Có những thức bánh làm nên không khí mùa lễ hội và Bánh In là một trong những thức quà gợi nên không khí Tết. Chiếc bánh nhìn tuy giản đơn nhưng chất chứa trong đó sự tỉ mẫn, tài hoa và kì công của người chế biến. Đối với ngày Tết cổ truyền của người miền Trung thiếu Bánh In có lẽ không khí Tết cũng không còn đậm vị được nữa. Như mai vàng kia không khoe sắc thì xuân cũng chực chờ chưa về qua ngõ nôn nao…
Để tạo nên những chiếc Bánh In nhỏ nhắn, xinh xắn mang hương vị bùi bùi độc đáo thì cả một quá trình của những người làm bánh tài hoa. Chuẩn vị của Bánh In phải là giống Nếp Mèo bản địa, đậu xanh phải tinh chọn từ những hạt đậu hái lứa nhứt căng bóng mượt mà. Bánh In gồm có 02 loại bánh nếp và bánh đậu xanh, cách phân chia bởi vì chính thành phần của nó. Bánh nếp thì chỉ có bột nếp, Bánh In đậu xanh thì tỉ lệ nếp và đậu xanh ngang nhau, nếu đậu xanh nhiều quá bánh sẽ bị rời, rã, không sắc sảo, mà ít quá thì bị cái hương nếp lấn át không phảng phất hương vị.
Quy trình làm bánh cũng trải qua nhiều công đoạn, từ chọn nếp, đậu xanh thật ngon. Đem đãi sạch, để ráo rồi rang cho chín thơm, vàng đều trên lửa hồng riu riu cho nếp cớm vàng ươm, đậu xanh chín từ từ mà không bị ngộp khiến bánh dễ bị chai, sượng. Sau khi rang chín thì đem đi xay thành bột.
Từ đây thì công đoạn làm bánh phải trải qua sự kĩ lưỡng, nếu mảy may sơ suất một chút là hỏng cả mẻ bánh. Bột sau đó được hong sương từ 3 đến 5 đêm cho bột nở đều. Đến công đoạn in bánh, phải nhồi bột thật kĩ với đường tán được nấu từ mấy lò đường mía thì bánh mới ngon đúng vị. Đường để in bánh có thể cạo từ đường tán, hoặc đem đun riu riu cho thành nước đường sên để nhồi bột. Khuôn in bánh phải lựa chọn những chiếc khuôn được chạm khắc hoa văn đẹp mắt để tạo hình những chiếc bánh bắt mắt, tinh tươm. Chính những chiếc khuôn này làm nên sự độc đáo cho từng chiếc bánh mà người ta đã đặt tên luôn là Bánh In.
Bánh in xong cho vào xửng hấp cho sắc sảo rồi mới đem xông khô. Từ đây đã có được chiếc Bánh In thành phẩm cho ngày Tết ấm nồng. Tuy nhiên cũng có những gia đình kì công còn đem nhúng nước đường rồi áo lên lớp mè rang thì mới trọn vẹn hương vị của Bánh In.
Chiếc Bánh In nhỏ xinh mang hình hoa mai, hoa đào, con gà, chữ Phú, Quý, Tài, Lộc… chứa đựng những trầm tích văn hóa về ẩm thực ngày Tết. Trải qua cả dăm bảy công đoạn mới tạo nên những chiếc Bánh In thành phẩm. Những chiếc Bánh In giòn tan, mang đậm hương của nếp thơm, của đậu xanh, chứa cái bùi bùi, ngòn ngọt. Giữa hàng tram thức bánh phong phú ngày Tết, Bánh In vẫn chứa vị trí trang trọng nhất, nó không chỉ đem đi mời khách đến chơi bên ấm nước trà nóng. Mà Bánh In còn là một trong những vật phẩm để dâng lên mâm cỗ gia tiên, thờ trong ngày Tết.
Một ngày Tết nữa lại cận kề, ngấp nghé bước sang, những phong vị cổ truyền lại tất tả vang lên trong căn bếp nhỏ. Những chiếc Bánh In lại sóng sánh xông phơi và cái nôn nao cũng đã rộn ràng khắp ngả, lòng người cũng hân hoan chào đón xuân về. Bánh In chiếc bánh của ngày Tết chứa đựng cái âm hưởng cổ truyền tinh tế và độc đáo, hãy giữ vị của Bánh in như giữ cái hồn cốt cổ truyền đậm hương phảng phất vào nhịp sống hôm nay hối hả, để Tết rộn vang vẫn ấm áp cổ truyền…
Đ.D.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét