Nhà văn - nhà báo Nam Thi (TP. HCM)
Hởi là tên con ngựa già của cha tôi. Đó là con ngựa duy nhất mà tôi đã cỡi trong đời. Tôi chỉ nhớ tên nó, ngoài ra không biết gì về hình dung, vóc dáng của nó. Nghe mọi người nói lại, nó là một con ngựa hồng vì có màu lông nâu đỏ. Có lẽ, trong ngôn ngữ Việt Nam hiện đại, cách gọi khác nhau dựa trên màu lông của ngựa, của mèo, của gà, của chó… ít người còn phân biệt được. Chẳng hạn ngựa có lông trắng gọi là ngựa “kim”, có lông đen là ngựa “ô” và con Hởi nhà tôi là ngựa “hồng”.
Tôi không nhớ gì về con Hởi không phải do tôi vô tình hay vì trí nhớ kém. Tôi với nó từng chung sống dưới một mái nhà của cha tôi cách nay đã hơn nửa thế kỷ rồi còn gì. Vả lại, lúc Hởi rời bỏ gia đình tôi để đi xa, tôi mới khoảng hai tháng tuổi.
Tôi là con trai duy nhất trong gia đình nên đã tập tành lễ nghi cúng quải ông bà, cha mẹ từ lúc tôi còn học tiểu học. Khi mẹ tôi qua đời, tôi đã trở thành người chủ tế. Đó là một nhiệm vụ vừa thiêng liêng vừa khó khăn đối với một đứa trẻ lên mười. Theo lệ có từ khi mẹ tôi còn sống, ngày giỗ cha tôi bao giờ cũng có một mâm cơm đặt bên cạnh bàn thờ cha tôi để cúng chú Trị và con Hởi. Sau khi khấn lạy cha tôi, tôi sang thắp hương lạy cái bàn thờ phụ ấy, lâm râm khấn chú Trị và con Hởi “sống khôn thác thiêng…”.
Người và ngựa không thể nào xếp chung một mâm được nhưng biết làm sao vì con Hởi và chú Trị là bạn chí cốt của ba tôi trong những năm cuối đời. Cả hai cùng đi với nhau một chuyến cuối và cùng chết một lần. Và chắc chắn ngoài gia đình tôi, không còn ai trên đời cúng giỗ họ. Con Hởi là giống ngựa không được ai cúng giỗ đã đành, còn chú Trị lại là một con người đáng được gọi là sống khôn thác thiêng. Đó là những suy xét, đánh giá của tôi về họ khi tôi đã trưởng thành. Lúc còn bé có lần tôi đã mang một nắm cỏ tươi và một chén cám đặt lên mâm để cúng con Hởi vì tôi cho rằng cơm, cá, thịt và rượu chỉ dành cho chú Trị. Bởi lúc ấy tôi còn giản đơn phân biệt giữa người và ngựa, sau này tôi mới nhận ra những đức tính chung của “họ” là sự trung thành và thương yêu mà cả hai đã dành cho nhau và cho cha tôi. Chính vì thế họ trở thành bình đẳng trong lòng tôi.
Sau gần chín năm bị thực dân Pháp đày đi Lao Bảo, ba tôi bị chỉ định cư trú ở quận nhà vào giữa những năm ba mươi của thế kỷ trước. Thời đó người ta gọi là “an trí”, có nghĩa là hạn chế đi lại, tiếp xúc, làm việc. Cha tôi không thể trở lại Sài Gòn để viết báo, đành phải xin ông nội tôi ít vốn liếng để vào tận Rộc Trịnh, một vùng núi sâu hiểm trở bắc Tây Sơn, để khai thác dầu rái lấy từ cây họ dầu mọc tự nhiên thành rừng nguyên sinh. Thời đó dầu rái có thể dùng để trét thuyền nan và đốt đèn. Trong thời kháng chiến chống Pháp ở quê tôi tuyệt không có dầu lửa, còn dầu phụng không có để ăn lấy đâu ra để thắp đèn. Người ta lấy lá cọ cuốn dầu rái thành từng cây to bằng cổ tay người lớn, dài khoảng hai gang tay để đốt. Người ta quen gọi là “đèn chai” nhưng với kích thước đó thì gọi bằng đuốc cũng được. Bình thường, chỉ có nhà nghèo mới thắp loại đèn này vì nhà khá giả đã có đèn dầu lửa, dầu phụng. Cho nên, mới có câu tục ngữ mô tả thân phận kẻ cùng đinh làm thuê, ở đợ: “Ăn cơm nguội, ngủ nhà ngoài, thắp đèn chai, đánh cờ chó”.
Trong hoàn cảnh “anh hùng mạt vận” ấy, con Hởi và chú Trị đã cùng cha tôi trèo đèo lội suối, ngày đêm có nhau. Chú Trị là một nông dân Nghệ An cùng ở tù chung với cha tôi ở Lao Bảo. Chú không có gia đình vợ con, tứ cố vô thân, nên đã hẹn với cha tôi khi nào ra tù thì tìm vào Tây Sơn sống với gia đình tôi. Chú trẻ hơn cha tôi, lại là nông dân khỏe mạnh nên gánh vác mọi công việc nặng nhọc của gia đình tôi. Chú lại giỏi dạy ngựa nên đã huấn luyện con Hởi từ khi nó mới được mua về. Sau này, tôi nghe kể lại rằng Hởi có thể tự ra gò trước nhà ăn cỏ, khi nghe chú Trị hoặc cha tôi huýt sáo là nó tự về chuồng. Nhiều lần đi đường xa, cha tôi hay chú Trị ngủ quên trên mình ngựa do quá mỏi mệt, con Hởi vẫn đưa họ về tới nhà an toàn. Có thể người ta đã thêu dệt thêm cho ly kỳ nhưng chắc chắn Hởi là một con ngựa quý được chú Trị huấn luyện thuần thục.
Cách mạng Tháng Tám thành công, cha tôi và chú Trị thực sự được sổ lồng, bỏ hết công việc làm ăn để tham gia công tác ở địa phương. Sau khi ra tù, cha tôi đã lập gia đình và đã có ba con gái, mãi đến năm 1947 mới “kiếm” được chút con trai “cầu tự” là tôi. Với ông, mọi sự như thế là chu toàn: đất nước được độc lập, gia đình êm ấm. Cha tôi muốn gầy dựng cho chú Trị một mái ấm riêng, nhưng chú nhất quyết từ chối lấy bà cô họ của tôi do cha tôi mai mối vì chú không muốn “bận bịu thê nhi”.
Thời gian sau, quân Pháp theo chân quân Anh - Ấn để chiếm lại Sài Gòn rồi lấn dần ra miền Trung và cao nguyên. Nhà tôi ở Tây Sơn cách Quy Nhơn hơn 40 km về hướng Tây, núi non hiểm trở, quốc lộ 19 là độc đạo đã bị đào đường, phá cầu nên quân Pháp không từ biển tiến lên được. Đôi lần bọn đóng đồn ở An Khê cố vượt đèo nống xuống đồng bằng nhưng đều bị chận đánh phải quay về. Vì vậy, suốt cuộc kháng chiến chống Pháp quê tôi luôn là vùng tự do. Chỉ có điều phiền phức là mỗi khi có tin quân Pháp hành quân lấn chiếm thì toàn dân phải bồng bế nhau tản cư sâu vào trong vùng núi bắc sông Côn, “vườn không nhà trống” thực hiện tiêu thổ kháng chiến.
Chính trong một lần tản cư đầu năm 1947, mẹ tôi mới sinh tôi, bà bế tôi ngồi trên ngựa do cha tôi dắt cùng với chú Trị gồng gánh lội bộ hơn 10 km từ xóm làng ở bờ sông Côn vào tạm trú ở lán trại khai thác dầu rái của cha tôi trong Rộc Trịnh. Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi được đi ngựa với mẹ tôi. Lúc đó tôi vừa đầy tháng.
Sau khi đến nơi, cha tôi cỡi con Hởi quay về nhà để lấy thêm đồ đạc và chở nước giếng cho vợ con uống vì nước suối rất độc. Khi cha tôi trên đường trở về trại thì trời đã tối lại mưa to. Bỗng có tiếng cọp gầm rất gần con đường mòn mà cha tôi đang đi, con Hởi giật mình tung vó, bất ngờ nên cha tôi té xuống bị thương nặng. Con Hởi chạy một đoạn đường, rồi quay lại chỗ cha tôi ngã nhưng ông không còn đủ sức leo lên mình ngựa. Không biết do nó khôn ngoan hay do cha tôi ra lịnh, con Hởi bỏ cha tôi ở đó, phóng về trại để báo tin. Thấy ngựa về không có người, mọi người biết cha tôi đã gặp nạn giữa đường. Chú Trị vội nhảy lên ngựa đi tìm cha tôi. Ông được đưa về, được cấp cứu bằng xoa bóp thuốc võ gia truyền, uống mật gấu pha với sữa của mẹ tôi. Chỉ thế thôi vì trong hoàn cảnh ấy làm gì hơn được. Khi hồi cư về nhà ông đã hôn mê rồi qua đời sau đó mấy tuần.
Vài tháng sau, chú Trị xung phong đi bộ đội Việt Minh. Tôi nghe kể lại rằng mấy ngày trước khi lên đường, chú tìm cắt cỏ non, pha cám với nước mật mía cho con Hởi uống, đêm nào chú cũng mắc võng ngủ ở hiên chuồng ngựa. Đến lúc chú khăn gói ra đi, con Hởi đang ăn cỏ dưới bóng cây xoài, đã bứt dây chạy theo. Chú áp má vào đầu ngựa khóc ngon lành, bịn rịn không bứt ra đi được. Thấy người và ngựa quyến luyến nhau như thế, mẹ tôi nài nỉ chú đem con Hởi theo “cho có bạn” với chú và cũng có ích cho bộ đội.
Thế là con ngựa già của cha tôi cùng chú Trị ra chiến trường. Có lẽ, vong linh của cha tôi cũng đồng tình với quyết định của mẹ tôi không chỉ vì cống hiến cho kháng chiến mà còn vì chú và Hởi là đôi bạn không thể chia lìa. Vả lại, không có chú Trị còn ai chăm nom nó, nỡ nào bán nó đi.
Vào mùa Đông năm ấy, một anh bộ đội ghé qua nhà báo tin chú Trị đã hy sinh cùng với con Hởi trên chiến trường cao nguyên. Theo lời kể của anh bộ đội, trong một chuyến công tác gần đồn Tú Thủy (An Khê), chú Trị rơi vào ổ phục kích của quân Pháp. Chú bị trúng đạn té từ lưng ngựa xuống con suối cạn nhưng bị thương không nặng. Lẽ ra chú có thể men theo con suối vào rừng rậm để thoát thân nhưng con Hởi không chịu bỏ chú, cứ quanh quẩn chỗ chú ẩn mình. Bọn Tây phát hiện con ngựa và tập trung hỏa lực vào nó. Chú Trị trúng thêm đạn và hy sinh bên cạnh xác con Hởi.
Không ai trách được Hởi vì dẫu sao nó cũng là một con ngựa. Vi chết cùng ngày nên nó được cúng giỗ chung với chú Trị nhưng anh bộ đội báo tin không cho biết đích xác ngày “họ” hy sinh nên đành lấy ngày húy kỵ của cha tôi làm ngày giỗ của họ.
N.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét