Ngày xưa ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, mỗi ngôi làng đều có vài chiếc giếng khơi, hoặc giếng đào dạng ao nước. Giếng được coi là trái tim của làng. Ở các huyện ngoại thành Hà Nội, chục năm qua do đô thị hóa, nhiều giếng đã bị lấp lấy chỗ xây nhà cửa. Nhiều giếng có số phận long đong, hoặc chỉ được gìn giữ khi nằm trong di tích, hoặc hộ gia đình yêu nếp sống cũ.
Mai một giếng làng
Trước đây xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) có hơn chục giếng làng. Ở thôn Thành Lập 1 có 2 giếng, thôn Kim Quy 4 giếng, thôn Bái Xuyên 6 giếng, tất cả là giếng dạng ao nước. Giếng nhỏ thì chừng 200m2, giếng lớn 350m2, lúc nào cũng trong xanh, cung cấp đa số nước sinh hoạt cho người dân. Chưa kể không ít dòng họ, gia đình có điều kiện đào cả giếng khơi, giếng xóm dùng riêng. Nhưng đến nay, cả xã chỉ còn một giếng nằm trong di tích đình Kim Quy. Thay vào chỗ những giếng nước xưa kia người dân vẫn gánh nước về dùng, thì nay mọc lên những ngôi nhà tầng. Ông Nguyễn Văn Báu, 85 tuổi, thôn Thành Lập 1 cho biết, giếng làng thể hiện nét đẹp làng quê, là nơi sinh hoạt rất thân thương nhưng giờ không còn nữa.
Là người đi làm ăn xa, trở về làng, ông Nguyễn Văn Mai tiếc nuối: “Ngày xưa ở bờ giếng thanh niên còn tụ tập, hát hò, tán tỉnh nhau rồi thành vợ thành chồng. Xung quanh đó có cây bồ kết, cúc tần và nhiều thứ cây làm thuốc, gội đầu. Nay chỉ thấy trơ trơ nhà bê tông cốt thép.
Thành Lập 1 hay Kim Quy, nhiều người già tiếc nuối giếng xưa nhưng lực bất tòng tâm. Người cứ sinh ra, thanh niên đến tuổi dựng vợ gả chồng cứ phải xây nhà. Tất cả giếng làng đã được phân lô, bán cho người có nhu cầu xây nhà, công trình. Năm 2005 người dân và chính quyền xã xôn xao vì lấp giếng, cho người dân đấu thầu. Chỉ những người nhiều tiền, có “tay trong” mới mua được những suất đẹp. Cũng bởi lẽ, chỉ có người sinh ra chứ đất không tự đẻ ra. Nên đâu chỉ giếng làng, nhiều kênh mương cũng bị lấp làm nhà cửa và các công trình phục vụ cho con người.
Cạnh Minh Tân là xã Tri Thủy, trước đây cũng có nhiều giếng được bố trí ở những vị trí thuận lợi nhưng đã bị lấp. Chỉ còn một giếng ở đầu làng Hoàng Nguyên, năm 2008 được cải tạo, kè bờ và rào cổng lại để khỏi bị gia súc xâm hại. Các xã Quang Lãng, Phúc Tiến… đến nay cũng không còn giếng làng nào. Ở cuối huyện Phú Xuyên, xã Phú Yên giữ được một giếng ở thôn Thượng Yên, được cải tạo, kè bờ, xây đường đi xung quanh và gắn biển rất khang trang. Ông Ngô Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) cho biết: “Việc cải tạo giếng thôn Thượng Yên nằm trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Việc giữ gìn giếng cũng như giữ lại mắt ngọc của xã”. Các cụ già trong thôn kể lại, từ nhiều năm qua nước giếng chỉ dùng để giặt giũ, rửa lá dong gói bánh, các bờ đất xung quanh bị sụt khiến giếng mất đẹp. Phải đến khi giếng được đầu tư hơn ba trăm triệu đồng, lập dự án xây dựng cải tạo nên thôn được nhờ. Hằng ngày một số bà con ra bờ giếng đi dạo, thể dục.
Đi thực tế ở nhiều ngôi làng tại các huyện Ứng Hòa, Đan Phượng, Quốc Oai, Thường Tín…chuyện gìn giữ những giếng nước đâu có đơn giản. Còn nhớ vào năm 2008, người dân làng cổ Hạ Mỗ, xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) đã phải đấu tranh để bảo vệ hai giếng cổ trong khuôn viên chùa Hải Giác (đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1991). Ngày đó do nhận thức hạn chế của cán bộ thôn nên hai giếng được cho đấu thầu để thả cả, các bô lão trong làng kiến nghị trả lại mặt nước giếng cho di tích. Sau nhiều cuộc họp được tổ chức, đơn thư được gửi lên UBND xã Hạ Mỗ, trích lục bản đồ được đưa ra để làm bằng chứng, trong đó ghi rõ “hai giếng cổ nằm trong khu vực bảo vệ cấp I của di tích”, từ đó giếng mới được trả lại cảnh sắc.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: “Ở nhiều nơi, người ta không quan tâm đến giếng nước nữa, coi như sứ mệnh cung cấp nước cho làng đã xong. Nhưng nếu ở đâu người dân phải đấu tranh với những lời mời mọc, sự ngã giá bán đất đai, từ chối lấp giếng làm nhà thì nơi đó giếng nước được giữ lại. Nhiều làng mất rồi mới tiếc…”. Đồng quan điểm ấy nhà nghiên cứu văn hóa làng xã Phan Cẩm Thượng cho rằng, ở nhiều vùng quanh Hà Nội khu công nghiệp mọc lên. Người dân các nơi về thuê trọ, nhu cầu sử dụng đất đai tăng lên, những di tích có nguy cơ bị xâm hại, không ít giá trị cũ bị ảnh hưởng, mai một”.
Đi tìm hồn làng
Hiện nay không ít giếng nước còn giữ được thì nước cũng không còn được sử dụng, bởi người dân đã dùng nước mưa, nước máy. Quá trình xây dựng nông thôn mới đã giúp nhiều làng quê được “phủ sóng” nước sạch. Giếng nước thôn, làng được giữ lại như lại như để bảo lưu ký ức. Một số dùng để hóng mát, cho trẻ em tắm hoặc tạo cảnh quan như giếng làng Cựu, xã Vân Từ; giếng Miếu tại xã Hồng Minh; giếng chùa làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên); giếng làng Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín); giếng thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược (Sóc Sơn); giếng làng Chuông (huyện Thanh Oai)…
Ở một số xã nước ngầm vẫn trong, người dân dùng nước giếng khơi và nhận thấy rằng, vào mùa hè dù đi nhiều nơi, tắm ở những khu bãi tắm đông đúc, vui nhộn, nhưng trở về tắm gội bằng nước giếng khơi vẫn có thú vị riêng. Như làng Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ), là một ngôi làng cổ đến nay còn giữ được nhiều ngôi nhà cổ, với những bức tường đá ong độc đáo. Hơn thế làng còn giữ được 9 giếng khơi cổ, không những là nơi người dân vẫn sử dụng nước để sinh hoạt. Tự hào về ngôi làng văn hóa lâu đời, cụ Trần Hữu Bùi, Thủ từ đình Yên Trường chia sẻ: Làng tự hào vì còn giữ được nhiều nét đẹp. Những cảnh đẹp của làng chính là đình cổ, tường đá ong, giếng cổ. Đình làng là điểm nhấn về lịch sử văn hóa của làng nên tọa lạc ở bãi đất cao, thờ đức Cao Sơn Quý Minh làm thành hoàng làng, nên lễ hội vào rằm tháng Hai âm lịch. Qua các cụ cao niên giới thiệu, tôi tìm đến nhà cụ Trịnh Nhân Kỳ, người đã kỳ công để gây dựng hệ thống cổng, hàng rào bằng cây ô-rô, có tuổi đời 27 năm. Nói đúng hơn, cụ Kỳ đã tạo nên một công trình nghệ thuật cây xanh kỳ vĩ, và hơn thế được kết hợp với nếp nhà cổ do gia đình ba thế hệ của cụ gìn giữ, phía trước là hồ nước của làng, đã trở thành một giá trị mà bất cứ ai đi qua cũng phải ngỡ ngàng. “Tôi đi nhiều nơi, thấy nhiều vùng quê phá mất mảng xanh. Thế nên tôi mới tỉ mẩn tạo nên cổng cây này. Đây không chỉ là giá trị của gia đình tôi nữa mà là giá trị, hồn cốt của cả làng. Đi quanh làng thì thấy nề nếp cũ còn giữ được nhiều. Đặc biệt là nếp sinh hoạt bên 9 giếng khơi cổ, mỗi giếng có một vẻ khác nhau. Trước đây, làng có tới 20 giếng. Nhưng nay còn 9. Thế cũng là vui rồi”.
Có lần về làng Yên Sở, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức), các bô lão kể rằng trước đây làng có tới 73 giếng cổ, đến nay giữ được hơn 20 giếng. Mỗi giếng lại có một ngôi miếu nhỏ. Cụ Trần Xuân Bốn, người am hiểu lịch sử ở làng chia sẻ, để bảo vệ giếng, dân làng đã trích quỹ ra sửa sang, quây lại vào đan những phên thép đặt lên để tránh tai nạn đối với trẻ em. “Từ những năm qua, nhiều đoàn khảo sát, tìm hiểu văn hóa đã đến làng, nghiên cứu tại những chiếc giếng độc đáo này”, cụ Bốn tự hào.
Chia sẻ với các cụ già, rút ra được một điều là ở đâu quá trình đô thị hóa chậm, hoặc nơi đó là làng cổ, xóm cổ và người dân ý thức bảo vệ nề nếp xưa, thì những di tích được bảo vệ, trong đó có những giếng vẫn tồn tại cùng thời gian. Giếng làng là một phần không thể thiếu trong cấu trúc nông thôn xưa. Theo quan niệm dân gian giếng nước tượng trưng cho sức sống và sự dồi dào sung mãn của dân làng. Ở nhiều vùng quê người ta không nói “cây đa, bến nước, mái đình”, mà nói “cây đa, giếng nước, mái đình” khi nhắc đến biểu tượng của làng. Giếng quan trọng là vậy nhưng phận giếng đang long đong trong dòng chảy thời gian. Bởi thế theo không ít nhà nghiên cứu, Hà Nội cần có các phương pháp bảo vệ giếng như là bảo vệ một phần cấu trúc nông thôn ngoại thành Hà Nội. Điều đáng nói hiện nay trừ hệ thống giếng ở làng cổ Đường Lâm, còn các giếng thôn, làng khác chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích, chưa được sự bảo vệ thỏa đáng của chính quyền.
N.V.H
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét