Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang (Tây Ninh)
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện lên dòng chữ “ba Bin”, chị đưa máy sang con vì biết rằng dù mình nghe máy thì chồng cũ vẫn chỉ nói gọn “cho gặp Bin”.
Nhưng lần này thì khác:
- A lô… ba à… ba ơi… sao máy ù ù mà ba không nói gì hết vậy… a lô….
Con cứ a lô mấy lần rồi bảo:
- Sao kì vậy mẹ, ba gọi cho con mà cô nào đó nói xin lỗi lộn số là sao ạ?
Chị cười cười:
- Ừ thì cô kia đã nói lộn số là lộn số. Chừng nào hết lộn thì ba con sẽ gọi cho con.
Thằng bé sáu tuổi cứ ngơ ngác.
Chị và chồng cũ ly hôn đã ba năm.
Cuộc ly hôn êm ái đến ít ai ngờ. Bởi anh không bài bạc, chẳng nhậu nhẹt bê tha, càng không bồ bịch gái gú. Chỉ có mỗi việc duy nhất là anh…kh ông chịu đi làm mà thôi.
Nói anh không chịu đi làm thì cũng hơi oan. Anh khá siêng năng, nhưng siêng cái kiểu “đứng núi này trông núi nọ” chứ chẳng có lập trường hay sự yêu thích công việc nào. Dù tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin nhưng anh chỉ làm ở cửa hàng vi tính nọ được đúng hai tháng rồi nghỉ vì lý do “Anh là kỹ sư vi tính mà chủ sai như lao động phổ thông. Nào đi lắp máy, vệ sinh máy, có khi còn phải dọn dẹp vệ sinh cửa hàng”. Các công việc đó tuy hơi tủn mủn nhưng đều có phụ cấp, ông chủ cũng rất biết “điệu” là cơm nước trà lá cho nhân viên đàng hoàng. Nhưng anh bảo như thế là “khi dễ” anh. Nên nghỉ.
Qua công ty quảng cáo làm, tấm bằng kỹ sư vi tính lại được giao thiết kế logo quảng cáo. Anh làm khá “ngọt” nhưng rồi chủ lại giao luôn việc đứng máy in thì anh bắt đầu khó chịu. Anh nói như vậy là “sai chuyên môn, cái xứ ta cứ hay quàng xiêng việc này việc nọ vậy nên chả bao giờ có thầy thợ giỏi được”. Chị đưa ngón tay trắng hồng thơm nõn lên môi anh, ra dấu im lặng, vì biết anh càng nói càng hăng, mà “tai vách mạch rừng” thì ai biết được.
Rồi anh bỏ việc ở công ty quảng cáo dù hệ số lương 10 triệu/tháng làm chị tiếc hùi hụi.
Anh bàn với chị, sau cưới á, em bỏ vốn cho anh mở cửa hàng vi tính nhé! Nhận sửa chữa cài đặt tất tần tật từ phần cứng đến phần mềm, bán luôn các phụ kiện, đồ chơi máy tính. Vốn mạnh chút nữa thì đính kèm luôn đại lý nước suối, nước ngọt, bia để anh có thể một công hai việc. Em cháu bên anh thiếu gì, kêu nó phụ, tháng trả vài triệu là nó mừng rụng rún luôn.
Nhà anh đông anh em, nhà chị chỉ duy nhất hai chị em, nên sau khi cưới nhau, cha mẹ chị cho ngay hai trăm mét vuông đất để vợ chồng mới cất cái nhà nho nhỏ mà tự lập. Căn nhà cấp bốn vừa vặn số tiền chị có. Anh tuy không đóng góp bằng tiền bạc, vì mới xin được việc làm ở xuởng tôn sau khi nghỉ ở công ty quảng cáo, lương bỗng chẳng bao nhiêu. Nhưng anh phụ việc nhà cần mẫn lắm. Anh trộn hồ, đẩy gạch, sàn cát… với công sức bằng hai culi thợ hồ.
Rồi cái nhà cũng xong. Chị ngoài công việc giáo viên ở trường tiểu học thì mở thêm quầy mua bán dụng cụ học tập, văn phòng phẩm tại nhà. May nhờ nhà gần trường nên việc bán buôn cũng khá. Chị nhẫm tính, chỉ cần một hai năm, quầy văn phòng phẩm này phát triển tốt, chị sẽ mở luôn cửa hàng máy vi tính cho chồng làm chủ như dự kiến tương lai của anh.
Rồi chị nghỉ hậu sản. Ở nhà mà vẫn kiếm được tiền nhờ quầy văn phòng phẩm ấy. Mà giờ cũng không cần đi lấy hàng cực khổ, chỉ ngồi nhà qua chiếc điện thoại là hàng giao tận nhà. Rồi người ta thấy chị mát tay buôn bán nên đem vài mặt hàng đến ký gửi. Những mặt hàng nhỏ xinh từ mây tre lá như ví, bóp, túi xách, khung tranh, vật dụng trang trí tủ ly, tủ lạnh, gấu bông…
Chị bán đắt như tôm tươi, đồng lời kiếm được gấp mấy lần lúc trước. Rồi người ta lại ký gửi những quần áo, áo khoác, giày dép… Quầy văn phòng phẩm của chị phải “nở” thêm mặt bằng sang sân nhà ba mẹ mới đủ chỗ buôn bán. Một mình làm không xuể, chị nhờ chồng phụ làm. Bằng cách mỗi chiều anh về sớm một chút, tối ngủ khuya một chút, để phụ chị vô bao đóng gói theo yêu cầu của khách.
Nhưng anh không đồng ý, anh nói đàn ông sức dài vai rộng, xốc tát việc gì đó cho nhanh chứ dán dán gói gói ghi ghi nghe… mất thể diện quá! Để giữ cái “thể diện” là là mỗi chiều xong việc ở xưởng tôn, anh đi nhậu tới 10 giờ đêm mới về. Mình chị loay hoay bán buôn và con nhỏ như phải mọc ra năm chân mười tay mới làm hết việc.
Vậy là chị phải thuê người làm phụ. Anh tự ái, nói thế là “bỉ mặt” chồng, bộ chồng không giúp hay sao mà phải thuê người? Đã vậy, anh sẽ nghỉ quách việc ở xuởng về làm với chị luôn!
Anh về làm phụ vợ, nhưng những khoản tiền nhờ đi giao hàng, đi thu hộ đều không thấy anh gửi lại. Chị hỏi, anh nói khách chưa trả; gọi hỏi khách thì khách bảo trả rồi, có biên lai hẳn hoi đây mà. Chị làm dữ, rằng anh làm việc nhà, nhưng em vẫn trả lương như anh làm cho người ta. Còn tiền của em thì phải rõ ràng chứ sao lại lập lờ? Bấy giờ chồng mới nói, do cầm trong tay bạc chục triệu, mà gặp bạn bè, anh em khó khăn mà không giúp thì “coi không được”. Rồi anh lại bảo, nay anh em ruột của anh đang túng tiền con học, mai chị họ gặp cảnh chồng đau, mốt cô cháu họ mỗ ruột thừa…
Ba tháng anh về “làm phụ”, tiền vốn của chị thâm hơn năm mươi triệu!
Chị không nhờ anh đi giao hàng nữa. Tất cả nhờ shipper thì anh nổi khùng nói vợ không tôn trọng mình!
- Đúng là sống bên vợ như chó chui gầm chạn mà! Em muốn con có cha, nhà có chủ thì bán hết nhà cửa ở đây về bên tôi cất nhà sinh sống!
- Công việc em đang ổn định ở đây, về bên anh, biết làm ăn ra sao?
- Không có gì ăn thì cạp đất mà ăn, chứ tôi không chấp nhận việc làm người thừa trong nhà như thế này!
- Thừa hay không là tự anh tạo ra. Nếu anh rõ ràng về thu chi tiền bạc, thì em có phải nhờ người khác không?
- Tiền làm ra người hay người làm ra tiền mà cô quan trọng quá vậy?
- Nếu người có thể làm ra tiền thì tại sao lại đi gian lận tiền của vợ con? Đồng vốn em thâm hụt, ai sẽ bù đắp lại cho em?
- Nếu anh em tôi không trả thì cứ coi như cô làm từ thiện cũng tốt mà!
Anh “chốt hạ” làm chị á khẩu.
Rồi anh quậy khi biết chị không chịu bán nhà. Con còn ẵm ngửa, công việc nhà đầy ra nhưng anh cứ sáng xách xe đi, khuya xách xe về. Cơm nhà không ăn, người thì hốc hác như để “làm nư” với chị.
Cuối cùng chị bảo, nếu muốn bán nhà thì anh cứ qua nói với ba mẹ một tiếng, vì đất này cha mẹ cho, em không dám tự ý.
Có xâm mình từng cục thì anh cũng không dám sang nói với cha mẹ vợ chuyện bán nhà.
Rồi anh bỏ đi, sau đó ít lâu thì tòa mời chị trong vai trò bị đơn của vụ án ly hôn. Trong đơn, anh yêu cầu chia đôi tài sản hiện có, với trị giá anh được nhận bằng tiền mặt một lần hai trăm triệu đồng.
Cạn tình. Cạn lời. Bởi đất của cha mẹ chị cho, nhà xây từ tiền của chị, mà anh cứ vin vào câu “Tài sản trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung” và đòi chia cho bằng được. Chị chấp nhận yêu cầu của anh bằng một yêu cầu nhỏ rằng: nếu chị trả hai trăm triệu cho anh, thì anh hãy cấp dưỡng một lần cho bé Bin tính đến khi đủ mười tám tuổi.
Anh bảo chị “chơi cha”, tính “ăn giựt” công làm chồng trong suốt hai năm qua của anh chứ ai lại có điều kiện bằng bẵng vậy với chồng mình cơ chứ!
Pháp luật công minh nên chị không phải chia đồng nào cho anh, mà anh còn được khuyến mãi cái quyết định cấp dưỡng cho con nữa.
Ngày ra khỏi tòa, anh bảo chị “Có gan ly hôn thì đừng đòi cấp dưỡng. Mơ đi cưng”
Bốn năm nay chị làm ăn khá giả hẳn ra. Căn nhà cấp 4 hồi nào giờ đã là ngôi nhà hai tầng xinh xắn. Con chị ngoan ngoãn, học giỏi, lon ton chạy đi chạy đi mà đã biết giúp mẹ việc nhà.
Người xã bên sang mua đồ ở cửa hàng tạp hóa của chị, nói rằng anh đã có vợ mới. Một cô gái lỡ thì ở xứ nào đó, về chen chúc cùng nhau trong ngôi nhà đầy ắp người của gia đình anh. Anh đi làm lại ở xưởng tôn, cô vợ mang chiếc bụng bầu và bóc vỏ hạt điều hàng ngày.
Chị ơ hờ nghe chuyện. Bởi chẳng liên quan gì tới mình, ngoài vài cuộc điện thoại chồng cũ gọi gặp con.
Vậy rồi có chuyện ghen ngược vì cô vợ anh đã tìm chị sấn sổ:
- Chị đừng có mơ chuyện đem tài sản mà “dụ” chồng em mờ mắt. Chị và anh có con chung thì sao anh vẫn bỏ chị? Chị và anh từng là vợ chồng thì tại sao giờ anh là chồng của em? Em nói cho chị biết, chị mà còn qua lại với chồng em thì… công an sẽ vào cuộc đấy!
Chị cười cười, mời khách uống nước, hỏi rằng:
- Giả dụ em là chị, với cơ ngơi và sự yên ấm này, thì em có rước một anh chàng vô công rỗi nghề về nuôi báo cô không? Còn vì sao anh chị từng là vợ chồng mà giờ anh là chồng em hả? Vì em cần loại đàn ông đó, còn chị thì không. Mai này á, em có cần gì cho con nít đi học thì tới chị bán giá ưu đãi cho, còn ghen hả, đừng làm trò rảnh rỗi đó. Chẳng ai ăn lại món đã ói ra đâu em!
Cô vợ anh đi về. Nhưng lăn tăn trong lòng vẫn ngại câu “tình cũ” khi rõ ràng giáp mặt cô là người đàn bà đẹp, bản lĩnh và khá giả chứ chẳng phải nghèo nàn nhếch nhác như cô.
Rồi điện thoại chị lại đổ chuông. Chị chưa kịp a lô, bên kia đã hoan hỉ “Xin lỗi em nhé, chắc là hồi nãy ai đó lấy máy anh gọi cho em chứ anh không có gọi”. “Vâng”. “Còn bây giờ thì anh gọi nè, em và con có khỏe không”. “Vâng”. “Em buôn bán có mệt lắm không? Nhớ thuê người phụ giúp chứ đừng cố quá sẽ mệt lắm nhé”. “Vâng”.
Chị ơ hờ cúp máy, tình đời ngộ quá.
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét