(Đọc tập thơ GIÓ TRỞ MÙA của NGUYỄN THỊ HỒNG ĐÀO)
Nguyễn Thị Hồng Đào là hội viên Hội VHNT Khánh Hòa có nhiều thơ đăng trên facebook, các trang web văn chương; nhưng đến nay mới tập hợp những bài thơ lẻ để in thành tập. Và, tôi đã đọc nhiều thơ bài thơ lẻ tẻ ấy của Nguyễn Thị Hồng Đào đăng trên facebook trước khi đọc nguyên tập thơ GIÓ TRỞ MÙA; cũng như tôi đã gặp nhà thơ trong lần đi xe máy từ Nha Trang đến Quy Nhơn dự Nguyên Tiêu trước khi chúng tôi quen biết nhau ở Khánh Hòa. Tập thơ đầy đặn với 85 bài, dày 112 trang (tính cả bìa), khổ 12,5 x 20,5cm do NXB Văn học cấp phép vào tháng 5/2020. Đến với tập thơ là ta đến với sự hồn nhiên của tác giả trong những chuyến rong chơi ngẫu hứng và những cuộc tình không trọn vẹn.
Có một điều ngạc nhiên là từ ngõ quê của mình ‘Nắng nhạt dần rồi tắt/ Ve râm ran đầu hè/ Dế giun hòa giọng hát/ Rộn ràng khắp ngõ quê” (Bức tranh ngõ quê), tác giả ghi những cuộc lữ hành của mình về hướng bắc. Không thấy bóng dáng một địa dạnh nào ở phía nam, kể từ quê Diên Khánh của tác giả. Đây là Nghệ Tĩnh, quê của thi hào Nguyễn Du:
Cầu Bến Thủy mấy nhịp đàn
Căng sang rú Quyết mơ màng thông reo
Một tuần nào có bao nhiêu
Niềm thương nỗi nhớ nhung nhiều trong em
(Miền tình)
Đến Quảng Ngãi, chỉ vài nét chấm phá, một mùa hè rợp hoa phượng bên cạnh sông biển yên bình, hiền hòa vừa rất đời nhưng cũng rất lắng đọng trong cõi đạo:
Qua thăm Trà Khúc Trà Bồng
Chớm hè Quảng Ngãi phượng hồng bung hoa
Mỹ Khê đây, biển an hòa
Chuông chùa Thiên Ấn vọng xa cuối trời.
(Một mùa đi)
Hình như trong những lần đến một địa phương nào đó, tác giả thường đến với chùa chiền. Có lẽ chùa đã làm cho tâm hồn tác giả an yên hơn, quên đi những chuyện buồn vui của cuộc sống. Đến với Hà Nội, đất và người thanh lịch nhưng tác giả lại tìm một góc khác:
Sương tan dưới nắng se vàng
Chuông Đền Quán Thánh nguyện vang vọng chiều
Tây Hồ thiêm thiếp sóng xiêu
Thỉnh về Trấn Quốc ngàn điều em mong
(Chơi vơi Tây Hồ)
Trong cuộc lữ của mình, Nguyễn Thị Hồng Đào đã giành cho Đà Nẵng một tình yêu đặc biệt. Nói một cách chủ quan như thế vì mật độ viết về Đà Nẵng của tác giả dày hơn, sâu lắng hơn:
Mỹ Khê gió hát ru tình
Vọng ngân say mãi đến nghìn trùng khơi
(Trước biển Mỹ Khê)
Nhưng dù ở đâu, ở nơi nào; nhà thơ cũng tìm về góc thanh tịnh của mình. Hình như chùa chiền, di tích (có khi là phế tích) đã tách rời khỏi sự náo nhiệt của phố xá, của làng quê đang đổi mới... để trở về với sự trầm mặc cố hữu của nó. Có lẽ đây mới là góc khuất; trái ngược với sự hồn nhiên, sôi nổi, nhiệt tình, ồn ào... của tác giả:
Viếng chùa Linh Ứng những mong
Tâm an thân lạc nhẹ lòng đa mang
Ngũ Hành Sơn bước rộn ràng
Huyền Trân Công Chúa dừng chân đợi người.
(Chỉ còn đêm nay Đà Nẵng ơi)
Hay là:
Một ngày em với Mỹ Sơn
Rêu phong thảng thốt mật ngôn tháp Chàm
Giữa trời vết nắng ngàn năm
Thoảng nghe nức nở Thánh Thần Chiêm vương.
(Mỹ Sơn một chiều tháng năm)
Không hiểu tại sao, đi theo bước chân thơ của Nguyễn Thị Hồng Đào; tôi không thấy sự hồ hởi, rộn ràng của một khách du lịch mà chỉ thấy một người tìm về cõi tâm linh, tìm về với chính mình: “Trước biển ta ngàn lần cô độc/ Sóng ngoài kia dẫu có bạc đầu/ Chở được chút nỗi niềm theo gió/ Cánh buồm ngơ ngác sẽ về đâu.” (Tâm sự cùng sóng). Phải chăng tự sâu thẳm lòng mình, Nguyễn Thị Hồng Đào đã mang những mảnh đời mình với những cuộc tình không trọn vẹn vào trong thơ ca.
Đọc hết tập thơ, ta dễ dàng bắt gặp một hình ảnh thiếu nữ hồn nhiên, trong trắng với ước nguyện tròn trịa, dễ thương, không hề vọng tưởng trong thơ Nguyễn Thị Hồng Đào:
Gió thổi miên man lời thương sâu thẳm
Ánh trăng thu lưu luyến khúc dạo đầu
Kiếp duyên này ta mãi thuộc về nhau
Xây vọng nguyệt ái ân cùng trăng nước
(Bên lề cuộc hẹn)
Nhưng đâu phải ước mơ nào cũng trọn vẹn, cũng đi hết tận cùng của hạnh phúc. Với muôn ngàn lý do để những cuộc tình không đi đến đích. Nhưng dù với lý do nào, người đàn bà vẫn chịu thiệt thòi nhất; con tim dễ bị tổn thương nhất; đôi khi ngoảnh nhìn lại quá khứ bỗng thấy mình rất... cô đơn:
Hạnh phúc xưa giữa đường giờ khép lại
Đã từ lâu tan biến giấc mộng đầu
Ta một mình ngồi nhấm nháp nỗi đau
Đắng ngọt tình đời riêng mình khoảng lặng
(Con tim côi cút)
Và chẳng có một phép mầu nào cứu vãn những cuộc tình tan vỡ. Nhưng mơ ước và niềm hy vọng chính là đôi cánh tuyệt vời nâng tâm hồn yếu đuối, mất chỗ dựa bấu víu vào. Chờ đợi cũng là cách quên thực tại để sống:
Người đàn bà bên song cửa sổ
Lặng nghe từng nhịp thở của lá cây hoa cỏ
Những áng mây hồng ngoài kia đã tắt
Người đàn bà vẫn ngồi bê song cửa sổ
Đợi chờ một phép mầu...
(Phép mầu bên cửa sổ)
Một phép mầu của các Đấng vô hình không hề xảy ra và cả một ước mơ đơn giản của thiếu phụ cũng khó mà thành hiện thực:
Ước thôi hết dại khờ
Đời đâu chỉ là thơ
Ta lắm lần nghẹt thở
Thầm lặng một giấc mơ.
(Mệt lắm rồi)
Thế nhưng, đâu đó ta có thể nhận thấy trong thơ của Nguyễn Thị Hồng Đào sự khao khát một tình yêu đơn giản:
Ta yêu nhau
Dù không cần gặp nhau
Trăm năm vẫn đong đầy yêu thương
Trong tim chúng mình.
(Viết cho Khờ)
Một tập thơ đầu tay của một cây bút nữ như lời thì thầm dịu êm khi cảm nhận buồn vui, trăn trở giữa cuộc sống đầy ồn ào này, đôi khi, như là cách giải tỏa stress và góp vào tiếng nói chung của thơ ca nước nhà một tiếng lòng riêng. Thôi thì ta cứ mở lòng ra đón nhận một tiếng thơ vừa cất lên giữa muôn ngàn tiếng thơ khác đang ầm ỷ trong một đất nước được gọi là cường quốc thơ này! Và ta đi giữa cơn “Gió trở mùa” để tự cảm nhận...
Cuối cùng, cảm ơn nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Đào đã có nhã ý tặng sách để có bài cảm nhận viết vội vàng này! Và cũng nói thêm, đây chỉ là bài cảm nhận chứ không phải là tiểu luận, phê bình nên dù có thấy vài lỗi về nội dung, hình thức... tôi vẫn "cho qua"!
N.V.C
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét