Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang (Tây Ninh)
Trăng thượng tuần đã lơ lửng từ lâu nhưng tiểu thơ vẫn chưa an giấc điệp. Nàng cứ trằn trọc mãi, hết nghiêng bên này lại trở bên kia. Bởi theo lệnh của cha nàng, ngày này tháng sau nàng đã xuất giá vu quy.
Tiểu thơ đã đến tuổi xuất giá, nhưng khổ chưa, người mà nàng sẽ kết chặt mối lương duyên lại chẳng có tình cảm gì. Đó là con của tri phủ đại nhân, phụ thân nàng chỉ là một huyện lệnh, thì làm sao tránh được ý cầu thân của tri phủ. Huống chi ngài cũng đâu có ý từ chối, mà còn xem đó là sự may mắn cho đường hoạn lộ sau này. Nên ngài đã thúc giục con gái phải ưng, dù tiểu thơ một mực van xin hãy cho nàng thêm vài tuổi nữa.
Phụ thân nàng đập bàn, mắt hằn lên những tia vằn đỏ:
- Ta đã nói mà con không vâng ư? Được thôi, kẻ bị trị tội trước sẽ là mẹ con vì bà ấy đã quá nuông chiều con gái!
Tiểu thơ run rẩy thật sự khi cha nói sẽ trị tội mẹ, dù bây giờ bà đã ra người thiên cổ. Nhưng cách “trị” của cha lạ lắm, tiểu thơ đã biết một lần nên nàng rất sợ. Ấy là năm tiểu thơ mười bốn tuổi, dám bỏ khuê phòng cùng con tì tất đi xem hội hoa đăng. Cha đã lấy di ảnh của mẹ từ trên ban thờ xuống, dùng roi cá đuổi quất xuống. Tiểu thơ quỳ bên cạnh, không roi nào quất vào thân thể, nhưng nàng nghe rát buốt từng thớ thịt. Mẹ có tội gì đâu, bà đã lìa xa mãi mãi khi tiểu thơ vừa lên mười tuổi. Nàng nhìn di ảnh mẹ rách nát, nước mắt cứ thế trào ra…
*
**
Dù huyện lệnh mặc áo thường dân để đi kinh lí, nhưng cái dáng người to bè, luôn chắp tay sau mông không lẫn vào đâu được với đám con dân gầy nhom, xộc xệch. Đám dân đen vùng này dù đi hay chạy thì cái mặt cũng luôn cúi xuống, ánh mắt găm xuống đất như tìm đồng xu vừa rớt chứ có ai dám hếch mặt lên như ngài. Ngay cả những lúc vui như đang xem hát xiệc Sơn Đông này, người dân có nhảy cẩng cũng không dám ngước lên, thế làm sao thấy được dung mạo xinh đẹp hơn người của thiếu nữ đang múa kiếm. Nàng tầm đôi chín, nét mặt thanh tú, mái tóc tết đuôi sam gọn gàng sau lưng, trang phục màu nâu đất càng tôn làn da trắng hồng tự nhiên. Không chút son phấn tô vẽ nào nhưng đôi lông mày kia cong như vòng nguyệt, đôi má kia ửng đỏ hoa đào. Đôi môi màu cánh sen rạng rỡ. Mồ hôi lấm tấm trên mặt, mồ hôi chảy thành dòng sau lưng áo bết dính màu vải nâu bó sát vào cơ thể. Huyện lệnh không ngớt vỗ tay và những hào bạc được ném ra. Nàng đang múa kiếm thể hiện sự dẻo dai của cơ thể để minh chứng cho món thuốc sơn đông “tê gân trật cốt” mà hai người đàn ông một già một trẻ đang rao bán.
Huyện lệnh ngoắc tên quản gia đang theo cùng, khoát tay ra lệnh. Một xâu tiền được ném về phía người đàn ông trẻ, kèm câu nói không đầu không đuôi “Đủ không?”. Người đàn ông tầm ngoài hai mươi cầm xâu tiền còn ánh màu nước bạc gật đầu lia lịa. Màn múa kiếm cũng kết thúc và lời hẹn ngày mai tái ngộ cũng được thốt ra từ chiếc miệng bỏm bẻm nước cổ trầu của ông già.
Đoàn sơn đông chưa được dọn đi vì vị quản gia đã thì thầm rằng có quý khách muốn trò chuyện. Chuyện của “quý khách” không có gì to lớn, chỉ là bảo ông già nhai cổ trầu rằng:
- Hãy để cô gái múa kiếm kia về làm tứ phu nhân của huyện lệnh, bởi đại phu nhân qua đời đã được sáu năm, các vị phu nhân còn lại đều đã lớn tuổi. Rồi vàng son bổng lộc sẽ hưởng không hết, cả đoàn không phải rày đây mai đó nữa!
Ông già thưa:
- Bẫm quan nhân, gia thế nghèo nàn rày đây mai đó, ngay cả lúc này, cũng là tá túc trong ngôi đình làng ngoại vi huyện lị, để bán thuốc sơn đông kiếm sống độ nhật. Thì làm sao dám… vả chăng, tiểu nữ của già đã có phu quân. Tên đàn ông trẻ kia chính là chồng của nó, chúng đã tạ lễ tơ hồng được bốn tháng rồi.
Huyện lệnh như có chút ngại ngần. Ngài nói khẽ “ta xin lỗi” rồi hẹn ông già hôm nào tới huyện đường trà nước, dù sao ngài cũng là một bậc lương thần mẫn cán, nổi tiếng thương dân. Ông già lạy như tế sao “Tiện dân không dám… không dám…”.
Lúc cha già hầu chuyện huyện lệnh thì người đàn bà run bần bật nép vào ngực chồng. Linh cảm phụ nữ cho nàng biết điều chẳng lành đang ập xuống gia đình nhỏ bé này. Sau bức mành trúc thưa mớ chập cheng, gươm giáo, thùng bọng, mâm thau toàn hàng mã cả, nhưng trong bóng tối lờ mờ của gian buồng này, nàng thấy nó sáng rực như ánh mắt huyện lệnh nhìn nàng khi múa kiếm.
Đêm ấy, nàng không ngủ được. Tiếng mõ vọng sang canh hòa trong tiếng ngái ngủ của chồng. Ngoài kia, tiếng canh tuần kêu gọi dân làng canh chừng dầu đèn củi lửa. Nàng nghe như có tiếng bước chân rón rén ngoài chánh điện. Trong vòng tay chồng, đôi mắt đẹp cố nhoài ra khỏi tấm vách ngăn giữa gian thờ và hậu liêu. Thính giác của người luyện võ khá nhanh nhạy, nàng lay chồng, nhưng sau một ngày lao động mệt nhọc, chiếc ổ rơm đã là chốn thần tiên ru giấc điệp.
Thời gian cứ thế trôi...
Tinh mơ. Tiếng chân chạy thình thịch, tiếng réo gọi thủ từ inh ỏi. “Mở cửa, mở cửa mau. Quan nha! Quan nha cần tra xét!”. Ông thủ từ tuổi tám mươi bỏ nhang đèn ra sân đình theo tiếng gọi. Lính lệ bảo rằng được báo đình chứa chấp phần tử "chống lại triều đình”. Thủ từ run trong dạ nhưng cũng từ tốn: “Già ở đình mấy chục năm nay, hai đời quan đều kiêng vị, sao các chú lại vu oan?”. “Ta không nói ông, ta nói những người ở cùng ông”. Vị giáo đầu cương quyết. Vậy là bầu đoàn hát xiệc sơn đông được mời ra. Hai người đàn ông, một phụ nữ, hai con khỉ, một con nưa và mớ chập cheng, đao kiếm…
- Còn chối hay không! Đao kiếm này, rắn độc này…
- Bẩm, đó là con nưa, không phải rắn ạ. Người đàn ông trẻ thưa.
- Im! Hỗn láo! Ta nói rắn là rắn. Để xem xem… còn gì nữa…
- Bẩm ngài, còn có cả một mớ giấy có chữ dưới chân tượng thành hoàng!
- Đưa xem!
- ???
- A… thư hẹn thích khách huyện lệnh! Phen này chúng bây toi rồi!
Tên giáo đầu thét lính trói cả bốn con người. Những “vật chứng” đều được mang hết về huyện đường.
Nhân chứng, vật chứng đầy đủ. Hai người đàn ông già, trẻ kia không thoát tội trảm quyết. Riêng Thủ từ, chiếu công ba mươi năm nhang khói thành hoàng nên chỉ đuổi khỏi đình mà thôi. Còn người đàn bà, cha và chồng câu kết với loạn đảng, nàng cũng chịu vạ lây, sẽ sung vào đội nhà bếp của huyện nha!
Tiếng kêu oan trời cao không thấu.
Muốn lấy cái chết để tỏ rõ đúng sai cũng không làm sao chết được.
Hai người đàn ông bị lính lệ lôi đi.
Người đàn bà toan đập đầu vào bậu cửa. Nhưng nàng chợt nhớ giọt máu đang tượng hình trong người, nó phải sống để báo thù cho cha, cho ông. Nàng không khóc than nữa, nàng chấp nhận làm chân phụ bếp. Để một tháng sau, nàng được thăng chức “tứ phu nhân”.
Huyện lệnh thừa biết nàng đã có mang, nhưng nhan sắc của nàng đã làm ngài mờ đi lí trí. Vả chăng, đã bốn mươi tuổi mà quan chưa có một mụn con nào, dù đã có ba bà vợ. Thì đứa con trong bụng vị tân phu nhân này cũng là quý lắm.
Bảy tháng sau tân phu nhân sinh một đứa con gái. Vừa mở mắt chào đời, chao ơi… đôi mắt, cánh mũi, đôi môi kia… đều giống mẹ như tạc, khiến quan huyện yêu mẹ phải quý con. Chỉ có điều, nước da cô bé không được trắng trẻo như mẹ. Tứ phu nhân làm vợ trọn đạo, làm “bà tư” đầy yêu thương kẻ hầu người hạ khiến huyện quan càng thêm yêu quý. Chỉ có điều đôi môi kia chưa bao giờ nở một nụ cười dù trân châu ngọc ngà huyện quan đều ban cho nàng hơn hẳn các bà vợ kia. Ánh mắt phu nhân vẫn một nỗi buồn thăm thẳm. Bà nâng khăn sửa túi cho huyện quan được mười năm, rồi cũng lìa đời bằng một chứng bệnh mà đại phu gọi là “tâm bệnh”.
Tiểu thơ mất mẹ năm lên mười. Nhưng từ bảy tuổi đã được mẹ “nuông chiều” khi bà phát hiện còn gái có đam mê về võ học. Mỗi khi buồn, bà ra huê viên múa vài đường kiếm, dù “kiếm” trong tay bà chỉ là một cành cây, nhưng tiểu thơ vẫn ngắm mẹ say mê, rồi bảo mãi “con cũng muốn học… con cũng muốn học”. Lời tỉ tê bên gối của người vợ yêu khiến huyện lệnh phải chấp nhận cho tiểu nữ theo ông thầy dạy võ trong nha môn “học vài đường phòng thân”.
Lúc này, triều đình nhu nhược, thù trong nổi lên biết bao nhiêu là loạn đảng, giặc ngoài cũng nhăm nhe vùng đất Nam kỳ lục tỉnh này, mà trong đó, huyện Quan Hóa do ngài nắm giữ lại là vùng béo bở bởi chuyện giao thương liên quốc với Ai Lao và Cam - pốt. Ngài đã mời được một lão sư, ông thầy dạy võ này người dân tộc nên rất thật thà, ông đã bị lời của ngài mê hoặc, rằng dạy võ để cho binh lính bảo vệ quê hương. Ngài đối với ông như bậc trưởng thượng, ngoài dạy binh sĩ, chính ngài cũng học ít nhiều ngón nghề của ông. Và bây giờ, tiểu nữ của ngài, qua lời phu nhân, cũng muốn học võ.
Ngài đem tâm sự thưa với lão sư, ông vấn vấn chiếc khăn nâu lên mái đầu không có tóc, bẩm rằng có khó gì chuyện dạy tiểu thư vài ngón phòng thân. Nhưng quan gia, nếu đã tin tưởng già, thì xin đừng can thiệp vào cách dạy của già, được vậy, già mới thỏa nguyện.
Quan gật đầu, xin tùy lão sư định đoạt.
Bẩm, còn cái món lương bổng mà quan gia cho già mỗi tháng hai lạng bạc đó, nay cũng ngót nửa năm già gửi chỗ quan gia, tuần trăng sau già có việc về thăm quê hương bản quán, xin quan cho già nhận. Già đi tầm nửa trăng là quay lại huyện đường.
Quả thật, huyện lệnh chưa một mảy may nghi ngờ lão sư. Bởi cái mạng của ngài là do lão sư giành lại từ tay bọn thổ phỉ trong một lần kinh lí. Thì sao ngài có thể nghi ngờ. “Nhưng lão sư đi nửa trăng có phải là hơi dài so với thời gian dầu sôi lửa bỏng này lắm ru?”. “Quan gia đừng ngại, già đi bộ, mà dù có đi ngựa thì tính thời gian vừa đi vừa về từ Quan Hóa - Bảy Núi đã là mười hôm. Còn năm hôm già phải vào rừng tìm món ngải trặt đả. Người học võ, không có món ngải này là vết thương lâu lành lắm quan gia à”. Lý do của lão sư thuyết phục quá. “Nay là hạ tuần tháng này, mươi hôm nữa là thượng tuần tháng sau. Lão sư đi rồi, còn việc học võ của tiểu nữ ta?”. “Xin quan gia đừng nóng vội, học võ là chuyện đời người. Nếu tiểu thơ không chờ già được nửa trăng, thì làm sao theo được già cả đời?”.
Vậy là tiểu thơ đã được theo sư phụ học võ từ khi bảy tuổi rưỡi.
Ngoài học chữ, hàng ngày tiểu thơ còn học võ, học thêu thùa may vá nhưng lại không ưng học cầm kì thi phú dù phụ thân có răn đe tới đâu. Nàng luôn thưa rằng “Con không muốn là một cô gái bình thường, cứ gì phải giỏi cầm kì thi họa để đến ngày xuất giá là xong. Con muốn học võ, học may vá, để mai đây còn giúp ích cho dân lành”. Lời nàng như oanh vàng buổi sớm, ý nàng rắn tựa non xanh khiến huyện lệnh không thể nào xoay chuyển. Hay là môn nào nàng cũng học một biết mười, dạ sáng như trăng rằm vành vạnh.
Võ học đã có lão sư dạy, may vá thêu thùa thì phu nhân đảm trách. Nhưng tiếc là phu nhân chỉ dạy con gái được ba năm rồi bà đã bay về hướng núi - nơi biên cương rừng sâu nước độc mà chồng và cha bà đã bị đày đi mà chưa một lần gặp lại.
Mười tuổi, tiểu thơ đã vấn vành khăn trắng. Nước mắt nàng ngập cả linh sàng. “Sao mẫu thân lại nằm đây… Mẹ ơi… ra chơi với con đi”. Lão sư đã an ủi tiểu đệ tử, rằng ai có sống rồi cũng có chết. Con muốn mẹ con sống mãi thì phải cố học hành để gánh lấy non sông. Con hãy làm sao để tuy thân nhi nữ mà lòng quân tướng. Tiểu thơ gạt nước mắt lui về hậu viện chuyên thêu thùa may vá và càng cố công học võ nghệ với ân sư.
Ba năm tang mẹ là ba năm gương mặt tiểu thơ không có một nụ cười.
Mười lăm tuổi, nỗi đau chừng nguôi nguôi thì lão sư cho nàng đã biết, vì sao mẹ nàng lại chết ở lứa tuổi xuân sắc nhất của đời nhi nữ. Lão sư bảo, kẻ gián tiếp giết mẹ tiểu thơ, chính là huyện lệnh, người cha của nàng. Sự ngập ngừng khi phát âm từ cha khiến tiểu thơ nghi hoặc.
“Tại sao khi nói đến cha của con, sư phụ lại ngập ngừng?”
“Vì… vì đó không phải là cha ruột của con. Ông đã cướp mẹ con từ tay cha con rồi đày cha và ngoại tổ của con vào rừng sâu nước độc”.
“Con không tin! Cha rất yêu quý con!”.
Tiểu thơ bưng tai chừng không muốn nghe.
“Không tin đó là quyền của tiểu thơ. Nhưng đây là di thư của mẹ con, chắc tiểu thơ nhận ra nét chữ của bà?”.
Ân sư ồn tồn.
Mấy đêm thức trắng, nàng đã đọc nhàu nát di thư của mẹ, lá thư ngắn ngủi thôi, nhưng nó không khác gì những lời lão sư nói. Tiểu thơ uất hận. Cái hận của cô nương tuổi mười lăm là không biết trời cao đất dày là gì, cứ nghĩ rằng một ánh thép vung lên là tuyệt diệt bao đau thương chồng chất. Song nghĩ lại, việc đâu dễ giải quyết thế, tình nghĩa cha con bao năm, dù không có công sinh cũng có công dưỡng…
Thêm một năm trôi qua nữa, lão sư mới cho tiểu thơ biết. Cha của nàng, ngoài là huyện lệnh mẫn cán của triều đình, nhưng mặt trời thì xa quá, làm sao Đức Kim thượng biết được, người Pháp đã đưa thư và cha nàng đã thỏa đồng “nội công ngoại kích”. Cha nàng mỗi tháng đưa ân sư hai nén bạc, tưởng đã bịt được miệng ông nhưng không phải. Ông là nghĩa sĩ của tướng quân Trương Định. Người bây giờ là Bình Tây Đại Nguyên Soái. Mấy năm rồi, mỗi ba trăng ông về thăm quê Bảy Núi nửa trăng để tìm thuốc rượu cho huyện lệnh, nhưng quả thật là về Gò Công luyện quân cho Trương Nguyên soái. Học trò ông không nhiều, chỉ vài chục tên cảm tử, nhưng các sư huynh ấy không thua kém gì nàng. Nhất là chàng họ Lê. Một ánh thép chàng vung lên có thể mươi cái đầu rơi rụng. Một nấm đấm chàng tung ra có thể hàng chục kẻ ngã lăn. Nhưng lòng chàng rất mềm yếu bởi cha mẹ chàng đã chết dưới tay giặc ngoại bang. Nay là cuối tiết Đông chí, non trăng nữa là tết Nguyên đán, sau tết là lễ Thượng ngươn mùa hội núi, ân sư và chàng họ Lê có hẹn bàn việc quân trên núi Một. Ông muốn nàng và chàng gặp nhau, mai đây trên chiến trường cũng dễ bề tương trợ.
Để mọi việc thuận lợi, ông còn bày cho nàng xin phép huyện lệnh đi lễ phật cầu an gia đạo, cầu phước cho hương vong của phu nhân. Sau đó xin sư phụ đi cùng hộ tống, kiểu gì việc cũng thành. Tiểu thơ e ấp nghe. Tuổi mười tám đã khiến nàng biết xao xuyến, nhất là với người trai mà sư phụ nàng hết lời ngợi khen.
Và đúng như dự đoán, huyện lệnh tất nhiên không dễ gì chấp thuận thỉnh cầu của con gái. Nhưng có lão sư đứng ra hứa bảo vệ tròn châu vẹn ngọc nên ngài đã nhận. Thêm nữa, ngài cũng nhân cơ hội đặt điều kiện với con, sau chuyến đi này về phải làm lễ cưới ngay với con trai quan tri phủ, bên đó đã giục lắm rồi. Và tiểu thơ đã miễn cưỡng đồng ý.
Ngựa xe rùng rình từ Quan Hóa tiến về núi Một, ai chẳng biết phải qua vùng Khiêm Hạnh đầy rắn rết, muỗi mòng. Rồi Bưng Trao Trảo vắt qua Cẩm Giang Thôn với lời truyền tai có một ông cọp cụt chân cực kì hung hãn…
*
**
Đoàn ngựa xe của tiểu thơ đã rơi vào tai mắt của của ông ba mươi khi bóng đêm vừa chập choạng buông xuống. Bọn quan lính với giáo mác gương đao giỏi đối phó con người, với bọn đân đen tay không tấc sắt. Chứ với cọp vằn vện khập khểnh này thật là bất trị. Những cây đuốc dự phòng cũng đã đốt cả lên. Người ta nói ánh sáng đuổi thứ dữ nhưng ở đây hình như đèn đuốc càng làm cho cọp say máu. Mà lạ chưa, con vật quật ngã mấy tên lính nhưng không tha xác tên nào rồi biến vào bóng đêm như nhiều lần khác, mà cứ nhằm chiếc xe song mã của tiểu thơ lướt tới.
Con tì tất của tiểu thơ đã chết ngất từ khi mấy vệt máu văng trúng tấm rèm xe. Lão sư vừa bảo vệ người ngọc trong khoảnh khắc nguy hiểm không kịp rút kiếm đã vung nắm đấm lên khi con vật hung hãn vằn vện ấy lao tới. Tiếng à uôm bật lên thống thiết nhưng dù ăn trọn cú đấm vào ngực, cọp cụt vẫn xoay người lại giáng một tạt vào mặt vị võ sư tuổi lục tuần. Máu bay tung tóe, ông chới với hụt chân…
Nhưng cùng lúc đó một tiếng “ự” khô khốc vang lên, con cọp bật ngã. Một bóng áo chàm lao đến với gậy cầm chắc trong tay. Con cọp gườm gườm đứng dậy, lao vào, nhưng chỉ một cú né nhanh, gậy trong tay quất xuống tới tấp. Những người đứng xung quanh chẳng kịp nhìn rõ điều gì đang xảy ra, chỉ kịp nghe tiếng à uồm tức giận, rồi bóng vằn vện lao vút vào bóng đêm tĩnh lặng.
Phủi tay, chàng trai bước đến bên vị lão sư đang mệt nhọc tựa vào thành xe ngựa.
Chàng vòng tay chào sư phụ.
- Triệt nhi! Sao con biết ta đi đường này? Sao còn đến kịp?
- Ngẫu nhiên thôi ạ. Trương công sai con về núi Một hội hiệp anh em. Con định sau khi hội ngộ sẽ tìm cách liên lạc với sư phụ ở huyện đường Quan hóa. May nhờ đường lên núi chỉ là độc đạo nên mới có dịp gặp thầy ở đây!
- Rủi hóa may là vậy! Ta cũng hộ tống tiểu thơ con huyện quan đi viếng núi Một đây.
- Thưa… nàng ấy là vị tiểu sư muội mà thầy thường hay nhắc?
Không đợi chàng trẻ tuổi xưng danh, bức rèm gấm đã vén lên tự bao giờ. Tiểu thơ muốn tận mắt nhìn vẻ uy dũng hiên ngang của chàng tuổi trẻ vừa cứu mạng mình.
- Tại hạ họ Lê tên Sĩ Triệt xin chào tiểu thơ!
Vòng tay rộng, vạt áo lam không rộng nên trong tầm nhìn gần, tiểu thơ đã thấy rõ đôi chân mày rậm vút lên như thanh kiếm, gương mặt chữ điền đĩnh đạc, đôi mắt sáng hiên ngang
- Xin hãy gọi em là Hương muội! Em họ Lý.
- Hương muội… tại hạ xin thất lễ…
Chàng tuổi trẻ nhỏ giọng
Đêm hôm đó, đoàn người ngựa của tiểu thơ đã cắm trại nghỉ đêm tại Bưng Trao Trảo này vì ngựa người đều mệt sau cuộc chiến với ông cọp. Nhưng quan trọng tiểu thơ muốn được trò chuyện nhiều hơn với chàng đệ tử mà thầy nàng hết lời khen ngợi.
*
**
Núi Một hiện ra uy nghi và hùng vĩ giữa trời xanh. Chàng tuổi trẻ đi về bên kia sườn núi để hội ngộ anh em nghĩa quân theo sự dẫn đường của một chú bé chăn bò. Tiểu thơ họ Lý phải lên núi lễ phật. Vị lão sư hộ tống tiểu thơ đi về phía đỉnh Điện Bà. Họ chia tay đầy lưu luyến, hẹn rằng hai hôm sau lại gặp nhau ở chân núi để đường về Quan Hóa có người bảo vệ ngọc ngà.
Hậu liêu đêm mười bốn trăng tháng Giêng dìu dịu sáng. Cảm giác như chỉ với tay lên là sẽ chạm ánh trăng ngà. Con tì tất ngủ say bên chiếc ghế bành thô cứng. Chiếu chăn thơm mùi vải mới nhưng tiểu thơ không ngủ được, nàng xao xuyến với màu trăng, ai lại cất công lên núi rồi lại ngủ thế này. Phí lắm! Phí lắm.
Nàng nhẹ chân lách ra cửa, để ngắm trăng, để nghe mình gần hơn với thiên nhiên huyền ảo. Bởi vì ngày này tháng sau nàng đã vu quy, đã thành một vị tiểu phu nhân nhà quan phủ. Một bước có kẻ hầu người hạ, làm sao được ung dung mà ngắm trăng đẹp thế này? Bước ngọc nàng dần xa căn hậu liêu của nhà chùa. Ánh trăng như thôi miên nàng, như hứa hẹn nàng đi xa chút nữa, nó sẽ rơi vào tay tiểu thơ cho nàng cầm nắm vậy.
Bất giác tiếng cành cây gãy! Một bóng áo đen rồi năm bóng áo đen vây quanh nàng.
- Chào tiểu thơ! Ta biết nàng là con của huyện quan Quan Hóa! Nên xin mời nàng về làm phu nhân ta! Nàng không biết bọn ta, nhưng cái sẹo trên mặt cha nàng biết bọn ta là ai đấy! Bọn ta còn biết cả việc cha nàng hẹn với giặc nữa kia!
- Các người nói láo! Cha ta là một vị huyện quan thanh liêm!
- Thanh liêm à? Cứ bắt nàng về sẽ biết! Anh em, lên!
Tên đàn ông có vóc dáng cao to nhất bọn hô hào và bốn tên còn lại đều vung đao loang loáng lướt đến phía nàng. Tiểu thơ cũng là một tay võ học. Ít nhất cũng mười năm luyện võ nên thân thủ nàng đâu phải tầm thường. Tay không tấc sắt nhưng những cú đấm, cước tung của nàng đã khiến hai tên thổ phỉ buông đao loạng choạng. Ba tên còn lại dồn nàng về góc trái phiến đá sân đấu. Từ dưới vực, một cây bã đậu gai góc nào đó vươn lên khoe nhánh khoe tàn lùm lùm nơi đấu võ. Tiểu thơ tả xung hữu đột, lại một tên thổ phỉ nữa đã rơi gươm ngã gục. Hai tên còn lại quyết đuổi con mồi. Có lẽ chúng không còn muốn tặng nàng chức áp trại phu nhân nữa, mà sự sĩ diện của đàn ông bị phụ nữ đánh ngã lăn đã khiến bọn chúng nổi điên. Tên đầu sỏ cao to đạp vào tảng đá bên phải sân võ lấy đà phóng về phía tiểu thơ. Bên trái sân võ, tiểu thơ đang dùng vừa quyền vừa cước chống chọi với lưỡi đao của tên còn lại.
- Hự!
Tên đầu sỏ quá đà té xuống chân tiểu thơ vì nàng đã nhanh chân lạng người tránh cú đấm “hổ vồ” của hắn. Nhưng bước chân nàng cũng đã hụt đà chới với xuống vực thẳm. Tên cầm đao chỉ kịp vung đao lên vớt một mảng áo chàm phấp phới rồi tất cả đã rơi vào tĩnh lặng. Một cái xác thổ phỉ nằm lại, bốn bóng người dìu nhau mất hút vào bóng đêm. Góc núi giờ chỉ còn tiếng gió.
Hừng đông còn mù sương như tiên cảnh. Tiểu tăng dậy châm nước pha trà thì lay gọi tì tất hỏi tiểu thư đâu. Tì tất dụi mắt mấy lần:
- Đêm qua ta nằm đây, tiểu thơ nằm bên đó mà? Hay người đi vãn cảnh?
- Tôi ra khe lấy nước, có thấy tiểu thơ đâu?
Tì tất bước lại phía giường. Chiếc gối màu nâu nhà chùa bằng phẳng chứ không có dấu lõm vào. Chứng tỏ người không nằm gối từ lâu lắm. Sự việc nhanh chóng được báo cho trụ trì. Ông từ đại điện xuống hậu liêu, ra cả sân sau. Chỉ thấy cành lá cây bã đậu vương vãi giập bầm. Xác người mất dấu, chỉ còn vài vết máu khô. Miệng niệm nam mô không dứt, ông lo sợ huyện lệnh làm khó nhà chùa, thương đời nhi nữ không còn trong trắng.
Cả núi Một bị xới lên để tìm tông tích vị tiểu thơ họ Lý.
Nhưng bóng người như bóng chim…
Ba đêm sau ngày tiểu thơ mất tích, trụ trì đang mơ ngủ bỗng nghe tiếng gió lay tấm màn lam:
- Trụ trì… trụ trì…
- Thí chủ là người hay là ma?
- Ta là Lý Thiên Hương, con gái huyện lệnh Quan Hóa… trụ trì đừng tìm nữa, sẽ rất hao tốn hương đèn của bổn tự. Hồn ta đã bay ngang đỉnh núi về lại cõi tiên bồng. Còn xác, cứ tầm theo chiều thẳng đứng của cây bã đậu sau hậu liêu...
*
**
Chàng tuổi trẻ họ Lê sau này vì quá nhớ thương người con gái trung trinh tiết liệt nên đã xin nhà chùa một phiến đá nhỏ, nơi được cho là chỗ tiểu thơ họ Lý chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để gìn giữ tiết trinh. Chàng mài phiến đá đó thành lưỡi gươm để giết giặc, mỗi nhát kiếm vung lên là chàng như được tiếp thêm sức mạnh cho đầu kẻ ngoại bang rơi như chém cỏ.
Còn quan huyện Quan Hóa sau này nghe đâu bị điên.
Gặp ai cũng hỏi con gái tôi đâu? Con gái tôi đâu… bao giờ cưới… bao giờ cưới…
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét