Ông về lúc mọi người chuẩn bị dâng hương lên bàn thờ gia tiên. Cả họ vui mừng. Bà Ba xúc động lặng người không nói được câu nào, bàn tay bưng tô cơm chưa kịp dâng run bần bật. Cô Tám đứng cạnh đỡ bà trong lúc rối rít chào:
- Trời ơi! Vậy là anh về rồi. Mấy hổm rày ai cũng nôn nao đoán, không biết anh còn sống không? Mà nếu sống chắc anh về vào dịp Tết.
Bây giờ bà òa khóc. Ông nhìn bà, cảm xúc đan xen không dám bước tới ôm vợ cho thỏa niềm mong ước. Vợ ông già đi nhiều so với trí nhớ và tưởng tượng. Nhưng có sao đâu? Đó là người phụ nữ đã vì ông mà chờ đợi hai mươi hai năm. Ông lo lắng hỏi:
- Thằng Nghĩa đâu? Mọi người chỉ anh con trai cao lớn đứng nép bên cánh cửa, mặt đỏ lựng lắp bắp “ba”.
Bà sực tỉnh: - Vậy thằng Ân đâu?
- Nó còn bận công tác, sẽ về sau.
* * *
Khuya lắm mấy người đàn ông mới ra về. Thằng Nghĩa, con chị cùng hai đứa cháu ngoại cũng ý tứ đi ngủ sau khi được ông hỏi đủ thứ về cuộc sống và học tập. Ông ngồi đối diện nhìn vợ. Người đàn bà của ông tóc bạc gần hết, làn da đen nám, má nhiều vết nhăn. Ngày ông đi bà ba mươi hai tuổi. Bà lớn hơn ông bốn tuổi. Thời của ông, hôn nhân do cha mẹ sắp đặt. Cha ông nói cưới con gái già dặn chút về sẽ biết lo cho gia đình, biết làm ăn. Mà đúng vậy. Tương kính, hiếu thuận trong tám năm liền bà sinh cho ông một gái, hai trai. Người đàn bà nồng nàn ấy giờ đã năm mươi bốn tuổi. Ông khẽ khàng hỏi:
- Mấy mươi năm nay, người ta có gây khó cho mình nhiều không?
Bà rớt nước mắt. Bao năm một mình gánh gồng cuộc sống năm người và nhân nghĩa cả họ, lúc này đã có người nhớ, hỏi thăm. Bà tủi thân, yếu mềm sau bao chai sạn. Những khó khăn ngày thường có là gì so với tháng năm đằng đẵng cô đơn chờ chồng con?
- Lúc ông mới đi, tối tối bên ông Diệm bắt lên xã để tra khảo, buộc gọi ông về. Nhưng tui nói đàn bà không biết việc ông làm. Chán rồi họ cũng thôi. Bà đổi cách xưng hô, tự nhiên như chưa từng em em, mình mình.
- Còn bên hàng xóm, họ hàng?
- Phía dưới có lấn thêm chút ít nhưng không bằng chỗ thằng Tam con chú Sáu. Từ ngày chú Sáu mất, thằng Tam dời hàng rào qua mình mấy mét. Tui không dám nói nhiều vì nó đòi đâm chém. Đàn bà con dại lại không chồng, chỉ cần nó đứng bên kia chửi đổng là mình đã sợ.
Ông xót xa nhìn vợ thăm dò: - Thằng chồng con Khế đâu?
Bà tái mặt ấp úng, vẻ sợ hãi: - Nó… nó không chồng.
Ánh trăng rọi vào song cửa làm mặt ông trắng bệch. Không chồng mà những hai đứa con. Đứa nào cũng đang tuổi thanh niên, chứng tỏ sau khi ông đi không lâu con gái đã hư hỏng. Cả họ chưa bao giờ xảy ra điều đó. Thật chẳng ra gì!
- Thằng Ân giờ ở đâu? Làm gì?
Bà mạnh dạn nhìn ông chờ câu trả lời và nhận ra ông còn quá trẻ so với bà. Đến lượt ông lúng túng, khó khăn trong lời nói dù đã chuẩn bị sẵn: - Nó… đang công tác ở Sài Gòn, nó là phóng viên.
- Nhưng hòa bình rồi. Lý gì nó cũng phải về thăm gia đình, thăm mẹ chớ. Cả năm rồi còn gì?
- Thôi khuya rồi, mai nói tiếp. Giờ mình đi ngủ. Anh ngồi trên xe hai, ba ngày đường cũng mệt rồi.
- Ông lên phản ngủ cho mát. Tui quen nằm dưới chái hiên này - bà đỏ mặt ngó sang hướng trăng chiếu vào. Ông thoáng ngạc nhiên nhưng nhận ra ngay. Ông và bà đâu còn chiếc giường chung ngày nào sau mấy mươi năm xa cách.
* * *
Bà trằn trọc không ngủ. Ngoài con sông cạnh nhà, tiếng cá quẫy đuôi đánh “bõm”. Giỡn gì mà mạnh dữ? Như muốn đánh thức cả vùng sông. Không nhìn bà cũng biết bóng trăng trên mặt nước sẽ méo xẹo, tan ra rồi tụ lại, tan ra rồi tụ lại... Đó là tiếng quẫy của đôi cá tràu bà thường thấy vào ban ngày dẫn con đi ăn đêm? Lúc nào cũng quấn quýt, lượn lờ có nhau ngay cả khi đang nuôi đám con nhỏ. Thấy mà ghét. Dù vậy bà luôn tìm cớ để che chắn, giấu kỹ chúng. Bà thương cái cách “cá chuối đắm đuối vì con”.
Ánh trăng vẫn chếch vào hiên nhà sáng mồn một, soi rõ chiếc giường cô đơn, cũ kỹ chiếu chăn. Cũ kỹ cả người đàn bà năm mươi bốn tuổi phải qua bao tháng năm dầm mưa dãi nắng. Sau khi ông đi một thời gian ngắn, buồng tân hôn thành cái lẫm lúa để ngừa trộm cướp. Những năm đói khát, chỉ cần sơ hở chút là trộm vào nhà. Không giấu cất kỹ lấy 36 l VĂN NGHỆ AN NHƠN gì nuôi con, hiếu nghĩa? Buổi ông đi trăng thức ngoài song, bà đang ở lứa tuổi chín rộ, nảy nở của người đàn bà sau sinh nở. Bầu ngực căng phồng đã từng làm ông say vùi dẫu bà lớn hơn bốn tuổi. Cái mê đắm của đàn bà khi ấy cũng khao khát hơn, mãnh liệt hơn như muốn dìm cả hai người. Bà hồi tưởng những đêm trăng tròn rưng rức nhớ chồng, rưng rức nhớ phút giây da thịt, bà ước có kẻ vào trộm lấy bà. Có chớ sao không? Đàn bà góa đang mùi mà đàn ông bỏ qua thì trời tru đất diệt! Nhưng bà là dâu trưởng cả họ, biết bao con mắt ngó chừng. Hai, ba ngày, ông chú thứ sáu ghé vào vờ thắp cây hương rồi nhìn sâu vào mắt bà dặn dò:
- Ráng chờ, hai năm chứ mấy? Nháy mắt tới liền. Đàn bà, con gái phải giữ thân cho sạch.
Niềm tin gia phong cả họ và ông đặt vào. Bà chưa kịp hư con gái đã hư. Nó lỡ dại, bà chì chiết không tiếc lời nên bà phải nhịn. Hai năm, năm năm rồi mười năm. Nhịn riết thành quen.
Nay ông về. Nghe nói ông làm cách mạng nhưng chỉ ngồi bàn giấy vì có chữ nên ông vẫn trẻ. Nhìn ông lúc này như đứa em út của bà. Bất giác bà đưa tay lên ngực. Cái nơi ngày xưa rạo rực, say đắm giờ như quả mướp khô đèo! Nó chảy xệ, héo hắt và nhăn nhúm đến thảm. Bà ngồi dậy, lén nhìn mình qua ánh trăng. Bàn tay, bàn chân đã lâu không ai cầm nắm, vuốt ve để sưởi ấm cũng chẳng cần gìn giữ. Chúng dính phèn, vàng khè đất bùn. Cơ thể nguội lạnh sẽ thẹn thùng biết bao nếu phải trần trụi trước ai cho dù là chồng bà. Mà hơn hai mươi năm da thịt của nhau cũng lạ lẫm. Người đàn bà đã hết thấy tháng sáu, bảy năm rồi, còn gì để cho nhau?
Nhưng ông về bà mừng. Vợ chồng là nghĩa trăm năm, đâu chỉ vì những điều chăn chiếu. Hết tiếng súng, chồng bà còn sống, con bà có cha để cậy nhờ. Hai đứa cháu ngoại sẽ đi vào nề nếp. Gánh nặng dòng tộc bà trao lại cho ông. Dù sao ông cũng rất yêu bà nên bao năm qua ông đã giữ trọn lời hứa. Ít ra đến lúc này ông vẫn không có ai khác ngoài bà. Vầng trăng hai nửa lại vẹn tròn.
* * *
Ông nằm nghe tiếng gà gáy sáng. Bờ nước bên ngoài vỗ oàm oạp, ngọt ngào mùi đất quê nhà. Con tắc kè ở đó vẫn đếm nhịp tắc kè, tắc kè quen thuộc. Nó là con thứ mấy trong đám cháu chắt con tắc kè tuổi nhỏ của ông? Sao mà bức bối lạ lùng! Ông ước được nhảy ùm xuống bến nước, nơi mẹ và vợ ông vẫn thường ra giặt giũ, cọ rửa nồi niêu. Tiếng còi tàu chạy ngang thả vào không gian một hồi giục giã. Ôi! Tiếng còi xao xuyến cả đời người như tiếng gọi người thương! Bao ngày sống ở đất lạ, ông mong ước tiếng tàu như phép thần thông đưa ông về với quê hương. Ông cười thầm về những ước ao đời thường của mình. Sau khi thắp hương gia tiên, chia quà cho các con, ông sẽ ôm vợ, đặt tay lên bầu ngực mềm ấm của bà. Cảm nhận được sự rung động của vợ truyền đến cho mình đam mê mãnh liệt. Ông sẽ ngủ vùi trên đó. Một giấc ngủ ngon lành, bình yên. Những ngày xa bà có biết bao người đàn bà khác ông gặp gỡ đã gợi tình. Họ cũng lúng liếng mắt môi, đánh thức bản năng, làm ông đi lạc. Nhưng chưa có người đàn bà nào cho ông cảm giác an toàn và chất ngất như bà. Chỉ có bà hiểu ông muốn gì. Như con sông quê nhà dư thừa phù sa nhưng biết đắp bồi thế nào cho trù phú ruộng đồng, bờ bãi mà dòng chảy vẫn hiền hòa. Bóng dáng bà như người chị, người vợ, người em ân cần, ấm áp, dịu dàng, giúp ông vượt qua cám dỗ đời thường và sống có thủy có chung.
Ngoài sông có tiếng con cá quẫy. Cây sung nơi ông và vợ vẫn thường núp tắm chắc đã rất già? Không già làm sao được sau bao tháng ngày thay chồng nuôi con, gánh vác thừa tự cho cả họ? Đứa con trai bà nuôi ăn học đàng hoàng, nó đang là sinh viên năm cuối của Đại học Đà Lạt. Thằng Ân, anh nó được cha dẫn theo, che chở, bảo vệ lại không còn. Nó ra đi khi chỉ vài ngày nữa là gia đình ông có thể hạnh phúc sum họp. Đến giờ nó nằm nơi đâu lúc đang hừng hực khí thế tiến vào Sài Gòn? Ông chưa biết trả lời với bà như thế nào về nó.
Ông choàng dậy, bước xuống phía hiên bà nằm. Qua tiếng thở ông rõ bà chưa ngủ. Ngủ sao được? Như cái đêm đầy biến động ông từ biệt bà để ra đi. Lặng lẽ ông nằm xuống ôm vợ, nâng đầu bà đặt lên tay và nhận ra mặt bà đầy nước mắt. Thương đến xót lòng, ông hôn vợ. Bà lặng im rồi hôn lại, mềm nhũn. Ông lần tay cởi khuy áo bà. Bà đẩy ông ra, mạnh mẽ không chút giả vờ. Ông không bất ngờ. Ông hiểu vết cứa muốn lên da non cũng cần có thời gian.
* * *
Sau mươi hôm nấn ná thăm bà con, hàng xóm ông đến cơ quan nhận công tác. Ông giờ là giám đốc thương nghiệp tỉnh. Bà vẫn ở nhà làm vườn, chăm ruộng như thường ngày. Chỉ có điều khác là bà tươi tắn, mặt lúc nào cũng ửng đỏ như cô dâu ngày cưới. Thằng Tam vẫn soi mói, xấc láo như ngày nào. Nó đợi bà ra vườn rồi giả vờ đứng bên kia rào lơ láo nhìn trời, bóng gió nói to:
- Gái có hơi trai như phai có hơi cuốc.
Trời đất! Lúc này bà là con gái thì chết cũng ưng. Nhưng tuổi này mà nó nói bà như khoai lang ưa hơi cuốc thì thật là trơ trẽn. Bà xám mặt ngoay ngoáy bước vào nhà.
Mọi thứ dần đi vào chiều hướng tốt đẹp. Tự dưng thằng Tam bưng rượu qua nhà xin lỗi rồi dời hàng rào về chỗ cũ. Thằng Nghĩa chuẩn bị nhận nhiệm sở dạy học gần nhà. Hai đứa cháu ngoại xin được việc. Lương hàng tháng ông đem về giao cho bà quản. Tất cả đều tròn trịa. Bà thúc ông gọi thằng Ân về để thành đầy đủ một gia đình. Giữa lúc bà tràn đầy hân hoan thì ông ngập ngừng nói thằng Ân hy sinh, mất xác. Bà chết điếng, người như vỡ ra không chấp nhận. Ngày ông đi nó mới sáu tuổi, bà cầm tay ông dặn dò tha thiết, mong ông bảo bọc, che chở để bà được thấy nó về an lành. Đứa con trai như ngôi sao sáng của bà. Vậy mà giờ nó nằm ở đâu ông không biết!
Bà vật vã khóc, ông cũng khóc. Nỗi đau buồn bấy lâu đè nén riêng giờ mới vỡ òa. Ông xin lỗi bà:
- Anh xin lỗi em, xin lỗi gia đình vì không giữ được con như lời hứa. Nhưng con đã lớn, có ước mơ, hoài bão riêng. Mất con lòng anh cũng đau như xé, đâu phải riêng em?
* * *
Tối, bà ra bờ sông giặt. Từ ngày biết mất thằng Ân, bà hay giặt đêm. Bà tránh ông, bỏ mặc ông bần thần nơi bậu cửa. Trăng mười sáu tròn vành vạnh in trên mặt nước, dát vàng con sóng gợi tình. Nơi này, ngày mới ưng ông, bà hay tắm đêm mỗi khi nhà chỉ còn hai vợ chồng. Bà để mặc ánh trăng ve vuốt, để ông mê mẩn nhìn cặp đùi trắng ngần ướt át tuổi hai hai. Ông mười tám, hổ xám nằm vùng. Bà già dặn hơn ông cả ăn ở và chăn gối khiến ông như chết ngộp. Thời gian nhanh biết bao! Thoắt cái mà già, mà lạnh tanh như lửa tắt. Bà nhớ lại đêm ông tỏ thiệt mất thằng Ân, bà trôi trong u minh. Ông ân cần vỗ về, âu yếm để chia sẻ, đền bù. Bà vỡ vụn. Xấu tốt, nhão nhẹt cần gì che đậy nữa. Bà nằm vật ra. Bà cũng muốn giải tỏa nỗi nhức nhối, đau đớn mất con. Đến lúc tưởng chừng sẽ ở trên đỉnh Nga Mi thì trời ơi! Xót như xát muối. Cảm xúc rớt bịch, bà hất ông xuống. Dưới ánh trăng sáng rọi từ mảng ngói vỡ nơi mái nhà, bà thấy ông ngỡ ngàng, thất vọng.
Tháng rồi có mấy cô cùng cơ quan ông đến thăm nhà. Láng trơn, ướt rượt nói, cười: Anh Ba... anh Ba. Ngứa cả gan! Thứ đàn bà đâu mà dạn dĩ đến trẽn. Vừa nói, vừa cười rồi đánh bẹp vào cánh tay ông. Bà nghiêng mặt háy. “Chồng như củi mục gầm giường”, bà không dùng nhưng cất đấy. Bà cũng có thời tươi tắn, chín nẫu nhưng đã dùng để đợi chờ. Cái rừng rực đó bà quá tỏ. Bây giờ có đền bù cũng không tắm được trên dòng nước cũ. Đập mạnh cái quần trên mặt sông bà lầm bầm: “Ai mà đụng đến trầm hương của bà”. Bà cất giữ thứ tình yêu nồng ấm da thịt vào đống tro tàn, nhưng đó là của riêng bà. Đừng có mà tưởng bở rồi đú đởn.
Mới hôm kia có cô gái nhìn xinh lắm xách giỏ trái cây đến biếu. Chú chú, cháu cháu úp mở. Không biết quan hệ thế nào, nhưng bà nghe cô gái thỏ thẻ, mắt sóng sánh:
- Bà cụ vui lắm khi nhận được quà tặng của chú nên khỏe hẳn ra. Bà nhờ cháu đến cảm ơn chú.
Tiếng ông ôn tồn:
- Thưa với bà cụ cứ nghỉ dưỡng cho khỏe. Việc nhỏ đó là chút tình cảm và trách nhiệm thôi.
Bà ức đến tận cổ. Thế này thì quá! Lại còn dấm dúi nữa chứ. Ông nay trâu già muốn gặm cỏ non. Khách về rồi bà thẳng tuột:
- Tui và ông giờ như trăng lệch. Mọc đàng đông thì không thể sáng đàng tây.
Ông nhìn bà ngạc nhiên rồi chợt hiểu. Ông cười:
- Mình thiệt kỳ. Đó là cô cháu gái của bà cụ đã mất đứa con trai duy nhất khi cùng chiến đấu với anh. Bà ấy già yếu, anh đại diện cơ quan thăm hỏi.
Bà không cần biết! Ai biết ma ăn cỗ lúc nào? Bà vơ mớ quần áo mới giặt hôm qua chưa kịp xếp lại ra sông giặt.
* * *
Bà quyết định đi Sài Gòn. Bà muốn nhìn cái nơi thằng con ngã xuống để nỗi ám ảnh về đứa con trai lưu lạc không còn chập chờn trong giấc ngủ khó của người già. Bà cũng muốn ông cuống quýt, đau khổ tìm bà. Ai đó nói đỉnh cao của tình yêu là sự ích kỷ. Ông cứ mãi phân bua phải đi vì lý tưởng, yêu nước. Vậy bà không yêu nước chắc? Bà còn yêu nước hơn mười lần ông. Để một đứa con đứt ruột đẻ ra theo ông khi nó vẫn cần bàn tay chăm sóc của mẹ, lo mối hiếu thảo cho cả họ, hi sinh tình cảm gia đình giúp ông nhẹ gánh, giữ gìn thân trong sạch chờ chồng. Đó không là tình yêu nước lớn lao trong tình yêu mộc mạc của bà sao? Ông hứa chỉ đi hai năm rồi biền biệt hai mươi hai năm. Bà không trách gì nhưng cái xuân sắc của bà đi đâu rồi trong khi ông mới năm mươi tuổi, còn trẻ thế?
Ở giữa thành phố đông đúc, người người tất bật, bà chợt nhớ và thương ông. Ánh đèn xanh đỏ đủ màu như soi thấu tâm trạng rối bời của bà. Chúng biết bà đang ghen bóng, ghen gió với chúng. Cột điện chơ vơ câm lặng hiểu được sự cô độc của người đàn bà đang muốn kéo lại xuân sắc và sợ hãi trước sự lỗi nhịp của mình đối với người chồng hết lòng yêu. Những năm tháng xa quê, chắc ông cô đơn và nhớ gia đình lắm cho dù có người phụ nữ nào khác bên cạnh. Làm sao để đêm đông giá rét không nhớ cái lư hương cha mẹ, ngôi mộ ông bà? Mùa hè nắng nỏ làm sao ngủ được khi nghĩ về dòng sông quê và người thương đã từng cùng mình tắm gội?
Xong bữa cơm chiều, bà báo với đứa cháu họ đi loanh quanh gần thôi và sẽ về sớm. Bà thơ thẩn tìm. Chỗ nào là nơi con bà ngã xuống trong nhộn nhịp muôn màu nhấp nháy và cơ man ngôi nhà cao tầng? Cuộc sống vẫn tiếp nối. Bà hiểu ra phải có người đi trước khai phá, hy sinh để người sau bước tiếp. Con trai khôi ngô, tinh tấn của bà chắc chắn sẽ tự nguyện làm người xách đèn đứng gác đêm như cha nó để thành phố đẹp này yên tâm ngủ. Bà bước trong vô thức. Khi nhìn thấy dòng chữ: “Ngã Ba Hàng Xanh” thì thành phố gần như yên tĩnh. Ở một góc tối, bà giật mình thấy dáng cậu con trai cao lớn của mình im lìm đứng. Hay nó đi tìm bà? Bước vội tới sau lưng, bà nắm tay áo nó hỏi:
- Con làm gì ở đây?
Người con trai quay lại:
- Bác nhầm ai phải không? Ơ! Bác giống mẹ cháu quá!
- Thế à? Bà cụ làm gì?
Chỉ tay về người đàn bà tóc như sương được búi thấp đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ dưới bóng đèn cao áp, cậu con trai nói:
- Mẹ con kìa. Từ ngày biết ba và anh con mất ở chỗ này trong đợt tấn công vào Sài Gòn, mẹ con đâm ra lẩn thẩn. Đêm nào không ra đây nhìn, bà không ngủ được nên đêm đêm con phải chở bà đến rồi chờ. Khổ lắm! Nhà nghèo xơ xác, con phải làm đêm nhưng hôm nào không dắt bà ra nơi này bà như hóa dại. Nhà xa lắm chứ ít đâu!
Bà lặng người, mặc cảm xấu hổ. Cậu con trai dắt bà đến mẹ. Người phụ nữ nhìn bà ngạc nhiên: - Chị cũng ra đây tìm chồng, con à?
Bà chảy nước mắt gật đầu rồi ôm người phụ nữ đôn hậu mặc chiếc áo cũ đầy mụn vá. Bất giác bà đưa tay vào túi, lấy tất cả số tiền có dúi vào tay người phụ nữ kia rồi nhỏ nhẹ: - Chị mua chiếc áo mới cho mình, ít trái cây cho cháu và anh ấy.
- Rồi lấy gì bác dùng, nhà bác chỗ nào? Đêm khuya rồi đấy.
Bà sực nhớ, nói số nhà.
- Ồ! Khá xa. Để cháu gọi chiếc xe ôm quen. Đi một mình về đêm khuya nguy hiểm.
Trong khi anh con trai nhìn quanh tìm chiếc xe, bà nắm chặt tay người đàn bà không quen biết, nước mắt chảy lặng thầm. Bà hiểu nỗi cô đơn, đau khổ nhiều lần hơn của người bên kia.
Ngắm những ngọn đèn cao áp chiếu ánh sáng xuống thành phố trong đêm, bà thấy chúng như những vầng trăng tròn vành vạnh. Bà ước có mặt quê nhà lúc này để được nói với ông: - Em và mình dẫu có như vầng trăng lệch, mọc đàng đông vẫn sáng rỡ ở đàng tây.
M.X
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét