Nhà văn Nguyễn Thị Mây (Trà Vinh)
Có chú chim bay lạc vào phòng, hót lên rộn rã đánh thức Lâm. Anh vươn vai,
mở bừng mắt. Hình như đã trưa lắm rồi! Nắng chui qua cửa sổ, đổ một mảng sáng lớn xuống mặt nệm cạnh Lâm.
Anh ngồi bật dậy bực tức kêu lên:
- Nguyệt cầm lại đi nữa rồi!
Mở cửa phòng, Lâm gọi như thét:
- Dì Tư, dì Tư đâu rồi?
Người giúp việc cho vợ chồng Lâm từ dưới bếp tất tả chạy lên:
- Cậu gọi tôi?
Lâm trút bực bội lên đầu người làm thuê:
- Chứ không lẽ tôi gọi tôi.
Quá quen với tình tình cậu chủ, dì Tư không giận còn bật cười:
- Dạ, tôi xin lỗi cậu nghen cậu hai.
- Thôi, lỗi phải gì. Dì thấy vợ tôi đâu không?
Thoáng nhìn khuôn mặt cau có của Lâm, dì biết sóng gió sắp nổi lên nên tìm cách ngăn cản:
Dạ, hồi nãy mợ Hai làm món hột gà ốp - la cho cậu rồi mới...
Lâm cắt ngang:
- Mới đi tập tuồng chứ gì?
Dì Tư cười lỏn lẻn:
- Cậu biết hết trơn hà!
- Thôi đừng làm bộ nữa dì ơi! Ruột của dì với vợ tôi mấy khúc tôi còn biết nữa là khác. Dì đừng bao che cho vợ tôi.
- Cậu nói kỳ quá! Mợ Hai có làm gì quấy mà tôi phải bao với che? Mợ làm đồ điểm tâm cho cậu thì tôi nói mợ làm...
- Hứ, tưởng làm gì ngon. Nay hột gà ốp- la ăn với bánh mì, mai bánh mì ăn với hột gà ốp - la.
- Cậu quên rồi sao, bữa hổm mợ Hai nấu cháo cậu bảo ăn cháo mau tiêu chóng đói, cậu đòi ăn...
- Thôi đi, mệt dì quá! Kệ tôi! Tôi biết dì theo phe vợ tôi mà.
Dì Tư ấm ức:
- Vậy chứ mợ hai dễ thương, tốt bụng như vậy, tôi không quí sao được. Cậu khó muốn chết mà mợ còn thương nữa là...
Lâm thẹn đỏ mặt:
- Dì nói tôi khó là khó làm sao?
Biết mình lỡ lời nhưng dù sao cũng đã nói ra dì đành huỵch tẹt ý nghĩ của mình:
- Xin lỗi cậu nghen cậu hai.Trên đời dưới thế tôi chưa thấy ai khó kỳ cục như cậu. Vợ làm đào hát mà không cho đi tập tuồng rồi làm sao biết diễn.
- Hứ, nói dễ nghe quá! Tập gì mà tập mỗi ngày vậy chứ. Làm bộ để đi chơi thì có.
Dì Tư bật cười:
- Cậu đa nghi quá trời! Có tập luyện khi diễn mới hay. Không thích như vậy sao cậu không chọn con gái ở quê mình, họ đâu có đi tập tuồng.
Lâm thầm nhận dì Tư nói đúng. Phải chi anh chọn người ở cùng quê thì đâu buồn bực như vầy. Có cô còn đẹp hơn Nguyệt Cầm lại đảm việc nhà, giỏi việc ruộng rẫy. Suốt ngày họ săn sóc gia đình, cáng đáng việc đồng áng. Phải chi… ôi những điều phải chi… của cái đầu hoàn toàn độc lập với trái tim. Con tim có lý lẽ riêng của nó. Không vụ lợi, không tính toán, chỉ biết cảm xúc vui hay buồn, đau khổ hoặc hạnh phúc và yêu hoặc không yêu mà thôi! Trái tim nào được cái đầu “lãnh đạo”thì một nửa ngăn tim chứa đầy bóng tối. Nó sẵn sàng tràn sang phần còn lại, đuổi tình yêu ra ngoài. Lâm thuộc loại người có trái tim lớn hơn cái đầu nên anh yêu say đắm, mê mệt, cuồng nhiệt đến độ có những biểu hiện mù quáng.
Hình như trời sinh Lâm ra là để yêu Nguyệt Cầm. Dù hai người có hai hoàn cảnh sống khác biệt. Quê Lâm ở vùng đồng bằng Nam bộ. Gia đình anh rất giàu, ruộng vườn thẳng cánh cò bay. Đã vậy, ba Lâm có biệt tài quan sát, tiếp cận thị trường. Ông dự đoán rồi tính toán chính xác phương cách dù nhỏ nhưng hái ra bạc. Nhận thấy trái Thanh Long được mọi người ưa chuộng. Và còn là một mặt hàng hiếm quí. Ông đã mạnh dạn tận dụng những cái cọc để dây tiêu bám vào giờ thay thế cho Thanh Long. Vườn tiêu biến thành vườn Thanh Long trù phú. Chỉ trong một thời gian không lâu, người ta nhìn thấy những đoá hoa Thanh Long nở rộ rồi trái xuất hiện. Chúng tựa như những bóng đèn đỏ chon chót, tươi tắn thắp sáng khu vườn, biến vùng đất quê mộc mạc thành một nơi đẹp đẽ, giàu có. Thanh Long đã giúp cho gia đình Lâm thêm khá giả. Nhưng cũng chính vì vườn tược thênh thang, đồng ruộng mênh mông ngút mắt mà Lâm phải quay về giúp cha mẹ quản lý thay vì học tiếp lên bậc Đại học. Phải chi Lâm có nhiều anh em thì tuyệt biết bao. Đàng này Lâm là con một. Tất nhiên tài sản này Lâm hưởng trọn nhưng anh cảm thấy có điều gì đó ẩn ức lắm. Tận đáy lòng anh là mơ ước tung mây, lướt gió. Đến khi mỏi mê mới quay về tổ cũ. Lâm chua xót khi thấy tóc cha mẹ bạc dần mà suốt ngày tất bật công việc. Anh còn lòng dạ nào để bay nhảy nữa. Dần dần, Lâm cũng quen với công việc đồng áng, có niềm vui thu hoạch. Anh bắt đầu cảm thấy gắn bó với quê hương, biết yêu và trân trọng mảnh đất đã đem đến cho anh sự giàu, bình yên. Lâm hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Nhưng Nguyệt Cầm đã làm đảo lộn mọi thứ. Cô khiến Lâm hiểu rằng còn một thứ tình cảm nữa cũng mãnh liệt, say đắm và quyến rũ. Đó là tình yêu! Tình yêu xuất phát từ trái tim. Nó đốt cháy lòng anh bằng nỗi nhớ. Nó hành hạ anh bằng mơ ước và xúi giục anh giành lấy, sở hữu ước mơ của mình.
Đúng lúc gia đình tổ chức mừng thọ lục tuần cho cha Lâm thì có đoàn hát cải lương về chợ huyện. Vâng lời mẹ, anh theo người chú đi rước đoàn hát về diễn tại xã nhà vài đêm. Lỡ buổi, hai chú cháu phải chờ đoàn hát diễn một xuất vì họ đã bán vé rồi. Đêm ấy anh đã gặp Nguyệt Cầm. Dù trước đây lúc đi học Lâm không thích cải lương. Nhưng khi xem Nguyệt Cầm diễn Lâm mới cảm nhận được cái hay của bộ môn nghệ thuật này. Nàng đã điều khiển cảm xúc anh tựa như gió lùa vạt lúa rạp mình theo chiều thổi. Lâm nghe lao xao nỗi gì lạ lẫm chưa từng có. Anh muốn khóc khi nhìn “người vợ trẻ” cắt mái tóc thề bán đi. Vậy mà gã đàn ông bội bạc nỡ vong ân khi đỗ trạng nguyên. Tên Trần Thế Mỹ khốn kiếp đã quên đi số tiền lộ phí ngày lên đường ứng thí, quên người vợ trẻ đã vì mình mà bán mái tóc xanh. Lâm muốn nhảy lên sân khấu nắm đầu tên đốn mạt, dộng cho hắn vài đấm vào mặt. Anh nhấp nhỏm, nghiến răng trèo trẹo. May là có người chú ngồi bên buột miệng:
- Họ diễn hay quá hả mậy?
Lâm hét lên:
- Thằng khốn nạn!
Nhiều người ngồi gần quay nhìn anh, ông chú kinh ngạc xoay qua hỏi:
- Mầy chửi ai vậy Lâm?
Anh chỉ tay lên sân khấu:
- Thằng Trần Thế Mỹ chớ ai.
Ông chú ôm bụng cười ngất:
- Khùng ơi là khùng! Người ta diễn tuồng chứ bộ thật sao hả mậy… ha ha ha...
Đêm đó, Lâm cứ trằn trọc, trăn trở mãi không ngủ được. Anh biết từ nay mình không thể quên cô gái ấy, cô đào chánh có cái tên Nguyệt Cầm. Lâm gọi thầm Nguyệt Cầm, Nguyệt Cầm… cho đến khi thiếp đi.
Sáng hôm sau, bỏ mặc cho người chú điều đình, bàn bạc với ông bầu, Lâm đeo riết Nguyệt Cầm. Dưới ánh mặt trời, Nguyệt Cầm không son phấn, đẹp hồn nhiên, hiền hậu, trong trẻo như hoa còn phong nhuỵ. Anh không rời cô gái nửa bước. Chỉ trong vòng vài giờ cái tin Lâm mết Nguyệt Cầm bay ra khắp nơi và nó được khẳng định chính xác khi chiếc ghe chở đào kép tấp vào bến đò của xã. Vì mãi ngó theo Nguyệt Cầm, lúc lên cầu, Lâm hụt chân rơi tòm xuống nước. Báo hại mọi người một phen cười vỡ bụng. Ông chú trẻ lôi thằng cháu lại gần, đay nghiến:
- Vừa vừa thôi cha! Mầy làm quê độ quá trời! Làm ơn chừa mặt chừa mày để đi đây đi đó với!
Có lẽ nhờ vậy cô gái tài hoa để ý. Nguyệt Cầm bị lôi cuốn bởi cái mê đắm của Lâm, vẻ cuồng nhiệt mà cô chưa từng gặp ở những người thành thị. Số người yêu Nguyệt Cầm không ít. Họ săn đón, quà cáp đủ thứ nhưng chưa ai làm cô rung động. Bây giờ gặp Lâm, cô cảm thấy tim đập lên rộn từng hồi, buồn vui lẫn lộn. Cô biết gả con trai nầy đã chinh phục được cô bằng lòng yêu thương chân thành của hắn. Nguyệt Cầm nhận lời cầu hôn của Lâm làm cho bao người kinh ngạc. Nhất là ba và anh ruột của cô. Họ là những nhạc sĩ đàn ca cổ trong đoàn hát. Cả gia đình cô quen sống đời phiêu bạt. Dù nghèo tiền nhưng dư dả tiếng tăm. Nói đến ngón đàn của ba cô ai cũng phải trầm trồ, khen ngợi. Tiếng đàn gợi nên nỗi buồn da diết, phụ hoạ cho giọng hát ngọt ngào, mùi mẫn của nghệ sĩ khiến người nghe xót cả tim, xuýt xoa, chắc lưỡi. Ông yêu đàn, yêu sân khấu nên đặt tên cho con dù trai hay gái cũng có chữ Cầm. Cầm Hạc và Nguyệt Cầm. Ông uốn nắn con để chúng cũng yêu nghệ thuật cải lương như ông và theo nghiệp cầm ca. Ông đã toại nguyện. Cầm Hạc đàn giỏi. Nguyệt Cầm từ một đào con dần dần thành đào chánh, dẫn đầu về tài diễn xuất trong đoàn. Đang lúc vinh quang, con bé bỗng đem lòng yêu con một ông chủ vườn giàu có. May mà Nguyệt Cầm cũng không phụ lòng mong mỏi của ông. Cô ra điều kiện với bên chồng nếu được tiếp tục theo đoàn hát thì cô mới ưng thuận. Cha mẹ Lâm không vừa ý nhưng thấy con trai si mê người ta quá họ cũng phải chiều. Đâu dễ gì có được đứa con dâu nổi tiếng như Nguyệt Cầm. Ông bà chỉ hy vọng một ngày nào đó Nguyệt Cầm sẽ hát kém đi, ít được ái mộ. Cô sẽ cùng chồng về quê sống với họ. Thôi thì để bọn trẻ bay nhảy một thời.
Do vậy, Lâm đã cưới được Nguyệt Cầm và theo vợ rày đây mai đó. Dù không nói ra nhưng anh cũng ngầm mong vợ ngày một mờ nhạt dần để chỉ là của riêng anh. Nhưng càng ngày cô càng nổi tiếng. Và trở thành đào chánh trong một đoàn hát đóng tại thành phố. Số tiền kiếm được cao dần. Nguyệt Cầm định thuê nhà ở thành phố nhưng ba mẹ Lâm đã cho con trai một số tiền lớn để mua hẳn một ngôi nhà tuy trong hẻm nhưng được cái gần chỗ nhà hát và nó cũng khá khang trang, rộng rãi. Dù cô yêu anh thật lòng, hết sức chiều chuộng anh, tỏ ra là một người vợ hiền hiếm có nhưng lúc nào Lâm cũng mang tâm trạng bất an. Anh luôn bực tức, lo lắng vẩn vơ bắt nguồn từ lúc ghé qua chỗ vợ tập tuồng.
Gã kép chánh đóng vai người tình của vợ anh hết nắm tay lại ôm chầm lấy Nguyệt Cầm. Còn vợ anh thì mắt đẫm lệ gào to:
- Chàng ôi, nếu phải xa chàng thì cuộc sống này còn nghĩa lý gì nữa!
Vừa siết chặt Nguyệt Cầm trong vòng tay, hắn vừa bắt giọng ca:
- Thôi, nàng hãy về với người chồng giàu sang… phú quí… cứ để cho ai với cát bụi… phong trần...
“Rầm!” Lâm đấm tay xuống mặt bàn và cũng gào lên:
- Thôi hãy im đi đừng giả vờ nữa. Nguyệt Cầm… đi về!
Mọi người giật nẩy mình nhưng liền đó, họ cười rộ lên từng chặp. Nguyệt Cầm đỏ mặt đến bên chồng cằn nhằn:
- Anh tới đây chi vậy?
Vừa kéo tay vợ lôi đi, anh vừa gằn giọng:
- Về ngay!
Tới nhà, hai người cãi nhau một trận ra trò. Lâm chỉ trích vợ không đứng đắn. Đã có chồng rồi còn để trai ôm ấp, kề vai, cọ má. Cử chỉ đó có khó gì mà phải tập. Đây chỉ là cái cớ để… tò tí mà thôi. Nguyệt Cầm cũng đùng đùng nổi giận. Cô chê anh lạc hậu, ghen tuông vô lối, làm cô mắc cỡ với bạn bè. Đó là màn diễn nếu không tập làm sao ăn khớp. Diễn kém đâu thể gây cảm xúc nơi người xem. Diễn qua loa, cẩu thả là gián tiếp khinh thường khán giả, phụ lòng tin của mọi người, vô ơn với những người mến mộ mình. Nguyệt Cầm nhấn mạnh:
- Nếu anh thấy em không xứng đáng thì hai đứa mình chia tay nhau chứ em không thể chịu được cảnh như thế này. Em khổ lắm!
Sau đó, Nguyệt Cầm bỏ về nhà cha mẹ ruột, còn Lâm xách va li về quê. Anh nhất quyết không chịu thua vợ.
Nhưng chưa được hai ngày Lâm đã nhớ vợ đến mụ người, biếng ăn, không ngủ. Mẹ anh nhận xét:
- Y chang như chết chưa chôn.
Người chú trêu chọc:
- Dòm mầy là tao biết hai vợ chồng đang giận nhau. Giận mà thương phải hông? Thôi chịu lép vế đi mầy ơi! Mắc cỡ gì mà không về năn nỉ ỉ ôi vợ.
Chẳng biết làm sao hơn, Lâm đành lộn ngược lên thành phố đến nhà ba vợ để òn ỉ hết lời. Phải mất cả ngày Nguyệt Cầm mới xiêu lòng. Cô ra điều kiện:
- Nếu anh còn… ghen thì em… xù anh luôn!
Dù đã hứa với vợ là không ghen, Nguyệt Cầm được tự do đi tập tuồng nhưng lúc nào lòng anh cũng âm ỉ lửa hờn ghen. Anh nghi ngờ đủ thứ và quạu quọ mỗi lần vợ đi vắng. Nhất là mấy ngày nay, gần đến Tết, để phục vụ khán giả trong mấy ngày xuân, đoàn có xây dựng mới vở tuồng mới nên Nguyệt Cầm cứ phải đi… tập tuồng.
Sáng nào thức dậy anh cũng thấy vắng mặt Nguyệt Cầm. Cô đi đến trưa trời trưa trật mới về. Ăn xong lăn ra ngủ, đến xế chiều mới dậy. Quanh quẩn bên anh có bao lâu đâu lại đi hát. Đến khuya, Nguyệt Cầm phờ phạc, mệt mỏi trở về, tắm táp, tẩy trang xong lại lăn ra ngủ. Bỏ mặc anh thao thức, trằn trọc với bao điều lo nghĩ.
- Ăn đi cậu, thức ăn nguội hết rồi. Rảnh rỗi, cậu đi đâu đó chơi đi chứ ở nhà chờ đợi rồi quạu. Cậu giận hoài làm sao mợ hai yên tâm hát xướng. Rốt cuộc khổ cả hai.
Lâm giật mình sực tỉnh khi nghe dì Tư nhắc nhở. Anh ngồi vào bàn và cảm thấy mình nhỏ nhen quá. Anh là chồng mà chưa hiểu vợ bằng dì Tư. Dì Tư vốn cùng quê, cùng xóm với anh. Vì nghèo phải theo anh lên thành phố giúp việc cho vợ chồng anh để kiếm ít tiền giúp đỡ gia đình con trai của dì. Trình độ thấp kém nhưng xem ra dì thấu hiểu và đồng cảm với nghệ sĩ. Dì xem vợ anh như thần tượng hiếm có. Câu nói của dì Tư khiến anh chợt nghĩ đúng là mình quá rảnh rỗi, ăn không ngồi rồi nên mới ra chuyện. Có lẽ anh cần suy nghĩ thêm về vấn đề này. Chuyện ruộng vườn đã có chú út phụ cha mẹ. Dầu gì cũng ruột thịt mà cùng canh tác để chia nhau sống, vì thế Lâm bớt lo vụ nầy. Có lẽ anh sẽ đi học ôn để thi vào Đại học. Tuy có muốn nhưng đó chính là điều mà anh thầm mơ ước bấy lâu. Chắc cha mẹ anh cũng thấy vui hơn là anh cứ ở nhà… ngóng vợ về. Anh chợt thấy vui hẳn lên. Anh nhất quyết đạt cho được bằng cử nhân kinh tế. Cạnh đó việc học sẽ còn cho anh thêm kiến thức để lo kinh tế… gia đình. Lâm vỡ oà niềm vui khi nghĩ đến đây. Biết được ý định của anh chắc Nguyệt Cầm sẽ mừng lắm vì anh không còn...
- Mình ơi! Mình đâu rồi!
Nguyệt Cầm bất ngờ quay về, cô xuất hiện ở cửa, nhoẻn miệng cười với anh. Cô âu yếm, ngọt ngào:
- Mình đây rồi!
Nguyệt Cầm sà đến bên anh, hai tay ôm choàng qua vai rồi lại vuốt má. Hai bàn ta cô xới tung mái tóc đã sẵn rối bù vì chưa chải của chồng, cô nũng nịu:
- Ngồi đây mà hổng chịu lên tiếng gì hết hà. Ghét quá đi!
Lâm tủm tỉm cười. Lòng anh như vừa được ướp mật ngọt lịm làm anh say ngất. Anh đê mê trong cảm giác hạnh phúc mà bấy lâu anh không nhận ra. Quên dì Tư còn đứng gần đó, anh ôm chầm lấy vợ, đặt cặp môi còn bóng mở lên gò má nàng. Anh thì thầm:
- Nguyệt Cầm, anh yêu em lắm. Em cứ… đi tập tuồng đi em.
Nguyệt Cầm cười khúc khích trong vòng tay anh. Dường như xuân đến sớm. Ngày kia, nắng gió và hoa bỗng dưng khác lạ, ngát hương. Chúng xao động, ngất ngây như lòng người biết yêu!
N.T.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét