Cây bút LLPB Tuệ Mỹ
(Đọc bài thơ “Khấn mẹ” của Khổng Trường Chiến)
KHẤN MẸ
Cha đem nước độc rừng thiêng
Chạm vào mẹ giữa chợ phiên lỡ thì
Dẻo thơm quan lộ cha đi
Tập tàng mẹ lựa thị phi mang về
Dầu hao nghiêng bóng câu thơ
Trà sen chưa đượm, tóc tơ chưa dày
Áo xô mặn thấm vào cay
Con tung vốc trấu …từ rày mồ côi!
Ngoái trông sáu cửa luân hồi
Thưa mẹ! Hai mấy năm rồi còn đâu
Ngồi đong trọn gánh mưa ngâu
Cắn răng trích dẫn nông sâu riêng mình.
Khổng Trường Chiến.
(Bài thơ được sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải, 29/9/2020
Hai mươi mấy năm mồ côi mẹ, con một mình lăn lộn trong cõi người ô trọc, nếm trải bao dâu bể cuộc đời. Tứ cố vô thân, một ngày con ngồi đối diện với chính mình, người đầu tiên con nghĩ đến là Mẹ. Nhớ thương lẫn tủi hờn, đau đớn ùa đến lòng con trong phút giây này. Trong trạng thái thực mơ, con lầm thầm khấn mẹ. Đó là nỗi lòng của nhà thơ trẻ Khổng Trường Chiến vọng hướng về đấng sinh thành được anh thổ lộ trong bài thơ lục bát “Khấn mẹ”.
Cha đem nước độc rừng thiêng
Chạm vào mẹ giữa chợ phiên lỡ thì
Khấn mẹ nhưng người đầu tiên được nhắc đến lại là “cha”. Có phải con cho rằng mọi khổ đau hay hạnh phúc đời mẹ luôn gắn liền với cha, kể từ khi có cha xuất hiện trong đời mẹ? Đúng thế, cha “chạm” vào mẹ nghĩa là cha đã mang hạnh phúc đến cho mẹ rồi. Bởi, có người phụ nữ nào mà không khát khao có một bờ vai người đàn ông để tựa, nhất là lúc “giữa chợ phiên lỡ thì”. Và sự hiện diện của con trên cõi đời này là kết quả tình yêu của cha mẹ, cũng là món quà quý giá mà Thượng đế đã ban cho người phụ nữ với tên gọi thật sang trọng: làm mẹ. Làm vợ và làm mẹ là thiên chức cao cả, là niềm hạnh phúc lớn lao của người phụ nữ. Chính cha là người đã mang lại hạnh phúc này cho mẹ. Do thế, khi nói về hạnh phúc của mẹ, con không thể không nói đến cha. Xem như đó là một lời tri ân người đã mang lại hạnh phúc cho mẹ mình.
Viết về hạnh phúc của mẹ, ngòi bút của Khổng Trường Chiến lại nghiêng về thiên chức làm vợ hơn. Vậy nên:
Dẻo thơm quan lộ cha đi
Tập tàng mẹ lựa thị phi mang về
Khổng Trường Chiến rất có lý khi đưa thi ảnh “tập tàng” để vận vào đoạn đời này của mẹ. Trong mớ “tập tàng” đó vừa có cái “lỡ thì” của mẹ, vừa có “rừng thiêng nước độc” của cha và có cả “thị phi” nữa. Đúng là một mớ hỗn tạp chẳng có gì tốt đẹp, giá trị cả. Vậy mà mẹ phải “lựa”. Kết quả là “thị phi mang về”. Đây là sự lựa chọn đúng đắn. Dù thị phi có cho rằng mẹ, vì “lỡ thì” nên “lấy đại” một người “mang rừng thiêng nước độc” về gieo rắc. Nhưng mẹ đã bất chấp, đạp lên miệng đời để đi tìm hạnh phúc cho mình dù không biết hạnh phúc đó bền chặt hay mong manh. Trong mắt con, mẹ là người mạnh mẽ, biết tự quyết định hạnh phúc của mình, không hề bị tác động bởi búa rìu dư luận. Chấp nhận thị phi để cho chồng “dẻo thơm quan lộ”, cũng là tận hiến cho tình yêu mà.
Tận hiến cho tình yêu nhưng tình yêu không theo mẹ đến tận cuối cuộc đời. Cuộc tình của mẹ “Trà sen chưa đượm, tóc tơ chưa dày” thì mẹ đã sớm rời xa cõi tạm này. Để cho con:
Áo xô mặn thấm vào cay
Con tung vốc trấu… từ rày mồ côi!
Ngày đưa tang mẹ, con còn bé lắm chưa hiểu nhiều về tử biệt sinh ly. Nhưng mơ hồ trong tâm thức, con hiểu rằng ngay từ lúc này con đã “mồ côi”. Khác với Nguyễn Phúc Lộc Thành diễn tả tâm trạng người con lúc đưa tang mẹ “Mẹ ơi/ con nấc ời ời/ tím lên ngằn ngặt một trời ấu thơ”, “Mẹ ơi/ nước mắt còn tươi/ còn nguyên quằn quại/ cõi người trên mi”, Khổng Trường Chiến không nói đến nước mắt nhưng với hai thi ảnh “áo xô” và “con tung vốc trấu”, anh đã phơi trần nỗi lòng của con ngày mẹ về với đất. Áo xô thì “mặn thấm vào cay”. Ngày con khoác “áo xô” tiễn mẹ cũng là ngày con khoác áo “mồ côi”. Cay mặn cuộc đời đã “thấm” vào con từ ngày đấy. Còn vốc trấu “con tung” như lời “công bố” chua chát với thế gian rằng con, “từ rày mồ côi”. Hai thi ảnh này được đặt ở đầu câu lục và câu bát xem như lời lý giải cho “mồ côi” nằm ở cuối cặp lục bát này. Rõ ràng, không có nước mắt nhưng người đọc như nghe được tiếng nấc của người con trong khoảng lặng tâm hồn ở chỗ ngắt ngừng dấu (…) của câu thơ. Không có nước mắt nhưng hai câu thơ đã lấy đi nước mắt người đọc về “áo xô” con mặc và “vốc trấu” con tung.
Ký ức về mẹ lắng lại để cho con nói về mình: “Ngoái trông sáu cửa luân hồi/ Thưa mẹ! Hai mấy năm rồi còn đâu”. Con mồ côi mẹ “Hai mấy năm rồi” còn gì! Ngần ấy năm mồ côi là ngần ấy năm con sống trong niềm thương nỗi nhớ người mẹ đã khuất của mình. Tình yêu ấy đã trầm tích theo tuổi đời con và dày theo năm tháng. Trong phút giây này, tự sâu thẳm lòng con bật lên lời “Thưa mẹ!”. Đây là điều thưa: Con “Ngồi đong trọn gánh mưa ngâu”. Mưa ngâu tháng Bảy. Mà tháng Bảy là mùa Vu Lan, mùa báo hiếu. Báo hiếu mang tên “mùa” đã là sâu nặng lắm rồi vậy mà Khổng Trường Chiến còn “gánh” cả mùa nữa thì thật là… vô cùng nặng sâu. “Trọn gánh” mưa ngâu, làm tròn chữ hiếu, đó là điều là con muốn thưa cùng mẹ. Đạo hiếu nặng sâu vô lường như vậy thì làm sao mà “đong” được. Có lẽ Khổng Trường Chiến không có ý dùng “đong” để định lượng lòng hiếu thảo mà là để đong đếm tuổi đời của đứa con mồ côi đã chất chứa buồn đau bất hạnh. Phải, đứa con côi cút của mẹ, hai mươi mấy năm vào đời đã “Cắn răng trích dẫn nông sâu riêng mình”. Câu thơ này nằm tận đáy bài thơ tựa như cái túi lớn đựng bất hạnh đoạn trường đời con suốt hai mươi mấy năm côi cút. Cái túi đựng kia như phồng to hơn khi Khổng Trường Chiến thả vào đó hai cụm từ “cắn răng” và “riêng mình”. “Cắn răng”, tận cùng chịu đựng, tận cùng kìm nén đớn đau. Đau đớn tận đỉnh mà chỉ “riêng mình” chịu đựng thì bảo sao cái túi đựng kia không oằn nặng, to phồng. Câu thơ như khắc nổi hình ảnh đứa con mồ côi quằn quại trong niềm đau không có mẹ, lại bị ném vào dông tố cuộc đời. Niềm đau đó không người chia sẻ đã vỡ òa thành… thơ.
Bài thơ có tiêu đề là “Khấn mẹ” nhưng con mới dừng lại ở lời “thưa” thôi. Thưa với mẹ về nỗi buồn đau, thương nhớ mẹ, trọn đời hiếu thảo với mẹ và chia sẻ những gian truân đời con khi phải khoác áo mồ côi, chứ chưa thấy con “khấn”, cầu xin mẹ điều gì. Có phải lời “khấn” đó còn nằm trong khoảng không gian trống, trắng của bài thơ mà tác giả muốn người đọc tự bước vào suy ngẫm?
Là một cây bút trẻ nhưng thơ Khổng Trường Chiến lại đậm màu suy tưởng và buồn. Có phải chính những trải nghiệm cuộc đời đầy bi kịch của mình đã khiến cho thơ anh mang “màu” như thế. Cái “màu” ấy càng đậm hơn trong bài “Khấn mẹ”, một bài thơ viết về người mẹ quá cố của mình. Viết về chính mình nên không có gì thật hơn, xúc động hơn. Mỗi dòng thơ tựa như mỗi giọt máu được chắt ra từ trái tim của đứa con côi bị ném vào cuộc đời gió bụi: Hồng thắm lòng hiếu đễ nhưng cũng tím bầm nỗi đau thương.
9/10/2020
T.M
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét