưu, quen biết nhiều tướng tá chế độ cũ. Sau 1975, ông về quê ở Quảng Ngãi, rồi tiếp tục đi kiếm ăn bằng ruộng rẫy nhiều nơi. Cách đây năm năm ông và vợ con định cư chốn này, mua lại ngọn đồi trồng cà phê, bây giờ bán một nửa cho Thức để có tiền cho cô út học đại học. Thức ngẫm nghĩ, cả ngọn đồi 5 ha đầy mồ hôi, đầy cơ khổ của ông Hai không bằng giá mua một nền nhà loại trung bình ở khu tái định cư. Hơn 3 giờ chiều, Thức và ông Hai từ rẫy quay về, vừa bước vào nhà H.Bê chỉ tay về phía Lan:
- Chú Thức coi có quen với ai đây không? Lan đã đứng lên nắm tay Thức: - Em đi máy bay vào Ban Mê Thuột, rồi đi xe đò về Gia Nghĩa... - Thức hôn lên tóc Lan: - Anh Hai, đây là bác sĩ Lan từ Hà Nội vào... - Chị nhà tối qua anh nói chớ gì? Chào anh Hai, anh Thức có nói về anh qua điện thoại; chị Hai... - Vợ tôi ra nhà con gái ngoài chợ... Thức chỉ H.Bê: - Sao em biết H.Bê, cô gái này phục vụ ở quán gần Hồ Vịt, lúc mình ăn trưa với nhau khi đi Ban Mê Thuột bằng môtô..., em nhớ không? - Anh lẩm cẩm mất rồi, chính anh cho số di động của H.Bê từ tháng trước. Cô này làm ngược lại với chị Thức là lấy chồng vùng đồi chè Phú Thọ, ông Hai cười lớn khoái chí phải không H.Bê? - Dạ, anh Ninh người Mông. H.Bê nói khẽ. Ông Hai kết luận: Đây là cao nguyên thơ mộng, vùng đất lành đang phát triển... nghe đâu xây dựng Đà Lạt thứ hai. Một vùng đất có nhiều dân tộc, nhiều vùng, miền đến định cư, tập hợp nhiều tinh hoa, rồi sẽ sung túc cho xem. Ông Hai nói với H.Bê: - Chú cháu mình ra chợ, mua thêm gì đãi chị Lan. Còn lại hai người trong căn nhà thô sơ, đặc trưng của vùng đồi cà phê. Thức và Lan hôn nhau rất lâu. Trời lạnh giúp hai người quấn chặt nhau hơn.
T.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét