Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang (Tây Ninh)
Siêu thị chiều tấp nập người là người. Hình như cái nắng trưa dịu đi thì người ta mới ra đường vậy. Và sau sự ra đường đó là nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm được đặt lên hàng đầu nên dòng người đổ về siêu thị cứ ngày một đông. Trẻ con theo chân cha mẹ cũng không ít, chúng tít tít đòi ăn cá viên, hồ lô, đứa đòi gà rán, đứa muốn trà sâm bì đao, đứa lại khóc nhè đòi kem đá tuyết…
Mây đen từng dãy đã đùn lên cao từ phía núi nên các bậc cha mẹ càng gấp gáp bước chân. Vậy mà bọn trẻ cứ nhì nhằng níu tay ba mẹ, còn cha mẹ chúng thì vội vã bước qua các bậc tam cấp để vào trong kèm lời thỏa hiệp “Thôi nào… vào siêu thị đi… rồi ăn uống gì thì ăn nhé”. Có đứa ngoan ngoãn vâng lời, có đứa lại ụ mặt xuống và giậm giậm chân tại bậc cửa dùng dằng mãi.
Ba cô bé tuổi lên 7 lên 10 vai đeo bóp, tay cầm xấp vé số chạy a đến bên tôi khi cu con của tôi cũng đang nhì nhằng đòi quà vặt ở bậc tam cấp:
- Dì ơi! Mua giùm con mấy tờ vé số đi! Trời sắp mưa rồi!
Tôi nhìn ba gương mặt thiên thần, cũng tròn trịa và lanh lợi lắm nhưng hình như khá lem luốc trong những bộ quần áo cũ kỹ.
- Ba công chúa đều mời vé số, tôi mua của ai đây ta?
Ba cô bé cười toét miệng khi nghe tôi gọi như thế. Cô áo xanh bóp đỏ có vẻ lanh hơn đã chìa xấp vé số về phía tôi:
- Thì dì mua hết cho ba công chúa luôn ạ! Mỗi đứa mua một tấm, nhưng con mời trước nên mua cho con hai tấm!
- Hông phải! Tui thấy dì này trước nên mới rủ hai bạn chạy lại mà! Cô bé nhỏ nhất nhóm tranh luận.
- Còn tui thì lấy ghế cho dì ngồi! Nên dì mua con ba tấm nha dì? Cô bé áo đầm chấm bi liếng thoắng
- Dì sẽ mua mỗi đứa hai tấm, nhưng mà phải tâm sự mỏng với nhau chút coi các con còn đi học không, sao đi bán vé số, đi với ai?
Cô bé áo xanh xấn tới:
- Con tên Ngọc Lan đó dì, nhưng đó là tên đi học thôi. Tên ở nhà là bé Ti, con học lớp 3, sau con còn hai em trai đẻ đôi mới ba tuổi. Con không có ba, mẹ con cũng đi bán vé số nhưng hông đủ nuôi ba chị em con nên con đi bán phụ!
- Mỗi buổi con bán bao nhiêu vé? Nhà con ở đâu?
- Mẹ phân công con bán năm mươi vé á dì, thì mẹ sẽ cho năm ngàn ăn bánh. Con ở nhà trọ khu vực xóm Gò Thùng đó, dì biết không? Gần Tòa Thánh đó… nhưng mà con hông có được vô Tòa Thánh chơi như các bạn đâu, mà đi là toàn phải vừa đi bán, vừa dẫn theo hai thằng em quậy như giặc không à!
Bé đầm chấm bi thì trầm giọng:
- Mẹ con mất vì tại nạn giao thông. Là đi bán ban đêm bị xe tông á dì. Mới tám tháng nay hà! Ba con dắt con về gửi ngoại để ba đi làm. Mà đi gì tám tháng nay không về luôn. Tối không làm gì nên hai bà cháu con đi bán vé số, ngoại con hứa năm nay con vô lớp bốn, ngoại sẽ mua cho một đôi giày búp bê mang đi học!
Tôi xoa mái tóc cắt ngắn của bé, vuốt vuốt tấm lưng rịn mồ hôi khen áo bé đẹp. Chấm Bi vui hẳn lên:
- Áo này xin ở chỗ cho đồ cũ á dì! Đồ cũ mà đẹp đẹp không hà! Con còn áo màu hồng, màu cam nữa, mỗi ngày mặc một cái! Mai dì có ra đây không? Dì thích màu nào, con mặc cho dì coi!
Cô bé nhỏ nhất nhóm có vẻ muốn khóc khi khách chẳng nói gì tới mình, cô hỏi khẽ:
- Dì có mua vé của con không? Để con còn đi bán ạ?
- Có chứ! Mỗi công chúa hai vé, lựa cho dì đi! Tại dì mắc nói chuyện với Chấm Bi nên quên con á!
- Bạn đó tên bé Khoai Lang, không phải Chấm Bi đâu dì!
- À Khoai Lang… còn con tên gì?
- Tí Nị ạ! Tại cái tên kì cục nên con học lớp ba mà cứ tí nị như lớp một!
- À há! Ngộ hén? Mà nè, con đi bán với ai?
- Con đi mình ên hà dì! Quê con mở miền Tây đó, chỗ có nhiều sông đó, dì biết không? Đi một khúc đường là có cây cầu à! Con có hai anh em, hàng ngày anh em ở nhà với nhau, ba mẹ đi làm. Bữa hôm anh con té cầu không vớt kịp nên ảnh theo ông tiên đi luôn. Ba mẹ con nói ở đó nhìn cầu nhìn sông là nhớ anh Hai nên gủ nhau lên núi Tây Ninh. Ba con bán đồ lưu niệm, mẹ phụ quán ăn.
- Vậy gia đình Tí Nị lên đây lâu chưa?
- Ba năm rồi đó dì. Lúc đó con học lớp một.
- Rồi gia đình ở nhà trọ à?
- Không có dì. Ở nhà lớn của bà con.
- Vậy là ngon rồi. Mà nè ba đứa ngồi ăn kem nha? Dì mời.
- Mua vé số, khuyến mãi kem hả dì? Ngọc Lan hỏi
- Ừ, kem sô cô la hết nhé!
- Con kem dâu! Tí Nị nhảy cẩng lên
Tôi gọi vào quầy, gọi hai ly sô cô la, một dâu
Ba ly kem bưng ra, có bánh quế, mứt chùm ruột, cốm ngũ sắc trang trí trông rất bắt mắt. Ba cô bé nhận tiền vé số xong thì cất xấp vé vào chiếc bóp nhỏ rồi xoa xoa hai bàn tay vào nhau nhìn tôi cười kiểu “khỏi rửa tay cũng được há dì”.
Các bé hít hà mấy lượt rồi Chấm Bi khẽ hỏi:
- Con bưng ly kem lại kia, mời bà ngoại một muỗng ăn thử được không dì?
- Được chứ! Nhưng con đi cẩn thận để té bể ly nha!
Tiếng “dạ” rân vang cả khuôn viên sân siêu thị.
Tí Nị và Ngọc Lan thì ngồi im ăn, nói với nhau rằng “Chưa thấy dì nào lạ như dì này luôn, tốn sáu chục mua vé số, còn tốn ba ly kem”. “Ừ, ngày nào cũng gặp người như dì này chắc mình ăn kem no luôn”. “Hông, lúc đó mình sẽ xin dì đó đổi kem thành xúc xích hay hồ lô gì đó chứ ăn kem hoài cũng ớn chứ bộ”. “Ừ hén! Đổi kem lấy xúc xích về cho mẹ ăn chung cũng được”.
Tôi nghe hai bé trò chuyện mà chợt mũi cay cay bởi mảnh đời các cháu hãy còn cơ cực quá. Cu con của tôi xem ra đã quá đủ đầy so với các cô bạn trang lứa này.
Độp… độp… độp…
- Á mưa! Tiếng cu con của tôi từ dãy bàn ghế bên kia chạy đến
- Mưa rồi dì! Con đi nha! Giọng Tí Nị hốt hoảng
- Con ăn hết kem rồi! Con hô biến nha! Cảm ơn dì! Tiếng Ngọc Lan
Màn mưa trắng xóa tràn về từ hướng núi. Qua tầng tầng nhà cao, trụ điện, bóng đèn cũng nhòe trong màn mưa chiều vần vũ. Bầu trời thì đen kịt, thi thoảng vài tia sét chói lòa dài ngoằn nhoáng lên khiến cu con tôi nép sát vào mẹ trong khuôn viên bé nhỏ của quầy kem mà vẫn giật mình. Con giật giật tay tôi “Mưa vầy, sao mấy bạn đó bán hết vé số hả mẹ?”. “Đó là vé ngày mai. Mưa thì để mai bán cũng được con ạ”. “Nhưng nếu bán không hết năm chục vé là không có năm ngàn ăn bánh đó mẹ”. “Ừ, thương các bạn hén! Còn con, ví dụ con là các bạn đó thì một ngày con bán được mấy vé?”. “Chắc sáu vé ạ”. “Sao sáu vé?”. “Vì mẹ thích mua sáu vé mà! Bo bán cho mẹ thôi!”. Cu con trả lời khiến mẹ phải phì cười.
Mưa vẫn còn chưa hẹn dứt. Những cánh áo mưa đủ màu xanh, vàng, nâu, đỏ… cứ phấp phới ngoài đường hối hả. Con số trên kim đồng hồ cũng nhích dần từ sáu giờ sáng bảy giờ mà lượng khách vô siêu thị thì vắng bóng, lượng khách trong siêu thị thì hiếm hoi mới có người đi ra. Mọi hoạt động trong guồng quay cuộc sống hình như bị đóng băng vì cơn mưa quá lớn từ núi kéo về. Cu con tôi ôm chặt lấy mẹ "Bo lạnh rồi mẹ ơi! Bo đói nữa! Chút sao mình về nhà được?”. “Nếu ba mươi phút nữa vẫn mưa thì mình để xe lại siêu thị, đi tắc xi về”. “Ồ dze! Được đi tắc xi kìa! Ông trời ơi... đừng có ngừng mưa nhé! Để con đi tắc xi về cho đã!”.
Tôi lại cười cho lời ngây ngô con trẻ.
Bóng ba cô công chúa nhỏ của tôi đã mất tăm trong khuôn viên rộng mênh mông của siêu thị. Các bé chắc cũng lạnh như con tôi, cũng đói như con tôi nhưng chúng sẽ ôm ai? Rồi có khi nào chúng được một lần đi tắc xi trong mưa như con tôi không?
Tôi chợt thấy mưa không còn thi vị nữa. Những miêu tả về mưa nên thơ, mưa níu chân người, mưa dệt cuộc tình, mưa nên thi ca… chỉ còn là xảo ngôn trong lòng tôi khi nghĩ tới bao đứa trẻ lúp xúp trong mưa lạnh để cùng bà, cùng mẹ kiếm cái ăn qua ngày.
Ôi những cơn mưa về từ núi… giá mà từ hướng ngược lại liệu cơn mưa có to lớn và lạnh buốt thế này không?
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét