(Đọc tập truyện ngắn ”Đợi trời hết mưa – Lòng tan hết bão” của Bùi Đức Ánh)
Tôi biết Bùi Đức Ánh qua những bài thơ đọc từ tạp chí Kiến Thức Ngày Nay và ở một vài tờ báo khác; đôi khi đọc thơ anh từ những bài bình của Thanh Tùng, nhưng tôi lại có duyên với truyện ngắn của anh hơn. Bởi khoảng 5 năm trước, anh có gởi tặng tôi tập truyện ngắn “Người đàn bà ngồi bên bếp lửa”, và bây giờ là tập “Đợi trời hết mưa - lòng tan hết bão”. Đây là tập sách thứ 11 của anh và là tập truyện ngắn thứ tư; trước đó đã có 5 tập thơ, 1 tập tiểu thuyết và 1 tập tạp văn. Với 12 truyện ngắn gói gọn trong 136 trang do NXB Hội Nhà văn cấp phép vào tháng 9/2019, in 1000 cuốn, khổ 14 x 20; “Đợi trời hết mưa – lòng tan hết bão” khai thác chủ yếu là tình yêu của con người và tình yêu cuộc sống. Mỗi câu chuyện là mỗi số phận giữa cuộc đời để nhà văn lồng ghép vào đó cái nhìn về nhân sinh, về thế sự.
12 câu chuyện trong tập “Đợi trời hết mưa – lòng tan hết bão” ta có thể đọc một mạch mà không cần dừng lại ở câu chuyện nào. Bởi cốt truyện của mỗi truyện đều có một điểm chung là từ những câu chuyện tình yêu, những chuyện xảy ra hằng ngày trong đời sống gần gũi, gắn liền với số phận của từng con người. Nhưng có lẽ là bởi “nhà thơ viết truyện” nên mỗi câu chuyện dù khai thác ở góc độ nào; nhân vật dù gặp éo le, trắc trở, tưởng chừng như bế tắc...; họ vẫn yêu đời, bám chặt vào cuộc đời, mạnh mẽ bước tiếp về phía trước, làm lại cuộc đời. Và cũng có lẽ truyện hấp dẫn ta vì khi gấp cuốn sách ta nhận ra những bài học thiết thực về thế sự, nhân sinh mà tác giả khéo léo lồng ghép vào.
Mỗi chuyện trong từng truyện ngắn của Bùi Đức Ánh như một lát cắt của cuộc sống về nhân sinh thế sự nên rất ít nhân vật xuất hiện và cũng ít tình tiết xung đột. Nhưng từ mỗi nhân vật ta nhận ra được nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hoặc trong tâm hồn con người, bởi nhân vật là một tế bào của cuộc sống. Cuối cùng là người đọc (và có khi chính tác giả) rút ra bài học cho từng câu chuyện. Cuộc tình trắc trở từ đầu giữa Linh và Lâm, tưởng chừng như mỗi người tìm được hạnh phúc cho mình. Linh ở trời Tây còn Lâm ở trong một gia đình hạnh phúc. Thế mà... “Có lẽ đời sống về sau là rất nhiều cái không hẵn. Những tình yêu kết thúc không không hẵn đã mất, những con người đi ngang đời nhau không hẵn đã quên, những ước mộng rơi vỡ... không hẵn đã biến đi” (Đợi trời hết mưa – lòng tan hết bão). “Chốn cũ mưa bay” người đọc lại nhận một thông điệp không mới nhưng thiết thực qua nhân vật Như Mai: “Cuộc đời là thế, tham vọng để rồi nhận lấy đắng cay. Giá như ngày ấy cô (Như Mai) không toan tính so đo, không mang tình yêu của Huy ra đùa giỡn phỉ báng thì bây giờ cô cũng đang rất hạnh phúc” (Chốn cũ mưa ba). Hoặc là không để số phận đưa đẩy mà mỗi người phải tự vượt lên như nhân vật Ngân Hạ trong “Đợi chờ ký ức”: “... cũng nên vì bản thân mình mà quên đi miệng đời. Thiên hạ nhiều điều tốt, cũng nhiều điều không tốt, cứ sống cho một đời vì mình là điều hạnh phúc nhất mà ai cũng muốn thực hiện trọn vẹn” (Đợi chờ ký ức). Hoặc như nhân vật Xuân đã lựa chọn một tình cảm chân thành của một người lao động, khốn khó mà sẵn sàng rời xa ngôi nhà đầy đủ tiện nghi nhưng nơi đó thiếu sự cảm thông, chia sẻ của người chồng vô cảm. (Tình yêu rơi vỡ).
Có vài truyện, tác giả khai thác đề tài không mới nhưng sự sắp xếp có yếu tố ngẫu nhiên để bộc lộ tư tưởng của tác giả. “Vết lồi, lõm của chiến tranh” là một truyện như thế. Tác giả đã sắp xếp chi tiết, hành động của nhân vật nhằm nói về nỗi bất hạnh của người phụ nữ và trẻ em trong cuộc chiến tranh đã, đang được bù đắp: “Chiến tranh như một trò đùa của số phận, đau thương tan tác và để lại những vết tích không dễ dàng phai. Những giọt nước mắt tủi thân, thương chồng rơi mãi, cả đời này bà cũng không dám nghĩ sẽ được gặp lại ông, bây giờ hạnh phúc vỡ òa theo ngần ấy năm xa cách.” (Vết lồi, lõm của chiến tranh). Hoặc như trong “Mưa ký ức”, nhân vật Kiều Trinh lạnh lùng, vô cảm, thờ ơ, thiếu cái nhìn cảm thông với những mảnh đời bất hạnh... mà phạm phải điều làm ác. Oái ăm là cô đã vô tình hành xử với đứa con của chính “người tình cũ” của cô. Dù được tha thứ bởi cái nhìn nhân văn của tác giả, nhưng “Trong trái tim có những vết cắt tuy đã chữa lành, nhưng vẫn để lại sẹo. Có những ký ức tuy đã xóa mờ nhưng mãi là nỗi đau và niềm tin giống như một tờ giấy, khi đã nhàu nát thì không thể hoàn hảo được nữa” (Mưa ký ức)
Trong tập truyện, người đọc còn gặp hình ảnh sân trường phượng đỏ với bóng dáng học trò cùng những cảm xúc trong trẻo của tuối thơ, nơi tác giả từng gắn bó. Ngoài “Mưa ký ức”, người đọc còn đi vào thế giới học đường bằng “Ngõ vào mùa hạ” để mà yêu thương, mà tin yêu khi “Vẫn còn vệt nắng ấm áp”; để mà khỏi “Lạc mất lối”! Đây là mảng truyện ngắn mà niềm thương cảm của tác giả thể hiện rõ nhất tính nhân văn trong từng sự việc, từng con người, từng số phận...
Dù nhân vật của Bùi Đức Ánh có cuộc sống éo le, nhọc nhằn, gian truân, trắc trở, bế tắc... nhưng ở phía xa xa vẫn lóe lên một niềm hy vọng để mọi người tin rằng qua cơn mưa bão nắng ấm sẽ quay về!
12 truyện ngắn nhưng biết bao cuộc đời, số phận được nhà thơ viết truyện Bùi Đức Ánh truyền tải những giá trị tinh thần đích thực; nâng cao tầm văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống... cho người đọc. Hy vọng rằng chúng ta sẽ còn có nhiều dịp đọc thơ và truyện của nhà thơ viết truyện tài hoa Bùi Đức Ánh.
N.V.C
(Nói thêm: Khi tôi đang gõ dở dang bài viết này thì nhận được tập thơ “Yêu người đàn ông đã cũ” của chính tác giả Bùi Đức Ánh gởi tặng. Và đây là tập sách thứ 12 của ông. Xin được chúc mừng!)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét