Thi sĩ Thanh Tùng
Kỉ niệm 84 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Tùng (7/11/1935 - 12/9/2017), sáng ngày 7/11/2019, tại 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Thơ Thanh Tùng - còn đây một thời hoa đỏ”.
Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh tại Mỹ Lộc, Nam Định, nhưng trưởng thành tại thành phố cảng Hải Phòng. Ông là tác giả của các tác phẩm như Thời hoa đỏ, Con sông chảy từ lòng phố, Cửa sóng, Trường ca Phương Nam, Gió và chân trời, Khúc hát quê xa, Cái ngày xưa ấy, Thuyền đời… Những bài thơ của ông được phổ nhạc trở nên rất nổi tiếng là Thời hoa đỏ (nhạc Nguyễn Đình Bảng), Hà Nội ngày trở về (nhạc Phú Quang)...
Tại Hội thảo, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình đã đưa ra những nhận định tâm huyết về thơ của người thơ tài hoa Thanh Tùng.
Tuyển thơ Thanh Tùng do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hànhTT
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận ra ở Thanh Tùng một cách thơ không trộn lẫn: “Người xưa nói, với thơ, ý không quan trọng bằng lời, lời không quan trọng bằng câu, câu không quan trọng bằng cách. Thanh Tùng kiến tạo và sở hữu riêng mình một cách thơ. Thanh Tùng dễ ngã vào số phận của đông người bằng chiều sâu nội cảm. Thơ anh ngổn ngang bộn bề vạm vỡ gân guốc như cuộc đời anh và như cuộc sống vậy”.
Nhà thơ Thi Hoàng lại bị thuyết phục bởi chữ tâm nơi thơ Thanh Tùng: “Phải chăng từ rất sớm, Thanh Tùng đã quan niệm rằng quan trọng với thơ chính là lòng tốt. Không phải đầu mình nghĩ mà là lòng mình nghĩ. Thơ đến với người đời được hay không là ở Một Tấm Lòng”.
Với nhà thơ Đặng Huy Giang thì nhà thơ Thanh Tùng là người có khả năng truyền cảm hứng thơ: “Thanh Tùng là người kết nối, kích hoạt cảm xúc thơ, mĩ cảm thơ đến với độc giả. Và ông cũng là người truyền cảm hứng thơ tới độc giả. Đó cũng là một phần làm nên giá trị và vai trò thơ Thanh Tùng”.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tâm đắc với chất sống đậm đặc trong thơ của nhà thơ đất cảng: “Thơ Thanh Tùng là thứ thơ đậm đặc chất sống, tươi rói chất sống, mặn mòi chất muối của Hải Phòng. Hơi thở đời sống cần lao nhọc nhằn lấm láp của thành phố những năm tháng ấy cứ đầy lên trong thơ ông những nỗi niềm trở trăn day dứt”.
Nhà phê bình Nguyễn Bích Thu cũng ấn tượng với không gian nghệ thuật Hải Phòng trong thơ Thanh Tùng, nhưng là một Hải Phòng gắn với kí ức sẫm màu thời gian: “Dẫu có mở rộng đường biên sáng tạo sang những vùng miền khác của đất nước, thì trong kí ức của Thanh Tùng, Hải Phòng vẫn là mảnh đất của tình yêu và nỗi nhớ, của hạnh phúc và chia li. Thanh Tùng đã quá khứ hoá thành phố cảng trong tiếng vọng vang trùng trùng cơn nhớ, với những kí ức không phai mờ như đã thành dấu ấn của thơ ông”.
Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT Hải Phòng và đại diện gia đình nhà thơ Thanh Tùng chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận ra ở Thanh Tùng một khuynh hướng sáng tác đầy bản lĩnh cá thể trong một cốt cách cổ điển vững chãi: “Bản lĩnh cá thể mang trong lòng nó một nhân cách hàng đầu của tính hiện đại. Ấy là chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, mà biểu hiện trước hết là không quan liêu với chính trái tim mình. Kết quả là phẩm chất chân thực của tác phẩm. Chân thực về cá thể tác giả và ngay sau đó là chân thực về cả một thời đại. Đòi hỏi đầu tiên để thực thi phẩm chất này là tác giả phải có năng lực nghe được những diễn biến tế vi trong chính lòng mình và năng lực thể hiện nó ra, sáng rõ thuyết phục, trên ngôn ngữ. Thanh Tùng có được năng lực ấy. Đó là tài năng cần có để làm thi sĩ”.
Đ.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét