Đã đi trọn kiếp con người
Cũng chưa “đi hết” những lời mẹ ru
Thật vậy, những lời mẹ ru làm sao ta có thể “đi hết” được. Tuổi thơ của mỗi người đều gắn liền với lời ru ngọt ngào, êm dịu của bà, của mẹ. Lời ru như dòng suối mát làm dịu đi những lo toan, bức bối của cuộc sống và nó theo ta suốt cuộc đời. Lúc nhỏ nghe mẹ ru, lớn lên ru con, khi già ru cháu. Vậy mà giờ đây những lời ru làm xao động lòng người trong cả một thời gian dài nay lại có nguy cơ chìm vào quên lãng.
Hát ru vốn là nghệ thuật dân gian đậm đà bản sắc dân tộc được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Nó còn là nét đặc sắc của những gia đình truyền thống Việt Nam. Hát ru không chỉ thể hiện tình cảm của người mẹ dành cho đứa con của mình mà nội dung những bài hát ru còn biểu hiện trí tuệ, sự hiểu biết về cuộc sống của người mẹ. Chất liệu những bài hát ru không phải ở đâu xa lạ mà chính là ca dao, tục ngữ, những triết lý sống ngàn đời của ông cha ta để lại. Những lời hát ru sẽ in mãi trong tâm thức của con trẻ. Đó là những gì êm ái, ngọt ngào nhân bản nhất, chứa đựng bao nhiêu là bài học quý giá, thấm sâu trong tâm tưởng, là hành trang giúp con trẻ tự tin bước vào đời.
“Ầu ơ
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời”
“Ầu ơ
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi khó đẩy về rẩy ăn còng
Về sông ăn cá về đồng ăn cua”
“Ầu ơ
Ví dầu mẹ chẳng có chi
Chỉ con với mẹ chẳng khi nào rời”
Những lời hát ru cũng là những bài học quý về đạo lí làm người mà người mẹ muốn con thấu hiểu ngay từ lúc còn nằm nôi. Những lời ru mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ hát, không cần qua trường lớp, sách vở, chỉ cần nghe bà, nghe mẹ hát vài lần là nhớ ngay. Lời ru không chỉ đối với trẻ con mà ngay cả người lớn khi nghe cũng cảm thấy lòng xao động, dấy lên tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu cả tình người-một tình yêu thắm thiết.
“Ví dầu
Chiều chiều én liệng trên trời
Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây”
“Ví dầu cá bóng đánh đu
Tôm càng hát bội,cá thu cầm chầu"
“Ầu ơ
Chiều chiều vịt lội cò bay
Ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng
Vô rừng bứt một cọng mây
Đem về thắt gióng cho nàng đi buôn”
“Má ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau má nhờ
Má ơi đừng đánh con khờ
Để con bắt ốc má nhờ má ơi
Má ơi đừng đánh con hoài
Để con câu cá bầm xoài cho má ăn
“Ầu ơ
Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư"
Lời ru mỗi vùng, mỗi miền khác nhau về giọng điệu, luyến láy nhưng nội dung lại giống nhau, đều thể hiện tình cảm, nhất là tình mẹ con. Ngay từ lúc còn nằm trong nôi, những lời hát ru ngọt ngào, giai điệu êm ái, ấm áp chứa biết bao là tình thương của bà, của mẹ đã đưa trẻ vào giấc ngủ bình yên. Nó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, là sợi dây kết nối thắt chặt tình cảm gia đình. Bên cạnh đó, khi trẻ nghe những lời ru dù chưa hiểu gì về nội dung nhưng những lời hát ru cũng giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, biết cách vận dụng từ ngữ, lâu dần nó thấm sâu vào tâm hồn giúp trẻ có cái nhìn đúng đắn hơn về lòng nhân ái, đạo lý làm người, lòng yêu quê hương đất nước. Hình ảnh dòng sông, lũy tre, bến nước ngôi nhà, cánh cò, vầng trăng… qua lời ru của mẹ cứ thấm dần, thấm dần. Đó là tín hiệu âm thanh lần đầu tiên trẻ tiếp nhận từ người mẹ, dù chưa hiểu nội dung sâu sắc cái hồn trong câu ca về nhân tình thế thái, về những gì xảy ra trong cuộc sống nhưng trẻ cảm nhận được tình cảm, sự yêu thương chăm sóc, che chở của người mẹ thân yêu. Đứa trẻ giật mình khóc thét lên nhưng khi nghe tiếng ầu ơ của mẹ thì lại nín ngay và an tâm chìm vào giấc ngủ. Mưa dầm thấm lâu, thật vậy những lời ru của mẹ lâu dần sẽ thấm sâu vào tâm hồn trẻ, góp phần hình thành nhân cách của trẻ sau này
“Mưa dông sấm chớp đùng đùng
Mẹ ôm con nhỏ vào lòng mẹ ru
Ngủ cho yên, ngủ cho say
Tiếng ru theo tiếng võng đưa ngọt ngào"
“Con hỡi, con hỡi, con ơi
Bú no con ngủ, mẹ ru hời hời
Con nằm, con nín, con chơi
Làm thinh con hãy nghe lời mẹ ru”
“Ầu ơ… chim khôn chưa bắt đã bay
Người khôn chưa nói dang tay đỡ lời”
“ Cái bống đi chợ cầu Canh
Con tôm đi trước, củ hành theo sau
Con cua lạch bạch theo hầu
Cài chày rơi xuống bể đầu con cua”
“Bà Còng đi chợ mua rau
Cái tôm cái tép theo sau bà Còng
Tiền bà trong túi rơi ra
Tép tôm nhặt được trả bà mua rau.
Ôi! Hạnh phúc biết bao cho những đưa trẻ được nằm trong vòng tay mẹ, thưởng thức dòng sữa thơm từ bầu sữa mẹ ấm áp, ngọt ngào, cảm nhận bàn tay dịu dàng, êm ái xoa lưng, xoa đầu và cả những lời ru tràn đầy tình cảm đưa con vào giấc ngủ.
Tiếng ru gởi gắm tình thương
Mang bình yên đến cho con mẹ mừng
Đừng nghĩ rằng trẻ con còn bé không biết gì, thật ra trẻ cảm nhận được tất cả những tình cảm thông qua những lời ru nhưng không thể nói ra được thôi. Nhiều bà mẹ trẻ ngày nay không còn dùng lời hát ru để ru con ngủ, có thể do nhiều nguyên nhân: không biết hát ru, không có thời gian, thậm chí sợ con nghe quen giọng sẽ đeo lấy mẹ. Thay gì hát ru con, một số bà mẹ mua băng đĩa về bật lên cho con nghe để đưa con vào giấc ngủ và cho đó là tiện lợi nhất. Nhưng thật ra đây là suy nghĩ sai lầm, dù hát hay hay hát dở thì khi người mẹ hát ru con cũng thể hiện tình mẫu tử, lòng yêu thương của người mẹ đối với con. Thật đẹp làm sao hình ảnh người mẹ ôm con vào lòng hay đu đưa chiếc võng và cất lên lời ru ngọt ngào
- Ầu ơ… gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
về sông ăn cá về đồng ăn cua
- Ầu ơ… gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ năm canh
Khác với nền văn hóa một số nước, người mẹ Việt Nam nuôi dưỡng con không chỉ bằng dòng sữa ngọt ngào, ấm áp mà còn nuôi dưỡng con bằng lời ru. Thế nhưng xã hội càng văn minh hiện đại, vai trò của người phụ nữ được nâng cao thì loại hình nghệ thuật dân gian từng góp phần nuôi dưỡng bao thế hệ trưởng thành sắp có nguy cơ biến mất, bởi lớp trẻ ngày nay không còn nằm trên chiếc võng đan lát truyền thống mà nằm trong những chiếc nôi điện nghe những băng đĩa nhạc hiện đại sôi nổi chứ không nhẹ nhàng, sâu lắng như những bài hát ru. Kiểu nghe nhạc mạnh, gấp gáp khiến cho trẻ tiếp thu một cách thụ động mà không có chút cảm xúc, nhất là mất đi sự tương tác giữa mẹ và con. Thật đáng tiếc là các bà mẹ trẻ ngày nay không biết hát ru con, thiếu sự vỗ về, nâng niu, chăm sóc. Do công việc, các bà mẹ giao con cho ông bà hoặc người giúp việc chăm sóc, thậm chí ban đêm cũng để con ngủ với bà hoặc người làm để ba mẹ được yên giấc, nhiều bà mẹ còn đánh, mắng con, cảm thấy khó chịu, bực bội khi nghe con khóc. Đó là những việc làm phản khoa học, phản nhân cách, là nguyên nhân mà trẻ khi lớn lên sống cách biệt với mọi người, không có lòng nhân ái, không biết quan tâm chăm sóc người khác, không biết lễ phép, tôn trọng người lớn tuổi, mặc dù bọn trẻ ngày nay thông minh, nhạy bén hơn bọn trẻ ngày xưa nhiều. Đừng xem nhẹ sức mạnh của những lời hát ru mộc mạc, giản dị. Với việc truyền đạt cho bé những vần điệu vui tai, dễ nhớ, dễ thuộc của dân gian, cha mẹ đã thắt chặt thêm sợi dây tình cảm góp phần phát triển tư duy, rèn luyện đạo đức làm người cho trẻ sau này.
Những lời ru ngày nay có nguy cơ biến mất và mất hẳn khi thế hệ đi trước không còn nữa. Để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, ngành giáo dục, ngành văn hóa nghệ thuật khi thực hiện các chương trình văn nghệ, nhất là văn nghệ quần chúng nên đưa vào vài tiết mục hát ru để duy trì những lời ru và khơi dậy phong trào văn nghệ dân gian trong quần chúng để những lời hát ru không rơi vào quên lãng, bỏ phí đi một nét đẹp văn hóa truyền thống, một “hồn cốt” vô cùng độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Sống giữa đô thị nhộn nhịp, khẩn trương, những lo toan cho cuộc sống, mỗi chúng ta có một lúc nào đó nhớ về tuổi thơ, nhớ tiếng mẹ hát ru: Ầu ơ… ví dầu… trong lòng cảm thấy xao xuyến, bâng khuâng, một cảm xúc khó tả. Đừng để những lời hát ru từng làm nao lòng bao thế hệ người Việt chỉ còn trong sách vở. Nếu thế thì thật là đáng tiếc!
T.S
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét