Chiều muộn. Anh tắt máy xe từ ngoài đường, dắt xe vô sân rồi rón rén xách chiếc lồng chim chỉ to bằng thùng mì gói đi vô nhà. Thằng con 10 tuổi đang chơi lắp ráp trước thềm reo lên:
- A! Ba nuôi chim hả ba? Đã nhen! Con cũng thích nuôi chim! Ủa mà chim gì vậy ba?
Rồi như chợt nhớ ra điều quan trọng, nó nhóng xuống nhà sau rồi thì thầm “Nhưng mà mẹ nói, nhà này chỉ nuôi người thôi, nuôi chó nuôi mèo, nuôi gà, nuôi cái gì cũng chết với mẹ. Sao ba dám?”
Anh để tay lên môi ra dấu im lặng rồi ngoắc con cùng ra góc sân bé xíu bằng hai chiếc đệm, trên vuông đất đó có một gốc trứng cá và dây trầu bà đang leo quanh. Cành trứng cá mỏng và giòn nhưng cũng đc mắc vài chậu lan loe hoe mấy màu hoa trắng đỏ
- Đây là con sáo bò, bạn ba mới cho. Nó dễ nuôi lắm, con ăn gì nó ăn nấy hà! Mà đừng khoe mẹ nha. Để vài hôm mẹ nghe tiếng hót, mẹ sẽ mừng và thắc mắc, rồi cha con mình sẽ “lộ bài” là sáo nhà nuôi!
- Trời ơi ba khôn như thần vậy đó! Tại hạ bái phục!
Thằng con chắp tay làm ra vẻ như mấy kiếm sĩ trong phim cổ trang khiến hai cha con cười nắc nẻ. Rồi anh lấy trong cốp xe ra một bọc thức ăn nhuyễn như cám bảo rằng đó là thức ăn của chim sáo.
Thằng con lăn tăn:
- Ủa Bo nhớ trên ti vi nói chim sáo ăn cào cào mà ba? Đâu có ăn cám này? Rồi làm sao mình đi bắt cào cào cho nó ăn?
- Suỵt… đã bảo im lặng còn la làng lên! Mẹ biết được là sáo nhồng kéc cưỡng gì cũng vô nồi như gà nhé!
Hai cha con rụt cổ le lưỡi nhìn nhau. Thằng con luýnh quýnh trong im lặng chạy đi múc nước đổ cho sáo uống. Ba của nó nhẹ tay thay miếng lót đáy lồng rồi rắc vào thố thức ăn của sáo mớ cám vừa mua. Cả hai rón rén móc lồng sáo lên cành trứng cá rồi im lặng đi vô nhà.
Con sáo như hiểu được nỗi lòng của hai cha con nên cũng không dám hót dù thật sự cái đuôi của nó đã dài bằng một phần ba thân mình. Đôi chân nhanh nhảu của nó nhảy qua nhảy lại quanh lồng, cái lồng như chật hẹp so với nó. Anh ngắm nghía rồi phán “Cái lồng này hợp với Hoành Hoạch chứ không hợp với sáo rồi. Để coi coi…”.
Không phải chị không yêu động vật.
Nhà chỉ bốn mươi mét vuông mà hồi đó có hẳn một cái chuồng chó hết bốn mét vuông. Một con chó cỏ thôi, nhưng nó có màu lông vàng hực. Hôm đó đi ngoài đường, chị bị quẹt xe té và kẻ xấu còn lợi dụng cơ hội lấy chiếc túi xách của chị. Con chó bé nhỏ chẳng biết của ai đã sủa loạn xị và chạy theo cắn chiếc túi giành lại cho chị. Khi chị đứng lên được để dắt xe đi thì bỗng dưng con chó nhảy lên xe, đuổi mãi không chịu xuống. Hỏi mấy người chung quanh, không ai nhận là chó của mình. Vậy thì đành đem về nhà nuôi thôi.
Lúc đó cu Bo của chị bốn tuổi. Chị rất ngại nuôi chó mèo vì sợ ảnh hưởng sức khỏe trẻ em. Nhưng Tít (tên con chó) ngoan lắm, không bao giờ cắn dép giày, càng không nhảy lên bàn ghế giường ngủ. Ngày giữ nhà, hay xoắn đuôi ngoáy tít chào mừng chủ, mệt thì nằm gọn vào cái nhà catton mà ông chủ làm cho.
Vậy mà hơn năm sau thì nó cắn người ta đứt cả ngón tay. Bữa đó có khách đến nhà, chị vừa đi làm về, chiếc túi xách còn để trên bàn như thường ngày. Chị đi ra nhà sau và nghe tiếng chó sủa chạy lên thì túi rơi xuống đất văng tung tóe giấy tờ, tiền bạc, điện thoại…. Cậu thanh niên hàng xóm thì kêu la vì bị chó cắn đứt ngón tay!
Cậu bảo, gọi mãi chị không nghe nên tự mở cửa vào, vậy mà Tít nhào tới cắn, bằng chứng là máu tay cậu còn dính đỏ trên miệng Tít.
Vậy tại sao túi xách chị đổ rớt bung thùa? Chị hỏi. Cậu hàng xóm nói do con chó của chị nằm trên bàn rồi nhảy càng ra cắn khách nên túi xách rớt xuống.
Cũng có lý, nhưng rõ ràng túi xách chị kéo khóa kỹ lắm mà?
Nhưng chó của chị cắn người ta, thì phải đền tiền chích ngừa và vá ngón tay. Mất hơn hai triệu. Chị ức lắm, bèn bán Tít.
Sau, anh đem cặp gà che về nuôi vì “Giữa phố nghe tiếng gà cũng đỡ nhớ quê”. Ai dè chúng nhảy ổ thì nhảy hẳn lên… ban thờ phật Quan Âm làm bức tượng rơi xuống bể tan tành. Chị uất quá, bể đổ vầy tội chết! Gà vịt gì mà nhảy ổ ngu quá vậy?
Nhưng anh cãi, gà vịt làm gì có đầu óc như người, cứ thấy chỗ nào vắng vắng cao cao là làm ổ thôi, chúng còn tập tính gà rừng nên vậy mà. Lẽ nào em không mở lòng được với mấy con gà sao? Chị bảo, nhà nhỏ xíu, hết chó tới gà, lỡ chúng mang vi-rút cúm gia cầm gì đó lây cho cả nhà thì ai chịu trách nhiệm. Thôi thôi tội nghiệp giùm em đi chồng, em trăm thứ trăm lo, lỡ có bệnh đau gì từ cúm gà gây ra thì em cũng là người tốn tiền. Thôi thôi… tui nói rồi nhen, nhà này chỉ nuôi người thôi đó.
Chồng đuối lý. Thế là nấu cháo cặp gà.
Từ đó chị bảo, nhà này chỉ nuôi người thôi. Chó mèo gà vịt chỉ tổ làm phiền. Đó, đó con Tít anh nói nó ngoan, hại em mất mấy triệu “bắt đền” mà còn phải xin lỗi nọ kia. Còn cặp gà của anh đó, làm bể tượng phật, mất hết may mắn gia đình nên mấy tháng liền nên em không đạt doanh số, còn bệnh vặt hoài hoài nhớ không?
Anh im lặng, đạo vợ chồng của anh có hai chân lý, một là vợ luôn luôn đúng, hai là nếu vợ chưa đúng thì xem lại điều một. Cãi nhau chi cho mất vui gia đình. Nhưng niềm đam mê nuôi “một con gì đó” vẫn âm ỉ trong lòng anh. Thằng con mười tuổi cũng muốn “Nhà không có em bé thì nuôi con gì vui vui đi ba”. Vậy là khi người bạn tặng con sáo, anh nhận liền bằng ý niệm rằng nó nhỏ xíu vậy, chẳng chiếm không gian gia đình, không nhảy nhót đổ bể như gà, chẳng cắn người như chó. Nhưng vẫn ngại cái giọng hờn dỗi của vợ “Thôi thôi… tui nói rồi nhen, nhà này chỉ nuôi người thôi đó…”
***
Sáng chủ nhật, chị ngồi bên khung cửa sổ cùng ly trà hoa đậu biếc, nhìn mấy bông trà ung dung thả màu xanh từ trên miệng ly thẳng xuống màu nước tinh khiết đang bốc khói. Rồi hòa lẫn vào nhau thành màu tím mộng mơ thật đẹp làm sao. Nhà bếp, tiếng vá muỗng lanh canh rồi mùi cơm chiên tỏi bốc lên. Tiếng chồng nhắc thằng con xắt ớt vô chén nước tương ít thôi để mẹ con ăn được khiến không khí gia đình vô cùng vui vẻ.
Bỗng tiếng chim ở đâu hót một tràng ngắn và thô. Nhưng cũng đủ để để chị nhóng ra tìm. Lại một tràng tiếng hót. Chị chả biết chim gì nhưng nghe lòng vui vẻ đầy phấn chấn. Chị ới ra nhà sau:
- Anh ơi! Lên đây nhanh đi! Tiếng chim gì lạ lắm!
- Giữa phố làm gì có chim gì hả em?
- Có! Có thật mà! Em vừa nghe… hay lắm mà!
Chồng bưng mâm cơm chiên lên, hít hà mời bà chủ ăn sáng. Chị nằng nì:
- Khoan… khoan ăn… anh tìm trên cây trứng cá coi có tổ chim nào không?
- Nếu có thì sao? Chồng nheo mắt
- Thì để yên đó chứ sao! Em nghe nó hót hay hay!
Thằng con nhanh nhảu chảy ra gốc cây trứng cá, vén mấy cành lá lòa xòa lên và hét vang:
- Teng teng teng tèng… con chim gì đấy của mẹ đây! Giang hồ gọi là con sáo bò! Mẹ thích không?
Chị tròn xoe mắt! Trời ạ, con sáo nó hót mà chị cũng không nhận ra. Gốc nông dân của chị chạy đi đâu mất rồi? Hay vì bôn ba cơm áo với bao chật vật phố phường, chị đã quên bẵng tiếng quê hương?
Ngày đó… cái thuở lên 10 như con bây giờ, chị cũng được ba mình cho một con sáo để nuôi. Chị không biết nó là sáo gì, chỉ thấy lông nó màu xám nâu, cái mỏ nhỏ màu vàng xinh lắm. Chiếc lồng sáo tự tay ba chị làm từ những cành cây và cọng dừa quanh nhà nhưng to đẹp và rắn chắc vô cùng. Mỗi chiều, cô bé lên 10 đều ra đồng để bắt cào cào châu chấu cho sáo ăn.
Ngày đó… ở quê chị, đồng còn xanh um màu lúa ngút ngàn cả tầm mắt trẻ thơ. Rồi chị rình bắt mấy chú cào cào đang khoe áo váy trên mấy cây lúa. Chị đem về cho sáo ăn, cưng nó đến nỗi phải ngắt đôi con cào cào ra đút vào miệng sáo. Cái mỏ vàng ấy gắp con cào cào xong nhóng lên trời lắc lắc cái cổ nuốt ực rồi nheo nheo mắt nhìn cô chủ nhỏ. Chị xem con sáo như người bạn thân thiết, vì trò chơi con nít ở ruộng đồng ngày đó không có gì ngoài những con vật mình nuôi quanh nhà. Rồi lông con sáo từ từ phủ khắp mình, lông đuôi cũng bắt đầu ló ra thì có chuyện.
Bữa đó chị bỏ thức ăn cho sáo và quên cài cửa lồng do gấp đi học, nên một con rắn đã bò vào và con sáo trở thành miếng mồi ngon của nó. Tiếng kêu thảm thiết của con vật bé nhỏ đã vang đến tai ba chị, ông đang ngồi vót nan ở bậc thềm, nhìn lên lồng sáo, thấy con rắn màu đen khoan trắng đang cố há miệng nuốt chửng con vật cưng của con gái mình. Vậy là cái rựa vót nan trong tay ông đã vung lên, con vật không chân khoan đen khoan trắng ấy đứt làm đôi. Nửa mình nó nằm trong lồng không bò đi được, máu phun đỏ cả chiếc lồng. Nửa phần đuôi rớt phịch xuống đất đầy gớm ghiếc. Con sáo đã bị nó nuốt mất hai chân, ba chị kéo con vật bé hỏ ra khỏi miệng con rắn gian ác rồi cũng bó mấy bài thuốc rắn cắn nhưng chắc do con sáo không khỏe mạnh như con người nên nó cứ nằm im thiêm thiếp và chiều hôm đó thì không cữ động nữa.
Chị khóc suốt mấy ngày vì “thương con sáo”. Ba chị nói sẽ kiếm con khác cho gái cưng làm bạn, nhưng chị lại sợ “Có con rắn độc ác nào nữa” nên trong lòng chị mãi lưu giữ hình ảnh con sáo bé nhỏ ngày xưa.
Hơn hai mươi năm sau bỗng dưng lại con sáo hiện diện trong nhà. Chị bần thần quá đổi:
- Ờ mà… hai cha con giấu con sáo từ hồi nào đó?
- Thôi mà cưng, quan trọng là cưng vui khi nghe nó hót chứ truy xuất nguồn gốc xuất nhập cảnh chi nà! Chồng tếu táo.
Cu con xách lồng sáo đứng trước mặt chị. Ánh mắt trong veo của con vật cứ nghiêng nghiêng nhìn chị theo từng bước nhảy của đôi chân bé xíu của nó. Chiếc mỏ vàng rỉa rỉa lông mà đôi mắt cứ lấm lét nhìn chị. Rồi chiếc mỏ vàng lại chấm chấm vào chun nước, rồi quẹt quẹt lên mình nhưng đôi mắt vẫn như không rời gương mặt “khó nhằn” của bà chủ. Nó lại buông một tràng tiếng hót ngắn và thô nhưng cũng khá vui tai để nịnh bợ bà chủ nhà khó tính. Chị chợt mỉm cười khi nghe tiếng sáo, trong trí chị, lúc cu Bo mới học nói cũng nhứt một từng từ ngắn và thô đớt như con sáo này đang học hót vậy.
- Ờ mà… con sáo của hai cha con đã ăn sáng chưa? Chị không rời mắt khỏi lồng sáo.
- Ồ dze! Mẹ chịu nhà mình nuôi sáo rồi đó ba! Thằng con liếng thoắng.
- Sao con biết? Ba sợ nó sẽ toi mạng như chó như gà lắm. Anh giả đò rụt cổ.
- Mẹ hỏi nó ăn sáng chưa kìa! Là chấp nhận nó làm thành viên gia đình đó ba! Mau mau… con xúc cho sáo muỗng cơm nha ba?
- Không phải cơm, sáo ăn cào cào, sâu xanh chứ! Chị nói trong vô thức.
- A! Mẹ cũng biết sao ăn cào cào nữa kìa ba! Mau… đưa tiền Bo đi mua cho sáo bịch cào cào đi ba!
Anh mỉm cười bảo con ăn sáng “Rồi cha con mình sẽ cùng đi mua cào cào cho sáo”. Chị nói thêm “Thêm mấy trái chuối, trái thanh long nữa nhà chồng”. Anh cười như bí mật lắm, bởi thật ra mấy nay anh đã biết sáo ăn gì rồi mà.
Bây giờ gia đình chị vui lắm. Ai cũng thức sớm hơn một chút. Chị nấu thức ăn sáng, anh dọn vệ sinh lồng sáo, cho thức ăn, nước uống, trái cây vào lồng trong điệu nhạc môi vui vẻ. Thằng con chạy loanh quanh vừa mặc quần áo đi học vừa khen con sáo nay lông đã dài hơn hôm qua hay sao ấy! Ba nhìn đi, cái đầu nó hình như cũng bự lên, cái chân nó cũng to lên. Anh cười xòa “Nuôi sáo mà làm như trồng rau trồng cải vậy hà! Nó không mau lớn từng ngày vậy đâu nhóc ơi!”. Thằng con gãi đầu “Ơ… Bo thấy vậy mà”.
Bữa cơm chiều qua dưới gốc trứng cá để tránh sự oi nồng của bốn bức tường, chị thèn thẹn nói với chồng, hay là mua thêm vài con sáo nữa. Nghe nó hót, tập nó nói cho vui nhà vui cửa hơn. Anh cười cười “Nuôi thì dễ mà sợ nay mai nguời ta giận lên thì người ta bán hay đem nó nấu cháo thì tội nghiệp tui lắm”. Chị đấm thùm thụp vào ngực chồng, nói tại hồi đó “người ta” hồ đồ chút thôi. Giờ thì hết rồi, con sáo hồi xưa của “người ta” cũng dễ thuơng vậy mà…
Đ.P.T.T
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét