Nhà văn, nhà báo Nam Thi (TP. HCM)
Gần sáng, tôi thức giấc vì thấy lạnh. Tôi nằm im trên giường để tận hưởng cái lạnh quê nhà mà tôi luôn thấy nhớ nhớ, thèm thèm mỗi khi họa hoằn trời Sài Gòn trở lạnh. Bây giờ thì tôi đang nằm đây, ngay trên quê hương mình, nghe hơi lạnh phả vào mặt, len vào tấm chăn đang đắp.
Nhiều năm rồi mãi bận bịu chuyện kiếm sống ở phương Nam không về quê được, tôi nhớ da diết cái lạnh cuối đông ở quê nhà. Nhớ lắm mưa dầm, gió bấc, con sông nước bạc dâng tràn, những cây sầu đông trụi lá. Nhớ bếp lửa hồng chụm bằng củi gốc tre khô, nhớ ngọn lửa “cười” lập lòe, nhớ mùi khói bếp cay cay. Nhớ tiếng nước sôi trong ấm đất. Nhớ miếng cơm cháy giòn thơm dưới đáy nồi đồng… Những thứ ấy đã lùi dần vào quá khứ. Chỉ về đây, căn nhà nhỏ của chị Hai tôi, tôi được thấy lại những thứ đó, không phải để trưng bày như trong bảo tàng mà hầu hết đang được sử dụng hàng ngày như mấy chục năm trước, thậm chí như từ thời đồ đồng hai nghìn năm trước truyền lại.
Tất cả như cố sống sót, vượt qua sự hủy hoại của thời gian. Ngay cả tấm mền dạ màu cỏ úa tôi đang đắp cũng đã có hơn bốn mươi năm, trước khi chiến tranh kết thúc. Đó là một chiếc mền nhà binh của Mỹ, lúc xẩm tối anh rể tôi lấy ra từ trong tủ “chỉ dành cho khách”, như lời anh nói. Có lẽ, lâu lắm rồi chiếc mền chưa có người dùng nên sực nức mùi mốc xen lẫn với mùi long não, khiến tôi không thể đắp kín đầu mặc dù trời lạnh. Tôi dự định sáng nay sẽ đem phơi nắng, nếu trời mưa tôi cũng hong gió trong hiên để nó “đảm” bớt mùi ẩm mốc.
Con gà trống vỗ cánh gáy trong chái chuồng bò, đánh thức những con gà hàng xóm gáy theo. Tôi nghe tiếng chị tôi và anh rể mở cửa rất khẽ, chắc họ không muốn đánh thức tôi. Tôi vén mùng, bước xuống giường, mở đèn pin của chiếc Nokia soi đường. Anh rể tôi hỏi vọng vào:
- Cậu không ngủ thêm, còn sớm mà…
Tôi đáp
- Ở Sài Gòn em cũng quen dậy sớm, anh Hai à!
Đèn điện được anh tôi bật lên. Nghe tiếng anh nói với chị tôi
- Bà có nấu nước pha trà, chừa lại một ít để tôi pha cà phê cho cậu Sáu. Tôi ra bỏ rơm cho bò đây.
Anh nuôi hai con bò, một đực một cái. Tuy đã lớn tuổi, anh vẫn còn khỏe, một mình canh tác mấy đám ruộng, chăn thả bò, còn thay chị tôi đi chợ ngoài Quốc lộ 1 mua thức ăn vì chị đã yếu đi lại khó khăn. Anh vẫn còn dùng bò để cày mấy đám ruộng nhà mà không thuê máy cày. Tôi có hỏi chuyện đó thì anh cho biết mấy đám ruộng nhỏ cày bằng bò tốt hơn máy cày vì đường cày có thể vào sát bờ, sát góc; hơn nữa bò còn cho phân bón ruộng tốt đất hơn phân hóa học. Con bò cái còn đẻ mỗi năm một lứa…
Anh chị tôi đều đã gần tám mươi. Hai con trai và cô con gái út đều làm nghề giáo, hai ở Bình Định và một Sài Gòn. Họ có cả chục cháu, chắt nội ngoại. Trước năm 1975, gia đình anh ở xóm ga Quy Nhơn. Anh vốn là hạ sĩ quân nhu, đi học tập mấy ngày rồi về luôn Cát Hanh, dựng lại căn nhà nhỏ trên nền nhà cũ đã cháy năm 1965. Chị Hai tôi ở lại Quy Nhơn buôn bán lặt vặt để lo cho ba đứa con còn đi học. Một mình anh vỡ đất hoang. Ruộng sâu trồng lúa, đất thổ trồng khoai sắn, đậu phụng. Hàng tuần anh đạp xe hơn 40 km từ ga Khánh Phước về Quy Nhơn chở theo bao gạo, khoai, buồng chuối, con gà, mớ cá đồng… rồi khuya hôm sau lại quay về cho kịp ra đồng buổi sáng. Nhà ăn không hết thì chị đem bán kiếm thêm tiền “mua mắm”. Thời khổ cực người ta không nói đi chợ mua thức ăn mà “mua mắm” vì mắm là thức ăn chính. Khi con cái đã học xong trung học, lần lượt vào trường sư phạm chị mới theo anh về quê. Mấy đứa con ra trường đi dạy, anh dành dụm dựng lại ngôi nhà lợp ngói khang trang làm nơi thờ phụng tổ tiên và có chỗ cho con cháu đoàn tụ trong những ngày giỗ, tết.
Nông thôn được điện khí hóa, Cát Hanh có điện sớm nhất vì ưu tiên cho xã Anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ. Mấy đứa con anh mang về đủ thứ nào TV, video, nồi cơm điện… đời mới cũng có nhưng đa số là những thứ chúng không dùng nữa. Anh chị tôi nhận hết, nhưng chỉ dùng mỗi một chiếc TV 14” Sony đời cũ. Anh cũng có một chiếc điện thoại di động Samsung có nắp của người con trai thứ cho nhưng anh chỉ gọi đi khi thật cần thiết, chủ yếu để nhận cuộc gọi của con cháu. Ngoài chiếc TV, anh còn một món bất ly thân khác là chiếc Radio transistor 4 bands hiệu SONY ra đời từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Anh giữ rất khéo nên vẫn thu sóng tốt, ngay cả cái bao da màu nâu hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng thứ quý nhất của anh là bộ đồ thờ bằng đồng, thau đồng, mâm đồng, mấy cái chén bát kiểu. Đó là những món gia bảo anh được thừa kế, không biết anh làm thế nào giữ được sau ngần ấy năm chiến tranh, lưu lạc… Anh nói với tôi rằng có khi hết gạo hay thiếu tiền học cho con, anh có ý định bán một vài món cho những người buôn đồ cổ nhưng rồi không nỡ, đã mang đi rồi lại mang về cất. Anh kể: “Thật ra những món ấy cũng không phải quá quý hiếm nhưng là của ông bà để lại, bán sao đành… Mình cố giữ hết đời mình, rồi giao lại cho mấy đứa con, chúng có lòng thì giữ”.
Trong khi anh rể đi bỏ rơm cho bò, tôi xuống bếp với chị tôi. Chị đã nhen xong bếp lửa bằng lá dừa khô, bắc cái ấm đất lê “ông táo” bằng đất nung. Khi lửa đã bén, cháy thành ngọn, chị chụm thêm vào mấy thanh củi chẻ từ gốc tre già. Chị chỉ cho tôi một chiếc đòn để tôi ngồi xuống cạnh chị. Tôi xòe hai bàn tay gần bếp để sưởi. Ánh lửa soi rõ những nếp nhăn và mái tóc sưa bạc trắng của chị. Mà tóc tôi cũng đã muối nhiều hơn tiêu, chợt nhớ đến lời trong một bài hát: hai chị em tóc bạc như nhau. Vì lưng chị đã còng nên khi ngồi dưới đất hai đầu gối của chị nhô cao ngang vai. Với cái ống tre, chị phều phào thổi lửa có vẻ rất khó khăn vì răng đã rụng gần hết không giữ hơi được. Tôi giành lấy ống để thổi giúp chị. Tôi bảo chị: “Nhà có bếp ga, có ấm điện sao chị không dùng cho tiện”. Chị đùa: “Còn chút hơi nào thì thổi lửa cho vui. Mà chị thích nhìn ngọn lửa, chớ ấm điện làm gì có lửa…”. Tôi cãi: “Không dùng ấm điện thì nấu bếp ga, cũng có lửa mà”. Chị cười: “Thì có đấy, nhưng ngọn lửa xanh lè như ma trơi. Cực chẳng đã mới bật đèn điện, chứ chị thích đèn dầu hơn. Hồi còn ở Quy Nhơn, nhà chị cũng thắp đèn dầu vì người ta chỉ cho câu nhờ một bóng đèn bắc ở nhà trên cho mấy đứa học bài. Bây giờ, nhà chị chỉ xài hơn mười ký điện mỗi tháng”.
Nước bắt đầu reo trong ấm, hơi nước sôi phun ra nơi đầu vòi. Chị pha trà và rót nước vào bình thủy để dành cho chồng pha cà phê. Chị vo gạo nấu cơm. Ở quê người ta vẫn quen ăn cơm sáng cho chắc bụng. Thấy chị bắc chiếc nồi nhôm lên bếp, tôi hỏi: “Ủa, chị không nấu bằng nồi đồng nữa sao?”. Chị vừa chụm thêm củi vừa đáp: “Mấy cái nồi lâu ngày bị thủng nhiều lỗ mọt hết hàn được. Bây giờ người ta không còn bán nồi đồng nữa. À, chị còn cất cái nồi một, hồi đó mình thường nấu cơm cho mẹ, em nhớ không. Mẹ mất, chị đem cất, rồi đi đâu cũng mang theo. Nồi còn tốt, nấu còn được. Chị vẫn dùng chiếc nồi đó nấu cơm cúng ngày giỗ mẹ”.
Tôi thật không ngờ chị còn giữ kỷ vật của mẹ tôi, mang cái nồi theo về nhà chồng, lưu lạc tứ xứ cho đến cuối đời. Hơn sáu mươi năm trước, tôi cũng thường ngồi cạnh chị bên bếp lửa hồng. Chị thường dậy sớm, nấu cơm, nấu nước cho mẹ tôi trước khi ra đồng. Cha tôi mất sớm, mẹ đau nặng, chị thay mẹ chăm lo ba đứa em. Mỗi bữa chị phải nấu hai nồi, nồi “lỡ” độn ba phần khoai sắn một phần gạo cho bốn chị em tôi, và nồi “một” vừa đủ một bát cơm không độn cho mẹ tôi ăn cả ngày. Cơm gạo lúa trì nấu bằng nồi đồng thơm dẻo, chấm muối rang ăn cũng ngon. Tôi thường được chị cho ăn ké ít cơm nguội, cơm cháy vét từ nồi cơm của mẹ tôi.
Nhà tôi hồi ấy có đủ cỡ nồi. Nhỏ như nồi một, nồi lỡ. Lớn như nồi hai, nồi bảy dùng khi có đám tiệc đông người. Đến giờ tôi cũng không hiểu cách đặt tên nồi như thế, có lẽ dựa trên số người ăn nhưng tại sao không có nồi bốn, năm, sáu người ăn mà nhảy cóc từ hai lên bảy. Tôi có hỏi một số người lớn nhưng cũng chẳng ai có lời giải đáp hợp lý.
Tuy tôi ăn chung nồi cơm độn với các chị nhưng vẫn được ưu tiên ăn nhiều cơm hơn khoai sắn. Đó là do chị tôi không dùng đũa bếp khuấy hông của nồi để cơm không lẫn với khoai độn. Nồi đồng có cái hông phình ra nối tiếp với đít nồi có tiết diện lớn gấp đôi miệng nồi, nhờ vậy cơm mau chín vì có mặt tiếp xúc với lửa rộng. Muốn cơm chín đều thì phải dùng đũa bếp khuấy vài lần. Khi cơm sôi cạn nước thì vần xuống tro nóng, thỉnh thoảng lại xoay tròn cho các phía của hông nồi nhận đều hơi nóng từ bếp tỏa ra, như vậy cơm mới chín đều. Vung bằng đất nung phải lót tấm lá chuối để kín hơi. Từ bé tôi đã học thổi cơm bằng những cái nồi ấy, cho đến khi thành thạo thì rời quê ra tỉnh học. Cũng từ đó tôi không còn cơ hội nấu cơm bằng nồi đồng nữa.
Nhà của cha mẹ tôi rộng nhưng thuở ấy chị em tôi thường sinh hoạt quanh bếp lửa, nhất là những ngày mưa dầm, gió bấc. Sau khi mẹ tôi mất, mấy chị em tôi chen chúc ngủ trên tấm chiếu trải gần bếp. Ban đêm, ai cũng sợ không dám ra ngoài, chỉ có chị Hai dám lên nhà trên thắp hương bàn thờ mẹ. Mồ mẹ gần nhà. Mỗi hoàng hôn chị bưng thúng trấu dắt chúng tôi ra un dưới chân mộ cho “ấm” vong linh mẹ. Ánh lửa trấu lập lòe vẫn cứ đọng mãi trong ký ức tôi đến tận bây giờ. Lưu lạc ở Nam bộ, những lần thấy người ta đốt đồng, un trấu, nhìn thấy lửa và ngửi mùi khói là tôi nhớ cảnh chị em tôi sưởi mồ mẹ ngày đó.
Mỗi khi cúng mẹ, chị lấy cái nồi một ra nấu cơm cúng và lần nào chị cũng khóc. Lúc đó thấy chị khóc bọn tôi chỉ biết thút thít khóc theo. Sau này, khi đã lớn, tôi càng thấm thía những giọt nước mắt của chị. Tôi nghe kể lại, khi mẹ tôi sắp mất, bà nắm tay chị và hai mẹ con cùng khóc. Chắc rằng mẹ tôi biết sắp xa chúng tôi nên bà đã phó thác việc nuôi nấng bầy em cho chị. Chúng tôi xem chị như người mẹ thứ hai. Khi chị Ba tôi được 17 tuổi, chị Hai tôi đi lấy chồng và chị Ba tiếp tục công việc của chị để lại…
Hôm tôi rời nhà chị để trở lại Sài Gòn, chị tôi lấy cái nồi đồng của mẹ mà chị đã giữ hơn nửa thế kỷ trao cho tôi. Chị nói: “Chị lớn tuổi rồi, không biết sẽ đi theo mẹ khi nào, nên chị giao nó lại cho em giữ. Tội, mẹ không để lại kỷ vật nào khác ngoài cái nồi này…”.
Chị lấy tay áo quệt nước mắt…
N.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét