Nhà văn, nhà báo Nam Thi (Bình Định)
Ngày đầu về lại căn nhà cũ…
Thanh nhận ra giếng sau nhà đã được làm mới. Đó là cái giếng cổ, có lẽ được đào từ khi ông cao tổ của anh chuyển từ Kiên Thạnh lên Vĩnh An khai phá vùng đất trên bờ Bắc sông Côn này, như vậy đến đời anh nó đã trải qua mười hai đời kể từ cuối thế kỷ 17. Đó là theo lời truyền khẩu trong dòng họ. Khi Thanh còn bé, thành giếng và nền giếng tô bằng vôi, bong tróc nhiều chỗ phơi lộ những viên gạch thẻ.
Cha anh lập gia đình, ông nội anh cắt gần hai nghìn mét vuông ở phần phía đông của vườn nhà từ đường cho ông xây nhà. Cái giếng cổ nằm trên phần đất đó nên thuộc nhà anh. Ông nội cho đào cái giếng khác xây bằng đá ong với tiết diện lòng giếng rộng hơn nhiều để đủ nước cung cấp cho nhu cầu mỗi khi giỗ họ và hiệp tế quy tụ con cháu nhiều hệ phái ở rải rác khắp huyện Bình Khê, Vĩnh Thạnh, Tuy Phước… Bộng của giếng nhà anh làm bằng đất nung, càng xuống sâu bộng càng nhỏ. Bộng cuối cùng chỉ bằng cái sàng gạo. Anh nhớ có mười lăm bộng, nên ước chừng giếng sâu chưa tới tám mét, vừa đủ chiều dài một đoạn dây dừa bán phổ biến ở chợ thuở đó. Xóm Vĩnh An nằm ngay bờ sông Côn, nên mạch nước dồi dào, giếng có nước quanh năm, mùa lụt nước giếng dâng lên cùng với mực nước sông. Những năm có lụt lớn nước ngập thành giếng tràn vào bên trong. Nước nguồn đục ngầu đầy phù sa, sau khi lụt rút phải tốn công “cảo” giếng, quậy cho bùn non hòa tan rồi dùng gàu múc hết nước đục trong nhiều ngày đến khi nước trong trở lại mới uống được.
Trước khi Thanh vào Sài Gòn học đại học vào năm 1978, cái giếng là một phần gắn bó của đời anh cũng như căn nhà, bộ phản gõ, sân trước, sân sau, cây xoài, cây mít… Anh thuộc nằm lòng từng chỗ mẻ của bộng giếng thứ ba và thứ sáu. Nhưng nghiêm trọng nhất là vết nứt chạy xéo nền giếng do rễ cây vú sữa đội lên. Rễ càng lớn vết nứt càng rộng, vôi tô nền vỡ dần hình thành một một khoảng lở ngày càng lớn. Mùa hè năm anh học năm thứ hai, anh đã tự tay đào nền giếng, bứng nhánh rễ, rồi mua xi măng về tô lại chỗ lở ấy vào ngày giỗ cha anh. Chỗ vá như một vết sẹo kỳ quặc, màu xi măng xanh lộ liễu trên nền vôi trắng xám, giống như cái áo dài the được vá bằng một mảnh vải nylon. Nhưng đó là điều cần thiết, không còn cách nào khác vì thời ấy người ta đã thôi không sử dụng vữa làm bằng hợp chất truyền thống gồm vôi tôi trộn mật mía và dung dịch lá dâm bụt quết nhuyễn.
Lần này thì Hùng, con út của người anh cả của anh, đã “cải tạo” hoàn toàn cái giếng cổ. Bộng giếng bằng đất nung được móc lên, lòng giếng khoét rộng ra, moi sâu hơn, thay bằng những ống bi bê-tông đúc sẵn. Đương nhiên, thành giếng và nền giếng cũng tô mới bằng xi măng, rộng gấp rưỡi nền cũ, có lề bao và một cái bục nhô cao rộng bằng chiếc chiếu đơn dùng để giặt giũ. Có một cái gàu nhựa nhưng chắc ít khi được dùng vì đã có một mô-tơ bơm nước lắp sẵn với ống nước thọc thẳng xuống đáy giếng, mỗi khi cần cứ đóng điện bơm nước lên bồn đặt trên nóc nhà tắm hoặc kéo dây ra tận vườn trước để tưới rau, cây cảnh.
Xà-bần từ giếng cũ còn đổ thành đống bên cạnh giếng. Bao nhiêu thế hệ nằm ngổn ngang, những mảnh vỡ của quá khứ… Hùng cho biết mớ xà- bần ấy để dành gia cố nền nhà bếp khi nào nó có tiền. Thế cũng tốt, Thanh nghĩ, không có gì mất đi, chỉ thay đổi chỗ, hình dạng và công dụng nhưng kỷ niệm, ký ức của con người thì nhạt phai rồi mất dần theo thời gian.
Cũng đành vậy thôi, cái cũ nào cũng sẽ được cái mới thay thế cho phù hợp với tiến bộ của thời mới. Biết thế nhưng Thanh vẫn buồn. Mất cái giếng cổ như mất một người thân. Cái giếng mới như một người xa lạ. Anh không trách Hùng vì nó không báo cho anh trước khi “cải tạo”. Nếu được biết trước, anh sẽ cố giữ lại những phần nào đó để bảo tồn di tích của tổ tiên mà vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng mới của đời sau, thậm chí góp tiền để Hùng đào một giếng mới.
Khi đón anh ở bến xe Phú Phong, Hùng đã khoe thành tích, nó bảo: “… gần chục triệu đó chú. Nhờ con trúng vụ hành mùa rồi mới có tiền, nên con không xin chú hỗ trợ”. Ngay lúc đó anh đã mường tượng hình ảnh cái giếng được làm mới thế nào. Anh cố lắm mới nói được mấy câu khen Hùng.
Ngày thứ hai…
Thanh dậy sớm, uống cà-phê với Hùng. Trận mưa nhỏ đêm qua còn để lại những giọt nước trên lá long lanh như những hạt sương trong nắng sớm. Hùng lấy xe gắn máy ra đồng thăm lúa, trước khi đi nó dặn:
- Khi nào chú muốn đi thăm mả ông bà thì a-lô con về chở chú đi.
Nó biết anh vẫn thường đi thăm mộ mỗi khi về quê. Khi nó đã vọt xe ra khỏi ngõ, anh ra giếng và bắt đầu moi đống xà-bần như ý định đã có từ đêm qua.
Anh rinh những mảnh bộng giếng bể để sang một bên, lấy những mảnh lớn xem có thể ráp lại với nhau nhưng anh đã thất vọng. Sau đó anh bắt đầu moi đống vôi gạch vụn. Hầu như tất cả đều vỡ vụn vì người ta đã dùng búa đập khi phá bỏ nền và thành giếng. Hơn nữa hồ vôi sau hàng trăm năm đã phân rã vì mưa nắng. Cũng may phần xi măng anh vá nền giếng mùa hè năm 1981 vẫn còn những mảnh khá nguyên vẹn vì chưa bị phong hóa. Đó chính là cái anh tìm. Anh vào nhà lấy cái thúng, cho tất cả những mảnh ciment anh nhặt được vào, bưng đến gốc cây vú sữa, rồi bắt đầu sắp chúng sao cho khớp giống như công việc của các nhà khảo cổ phục chế những mảnh gốm thu thập được từ khu di chỉ để ráp thành cái lọ, cái nồi mà người xưa đã dùng.
Trong khi anh đang tẩn mẩn với mớ mảnh nền xi măng thì Hùng về. Nó ngạc nhiên hỏi:
- Chú tìm gì vậy. Hôm làm lại nền tự tay con cạy chỗ tráng xi măng đó vì mấy ông thợ xây bảo rằng có thể chú hoặc cha con chôn món gì ở đó. Thời buổi đó, người ta vẫn lén chôn giấu của cải mà. Họ bảo con tự cạy chỗ đó chứ họ không đụng vào, sợ mang tiếng sau này, nếu quả thật có kho báu.
Thanh cười:
- Thì tao giấu vàng ở đó mà…
Nó trố mắt:
- Thật không chú? Con có thấy gì đâu. Có mấy ông thợ xây làm chứng. Chỉ thấy mấy dấu chân in trên mặt.
Thấy cháu tưởng thật, Thanh bảo:
- Ừ, chú đùa đấy. Chả có vàng bạc gì đâu. Chú chỉ tìm những dấu chân đó thôi.
Hùng vỡ lẽ:
- Hèn chi mỗi lần về là chú ra thăm mấy dấu chân đó. Cháu quên mất, nếu không cháu cạy nguyên mảng giữ lại cho chú.
Hùng ngồi xuống giúp anh sắp các mảnh xi măng. Chẳng mấy chốc họ đã phục hiện mảng nền giếng in bốn bàn chân dường như là của hai người đứng áp mặt nhau, nhìn kỹ thấy hai bàn chân lớn song song nhau, một bàn chân nhỏ chỉ in phần ngón mà không có phần gót.
Hùng tò mò hỏi:
- Bàn chân của ai vậy chú
Thanh lửng lơ:
- Bí mật quốc gia.
Anh không giấu niềm vui, bảo cháu:
- Đi kiếm món gì tối chú cháu mình lai rai nhé. Mà này, sao cháu đập hết bộng giếng, uổng quá vậy? Toàn là bộng của lò Mỹ Yên nổi tiếng, trăm năm chưa hề hấn gì.
Hùng phân bua:
- Con cũng có ý giữ nhưng hầu hết đã bị nứt rạn, cạy ra là bung. Chỉ còn ba bộng nguyên vẹn, con để trên chái nhà trên.
Thanh kêu lên:
- Vậy sao? Mầy cũng khá lắm. Của ông bà để lại, cố giữ làm kỷ niệm. Chú có cách rồi.
Chiều đó, hai chú cháu lai rai nửa lít rượu trắng với mấy con chuột đồng nướng mà Hùng đã săn được. Chuột đồng thui nguyên con, lột da, móc hết ruột, ướp nước mắm ngon, tẩm gia vị từ chiều cho thấm, nướng bằng lửa than mùi thơm bay xa cả xóm. Khi rượu đã ngà ngà, Hùng gợi lại:
- Chú kể sự tích đôi bàn chân in trên nền giếng ấy đi.
Khi ấy, Thanh cũng đã ngà ngà say.
- Mầy có biết cô Xuân bên Xuân Hòa không? Mầy còn nhỏ làm sao biết được. Hồi đó, tao với cổ sắp lấy nhau. Tao tính sau khi tốt nghiệp, xin được việc làm thì xin cưới. Năm tao học năm thứ hai, nghỉ hè tao về giỗ ông nội mầy. Tao rủ cổ qua nhà mình ăn giỗ, cũng là để ra mắt bà con. Thật ra, cổ ở bờ nam sông Côn đối diện với làng mình, đâu có xa lạ gì mà coi mắt, coi mũi. Tao chỉ muốn cổ làm quen với bà con dòng họ. Tao ra sông đón cổ. Ngày thường nước sông cạn queo, vén quần lội qua được. Ai dè, đêm hôm trước mưa trên nguồn, nước sông dâng cao, có chỗ sâu tới rún. Cổ không dám lội vì cổ mặc bộ đồ bộ mỏng, ướt là… thua. Cổ đòi quay về. Mà cổ về là tao… thua. Tao năn nỉ mãi, cuối cùng cổ chịu để tao cõng lội qua.
Nghe đến đoạn đó, Hùng không nhịn được:
- Cõng như cõng con nít hả chú? Hèn chi, chú chưa già mà lưng đã thấy còng.
Thanh cũng cười, tiếp:
- Để yên, tao kể cho nghe. Đó là lần đầu tiên và duy nhất trong đời tao “gần” cổ đến như vậy. Chết cũng không quên. Đến bây giờ tao vẫn còn thấy cái cảm giác nằng nặng mà phơi phới, lành lạnh mà ấm áp, nhất là hơi thở của cổ phả bên tai tao. Về đến nhà, cổ liền xuống bếp giúp nấu nướng. Tao ở trên nhà trên thỉnh thoảng chạy xuống dòm chừng. Thấy cổ được mọi người chăm sóc, khen ngợi tao thấy sướng trong bụng…
Thanh nhấp một chén rượu, rồi kể tiếp:
- Mâm cỗ dọn xong chuẩn bị cúng. Tao đang trải chiếu thì thấy cổ lấp ló ngoài cửa, ngoắc tao. Khi tao chạy ra, cổ liền kéo tao ra giếng, chỉ chỗ xi măng tao mới tô lúc sáng chưa khô. Cổ hớt hải nói: “Chết rồi anh ơi. Em ra rửa chân, vô ý dẫm vào đó rồi, làm sao?”. Tao để ý thấy trên mặt xi măng ướt in nguyên bàn chân phải của cổ, còn bàn chân trái mới in phần trước với năm ngón chân đầy đủ. Có lẽ cổ mới bước vào, hoảng quá nên thụt lại.
Hùng cắt ngang:
- Dễ ẹt. Trộn chút hồ tô lại là xong ngay.
Thanh nâng ly rượu, cười giòn:
- Nói như mầy thì đâu có chuyện chú cháu mình phải mệt suốt buổi sáng. Lúc đó, không biết do đâu mà tao thông minh đột xuất. Tao tuột dép ra, bước vào chỗ xi măng mới tô, in luôn hai bàn chân tao đối diện với dấu chân cổ khiến cổ ngạc nhiên la ý ới. Tao nói với cổ: “Coi như anh và em lăn chỉ chân giao ước rồi nhe. Kể từ giờ nầy, em là vợ anh. Chút nữa vào cúng, nhớ lạy ông cha chồng cho kính cẩn đấy!”.
Rượu đã thấm, Hùng nhừa nhựa:
- Vậy mà cuối cùng cổ lại không lấy chú. Nghe nói cổ qua Mỹ…
Thanh gật đầu:
- Ừ. Thời buổi đó…
Anh nghĩ thầm chắc chẳng có cơ hội nào Xuân thấy lại dấu chân hóa thạch của mình, dấu chân mãi mãi tuổi đôi mươi.
9.2012
N.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét