Nhà văn Nguyễn Văn Học
Có những chuyến trở về tuổi thơ đầy ngăn trở bởi sự thay đổi của cuộc sống và thời gian. Thời gian đã đẩy nhiều vẻ lãng mạn cùng nết ăn nết ở nơi thôn quê vào quên lãng. Song có những khoảng trời không bị xóa nhòa, vì nơi đó tin yêu được sinh ra từ những cánh đồng làng quê. Cuộc đời sâu thẳm, làng quê mênh mông, nhưng con người làng quê bình dị và biết lưu giữ ký ức. Một trong những điều bình dị đẹp đẽ và thể hiện sức sống bền bỉ, là mùa cấy.
Người thành phố ít hiểu và trải nghiệm nỗi nhọc nhằn, thấp thỏm, chờ mong trong mùa cấy. Phàm đã sinh ra và sống ở quê khoảng chục năm về trước, sẽ đặng hiểu tâm tình những ngày tát nước lên những thửa ruộng đã cày bừa ải, be bờ, chờ nước đổ đầy thì gieo cấy. Ngày xưa và cả bây giờ cũng vậy, cái nắng nóng đâu có hiểu cho nỗi vất vả người nông dân. Nên mới có ca dao: “Người ta đi cấy lấy công/ Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề/ Trông trời trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm…”. Được ngày mát, dường như cả làng ưu tiên cho việc cấy. Những người đàn ông, đám thanh niên, con trẻ phụ trách việc nhổ mạ để ưu tiên phụ nữ dẻo tay “cắm sự sống vào đồng”. Có khi cơm cũng được nấu sẵn, giờ trưa ngơi tay mang ra đầu ruộng ăn vội rồi tranh thủ làm. Thường người dân quê tôi chọn cấy vào sáng sớm, chiều mát hay dùng ánh trăng soi để cấy. Chẳng đừng được mới phải lom khom trong cái nắng chan lửa. Thậm chí ngày xưa chưa có máy móc còn cày bừa dưới trăng. Trăng soi cho người làm. Mặt ruộng phẳng và nước ngả xâm xấp bên trên. Ánh trăng sẽ chan hòa, nhuộm vàng mặt ruộng. Người cấy dùng hai tay. Bàn tay trái đỡ bó mạ và dùng ngón chia mạ. Bàn tay phải lấy mạ cắm xuống bùn. Thoăn thoắt, chính xác. Tay cắm mạ vừa phải. Sâu quá mạ sẽ không nở, khó sinh trưởng, nông quá mạ sẽ nổi lên. Quê tôi đến giờ vẫn có lệ cấy đổi công. Các cô các dì thu xếp với nhau để cấy chân ruộng nào, nhà ai trước, xong sẽ chuyển đi cấy cho nhà khác. Chuyện đổi công giúp không khí lao động trở nên khí thế, vơi bớt mệt nhọc, tạo tinh thần đoàn kết tương thân tương ái.
Hình ảnh người mẹ, người chị đi cấy đồng xa đồng gần, cha cày bừa, anh cuốc góc… đã trở thành hình ảnh bình dị nơi thôn quê, được in đậm trong thơ, trong nhạc, họa và cả kho tàng ca dao tục ngữ. Bà nội tôi chẳng được học hành nhiều, nhưng cấy giỏi và thuộc ca dao tục ngữ trong làng chẳng ai sánh kịp. Nội biết cấy từ năm tám tuổi, đến giờ đã tám mươi xuân, nội vẫn cấy. Nội vận dụng ca dao tục ngữ, hướng gió, mùa chim trời thuần thục để đoán thời tiết, nhắc nhở cháu con về công việc đồng áng. Nội cấy trên những cánh đồng quen thuộc, dưới vòm trời thân thương và hằn in kỷ niệm. Nội đã cấy xuống bùn những khóm lúa hy vọng, những khóm lúa thấp thỏm ngay từ cái rễ. Đôi bàn tay nội không biết đã bao mùa vục tay xuống bùn đất, xuống phù sa nâu. Bà nội và các bà trong làng cũng nhân những mùa cấy dưới trăng để chọn con dâu, kén con rể. Người thuộc ca dao tục ngữ thì hát đố. Kho tàng hát đố ít lời thì các bà đặt thêm lời. Cũng nhờ bà thuộc ca dao, bà “tán” hộ mà chị Chi có chồng. Ngày ấy trong đêm cấy, bà hỏi anh Đoán bằng ca dao: “Mạ úa cấy lúa chóng xanh/ Gái góa chóng đẻ sao anh hững hờ?”. Anh Đoán nghe mọi người gán ghép mình với chị Chi, ngượng ngùng quay đi. Thế rồi nhờ những bà mối mát tay, đêm trăng thanh dưới đồng sâu, chị Chi góa chồng đã khiến anh Đoán động lòng. Người cùng làng, họ nên duyên chồng vợ bằng tình yêu và sự sẻ chia, thấu hiểu, dù chị Chi có nhiều nỗi thiệt thòi. Lạ thế. Nhiều đêm cấy lúa trở thành đêm hội, thành dịp trai gái hay lam hay làm gặp nhau, thắp mầu xanh cho đồng, thắp lửa trong nhau…
Bây giờ phần lớn máy móc đã cày bừa thay sức trâu, nhưng quê tôi còn lắm chân ruộng chưa gieo sạ. Vì thế vẫn thân thương lam lũ cảnh các bà các chị cấy tay. Mùa cấy năm nay nắng như thiêu đốt, tôi về với mẹ, với bà đêm cấy dưới trăng để tìm ký ức và trải lòng tri ân. Chắc chắn chỉ ít năm nữa thôi, nhiều người sẽ chẳng biết cái cày, cái bừa ra sao, con trâu con bò được xỏ mũi thế nào. Tất cả sẽ bị chen lấn bởi thời gian và sự phát triển của trí tuệ, máy móc. Chắc chắn cũng sẽ sinh ra những sự khuyết thiếu. Suốt bao năm qua, chỉ riêng chuyện cấy thôi, đã nhắc nhở tôi trân quý sức lao động, sự hiến dâng, tinh thần vượt khó. Chuyện cấy lúa luôn nhắc nhở tôi như bài học của mẹ thuở nào: Việc trồng cấy và chăm cây lúa cũng như chăm sóc dạy dỗ những đứa con. Trải qua gian nan, vất vả để được nhận về những mùa vụ bội thu, chính là hạt thóc mẩy vàng, con cái thành đạt.
Tôi hiểu, mình được dưỡng nuôi trong vất vả, tin yêu, nhân nghĩa thì phải biết sống đời hiến dâng.
N.V.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét