Nguyễn Phương Dung (CĐSP Toán Lý khóa 2)
Chị nhắn tin: Đến X nhé!
Tôi mĩm cười, vui khi gặp lại chị nhưng lo lắng. Không phải là tôi không thể đến với chị mà tôi biết từ nơi tôi và nơi chị đang ở muốn đến X phải bay đường dài. Tôi thì không bận nhưng tôi biết, tất nhiên là chị đang bất an. Tôi thả một tin nhắn hồi âm mà lòng buồn rượi. Tôi hình dung nụ cười chị như mọi lúc gặp tôi.
Là chị. Là chị đấy, nhưng nhỏ hơn tôi bốn tuổi và cùng chung một ông cố nội. Mẹ tôi và mẹ chị về làm dâu một họ nhưng mẹ tôi người làng bên còn mẹ chị người ở phố. Chị giống mẹ nên vóc người mảnh mai kiểu tiểu thư, tôi giống ba nên mang dáng lực điền. Tôi với chị lại học chung một lớp mới đáng kể chứ.
Ngày xưa ba tôi và ba chị là anh em thúc bá họ nhưng thân nhau lắm, cũng học chung một lớp và cùng tuổi chứ không chênh nhau quá như tôi và chị. Nhà bên ấy giàu có con đông, có năm bà dâu thì bốn bà theo chồng ra ở riêng rồi. Ở nhà còn ba bà con gái chưa chồng nắm quyền cùng cha mẹ nên thóc cứ vun bồ và ruộng nương thì nới rộng dần. Chỉ có mẹ chị nhỏ bé ốm yếu lại dâu trưởng nên ở nhà lo việc bếp núc cho một mâm cơm trên chục người ăn mỗi ngày ba bửa ấy cũng quá công làm ngoài đồng. Mẹ tôi thủ thỉ với mẹ chị nên thay đổi công việc với các thím các cô ấy đi, ra đồng cho vui. Mẹ chị nói hay bị say nắng và sợ đỉa cắn, mẹ chị bị rồi nên thà chịu cay khói bếp còn hơn. Các bác nhà bên ấy đi lính ở xa, chỉ có ba chị là chọn nghề dạy học nhưng cũng ở huyện khác xa nhà hằng tháng. Làm trưởng nam mà nghe nói ba chị không đủ tiền biếu cha mẹ chút đỉnh gọi làm quà còn mấy ông em mỗi lần về phép thăm nhà là có xe jeep đưa về tận ngõ và chở theo nhiều của ngon vật lạ khắp các vùng miền. Ông nào cũng có mấy cái bông mai vàng sáng rực trên ve áo lính, súng lục dắt lủng lẳng hai bên túi quần như mấy diễn viên cao bồi, mấy tên lính hầu bám theo từng bước chân. Hồi ấy mấy ông bác đó mà về là cả họ kéo đến lấp ló ngoài ngõ, trước là thăm hỏi sau là để chờ nhận tiền lì xì mấy tờ bạc mới cứng dù không phải ngày tết. Những lúc ấy tôi thấy ba chị không vui cũng không buồn, lặng lẽ qua nhà tôi hỏi mẹ tôi thằng T đâu rồi. Tôi ló đầu ra khỏi căn phòng nhỏ lúc ấy đang say sưa với mấy cuốn tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, nhe răng cười, con đây bác. Ba chị ôm đầu tôi thở dài rồi về không nói tiếng nào. Hồi đó sao tôi không hiểu được tâm trạng và cảm xúc của người bác họ đáng kính này. Chừng khi tôi nhận ra thì tôi đã không còn được bên bác nữa. Tôi xa quê, rồi sau đó bác tôi xa trần thế.
Hai nhà chỉ cách nhau một hàng chè tàu quanh co dài từ ngõ đến tận cuối vườn, gần nhà mà xa ngõ nên trừ người lớn ra còn tôi với chị thì chui qua chui lại bằng cái lỗ chó ở góc vườn cho nhanh. Mẹ tôi đi chợ về có quà gì tôi cũng mang chia cho chị, khi thì mấy cây kẹo ú, lúc thì cái bánh tráng bị mẻ một góc. Còn chị chui qua mang cho tôi mấy cuốn truyện tranh hay là thỏi sô cô la lạ lắc mà mấy ông chú về phép đem theo. Với tôi, đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất. Hồi ấy không có nhiều giống hoa đẹp lạ như bây giờ, mảnh sân nhỏ nhà tôi chỉ có hoa mười giờ, vạn thọ, hoa bướm và hoa móng tay thôi nhưng rất tươi tốt. Tôi cũng tạo cho chị một góc nhỏ đầy hoa như thế ở góc sân nhà nội chị. Có lần chị về bên ngoại dưới phố chơi rồi mang về cho tôi một cành hoa đẹp tôi chưa thấy bao giờ. Chị bảo đó là hoa hồng, chị nói ước ao trồng được loại hoa này. Thế là thằng nhỏ 14 tuổi phải chạy làng trên xóm dưới, chạy cả xuống phố để tìm cho được gốc hoa về trồng cho chị, tôi chăm sóc nó ngày đêm chừng khi ra được nụ đầu tiên thì mang qua, cái chậu nặng đầy đất còn tôi thì dò dẫm từng bước một đi ngõ trước. Quen hơi rồi mà con chó hung tợn nhà nội chị vẫn gầm tôi một tiếng làm tôi giật mình vấp té, chậu hoa rớt xuống đè ngón chân tôi toét máu. Mẹ chị băng ngón chân còn chị ngồi khóc, cây hoa hồng không quý hơn những giọt nước mắt. Tim tôi nhói lên những nhịp lạ kỳ khi lần đầu tiên thấy một người con gái khóc vì mình.
Ngày tháng tuổi thơ của tôi là ngày tháng nấp sau chiếc bóng nhỏ nhoi của chị. Cùng học cấp một trường làng, cùng một lớp nữa nên tôi lúc nào cùng kè kè bên chị. Giờ chơi lẽ ra tôi phải đá bóng hay chiều về đi theo đám chăn trâu để thả diều như bao thằng con trai khác nhưng tôi không. Tôi như chiếc bóng của chị, chị ốm yếu đến nỗi chị không tham gia được trò gì với các bạn gái. Chị cứ ngồi ở bực thềm nhìn ra làm tôi xót, thế là tôi bỏ hết đến ngồi bên chị. Bọn con trai cũng muốn chọc ghẹo tôi lắm nhưng không dám vì chúng thấy tôi to con lớn xác, chúng biết chị là chị họ tôi và nhà tôi nhà chị lại giàu có và cũng uy quyền nhất làng. Mượn thóc mượn tiền chờ giáp hạt chỉ thập thò ở hai nhà này thôi chờ đến mùa trả công gặt mướn.
Cứ thế, thời gian cứ trôi êm đềm nếu biến cố đời tôi không xảy ra vào những ngày đầu năm học lớp 11 trường tỉnh. Lúc này tôi và chị không còn chung trường chung lớp nữa, chị vào trường con gái còn tôi qua trường nam. Hồi đó nam nữ tuổi mới lớn phải "thụ thụ bất thân’’ như thế, nghĩ lại thấy cũng có cái hay mà cũng có nỗi buồn. Còn tôi thì vui buồn lẫn lộn. Tôi vui vì ở ngôi trường toàn áo dài trắng đó chị của tôi sẽ không bị những thằng trẻ trâu tán tỉnh quấy rầy, còn vui làm sao được khi thỉnh thoảng mới gặp được chị vì đã khác trường mà chị lại chuyển về quê ngoại dưới phố. Cứ chủ nhật mỗi tuần là tôi như trồng trụ ở gốc sưa già đầu xóm để được là người đầu tiên nhìn thấy chị từ xa xa trên chiếc xe đạp nhỏ về thăm ông bà nội. Vậy mà có một chủ nhật tôi vắng vì phải đi mua xuống phố mua thuốc cho ông nội đang ốm. Khi về đến cổng nhà trời đã trưa, một cảnh tượng kinh hoàng đã đập ngay vào mắt. Tôi quăng chiếc xe đạp lao vào nhưng không còn kịp nữa. Ngay cổng nhà, chị ôm lấy đầu mẹ tôi trong đôi tay nhỏ không đủ che được những vạt tóc bị cắt nham nhở. Và cái áo, cái áo mẹ tôi bị xé toạt bày cả đôi vú mà chị không biết làm sao. Một già một trẻ khóc tức tưởi, trộn trong tiếng chửi bới của đám đàn bà lạ mặt là tiếng bà con trong xóm túa ra. Ôi trời, dâu ông Tám, ai ngờ…
Mẹ tôi đã mang trong bụng một bào thai 4 tháng mà tôi không hề hay biết. Cả nội tôi, cả làng xóm không hề hay biết thì làm sao ba tôi biết được. Tôi thấy giận mẹ quá, chị nói với tôi như thế khi chị dìu mẹ tôi vào nhà nhưng mẹ từ chối. Con cứ để thím ngoài đống rơm này, thím không đáng vào. Khổ cho mẹ tôi, lúc ấy cả nhà nội chị lại không có người lớn nên chị chẳng biết làm sao ngoài cách sơ cứu cơ bản. Còn tôi, tôi chẳng hiểu sao tôi cứ đứng như trời trồng nhìn mẹ qua hai hàng nước mắt. Chị dìu mẹ tôi vào mái hiên khi mẹ nhất quyết không bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà có tổ tiên ông bà mấy đời đã ngự. Còn đứng đấy hả, lấy cho mẹ T bộ áo quần khác, một cái khăn ướt và một ly nước. Chị ôm mãi mẹ tôi trong đôi tay nhỏ. Ngay trong chiều hôm ấy chị tôi dìu mẹ qua nhà ngoại tôi ở làng bên. Tôi vẫn đứng ở đầu ngõ trông theo. Thật đáng trách cho tôi. Ngay lúc ấy tôi không hề thấy thương mẹ mình.
Mẹ đi rồi tôi mới giật mình, nghĩa là sao đây, mẹ ở luôn bên ngoại hay mẹ trở lại đây ông cháu tôi. Tôi hỏi chị như thế. Chị bảo cứ để mẹ ở bên đó vài ngày rồi T qua an ủi mẹ đưa mẹ về. Tôi ầm ừ rồi tôi cố tình không làm theo lời chị. Thế đấy, hối hận chi cũng muộn rồi. Vài tháng sau mẹ tôi sinh trong tủi nhục vì không có người thân bên cạnh và không ai công nhận đứa trẻ được sinh ra. Bà ngoại tôi mắt kém gần như mù không giúp gì được cho mẹ. Chị cũng không có mặt lúc ấy, mẹ vượt cạn một mình.
Lúc bấy giờ nỗi đau và xấu hổ nhanh chóng rơi tuột ra khỏi lòng tôi vì ba tôi đã về sau hơn hai mươi năm biền biệt. Từ bên này chiến tuyến tôi tưởng tượng ba tôi từng nét mặt từng tính cách thì y như rằng mười phần đúng chín.Tôi sung sướng và hạnh phúc vô cùng. Tôi quên hẳn người mẹ không ra gì của mình để theo ông trở ra miền Bắc rồi sang Liên Xô du học với một lý lịch đỏ, một tâm thế tự hào. Ngày đi tôi có chạy qua chào bà ngoại nhưng tôi không nói gì với mẹ, mẹ trao cho tôi chiếc nhẫn nói để phòng thân, tôi dằn xuống bàn không ngần ngại rồi gằn giọng: "Để mà nuôi đứa nhỏ, tui có ba tui lo rồi". Mẹ khóc, tôi chạy như bay không ngoái lại.
Tôi xuống phố tìm chị nhưng không gặp.
Thế là tôi đi. Bây giờ nghĩ lại tôi mới đúng là người chẳng ra gì. Những năm ở xứ người tôi cứ như là ai chứ không phải tôi nữa. Tôi quên mất cái thằng tôi từ trong rơm rạ mà ra, tôi quên quê nhà có ông nội tôi chống gậy ra ngõ ngóng hoài thằng cháu đích tôn cho đến lúc lìa đời mà xa quá tôi không về kịp. Quên luôn mẹ tôi chẳng biết vì sao lại nông nổi như thế. Tôi chỉ giữ lại niềm oán hận chưa nguôi. Tôi quên cả chị vì không có địa chỉ liên lạc. Tôi biện hộ như vậy. Tôi chỉ biết ba tôi thôi vì ông có điều kiện hơn. Tôi ở lại làm việc ở nước bạn một thời gian.
***
Chị bay có mệt không. Tôi cầm tay chị. Chị để yên rồi cười. Nụ cười như xưa. Gặp được T là vui quên mệt, chị sợ không còn có dịp đâu. Tôi ôm bờ vai nhỏ. Tại sao. Chị lại cười không nói. Lần này có thêm dòng nước mắt. Bẵng đi một thời gian không gặp, sau này tôi mới biết chị có một đoạn đời khá buồn nhưng tôi biết làm gì trước nỗi buồn ấy. Tôi nhớ lại những giọt nước mắt trên đôi má non tơ ngày xa xưa chị khóc tôi bị vấp té toét chân khi nhìn chị khóc bây giờ, lòng tôi lại dấy lên ý nghĩ thầm kín.
Này T, em đã tha thứ cho mẹ chưa. Chị đừng nhắc lại chị. Em đã hiểu vì sao mẹ rơi vào hoàn cảnh ấy chưa. Tôi đau khổ nhìn chị, dù thế nào thì mẹ vẫn không đáng trách, trách là trách em đây nè chị. Gặp lại bao nhiêu lần rồi mà sao hôm nay chị mới lại nhắc chuyện đó, tôi hỏi. Vì hôm nay chị giống mẹ T.
Tôi lắc xoay mạnh bờ vai gầy guộc, chị rướn người lên vì đau, mấy sợi gân xanh trên chiếc cổ trắng ngần tố giác. Tôi buông thỏng đôi tay, em hiểu…
Chị lại cầm lấy bàn tay tôi, mân mê chiếc nhẩn trên ngón tay áp út. Lòng tôi lại nhói lên cơn đau có tên gọi hẳn hoi. Tôi hiểu hết mà không nói được lời nào với chị. Chính chiếc nhẫn ở một bàn tay nào đó đã khiến chị tôi buồn như hôm nay.
Im lặng trôi đi.
Tôi về lại quê cũ, trước mộ mẹ tôi sụp đầu hối hận. Tôi biết sự thật thì mẹ tôi đã về trời ôm theo nỗi đớn đau vì không ai hiểu được mình, không ai tha thứ cho mình, nhất là tôi. Tôi, và cả ba tôi nữa đã được quá nhiều như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của mẹ tôi mà tuổi trẻ nông nổi đã khiến tôi không kịp nhận ra. Tôi quẹt giọt nước mắt vừa rơi khi biết thằng em cùng mẹ đã đứng sau lưng tự lúc nào. Về nhà thôi anh, chiều xuống sâu rồi. Anh đừng quá bi lụy. Mọi việc đã có sự sắp xếp của định mệnh hay nói rõ là của một hệ thống có tổ chức. Công bằng cả thôi, để cho anh có được ba thì em mới có được mẹ, mà mẹ là mẹ chung. Chỉ tiếc là mẹ đã không còn.
Tôi chưa hết bàng hoàng vì lời em trai thì điện thoại reo. Đến X với chị đi T ơi…
Thành phố X, tôi biết chị đang ở đâu và chị đang thế nào.
N.P.D
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét