Đầu hồi bên trái ngôi nhà ngoại có cây điều già rất to. Không biết “đại thụ” được trồng từ bao giờ, mà ngày bé, những dịp Tết nhất, giỗ chạp chúng tôi thường túm tụm chơi trốn tìm, chơi đồ hàng ở dưới gốc đó và đã thấy cây cao to lắm rồi.
Cây điều này, có lẽ già nhất trong vườn nhà ngoại, gốc to cả một ôm tay, sần sùi những u những bướu. Cách gốc cây chừng bốn mươi phân vẫn còn vết hằn chỗ cậu Út xích con vàng thuở nào. Con vàng chết vì già tự bao giờ mà dấu tích thì cụ điều vẫn còn lưu lại đến bây giờ. Cậu Út bảo sợi kẽm ngày nào đã lặn vào trong cây vì cậu quên không cởi bỏ ra. Thật tội nghiệp cụ điều! Rồi tháng tháng ngày ngày, một lớp vỏ mới bao bọc, một sẹo lồi vòng quanh che lấp sợi dây kẽm. Cụ điều vững chãi rả xuống mấy cành thấp vươn xoãi rộng, có cành la đà sát mặt đất. Bọn con nít chúng tôi tha hồ leo trèo lên đó rồi nhún rồi nhảy thích thú vô cùng.
Cậu Út bảo, ngày ngoại còn sống dạy, chỉ cần nhìn lá cây điều già này là biết được “tiết trời” năm ấy. Thời tiết ở Bình Phước “thủ phủ của trái điều vàng” rất đặc trưng cho khí hậu hai mùa mưa nắng miền Đông Nam Bộ. Hết mùa mưa, cây điều bắt đầu rụng lá. Lá rụng lá rơi rất đúng quy luật tự nhiên. Lá điều rụng xuống làm tấm thảm ngăn không để nước bốc hơi, giữ độ ẩm cho vườn rồi từ từ hoang hoải lại thành lớp mùn lẫn vào lớp Bazan đỏ thẫm vốn đã mỡ màu. Âm thầm dưới lớp mùn tự nhiên đó, con giun, con dế, con mối, con kiến thoải mái thức ăn và bộ rễ vĩ đại của cụ điều tha hồ mà đưa dưỡng chất lên làm cuộc sinh tồn. Khi những lộc non tia tía bật nhú đầu cành thì tiết trời đã se se lạnh. Kỳ diệu thay, chỉ dăm bữa nửa tháng, lớp lá non đã xanh biếc đầu cành. Và cụ điều lặng lẽ đơm bông. Đơm bông, kết trái, trái điều chín có màu đỏ cam, tỏa một hương vị rất riêng. Mà cụ điều có trái và hột không to như các giống điều ghép, điều cao sản nhưng vị ngọt đậm đà, ít chát và năm nào cũng đúng dịp chẳng chịu lỗi mùa.
Những trái chín bói đầu mùa, hay vào dịp Tết đều được ngoại hái rồi chưng cùng các loại hoa quả khác. Hương điều thơm thơm lan tỏa, quyện với hương trầm thật ấm cúng.
Anh Tần con dì Hai, nhỏ Mai, nhỏ Cúc con dì Tư và tôi đều thích về nhà ngoại. Chúng tôi tự hái những trái điều chín mọng thấp lè tè vào chấm muối ớt. Chén muối dầm ớt hiểm đỏ tươi cay xé lưỡi, quả điều chan chát ngòn ngọt mê ly.
Cả nhà ngoại và nhà tôi ai cũng thích quấn bánh tráng với trái điều chín. Lựa cây điều có trái ít chát xắt lát thêm ít rau thơm, tai heo, lưỡi heo luộc chấm mắm nêm. Chao ôi ghiền!
Thích nhất là những hôm rảnh rỗi, theo cậu út ra vườn nướng hạt điều. Cậu kéo chúng tôi ra xa, xa tận góc vườn vì mùi hạt điều nướng khiến ngoại khó chịu. Ngoại bảo hột điều đang tươi đốt nướng bốc hơi khen khét hôi hôi. Mà đúng là hột điều tươi nướng bốc mùi hôi thiệt. Nhưng bù lại, sau khi cháy hết tinh dầu lớp vỏ cứng, nhân điều bên trong đã chín thì hương vị của nó lại thơm thơm ngầy ngậy, quyến rũ vô cùng. Cời hột điều đen nhẻm, nóng hôi hổi ra khỏi lớp than hồng, tụi tôi kê “chiến lợi phẩm” lên cục đá to, lấy cục đá nhỏ hơn đập… Muốn ăn phải lăn vô bếp chẳng sai chút nào. Chúng tôi không dám nướng vì sợ phỏng, nhưng cậu Út bảo, cậu nướng cho rồi tự đập mà ăn. Nhân hột điều vừa nướng, nóng giòn, ăn vừa béo vừa bùi. Ăn một lúc mặt mày tay chân đứa nào đứa nấy lọ lem, nhìn thiệt mắc cười quá xá.
Dì Tư có tài chẻ hạt điều tươi. Dì kềm chặt cái rựa, ngửa lưỡi lên trời, đặt hạt điều lên rồi dùng chày đánh nhẹ, hạt tách làm hai, dì dùng mũi dao cạy nhân ra. Nồi chè hạt điều ngày Rằm hay mùng Một thơm lừng. Chè hạt điều vừa công phu, vừa sang vừa ngon đến mê người. Cậu Út bảo “Đệ nhất chè” quả chẳng sai.
Cả vườn điều nhà ngoại đã được cậu Út thay bằng giống điều ghép mới năng suất cao, lá, trái và hột đều to. Nhờ điều mà không những nhà ngoại mà những gia đình khác trong xã đều khấm khá, cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Nhà cửa khang trang sáng sủa… nhưng ông ngoại vẫn thích giữ lại cây điều già ngay đầu hồi nhà. Hoài niệm đâu dễ buông quên vì lúc về Tân Khai mua đất cất nhà, ông ngoại đã trồng cây điều này chống nắng hướng Tây, nhờ đó mà căn nhà luôn mát mẻ. Mùa điều chín thì hương thơm, thơm đến độ thân quen. Dưới gốc điều là cái võng đung đưa, là nơi các cháu chơi ô ăn quan, chơi bán đồ hàng. Trên tán lá, nơi chạc cành thỉnh thoảng lại có mớ dây tơ hồng bám, những sợi tơ vàng ươm buông thõng lay phay theo gió trông mới thơ mộng làm sao. Ngoại ngước nhìn lên cây điều già, bất giác thở dài. Cây điều đã cỗi, mình cũng già lắm rồi! Trải qua thăng trầm thời gian bền bỉ trụ vững với đời cây điều già luôn rì rào đón gió, xòe tán mời gọi chim chóc đến làm tổ, nghiêng che cái nắng gắt của mùa khô Nam bộ.
Và khi những cơn gió lành lạnh ùa về vào sáng sớm, báo hiệu xuân đến nhìn cụ điều vững chãi vươn rộng tán cành che chở căn nhà yên ấm yêu thương thật trân quý vô cùng. Cụ điều già thay áo đầu tiên, trên cành xương trơ trụi xuất hiện những lộc non đỏ tía. Cùng với lộc là những chồi bông. Bông điều từng chùm nhỏ màu trắng, điểm những chấm tím li ti. Điều trổ bông, tỏa mùi thơm dịu. Mùi thơm bông điều phảng phất trong gió rất khó định hình mà khắc đậm trong tâm. Cành la cành bổng, cành gần cành xa từng chùm từng chùm bông điều đơm dày ken. Điều non mới đậu, chẳng thấy trái đâu, chỉ thấy hột hình thận thon thon như những dấu hỏi ai treo hờ hững đầu cành.
Cây điều già lặng lẽ đứng, nghiêng che bảo bọc cho ngôi nhà. Ngoại không còn nữa nhưng năm nào cây điều cũng sai quả và cậu Út lựa hái những trái đầu mùa thắp hương. Chúng tôi, dù đã lớn vẫn mè nheo cậu ra vườn nướng hạt điều, kể chuyện ngày xưa.
Ngày nay về Hớn Quản, ta dễ dàng được thưởng thức những món ngon từ hạt điều. Chè hạt điều, hạt điều nấu la - gu, nấu cà - ri, nấu xôi, làm nhân bánh, làm kẹo hạt điều, hạt điều sấy, hạt điều rang muối, hạt điều rang bơ… Món nào cũng ngon và hấp dẫn... Nhưng sao tôi thấy không thể sánh được với hạt điều nướng với kiểu nướng than củi điều ngoài vườn, những hạt điều cháy xèo xèo, mùi hăng hắc khó chịu. Trong khi nướng thỉnh thoảng xịt khói kêu cái phụt, khiến những đứa đứng hóng phải giật mình. Những hạt điều nóng giòn thơm lừng, ngầy ngậy ngày xưa ấy vẫn luôn in đậm trong tâm trí chúng tôi.
N.T.N.D
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét