Nguyễn Phương Dung (TP. HCM)
Lần đầu tiên trong đời nó cười. Nó cười mãi. Mím chi, rồi bật lên ha hả hi hi thành tiếng. Lắng nghe tiếng cười mình nó thấy không giống tiếng cười của con bé cùng làm công nhà ông chủ đồn điền cà phê với nó. Lại càng không giống tiếng cười của thằng Bá cố tình cười nó khi có con bé ấy đi qua. Ôi, nghe như tiếng cười của ai chứ đâu phải của mình, hồi nào đến giờ chắc vẫn ở trong miệng mình đó thôi, mà tại mình…
Nó ôm cái gương soi nho nhỏ tí xíu của mẹ trong tay. Nắng xiên chiều len qua cửa sổ rồi se sẻ đậu trên vai nó. Mẹ đứng tựa gốc cột, cũng cười.
Đêm xuống lúc nào chẳng hay. Mẹ nói thôi ăn cơm chứ con. Đã đói đâu mẹ. Con phải đói khi thấy món mẹ làm. Thường thì nó sẽ lao ngay vào mâm khi mẹ nhẹ nhàng như vậy vì buổi cơm trưa đâu bỏ bèn gì. Suốt ngày dang nắng. Ở đồn điền cà phê này nó nổi tiếng là người chăm chỉ cần mẫn. Sau một mùa thu hoạch thì nó cùng cánh đàn ông dọn gốc tỉa cành dành chỗ cho cây khỏe mạnh phát triển. Cà phê lên xanh thì nó xới đất bón phân. Chừng kết trái, ôi nó thích từng chùm quả đeo bám quanh cành đỏ rực vào những ngày cuối năm làm sao. Đợi khi màu đỏ ấy chuyển sang tím bầm, lúc này hàng ngàn con người trải bạt dưới gốc cà phê dùng tay tuốt hột rơi lộp độp trên tấm nhựa, râm ran tiếng cười nói chuyện trò gọi nhau ơi ới. Thỉnh thoảng một giọng hát cất lên. Nó vẫn cúi mặt lặng thinh mà làm. Tối về đói rả, đâu có đợi mẹ gọi.
Vậy mà hôm nay nó không thấy đói. Nó chỉ thích cười.
*
Lần đầu tiên cùng mẹ đến vùng đất đỏ này là vào ngày tháng năm nào nó không nhớ nữa nổi. Nó chỉ nhớ dọc theo con đường xe chạy vào thời điểm ấy hoa cà phê nở trắng bạt ngàn. Thực ra nó làm sao biết đó là hoa cà phê. Mẹ mệt với chặng đường dài nên khi thức khi ngủ. Nó thì háo hức với cảnh lạ hai bên đường. Khi xe vừa vào địa phận Đắk Min là mắt nó lóa lên bởi một màu trắng hai bên đường. Nó giật áo mẹ, nhìn kìa. Mẹ chưa kịp tỉnh thì người đàn ông ngồi sau nó đã lên tiếng. Đó là hoa cà phê.
Đã qua tết rồi, mẹ con nó bỏ xứ.
Lần bỏ xứ ra đi ấy nó còn bé lắm. Mẹ nó khóc còn nó không dám. Nó chỉ lăng quăng quanh mẹ gói ghém đồ đạc vào hai chiếc túi xách nhỏ. Lẽ ra nó phải hỏi cho bằng được là vì sao mẹ con mình phải đi như thế, vào trong đó nó có được đi học nữa không, còn nhiều thắc mắc lắm mà mẹ cứ khóc làm nó sợ.
Nó nhớ lớp học. Nói cho đúng là nó nhớ cô giáo hơn. Những đêm mẹ đi làm về khuya nó nằm nhà một mình chờ đợi không ngủ được. Nó ước cô giáo là chị em hay bà con gì đó ở cùng nhà với mẹ để phút giây trống mẹ nó được ôm cô giáo mà ngủ. Nhớ lần đầu mẹ dẫn đến lớp nó nhận được ánh mắt trìu mến lẫn ngạc nhiên của cô dành cho. Nó biết nhưng nó không buồn. Chỉ đến khi mấy bạn trong lớp ùa ra và gào lên. Ôi nhìn nó kìa…
Câu bỏ lửng làm nó đau. Lúc đó nó thấy như có bàn tay bóp nghẹt cổ làm nó khó thở. Cô giáo nắm tay dắt nó vào lớp nói: Đây là bạn Nguyên, Khôi Nguyên từ nay là thành viên tổ hai của lớp.
Bọn con trai độc ác. Nguyên gì mà Nguyên, bày đặt thấy ớn, sứt thì gọi sứt đi. Bọn hắn lầm bầm khi bị cô giáo chê trách và so sánh với nó. Nó chỉ sợ nhất mỗi môn tập đọc. Cô giáo cũng ý tứ không bảo nó đọc tại lớp bao giờ. Đọc thì ai nghe vô, chỉ có mẹ thôi, mẹ hiểu tất tật những lời nó nói.
Có đêm nó nằm ôm mẹ thủ thỉ. Mẹ nè, con bị… Mẹ hiểu rồi, mẹ không muốn thế, mẹ xin lỗi con.
Mẹ lại khóc.
Từ đó nó không dám hỏi nữa. Thôi, miễn sao nó có mẹ yêu thương. Nó có còn có nhiều thứ khác nữa, thiếu… cái môi có làm sao đâu.
Mới đó mà nó đã là một chàng trai. Chưa bao giờ mẹ con nó làm một chuyến hành trình ngược dòng mười lăm năm trước cũng như chưa bao giờ nó biết nó từ đâu mà ra. Vùng đất đỏ này đã thành quê hương thứ hai rồi. Ngày ra đi nó còn bé quá, ngoài mẹ ra nó chẳng còn ai ruột thịt mà mẹ thì không bao giờ quay lại chốn cũ nên dần dà nó cũng nguôi quên. Ở đây hai mẹ con nó có công ăn chuyện làm ổn định rồi. Công việc ở đồn điền cà phê không lúc nào ngơi nên nó thấy mẹ cũng vui. Còn nó, nói chi nữa, chỉ cần con bé ấy quanh quẩn chỗ nó làm…
Bởi vậy nên cái hôm ông chủ gọi nó lên văn phòng làm việc và nói bác sẽ cho con xuống Sài Gòn vá hàm ếch, con chịu không. Nhưng con cho bác biết cha con là ai, ở đâu. Nó há hốc cái miệng làm hàm ếch đã hở lại càng thấy khó coi hơn. On… on… ông… iết. Con đã lớn rồi mà, mẹ không nói sao. Giờ thì nó lắc đầu, lắc mãi cho đến khi nước mắt ràn rụa. Thôi, bác không hỏi nữa, tưởng con biết. Không sao, không quan trọng, bác sẽ chịu mọi chi phí cho con. Về thu xếp mai có xe chở con đi, bác đã nói với mẹ rồi. Về… đẹp trai hơn, làm việc tốt hơn nhe.
Ông chủ đã ra khỏi văn phòng từ lâu mà nó còn trời trồng tại chỗ. Chưa kịp nói lời cảm ơn, chưa hiểu chuyện chi đã và sẽ đến…
Bây giờ thì nguôi cơn cười rồi nó chợt nhớ ông chủ. Mẹ ơi, con với mẹ đi lên nhà ông chủ. Khuya rồi con, mai cũng không muộn. Dạ, mà mẹ ơi, ông chủ tốt với mình quá, mình làm chi để trả hết ơn này hả mẹ. Mẹ cười, con hãy nghĩ đi. Mẹ, con chỉ xin một điều cuối cùng này thôi, con muốn biết…
*
- Năm trăm triệu nếu là con trai, còn con gái thì tui bớt một ít.
Người đàn ông ra vẽ dứt khoát. Người phụ nữ thì dễ dãi hơn:
- Con gì cũng được miễn là khỏe mạnh.
- Và đẹp trai nữa chứ, giống ông, hé hé…
- À, tôi muốn "đi thẳng".
- Chà, này khó à nhe, để tui hỏi ý cổ đã, phần lớn không cô nào chịu đâu.
- Thì nhờ bà, tôi sẽ chi thêm.
Người đàn bà đi theo ngồi bên bắt đầu tỏ thái độ. Thì cứ bơm vào như bệnh viện bảo đi, có sao đâu, nhiều chuyện.
Chỉ dám lườm nguýt người đàn ông thôi chứ không phản ứng mạnh. Bà trùm hiểu ý.
- Thế tui năn nỉ thì công tui là nhiều ít đây, cụ thể đi.
- Năm mươi triệu.
- Hé hé… được được, trinh nữ mà, giá đó còn rẻ.
- Sao bà biết?
- Cùng làng cùng xã nhé, ngoan hiền nhé, chưa có người yêu nhé, mạnh khỏe nhé, chỉ mỗi một tội là nghèo, đang cần tiền.
- À này, tôi hỏi thêm, sao cô ấy cần tiền nhiều thế.
- Mẹ vừa mới mất, trả cái nợ tiền chạy thận đó mà. Chỉ có mỗi cô ấy là con, không có cha.
Lệ được dẫn tới khách sạn với bà trùm vào một buổi chiều mùa thu đầy gió. Mặc dù ngồi trong tắc xi nhưng Lệ vẫn cố ý che kín mặt. Lệ thút thít. Có im đi không, tui có ép cô đâu, khóc mãi không có kết quả là tui bắt đền cô đấy. Bà trùm to tiếng rồi trở giọng dịu. Cô đừng quá căng thẳng, ông này rất tình cảm và chi đẹp, ngoài hợp đồng cô có thể được thưởng thêm nhiều nếu cô biết chìu ổng. Yên tâm đi. Trời, làm sao mà Lệ yên tâm được đây. Lệ tính đã hết nước rồi, đến chín tháng hơn mới nhận đủ tiền mà không biết có được hay không đây. May mà người ta không đòi nợ ngay. Thôi con trăm ngàn lạy xin mẹ tha lỗi và giúp con…
Lệ bình tĩnh dần với ly rượu nhẹ người đàn ông vừa trao nhưng nhìn quanh căn phòng màu trắng mọi thứ thơm tho của một khách sạn hạng sang bên trong cánh của khóa kín, Lệ lại bần thần. Ngồi nép bên mép giường không dám ngước lên cho đến khi người đàn ông lại gần vuốt tóc. Em mấy tuổi. Dạ em hai mươi hai. Chưa lần nào à. Lệ im lặng. Không như Lệ tưởng tượng, ông ta nhẹ nhàng. Hãy cứ xem là một cuộc tình, một lần hò hẹn em nhé.
Và như thế trong sự nhẹ nhàng lẫn trang trọng đó Lệ thấy mình như có như không, như chìm vào cõi khác mỗi lần ông đi vào, đi vào…
Quên đi mọi mặc cảm, Lệ cảm giác mình được yêu.
Một tuần sau Lệ trở về nhà mình. Hằng ngày Lệ vẫn đến quán mỳ bà Ba để phụ việc tráng bánh, Những lá mỳ mỏng tang thơm ngát của Lệ giờ không còn đều tay nữa. Thỉnh thoảng Lệ đưa tay che miệng ngáp vặt và len lén bỏ vào miệng vài viên thuốc. Bà trùm đến nhà thăm chừng. Cho đến một hôm bà gặp Lệ ói mửa ngay bên chén cơm ngồi bên ngạch cửa nhìn về xa xăm, bà rú lên. Trúng rồi, trúng rồi em ơi.
Ngày sau đó, Lệ thắp nhang lên bàn thờ mẹ, ra mộ nhổ lớp cỏ dại vừa nhú lên. Đậy cái ngõ gai tre lại cho có cái gọi là cửa ngõ, Lệ theo bà Trùm lên thành phố.
Em cứ yên tâm ở đây tịnh dưỡng cái thai, mỗi tuần anh chị đến thăm một lần mang tới cho em đủ dùng, đừng đi đâu đừng làm gì. Xem ti vi nè, mở tắt như vậy nè. Số điện thoại của chị đây, và em dùng cái này để gọi chị khi cần. Ngoan rồi chị thưởng thêm cho nhé.
Người phụ nữ nói một hơi dài rồi thở ra bằng nụ cười mãn nguyện. Ông lặng im, thi thoảng liếc nhìn Lệ trìu mến.
Lệ như rơi lọt tỏm vào một cái thùng nhỏ với đầy đủ tiện nghi mà từ hồi nảo hồi nào tới giờ Lệ chưa hề nhìn thấy chứ nói chi sử dụng. Đó là căn phòng trọ chừng hai mươi mét vuông với mọi công trình phụ khép kín bên trong ở một vùng ngoại ô gần khu công nghiệp. Những ngày đầu Lệ thích thú với cái tủ lạnh, bà ấy dặn Lệ không được uống nước đá, sẽ viêm họng rồi sinh ra cúm, ảnh hưởng cái thai…. Hình ảnh cây cà rem ngày nhỏ xíu mẹ mua khi có người bán dạo ngang qua làng vào buổi trưa hè đã đùn lên trong Lệ một nỗi nhớ không gì cưỡng được. Cây cà rem ấy chỉ còn hơn một nửa thôi, ốm nhách và chảy nước ròng ròng khi vừa lấy ra khói cái thùng xốp xẹp lép cũ mèn của ông già bán dạo không đủ lấp cơn thèm của Lệ. Vậy mà mẹ chỉ mua có một cây thôi, mẹ bảo thứ này ăn nhiều không tốt đâu, sau này Lệ mới hiểu mẹ tiết kiệm. Lệ nhớ mẹ đến rụng rời.
Rồi đến cái ti vi nữa, Lệ có thể nằm vùi một chỗ mà xem cả ngày không biết chán. Bà Trùm thỉnh thoảng cũng điện đến bảo Lệ đừng nằm mãi sau này khó sinh lắm. Bà nói thì Lệ còn nghe chứ người phụ nữ biết chi mà cứ em phải thế này, em phải thế nọ, chưa hề biết sinh là gì mà.
Mãi rồi Lệ chán với ngày dài lê thê ở nơi không quen biết này. Đợi cho mọi người trong dãy nhà trọ đi làm hết Lệ mới dám thò đầu ra ngó quanh quất rồi kép cửa dạo vài vòng quanh nhà cho đỡ mỏi. Cũng đôi khi gặp một vài ánh mắt tò mò. Em không đi làm nghề gì à, em người ở đâu. Ủa ở một mình không có chồng hả. Chà cái thai bụng trên này chắc là con trai đây….
Một lô một lốc câu hỏi khó đỡ nhưng Lệ đã chuẩn bị sẵn kịch bản rồi. Dù sao cũng không nên tâm sự với người dưng. Đôi khi ông ấy đến một mình bất chợt, một vài cái vuốt tóc, một vài câu thăm hỏi sức khỏe, một vài cái đặt tay vào bụng Lệ để nghe đưa bé quảy đạp… và rồi một cái ôm nhẹ nhàng từ phía sau, anh về nghe. Thế là Lệ thấy mình phấn chấn, thấy như ấy là người đàn ông của mình. Đêm đêm Lệ cứ mơ về một điều không bao giờ có thực. Biết đâu ông ấy sẽ cưới mình khi nhìn thấy thằng bé kháu khỉnh khỏe mạnh chào đời. Biết đâu mình sẽ không rời xa con mình, sẽ cho nó bú dòng sữa ngọt đang hình thành sông suối trong Lệ, sẽ lo cho nó bữa cơm ngon, bộ quần áo sạch để nó đi học. Biết đâu sẽ được ở cạnh nó mãi để nhìn nó lớn lên từng ngày và khôi ngô như ông. Những giấc mơ đẹp không tốn tiền ấy đã thêm sức mạnh cho Lệ qua những cơn trái khoáy của những thai kỳ.
Cái ngày Lệ chờ mong cũng chính là cái ngày Lệ mong đừng bao giờ đến. Cứ nghĩ cầm được tiền xong, trả nợ rồi xây cho mộ mẹ cái nấm bằng đá để nhỡ mưa nắng khỏi bị sạt lở, sửa lại chái nhà đã rách ở mùa bão trước, Còn chút nào làm vốn chút đó rồi Lệ sẽ lên thành phố làm công nhân may mặc. Lệ phải làm một cuộc đời khác, phải thế thôi chứ ở quê cũng chẳng có đất đai trồng trọt gì. Mẹ đã suốt một đời làm thuê làm mướn, may đâu có được mái tranh gọi là nhà mà cho đến khi qua đời vẫn chưa kín gió, Lệ đương thì con gái cũng nối gót mẹ làm thuê vì không có tiền đi học. Nhưng cứ nghĩ đến lúc phải xa đứa con cứ mỗi ngày mỗi lớn dần trong bụng Lệ lại thấy như ai cứa dao vào cơ thể mình. Dù sao nó cũng là của mình một nửa, cũng được hình thành từ nhẹ nhàng trân trọng chứ không phải như lời lẽ khô khốc răn đe trong bản hợp đồng bà trùm đang giữ. Liệu rồi Lệ có chịu nổi những cơn đau khi dứt sữa đột ngột, có chịu sự dằn vặt mà một bà mẹ phải xa con ra đi. Mỗi ngày Lệ càng thương con hơn. Tội nghiệp, thằng bé về nơi nhà cao cửa rộng kia biết có sung sướng không, biết có nhớ mẹ không. Mà làm sao nó biết Lệ là mẹ khi còn chưa mở mắt nhỉ. Cứ lẩn quẩn với trăm ngàn ý nghĩ mà Lệ mệt ngất. Cho đến một ngày.
Ông bác sĩ già nhìn Lệ ái ngại. Cô đừng buồn nghe, theo phim siêu âm này thì đứa bé có một dị tật. Lệ điếng hồn. Là sao, là bị gì hả Bác sĩ. Hở hàm ếch, nguyên nhân chưa biết, ngoài ra mọi thứ tiến triển tốt. Ôi, bác sĩ xem kỹ lại giùm, có cách nào….
Không còn cách nào khác ngoài cách chối từ nó nếu cô muốn. Mà có sao đâu, sinh xong chừng nào có tiền thì đi vá lại, dễ mà, rồi đẻ đứa nữa. Cô ấy còn trẻ…
Ông đứng lên như xua đuổi Lệ. Ông không hề biết bão dông tơi bời một lần nữa giáng xuống đầu cô gái trẻ này khi ông nói với bà trùm đang đóng vai bà dì nhân từ đi kèm Lệ.
Giờ cô tính sao đây. Trả lời đi chứ?
Bà trùm gào lên phá tan bầu không khí ngột ngạt quanh bốn người.
Lệ nức nở, tôi biết gì mà tính…
Người phụ nữ chống nạnh nhìn Lệ đang co rúm. Tôi nói rồi, khỏe mạnh xinh trai thì tôi mới trả tiền.
Bà trùm cũng xông vào. Còn tiền công của tôi, đừng có gạt à nghe.
Người đàn ông im lặng mãi, giờ thả từng lời một như mệnh lệnh. Tất cả còn ở trong bụng cô ấy. Và chưa chắc ông bác sĩ nói đúng, cứ đợi thằng bé sinh ra rồi tính. Mấy người làm gì mà ầm ầm…
Từng ngày tiếp theo là từng mũi dao xiên xéo nát trái tim Lệ. Đêm nằm Lệ không sao ngủ được, cầu khấn trời Phật và mẹ phù hộ cho mọi điều may đến với mình, Lệ khóc hết nước mắt. Lệ cứ nghĩ đến cảnh người ta chối từ đứa trẻ thì Lệ phải làm sao. Nuôi nó ư, Lệ không có chồng và không có tiền. Bỏ nó ư. Lệ biết bỏ đi đâu? Mẹ ơi! Lệ khản giọng trong cơn dằn vặt, cả trong mộng mị. Ngày xưa con biết vì sao mẹ đã một mình nuôi con rồi, có lẽ nào giờ đây…
Rồi chuyện gì đến phải đến.
Sắp đến ngày sinh bà trùm lên nhà trọ ở lại để giúp đở Lệ. Dưới mắt thiên hạ bà là một bà dì nhân đức nhưng vắng người là bà tru tréo, cô làm sao để cả tui và cô không toi công mất tiền thì làm. Lệ thật sự lo lắng, làm sao đây. Tất cả vin vào định mệnh đã làm rồi.
Lệ chẳng còn biết trời trăng gì nữa. Chừng tỉnh dậy Lệ thấy mình nằm một mình trong phòng hồi sức. Lệ vùng dậy, con tôi đâu rồi. Cô y tá quay đầu lại bình thản. Cô cứ nằm yên đi, cô sinh mổ chưa dậy được đâu, con cô ở phòng khác. Khi nào hai mẹ con cùng khỏe thì tôi cho gần nhau.
Lệ lại lịm đi trong cơn đau hậu phẫu.
*
Hôm ấy trời mưa tầm tã. Bà chủ nhà trọ bảo với Lệ là đúng ngày hôm nay cô đã hết hạn thuê phòng, tiền tôi nhận đủ rồi và mai có người mới vào. Cô lo mà trả phòng lại. Lệ nói cho xin thêm một vài hôm nữa, thằng bé đang sốt. Lúc này bà mới sà bên giường Lệ. Mà cô nói thật thì tôi còn thương nghe, chứ cô là gì của mấy người hay đến đây. Họ có vẻ giàu có lắm, lại lo cho cô từng miếng ăn, từng tháng tiền nhà. Chừ họ đâu hết rồi, chứ thằng bé này là con của ai. Lệ buông gọn. Con đẻ thuê mà họ không nhận thằng bé.
Cái sự thật oan nghiệt oái ăm đó đúng là đánh thức được lòng thương người của bà chủ nhà trọ. Nhưng rồi Lệ cũng phải ra đi thôi. Đi đâu. Thôi thì về quê cái đã.
Lệ giở cái cổng tre đã rệu rã từ ngày trước. Nhà hoang. Lệ không tìm thấy một nén nhang cho mẹ ngoài đống tơ nhện chằng chịt trên bàn thờ.
*
"Lệ, anh thật tình không muốn kết cuộc lại như vậy. Không ai muốn cả. Tất cả số tiền này là của riêng anh giúp em một thời gian. Hãy tha lỗi cho gia đình anh và anh. Chúc mẹ con em một cuộc sống tốt đẹp. Vĩnh biệt!"
Thằng Nguyên nhìn lên bầu trời đêm đầy sao của vùng Tây Nguyên bao la .
Đâu đó hương hoa cà phê thoang thoảng. Lại thêm một mùa hoa trắng. Hình như trời sắp sáng rồi. Mẹ cũng vừa mới đi nằm còn nó thức luôn. Nó không cười ha ha hi hi như lúc ban chiều nữa.
Nó nắm chặt tờ giấy nhỏ xíu úa vàng đã nhòe nét chữ lâu rồi vì nước mắt mẹ. Giờ lại đẩm ướt vì nước mắt nó. Nó không biết mình khóc từ lúc nào. Làm sao phải khóc chứ, khóc vì lẽ gì. Đáng ra nó phải cười. Cười vì cuộc đời cho nó lớn lên trong vòng tay ấm áp cùng trái tim yêu thương của mẹ. Cho nó gặp ông chủ tốt bụng như vậy. Và nó biết, rồi đây cuộc đời còn cho nó nhiều may mắn nữa vì ngày xưa mẹ và nó đã không chối bỏ cuộc đời này.
N.P.D
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét