Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang (Tây Ninh)
Chị đã sắp xếp cụ bị những bình thủy, chén muỗng, ly nhỏ, quần áo trẻ sơ sinh, tư trang sản phụ… vào hai giỏ to từ khi thai kỳ bước vào tháng thứ chín. Dặn chồng đừng đi chạy hàng xa, vì chuyện sinh nở không ai biết trước được. Chồng cau mày “Nghề Maketting của anh, không đi về vùng sâu vùng xa thì làm sao mà đạt doanh số”. Chị lôi con heo đất ra, nó được chị để dành hồi hai đứa cưới, vì thừa biết mai này con cái sẽ có trăm việc để xài tiền.
Vợ chồng tíu tít xếp những tờ tiền đủ mệnh giá vừa đập khỏi bụng con heo đó. Nhỏ nhất mười ngàn, lớn nhất hai trăm ngàn. Nhăn nhúm, cũ mới đủ màu sắc hình thù rồi cuối cùng cũng được hai mươi bốn triệu. Chị bảo chồng “Nhiêu đây chắc cũng dư xài cho cuộc vượt cạn của em. Nên anh đừng lo chạy doanh số để đủ nuôi vợ đẻ nữa nha! Rồi em lãnh tiền hậu sản cũng đủ chi dùng vài tháng. Anh chỉ cần thường trực bên em là xong”.
Chồng chị ngoan ngoãn gật đầu.
Họ đều là những người trẻ muộn duyên. Mãi ba mươi mới cưới nhau, ba năm sau thì sinh con đầu lòng. Ở tuổi đó, nhiều người đã an yên đầm ấm nhưng anh chị vẫn còn ở nhà trọ, ăn cơm tháng để người đi làm công nhân, người làm chạy doanh số cho mặt hàng trà giảm cân nâng sức.
Mẹ cha hai bên đều ở xa, anh chị kiên trì bám trụ thị thành để hàng tháng tích cóp chục triệu đồng, một phần gửi về cha mẹ, phần kia để kiếm một căn chung cư riêng cho đời con lạc nghiệp.
Nhưng căn chung cư đó vẫn còn là mơ ước, mà đường con cái thì không thể cứ “để dành” hoài. Vậy là phải sinh thôi.
Một cơn gò tử cung lại cồn lên. Cơ hồ như nứt toác cả mấy lớp da bụng. Chị nghe như cả cái gót chân của đứa con trong dạ đang giơ lên và đá liên hồi vì sự chật chội tù túng của nơi nó trú ngụ suốt hơn chín tháng trời. Đang đứng ôm song cửa sổ, chị như té khụy xuống bởi cơn đau. Cơn đau từ chiếc bụng to rân rân ra khắp cả cơ thể mà cảm giác buồn tiểu cứ nằng nặng dạ dưới. Chị bảo khẽ chồng “Dìu em đi… vô nhà vệ sinh tí…”. Chồng chị vẫn cần mẫn một tay ôm eo vợ, tay kia bưng phụ vợ cái bụng, còn tay vợ thì choàng qua cổ anh, nhích từng bước về phía nhà vệ sinh. Đến cửa thì chị lại bảo “Thôi… hết mắc rồi”. Lại tư thế đó, anh dìu vợ ra băng ghế ngồi.
Ghế đá đối diện, cô gái trắng nõn thuộc team của nhóm hoa hậu lùn vác cái bụng như cái thúng cứ đứng ngồi ẻo uột các tư thế và luôn nắm tay anh chồng cao chừng bằng thủ môn số 1 Việt Nam, rên rỉ “Em đau quá… đau quá… chắc chết quá…”. Anh chồng cao khều, cánh tay xăm trổ hình chân dung ông cọp đỏ ửng, ngực áo bung nút khoe hình cái búa màu xanh vừa xoa lưng vợ vừa dịu dàng “Ráng đi em… ai đẻ cũng đau mà… anh cũng đau nữa nè…”. Cô vợ nén đau cười méo xệch “Xạo”. “Thiệt mà… đau lòng nè…” rồi anh hôn “chụt” lên đôi má lấm tấm mồ hôi của cô hoa hậu nấm.
Hình ảnh đó không qua được tầm mắt của người đàn ông trung niên gầy nhom đang hút rồn rột ly cà phê ở ghế đá cạnh bên, anh ta phán:
- Trời ơi! Đẻ dễ ợt hà! Đau cái gì mà đau! Làm bộ để nhỏng nhẻo á! Vô phòng, lên bàn, rặn cái tụt ra liền. Xong!
Chồng chị cau mày:
- Anh nói chơi hoài! “Đàn ông đi biển có đôi/ đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Ai vượt cạn mà dễ? Mấy bả đang đau muốn xỉu kìa mà cứ nói tiếu lâm! Bộ anh đẻ rồi hay sao mà anh biết?
Chàng trai xăm trổ cao nghều cũng quay sang:
- Cha đẻ mấy đứa rồi mà nói đẻ dễ ợt? Vợ tui đau đổ mồ hôi như tui vác hai tấn mì nè thấy hôn?
- Bởi ta nói mấy thằng em mình cưng vợ quá thành ra nó hư vậy á! Vợ anh đó nha, hồi đó cứ hai năm một đứa, bốn lần như vậy, cứ vô đây một phút ba mươi giây là xong!
Thân nhân của mấy bà bầu mắt tròn mắt dẹp ngưỡng mộ anh chàng gầy nhom. Họ nhao nhao:
- Lúc đó ai đưa vợ anh đi đẻ mà mau mắn vậy? Cái vụ này đó nha, gặp ai “nặng bóng vía” đưa đi là đứa nhỏ lì lắm, không chịu ra đâu!
- Ờ, má tui nói, có bà lên bệnh viện xong hông chịu đẻ, phải quay về nhờ người khác chở vô mới đẻ được đó!
- Phải rồi, gì chứ đẻ chửa quan trọng lắm, phải nhờ người mau mắn lẹ làng đưa đi sinh thì mới mau!
- Thì tui đưa chứ ai! Nhưng mà… đẻ hoài… nghèo hoài không khá được. Giờ bả làm lao công khoa Sản này, tui theo bả… lượm ve chai nè!
Anh chàng gầy nhom nói mà âm giọng thật ảo não.
Chồng chị không buồn góp chuyện nữa, mà luôn tay chậm mồ hôi cho vợ. Khổ vậy đó, vào đã hai ngày rồi, mấy bận đau lộn lên lộn xuống, té sấp tẻ ngửa, ối chực vỡ ra, chân bước đi không được, tưởng chừng sinh đến nơi nhưng cứ thăm khám thì vẫn “Mới bốn phân. Chừng nào bảy, tám phân mới được”. Mà cái sự đau đẻ của chị nó cũng kì lắm, cứ canh sau giờ ăn sáng là nó đau một trận tơi bời tới 11 giờ trưa, đau đến đổ mồ hôi hột, mềm nhũn cả người. Nhưng sau đó thì thì… im re, vẫn đi phơi phới như bà bầu năm tháng, vẫn tươi cười múc từng muỗng sữa chua. Rồi bảy giờ tối lại đau nữa, những cơn buồn tiểu, buồn đại tiện lại kéo đến, mấy phen ra vô nhà vệ sinh, cái bụng thì bị quẫy đạp lung tung, đôi chân tê mất cảm giác… Nhưng vẫn chỉ “mới bốn phân” rồi… thôi.
Hai ngày qua, chồng chị đã thấm mệt. Anh bảo, thà chở vài tấn nhãn rồi về nhà ngủ một giấc. Đàng này cứ đi tới đi lui, rồi dìu đỡ, rồi ăn uống… Muốn nằm chẳng được, đi uống ly cà phê cũng không yên tâm.
- Mấy cha thấy tui nói đúng không? Mệt chết đi được! Cứ chực chờ trông ngóng vậy làm sao chịu thấu! Chồng chị cảm thán.
- Ờ, vậy mà lớn lên nó ăn nói móc hầu bẻ họng mình mới tức chớ! Anh áo sọc ca rô góp chuyện
- Mình mệt, nhìn mấy bả còn mệt gấp trăm lần! Sao giờ kì vậy đó chứ hồi đó má tui đẻ một nùi mười hai đứa dễ ợt như gà đẻ vậy! Anh áo thun xanh ngắn tay tầm năm mươi vừa bấm điện thoại vừa nói.
- Còn vợ tui hả, đứa trước sinh trong vòng một nốt nhạc, đứa này từ sáng giờ vẫn nằm im! Cậu chàng tóc hoe vàng góp chuyện.
- Ủa mà anh coi bộ cũng năm mươi, hông lẽ vợ đẻ hả anh áo thun? Cậu chàng tóc hoe hỏi nhóm “bạn cùng thuyền”.
- À không! Con gái tui đẻ con đầu lòng! Tui lanh lẹ nên vợ bảo chở con đi giùm, bả vô sau!
- Tui hai thằng rồi, sáu năm nay mới để vợ bầu kiếm đứa con gái, ai dè con trai nữa… tui đang rầu thúi ruột đây… Anh chàng áo ca rô vò đầu bứt tai
Phía trong phòng hậu sản bỗng ré lên những tiếng hét:
- Không được! Đừng làm như vậy! Bác sĩ la!
- Trời ơi… phản khoa học quá… thời đại nào rồi mà còn…
- Bà chị ơi… đừng làm vậy… tội nghiệp con nít… cứt su cũng là cứt mà…
Chị nhóng lên ngó qua khung cửa sổ, một sản phụ đã sinh xong còn mệt hãy còn nằm lim dim ngủ. Đứa con nhỏ sau khi bú thì ngọ ngoạy buồn ị và bà nội của nó đã lấy phân su của chính nó rơ lưỡi cho nó “để phòng ngừa đẹn mọc”. Điều phản khoa học, mất vệ sinh đó đã khiến các mẹ, các bà trong phòng phản đối dữ dội. Nhưng bà nội của đứa bé ấy rất cương quyết, bà cho rằng “Cháu tui, tui muốn là gì tui làm. Hồi đó cha nó tui cũng rơ lưỡi bằng cứt su có sao đâu”. Vài tiếng nôn ọe phát ra, người nào đó nhanh chân đã lên phòng trực báo bác sĩ chuyện “hi hữu” này. Dăm phút sau, hai bóng áo trắng đã đến phòng hậu sản. Thế rồi bà nội của đứa bé đó cũng chịu thua lý của bác sĩ và ra ghế đá ngồi chù ụ kèm câu “Từ nay muốn làm gì thì làm”.
Chị ngoắc chồng thì thầm:
- Chút má tới… nói má… đừng như bà đó… nhen!
- Bậy không hà! Ai làm như vậy! Chắc bà đó bị khùng á!
Chồng chị đấu dịu.
- Với lại… em thèm ly nước mía… và cái đùi gà rán…
- Lại ăn nữa? Đẻ thì không đẻ, cứ ăn hoài là sao?
- Thôi mà chồng…. mua giùm em đi…
Chị nằn nì, chồng lại ngoan ngoãn đi về phía cổng bệnh viện.
Bóng hoàng hôn đã không còn phân biệt được nữa bởi màn mây xám xịt đã giăng kín bầu trời báo hiệu một cơn mưa rất lớn. Nhóm thân nhân sản phụ mạnh ai nấy gom góp tư trang để tránh mưa vì mái tôn hành lang bệnh viện ngắn quá, một cơn mưa qua sẽ tạt ướt hết thôi. Vài người phụ nữ thì dọn bình thủy, giỏ xách vào phòng chờ sinh, phòng hậu sản cất đỡ. Mấy vị đàn ông thì ôm cái võng dù, chiếc điện thoại cùng chai nước suối ra khu tượng thờ Hải Thượng Lãn Ông tìm chỗ giăng võng trú mưa.
Chị bỏ túi xách làm gối kê chân, kiểu nằm đó khiến chân chị bớt mỏi mà cũng là một thói quen. Làm công nhân xí nghiệp ngày đứng mười tiếng nên bao sức nặng cứ dồn xuống đôi chân, hồi chưa có bầu thì đỡ hơn, chứ từ ngày cái thai ba tháng là cơ hồ như cái nặng gấp hai lần, sự mỏi cũng hai lần. Vậy nên gối kê chân để ngủ là biện pháp tốt nhất để giảm mỏi chân mà chị áp dụng được.
Chị được nhận một chiếc giường ở phòng chờ sinh từ hai ngày nay, nhưng hầu như cả ngày chị không dùng tới, vì trong phòng nóng nực và hăng hăng đủ thứ mùi của cơm cá, xà bông, nước tiểu… của thân nhân sản phụ từ phòng bên qua “xài ké”.
Bỗng những tiếng nhốn nháo từ cửa chính của Khoa. Một chiếc taxi đổ xịch và tiếng phụ nữ la oai oái:
- Bác sĩ… bác sĩ ơi… cứu với… đẻ rớt… con tui đẻ rớt…
Hai người phụ nữ tay xách lỉnh kỉnh những giỏ những mùng mền vừa đi vừa la, anh tài xế taxi áo trắng thắt cà vạt gọn gàng nhưng tấm áo đó đã lấm tấm màu máu đang ẵm một người chạy về phía phòng cấp cứu sản. Một người đàn ông trung niên đi phía sau sải từng bước dài cũng chạy theo anh tài xế, trên tay ông ta là đống bùng nhùng khăn khiếu.
Cơn đau bụng lại gò lên khiến chị phải nhăn mặt kêu “ui da”. Bạn bầu chờ sinh kế bên an ủi “Ráng lên chị, càng đau nhiều là càng mau sinh đó. Em sinh đứa thứ hai nên em biết mà”. “Ừ… nhưng mà… chị sợ đau cho đã rồi nó lại nín như hai ngày qua”. “Ủa chị vô hai ngày rồi hả?”. “Ừ, sáng mai là ngày thứ ba á”. “Tội hông, đứa nhỏ này mai mốt coi bộ lì dữ à nhen!”. “Ừ… cũng không biết sao”. “Sao chị không nhờ cô bác gì đó trong họ, là người mau mắn lẹ làng ấy, đưa đi sanh”. “Mình làm công nhân, sống xa nhà, làm gì có cô bác họ hàng. Mẹ mình dưới miền tây lên chưa kịp, mẹ chồng thì bận chăm con gái của mẹ cũng mới sinh mấy ngày nay”. “Ưm… hoàn cảnh nhỉ”.
Hai bà bầu đang tâm sự loài chim biển thì dáng người đàn ông đi cùng anh tài xế lúc nãy bước ra giọng buồn rầu “Tội nghiệp cháu tôi… cách bệnh viện có cây số mà không tới kịp”. Mấy anh vai u thịt bắp a lại, người hỏi thăm, kẻ khuyên lơn mới biết đống bùng nhùng trên tay ông già lúc nãy là thằng cháu nội đẻ rớt. Nhưng nó không cứu được vì suy hô hấp. Hai bà mẹ đang ở cùng sản phụ trong phòng hậu sản kia để dỗ dành khuyên giải. Ông ra gọi điện thoại cho người nhà lo bề hậu sự cho đứa trẻ chưa một lần biết mặt người thân.
Cả dãy hành lang nín lặng như chia sẻ.
Cơn đau lại vồng lên, cái bụng chị trồi sụt, căng bên này, méo bên kia… đứa nhỏ trong bụng như cầu thủ sàng qua sàng lại trên sân cỏ mà không biết rằng mẹ nó đau đến lả mồ hôi. Chị gõ long kong vào khung cửa sổ, chồng nằm ghế đá phía ngoài chạy vô “Em đau hả”. “…đau… đau quá…”. “Ráng chịu tí đi, chắc cũng như hai ngày nay thôi”. “Không… em đau lắm… muốn rặn nữa… cái bụng như muốn bể… anh dìu em vô phòng sanh đi…”. “Gì? Một giờ đêm, bác sĩ bận túi bụi, sanh cái gì mà sanh? Để sáng nghen!”.
Cô bầu nằm kế bên chị cười ha hả “Trời ơi, người ta mắc đẻ mà anh bảo chờ? Hông dìu bả đi, bả đẻ tại đây ông dọn nhen!”. Bây giờ chồng chị mới đỡ vợ dậy, quàng tay chị lên vai mình và bước, nhưng….
- Em… em đi không được… anh… lấy xe cho em ngồi đi…
Chồng chị dợm bước tìm xe đẩy thì chị lại kêu:
- Ui da… đau quá… đau quá… anh đừng bỏ em một mình…
Nửa đi nửa ở, chồng chị như gà mắc tóc, cọng dây phone lòng thòng từ tai xuống túi áo anh vướng vào thanh giường khiến điện thoại rơi “bộp” xuống nền. “Trời ơi, nứt điện thoại luôn rồi”.
- Xe đẩy nè! Ông cuốn điện thoại bỏ túi quần đi!
Chồng của cô bạn bầu kế bên chị ở đâu nhảy vào lấy giùm chiếc xe và cùng chồng chị rinh chị lên xe. Bụng lại lên cơn đau như vỡ tung cả cơ thể, chị thở dốc và ôm xiết cái tay vịn của xe khi chồng đẩy xe băng băng về hướng phòng sinh. Chồng của cô bạn bầu vừa chạy theo vừa la “Nước sôi… tránh ra… nước sôi…” vang dậy cả khoa Sản.
Bác sĩ cầm tập hồ sơ chậm rãi hỏi “Em tên gì? Tuổi? Ngụ? Sinh lần thứ mấy? Chích ngừa bầu mấy mũi? Ai đưa đi sinh?”. Chị rên lên theo từng cơn đau nhưng cũng cố gắng trả lời bác sĩ cho tròn vẹn.
- Nga ơi, nói người nhà sản phụ đưa quần áo trẻ em vào đi! Bác sĩ bảo nữ hộ sinh
“Hít sâu, thở chậm nè”. “Rặn đi” “Không được há miệng ra nè. Ngậm miệng lại để giữ hơi mà rặn nè”. “Sao cứ hả miệng ra vậy, mau mệt lắm, lại không đủ hơi đâu em”. “Em bé khá to nha, cố gắng hơn nha em… để nửa chừng mà mổ là mệt à”.
Chị rên hừ hừ theo từng cơn đau nhưng vẫn cố làm theo lời bác sĩ, dù đôi lúc mệt quá phải há miệng ra như con cá bị ngộp nước. Cái bụng vẫn no tròn và gò lên lung tung, cô nữ hộ sinh theo lời bác sĩ phải dùng tay xoa cái bầu, lựa thế giúp bà đẻ đỡ một hơi rặn. “Em… em mệt quá… bác sĩ ơi…”. “Cố lên em… chị biết em còn cố được mà…”.
Chị lại hít sâu lấy sức, ngậm miệng rặn mạnh “Như là mình bị bón vậy đó, cố lên em!”. “Em mệt quá…”. “Ừ… chị truyền cho em chai nước là khỏe ngay”.
Cô nữ hộ sinh theo lời bác sĩ lấy nước biển và thao tác thật nhanh lấy ven mạch để truyền nước cho chị. Bác sĩ nhìn chị đầy ân cần “Cố lên em, được làm mẹ là một điều thiêng liêng quý giá lắm… cố lên cho con mình vuông tròn nè…”.
Chị nhắm mắt, miệng ngậm đầy hơi và rặn. Trong trí chị… hình ảnh mẹ già từ quê tay đùm tay nắm những cá lóc kho tiêu, chuối nấu, gạo mới… mang lên nuôi đẻ con gái thật nhọc nhằn và yêu thương.
- Cố lên… cố tí nữa em… sắp xong rồi… Thôi… đừng rặn nữa. Chúc mừng em!
Lời bác sĩ chưa dứt, tiếng oe… oe… oe đã vang lên khắp phòng.
Chị mỉm cười mà nước mắt lăn tự do. Một cuộc vượt cạn đã thành công mà công khó không phải của riêng mình chị.
- Bé gái ba ký tư! Chúc mừng bà mẹ giỏi nhất hôm nay nha! Lời nữ hộ sinh
- A… sinh rồi… sinh rồi…
Tiếng chồng chị hân hoan ngoài cửa phòng.
Bé con được mặc áo, quấn khăn và để lên ngực chị. Làn da mỏng manh bé nhỏ của khuôn mặt hồng đỏ đó áp vào ngực mẹ khiến chị nghe một luồng yêu thương ấm nồng chạy khắp cơ thể đến nỗi đã tan biến hết bao nhiêu mệt nhọc, đau đớn mấy ngày qua.
Những mũi kim may tầng sinh môn vẫn sừng sực găm vào da thịt nhưng bây giờ chị không còn nghe đau đớn gì nữa. Niềm hạnh phúc hân hoan đã chiếm lĩnh trọn vẹn tâm tư người làm mẹ rồi đây.
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét