Nhà văn Triều La Vỹ
1.
Tàu rúc một hồi còi dài rồi xình xịch vào ga. Tàu dừng, mọi người lật đật túa xuống ga như đàn ong vỡ tổ. Định chậm rãi xuống sau cùng với đứa hầu gái. Định thật giản dị trong chiếc áo bà ba nâu, chân đi guốc mộc, tay cầm chiếc nón lá Gò Găng. Định như một người đàn bà xứ Nẫu luống tuổi quê mùa, nhưng vẻ ngoài đó không giấu được sự quý phái sang trọng của một mệnh phụ phu nhân trong tướng đi, nét mặt và nụ cười.
Cờ bay phấp phới hai bên đường, chánh tổng Nhơn Nghĩa Hạ và hương lí làng Kim Châu theo lệnh của tổng đốc Bình Định đã đứng trông hóng chờ sẵn ngoài cửa ga. Định cảm ơn mọi người nhưng nhất định không chịu lên võng về làng.
- Mọi người cứ xem tui như bao cô gái lấy chồng xa về thăm quê vậy thôi!
Định nói chậm, rành rọt từng từ rồi đi thật nhanh về phía chiếc xe ngựa cũ kĩ đứng xa xa cùng với người xà ích già. Định lên xe. Tôi hối người xà ích. Chiếc xe ngựa lộc cộc đưa chúng tôi rời khỏi đám đông nháo nhác những quạt võng và ồn ã tiếng dạ thưa.
Đã hơn bốn mươi năm Định mới về thăm quê. Thương Định quá. Mang tiếng là vợ vua mà cực trăm bề. Rồi chồng, con trai bị đày biệt xứ, Định lại phải cùng con gái và con dâu đi theo đến xứ người. Con dâu không chịu được nóng lạnh nơi đày ải, Định lại đưa các con về lại quê hương. Bao nhiêu biến động non sông là bấy nhiêu nhọc nhằn Định gánh. Vào đến cổng làng Định ôm chầm ngay lấy tôi, nước mắt ngân ngấn như thể chỉ mình tôi còn giữ được một quê hương tuổi thơ của Định. Rồi Định bồi hồi đặt tay lên hàng rào chè lòa xòa cành dại, rưng rưng trên một khoảnh sân nhỏ lún phún rêu, thổn thức trên một mảng tường nham nhở. Ôi, căn nhà vách đất mái tranh nằm lặng giữa một vườn cây êm đềm vẫn vẹn nguyên bình dị như hôm nào chờ Định trở về.
Thắp hương lên bàn thờ gia tiên xong Định đòi ra sông tắm. Tôi trêu, mình đã là hạng lão nhiêu, làm bà nội bà ngoại rồi đấy, không sợ con sông trước nhà mắc cỡ sao. Định cười mỉm, em nhớ sông ghê quá. Tôi nhìn Định ngẩn ngơ, ôi nụ cười tuổi sáu mươi của Định cứ bất chấp thời gian đẹp như hoa hàm tiếu và hồn nhiên như thuở mười sáu tiến cung. Tất cả kí ức bất chấp thời gian lần lượt hiện về…
Đêm đó rằm, tôi nhớ trăng sáng lắm. Gió nhẹ. Trời trong. Trăng ngâm mình dưới đáy sông trông như ngọc như ngà. Tôi vốc những vốc trăng ấp lên bầu ngực tròn căng thật đẹp của Định, rồi vừa xoa vừa cợt đùa. Lấy chồng được rồi đó cô Ba, đừng để trai làng chết đứng nữa nghe. Định vuốt sợi tóc mai xõa trước trán tôi, giọng nũng nịu. Em sợ vớ phải thằng chồng không danh không phận cả đời không dám ngẩng mặt nhìn xóm làng chị ơi. Tôi bẹo yêu má Định. Chô cha, cô Ba thành bà cụ non khi nào hè. Cha bảo, nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh mà em. Gặp được người thạo nghề, giỏi việc như cha là phúc ba đời đó. Định khỏa nước vào mặt cười hiền. Thì em cũng đơn giản như bao người con gái quê mình. Nhưng bà ngoại nói một ngày dựa mạn thuyền rồng, cũng bằng muôn kiếp sống trong thuyền chài mà, chị quên rồi sao. Em ước được lên ngựa hồng, xuống xe loan, quạt tía lọng vàng, kẻ hầu người hạ cho bõ mặt với đời, chỉ một lần thôi có chết cũng cam lòng. Định nói một hơi. Mặt Định bầu bầu, má Định trắng hồng, cái miệng duyên chi lạ đã làm phập phồng ngẩn ngơ bao đám trai làng. Tôi nhìn Định rồi bất giác cười xòa. Mai chị nhờ cha làm lọng du du ông Chảng cho em nghe. Định vốc nước ném, đầu lắc lắc làm bộ dỗi hờn, miệng cười khúc khích. Tôi đập mạnh hai tay xuống sông, nước bắn lên tung tóe vỡ ra thành những tiếng cười giòn tan.
Du du là một loại dụng cụ giống như dù, dùng để che nắng cho người nông dân khi làm đồng. Nhắc đến lọng du du ông Chảng là nhắc đến Đinh lão tiền bối thôn Bằng Châu mà bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng thích. Thủy tổ họ Đinh theo chúa Nguyễn vào Nam khẩn hoang lập làng ở Bằng Châu, trở nên giàu có khắp vùng. Ông cố của ba anh em nhà Tây Sơn là Hồ Phi Long vốn là người làm công cho họ Đinh, được họ Đinh quý mến tìm người gả cho, lại còn cho mượn tiền đi buôn. Vì vậy họ Đinh với Tây Sơn tam kiệt có mối thâm tình. Đinh Văn Nhưng là người giỏi võ đã từng dạy cho ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Khi Tây Sơn khởi nghĩa, Đinh Văn Nhưng nhiệt tình góp ngựa và lương thực cho nghĩa quân nên lúc Nguyễn Nhạc lên ngôi vương đã phong cho ông là Điện tiền Đại Đô đốc tả thân vệ úy, tước Sanh Sơn Bá. Đinh lão tiền bối là phận cha chú, không chịu hạ mình trước quyền uy, không ưa danh phận hão huyền mới đề nghị phong cho mình là ông Chảng ngang thiên. Vua Thái Đức vui vẻ đồng ý. Từ ngày đó lần nào vào nội thành thăm vua, Đinh lão cũng ngồi trên kiệu làm bằng thang tre, hai bên có hai tráng đinh cầm hai cây du du làm lọng, thanh niên trai tráng tay cào cỏ, cuốc thuổng, chĩa ba, kẻ bồ cào, người mỏ gãy xếp hai hàng trước sau kiệu, vừa đi vừa hô vang khắp xóm làng, rất là nhộn nhịp vui tai: Bùng binh chi tướng/ Quýnh vướng chi quan/ Bộn bàn chi chức/ Chảng Chảng ngang thiên. Cái lọng du du ông Chảng ngang thiên vì vậy còn hơn lọng vàng của một đức vua. Khuya, Định ôm tôi ngủ vùi, miệng cười chúm chím làm duyên mãi như thể trong mơ Định đã gặp được quân vương. Tôi xốn xang trong lòng với ước mong của Định, cứ bần thần mãi không ngủ được. Sáng sớm ra, bên nong cơm gia đình chỉ với bột nhứt chấm nước mắm nhỉ dầm ớt chỉ thiên, Định hồn nhiên kể về giấc mơ quái dị của mình. Định đang tắm sông thì từ dưới hạ nguồn một con rồng vàng hiện lên quẩn vào chân Định. Định xua tay đuổi đi nhưng nó cứ quyến luyến không chịu rời xa. Định nghịch ngợm cưỡi lên lưng nó bơi mãi bơi mãi về phía thượng nguồn vằng vặc ánh trăng cho đến khi bất ngờ gặp một thác nước từ trên trời đổ xuống xối xả thì té nhào thức dậy. Anh Hai tôi nhìn Định không chớp mắt. Má tôi đánh rơi đũa lúc nào không hay. Còn cha tôi vội vàng chạy ra đầu ngõ. Xóm Kim Nam vẫn còn ngủ vùi trong sương mai lãng đãng. Hú hồn cho ba họ nhà tôi. Một đứa con gái nhà quê, con của một người làm nghề đúc đồng sao có thể có một giấc mơ rồng vàng kì quặc và điên rồ đến thế.
Nhưng cả nhà chưa hết thấp thỏm sau bữa sáng ấy thì chừng mươi ngày sau ai cũng bàng hoàng lo sợ khi được tin chánh tổng Nhơn Nghĩa Hạ và hương lí làng Kim Châu đến thăm nhà. Cha tôi vứt chỏng chơ cái khuôn đúc lư đồng bằng đất sét ngoài bờ sông lật đật chạy về. Anh Hai tôi run run pha bình nước trà mời khách. Má tôi bỏ dở nồi cám heo đang nấu lập cập chạy ra vườn sau gọi Định. Định đang ngồi chải tóc, hồn nhiên như đang sửa soạn đi hội làng, từng lọn tóc xanh mượt ngời ngời bóng nắng. Má tôi giận run. Cả nhà bần thần lo âu. Đến lúc chánh tổng đọc to trát đòi của đức vua, mọi người mới thở ra nhẹ nhõm.
Số là cha tôi nổi danh khắp nơi về nghề đúc đồ đồng nhất là đồ thờ tự, đâu đâu nghe tiếng cũng tin cậy đến đặt hàng. Cái tên nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Phương làng Kim Châu, tổng Nhơn Nghĩa Hạ, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định chẳng mấy chốc đã đồn đến kinh sư. Vua Thành Thái bèn cho đòi ra Huế đúc đồ thờ tự cho lăng tẩm và hoàng cung. Cha tôi rời quê nhà ra kinh thành đem cả gia đình theo. Đêm chia tay, cả làng Kim Châu bịn rịn không ngủ, con sông Trường Thi ào ạt vỗ bờ, tôi nghe trong gió khuya run rẩy tiếng búa tạ của Ba Búa quai vào ông đe ấm ức chát chao.
2.
Chiều đó, Định không ra tắm sông như ý định vì bà con chòm xóm tới thăm khá đông. Ai cũng muốn tận mặt nhìn bà Hoàng sanh và trò chuyện đôi câu để bớt tò mò về chuyện cung đình. Nhưng Định tránh nói về mình và về hoàng cung, dường như đối với Định được hít thở không khí ấm cúng của quê nhà và nghe tiếng Nẫu thân thương quan trọng hơn mọi thứ trên đời. Định quan tâm từng người, từng nhà, từng việc lớn nhỏ, từ việc giỗ chạp đến đồng áng ruộng vườn, việc gì cũng ân cần như người thân. Tôi ngồi im lặng theo dõi từng cử chỉ, từng lời nói của Định lòng xốn xang khó tả.
Khi mọi người đã về hết, bà chị dâu dọn cơm tối trên chiếc mâm đồng cũ kĩ, vật gia bảo duy nhất của cha tôi để lại. Trên mâm đồng ngoài cơm và thức ăn chỉ có một cái chén bằng sành và một đôi đũa tre. Tôi bới cơm vào chén sành, gắp một miếng cá lóc kho tộ thiệt ngon, rồi đan hai tay vào nhau đặt trước bụng.
- Thưa, mời bà Hoàng sanh dùng bữa.
Định trừng mắt với tôi như có ý không hài lòng với cách xưng hô, rồi cười nụ không nói gì. Định nhờ tôi lấy thêm một cái chén sành và một đôi đũa tre nữa. Định tự tay bới cơm, gắp cá, rồi như không thèm để ý đến bộ mặt ngơ ngác của bà chị dâu, Định nói với mâm cơm mà như nói với mình.
- Mời bệ hạ ngự thiện!
Tôi thấy mắt mình cay xè, mấy mươi năm rồi ngày nào, bữa cơm nào Định cũng huyễn hoặc mình vậy sao.
Cơm tối xong, chúng tôi ngồi dưới hiên nhà đầy trăng nhìn xuống sông Trường Thi, con sông tuổi thơ thân thiết của Định chỉ cách nhà chưa đầy trăm thước. Gió nồm thổi mát rượi. Gió nghịch ngợm lùa vào mái tóc bồng bềnh đã bắt đầu hoa râm của Định. Định vén mớ tóc lòa xòa trước trán rồi thở dài, nói. “Tội nghiệp”. Giọng nói của Định nhẹ như hơi thở của Định, không biết Định đang tội nghiệp mình hay tội nghiệp cho chàng thợ rèn thiệt thà chất phác của làng Hòa Cư năm xưa.
Chàng trai mà Định vừa hỏi thăm chị dâu có tên là Ba Búa. Ba Búa khỏe mạnh tháo vát và giỏi rèn dao rựa. Đồ nông trang của cả vùng hầu như đều đặt ở lò của Ba Búa. Nhìn sức vóc và cơ ngơi nhà Ba Búa, không cô gái quê nào là không ước muốn được nâng khăn sửa túi cho chàng. Nhưng Ba Búa lại trót thầm thương trộm nhớ con gái lão nghệ nhân đúc đồng làng Kim Châu.
Nhà tôi và nhà Ba Búa làng bên vốn có mối thâm tình. Hai nhà thường gặp nhau, nhất là dịp giỗ tết. Ba Búa hay quan tâm đến tôi, mục đích để gần với Định, hỏi Định thích ăn gì, thích làm gì, dạo này có hay đi chợ sắm sanh đồ đạc. Những câu hỏi tưởng chừng vu vơ mà có mục đích cả. Định thì chẳng vương vấn gì, chỉ có tôi khổ, tôi thầm thương Ba Búa. Khi cha tôi được lệnh vua ra kinh đô, gia đình cùng đi Huế và chúng tôi xa nhau từ đó. Bao nhiêu năm trời không hiểu sao Ba Búa không chịu cưới vợ. Bao nhiêu đám mối mai, Ba Búa đều không ưng. Có người bảo Ba Búa ngó cao. Nhưng cũng có kẻ độc miệng bảo rằng Ba Búa bị bể dái sau một tai nạn nghề nghiệp nên không còn thiết tha đến đàn bà. Ai nói gì Ba Búa cũng chỉ cười trừ. Đùng một cái nổ ra cuộc khởi nghĩa Giặc Rựa ở Phú Yên, dân cày mặc áo nâu, tay cầm rựa quéo nổi dậy chém giết quan Tây và bọn tay sai khiến quan lại cả hai tỉnh Bình Định, Phú Yên đều rúng động. Nhưng vũ khí thô sơ, sức người mỏng, chẳng mấy chốc cuộc khởi nghĩa Giặc Rựa bị dìm trong bể máu. Một buổi sáng đẹp trời, lão chánh tổng Nhơn Nghĩa Hạ dẫn thằng quan ba và một toán lính xộc vào nhà Ba Búa sục sạo. Dưới căn bếp nhà Ba Búa ở làng Hòa Cư có một kho bí mật chứa đầy rựa quéo. Cả xứ bàng hoàng. Lò rèn bị đóng cửa. Ba Búa bị án khổ sai, đày ra đảo xa và biệt tích từ đó.
Định bó gối nhìn ra sông, bao nhiêu nét điềm tĩnh quý phái của Định như đã tan vào hư vô. Trước mặt tôi là một người đàn bà quê mùa tội nghiệp, lòng đa sầu đa cảm vì bao vết thương không chịu liền sẹo. Nhiều lúc tôi thầm tiếc, giá không có giấc mơ rồng quái quỷ của Định và giá như Định không được tiến cung ba tháng sau ngày cha tôi ra kinh đô có lẽ cuộc đời Định đã nhẹ nhõm thanh thản như bao người dân quê khác. Nhưng, có ai được quyền chọn cho mình nơi sinh ra và một cuộc đời để trải?
Cha tôi ra Huế may mắn gặp người đồng hương đang làm thượng thư trong triều là Đào Tấn. Ông sắp xếp cho cha tôi đưa cả gia đình cùng ra kinh đô. Định còn được ông nhận làm cháu nuôi để tiện bề học thêm. Một bữa nọ, vua Thành Thái ghé thăm Mai Viên của Đào Tấn, vừa ngồi uống trà vừa nghe hát một khúc tuồng trong vở Trầm Hương Các. Tình cờ đức vua gặp Định, ánh mắt sóng sánh, lòng đầy sóng xô, duyên tình đẩy đưa nồng đượm như đã hẹn từ kiếp trước. Hôm sau, Định được tiến cung, vào ở viện Đoan Trang và chẳng bao lâu được sắc phong là Cửu giai Tài nhân. Đến tháng Mười Một, năm Thành Thái thứ mười hai, vua tấn phong cung giai cho các phi tần trong nội đình gồm hai mươi người. Nguyễn Thị Định vẫn chỉ là một Cửu giai Tài nhân nhưng đã chuyển về ở viện Đoan Thuận. Hai tháng trước đó, hoàng tử Vĩnh San chào đời trong bao nỗi mừng vui của Định. Ba năm sau, Định sinh thêm công chúa Mệ Cưởi, còn gọi là hoàng nữ Lương Nhân.
Nhưng cuộc đời của một Cửu giai Tài nhân trong cung cấm nào chỉ có nhung lụa, vàng bạc, kẻ hầu người hạ. Nó còn là nước mắt tủi hờn nữa. Khi mặt rồng gần đó mà lúc nào cũng vời vợi xa.
Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào…
Tôi còn nhớ hôm Định mắc cảm, mọi người đưa Định ra Bình An Đường nằm hẩm hiu ở góc đông bắc hoàng thành. Đêm đó, bầu trời đầy sao, Định tựa tay vào bao lơn nhìn về quê nhà xa xăm, mặt buồn hiu. Định ôm ngực ho một hồi. Rồi hát. Định hát vầy: Ngọ Môn năm cửa chín lầu/ Một lầu vàng tám lầu xanh/ Ba cửa thẳng hai cửa quanh/ Sinh em ra làm phận gái/ Chớ nên hỏi chốn kinh thành mà làm chi. Giọng Định nhẹ lắm như thể Định hát cho riêng mình nghe. Giọng ca Huế não nùng như cơn mưa mùa đông rả rích của chốn kinh thành. Nước mắt lăn dài tủi hờn trên má. Lúc thế này Định có nhớ đến Ba Búa không?
3.
Khâm sứ Levécque khệnh khạng bước vào Thái Bình lâu, nơi đức vua thường ngồi đọc sách. Tin mật cho hay vua An Nam đang cho tìm vẽ nhiều thiết kế súng ống khác nhau. Ngài còn bí mật luyện tập bốn đội nữ binh, mỗi đội năm mươi ả, có thể sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí. Levécque xô mạnh cửa. Ánh nắng xộc vào chân ghế khảm rồng bắn tung tóe những hạt bụi màu xám rêu. Đức vua hạ cuốn Tân thư đang đọc dở, nhíu mày khó chịu. Quan khâm sứ bước tới chìa ra trước mặt vua bản vẽ một khẩu súng mới kiểu Tây có chữ kí của họa sĩ Lê Văn Miến kèm theo bút tích của đức vua. Đức vua giật lấy bản vẽ, xé chúng thành nhiều mảnh. Bất chợt đức vua bứt tung cúc áo, hai tay cào cấu vào ngực mình rồi cười rồi khóc như kẻ điên người dại. Ngực rồng tứa máu. Viên khâm sứ cười khẩy, hắn lùi lại một bước phất tay làm hiệu. Lập tức một thằng lính Tây vụt tới xốc lưỡi lê nhằm cổ đức vua. Khi lưỡi lê vừa chạm vào hoàng bào thì từ sau ghế rồng một dải lụa hồng cuộn tới đẩy lưỡi lê và họng súng sang bên. Một dải lụa khác trong tích tắc đã cuốn vào chân trụ thằng lính Tây giật hắn ngã ngửa. Đức vua đứng vụt dậy, mặt rồng dữ tợn, râu rồng vểnh lên ngạo nghễ, bóng rồng lừng lững che ngợp cả Thái Bình lâu. Bọn lính Tây nhốn nháo lủi nhanh ra cửa. Viên khâm sứ vừa lùi vừa run rẩy nâng súng lên. Con rắn sắt khạc lửa. Chiếc diều tre hình rồng loạng choạng sà xuống rớt sấp mặt trên nền gạch trong tiếng rú đau đớn của hai người cung nữ.
Định giật mình thức giấc, vội vàng lay tôi dậy kể về giấc mơ. Kể xong vén áo bắt nhìn vào khoảng tối của lưng để thấy “vuốt rồng đang quắp vào da thịt”. Tôi chẳng thấy gì, cũng không dám nói không thấy. Tôi xoa lên khoảng lưng trần của Định để nghe Định kể tiếp về những nỗi đau mình mang.
“Lưng em chằng chịt dọc ngang những vết sẹo vì bị đức vua cào cấu bao nhiêu lần không nhớ hết. Vết sẹo chưa kịp lên da non đã phải rách tươm há miệng vì những nhát cào khác. Những vết thương đau rưng rức, nhói tận tim, long tận óc vào những đêm khuya lạnh khiến em nhiều lần mất ngủ, nước mắt ướt đẫm gối. Đức vua không hề điên chị ạ. Em tin chắc thế. Làm sao một người nhanh nhẹn, trẻ trung, hoạt bát và thông thái như đức vua có thể điên được chứ. Người đang toàn tâm toàn ý cho con dân một nước Đại Nam hùng mạnh không còn phải chịu kiếp tôi đòi hèn đớn trước giặc Tây. Đức vua chỉ giả ngây giả dại để tránh tai mắt kẻ thù đấy thôi. Những lần như thế, phi tần cung nữ phải chịu đau đớn thay người. Lạ thay, ai cũng nhận điều đó như một thứ ân huệ từ trời với một niềm kiêu hãnh lớn lao”.
Kiêu hãnh? Tôi chợt rùng mình run rẩy. Hình như có tiếng chân của đức vua ngoài thềm gạch. Nhớ lại hồi chiều Vĩnh San và Vĩnh Giác con bà Huyền phi đang giành nhau một con diều tre hình rồng. San giằng được con diều tre đang tí tởn chạy về phía mẹ như để khoe chiến tích với Định. San hồn nhiên và trẻ nít làm sao. Khi quan khâm sứ vào cung điểm danh các hoàng tử con đức vua Thành Thái vừa bị chúng giam lỏng ở Vũng Tàu vì có những âm mưu chống Tây thì San đang chui vào gầm giường tìm bắt dế. Vẻ ngoài lem luốc nhếch nhác, khuôn mặt hiền lành khờ khạo của San ngay lập tức lọt vào mắt xanh của ngài khâm sứ. San đã được chọn làm người kế vị ngai vàng của nước Đại Nam. Ngày mai, Định sẽ không còn là một Cửu giai thấp hèn trong tam cung lục viện gặp ai cũng phải cúi thấp đầu, chắp tay làm lễ. Ngày mai, Định của tôi sẽ là một Hoàng sanh ngạo nghễ quyền uy.
4.
Thuận theo ý Trời, Trẫm công bố chiếu chỉ phục quốc...
Khi đó, ở kinh thành Định run run mở lá thư vừa gởi về từ làng Hà Trung. Đó là thư đức vua Duy Tân gửi hai bà Hoàng sanh và các thượng thư. Nét chữ rắn rỏi, lời lẽ mạnh mẽ cương quyết, hoàng thượng báo rằng người đã xuất cung đi lo quốc sự và sẽ trở về khi đã hoàn thành “sứ mệnh của thượng đế”.
Tôi thấy vai Định khẽ run lên nhưng mắt Định như đang lấp lánh những tia nắng ban mai. Bỗng dưng những lo lắng mơ hồ, những khó chịu mệt mỏi trong tôi tan biến đi lúc nào không biết. Hoàng thượng đã không hổ thẹn với vua cha và người đã không phụ lòng mong mỏi của trăm họ. Người từng khẳng khái rằng tay ta bẩn phải rửa bằng nước, vậy khi nước bẩn phải rửa bằng gì, ngoài máu? Còn nhớ hôm viên khâm sứ Mahé ngạo ngược đến lấy tượng phật bằng vàng được đúc từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu ở tháp Phước Duyên chùa Linh Mụ, hoàng thượng đã giận dữ và phản ứng quyết liệt như thế nào. Người đòi tòa khâm sứ phải trả lại tượng vàng, nhưng Mahé làm ngơ, hắn còn ngang ngược cho đào bới tìm kiếm vàng ở Khiêm lăng. Thế là hoàng thượng cho đóng cửa hoàng thành và dọa tuyệt giao với tòa khâm sứ khiến quan toàn quyền Đông Dương phải đích thân vào Huế làm cuộc giảng hòa. Người còn đề nghị xem lại và sửa đổi một số điều khoản bất lợi cho Đại Nam trong các hiệp ước đã kí với Tây trước đó. Than ôi, nước đã đến hồi mạt vận, các đại thần không ai dám kí vào bản kiến nghị vì sợ phật lòng quan Tây khiến hoàng thượng buồn bực cả tháng.
Rồi từ dạo đó người thường xuất cung vi hành cùng Suất đội Nguyễn Siêu, Tam đẳng thị vệ Tôn Thất Đề. Lần nào đi chơi về tôi cũng thấy mặt hoàng thượng ngời sáng như đã gặp được tri âm. Tôi biết hoàng thượng đang thực hiện một điều bí mật. Và cái điều bí mật ấy bị vén lên vào mùa hạ, tháng Tư, năm Bính Thìn khi cả nước bàng hoàng đau đớn nghe tin cuộc khởi nghĩa Duy Tân bị dìm chết trong trứng nước. Vua Duy Tân cùng vua cha là Thành Thái bị đày biệt xứ. Định cùng con gái là Mệ Cưởi mới mười hai tuổi và con dâu Mai Thị Vàng xuống thuyền đi theo hai vua đến xứ người. Đêm ấy, làng Kim Châu chết lặng, con sông Trường Thi cuồn cuộn máu phù sa.
5.
Định đứng tần ngần giữa một vùng đất hoang bên bờ sông Trường Thi. Nơi này từng nhộn nhịp và sôi động nhất làng Hòa Cư. Cả năm từ xuân hạ đến thu đông, cả ngày từ sáng đến tối, lúc nào cũng phì phò tiếng bễ thổi lửa và rộn ràng tiếng búa quai vào đe. Chỗ đó anh Ba Búa hay ngồi, bên trái là bể nước trui, xích lên tí là bể than. Lần nào ghé nhà anh chơi, tôi và Định cũng mon men ra chỗ lò rèn giành thổi lửa, thích thú nhìn những tàn lửa rào rào bay lên và những thanh thép cháy đỏ rồi mềm đi trong lửa than đang hừng. Nhiều lần anh nhờ hai chị em tôi ngồi tra cái khâu rựa hay làm một số công đoạn nguội như dũa cái mép rựa, bào láng cái cán câu liêm, thỉnh thoảng còn giao “mẻ” lại mấy cái cuốc nhỏ và “o” lại một cái rựa cùn như thể chúng tôi là thành viên trong nhà anh vậy.
Nghề rèn không ruộng không trâu
Làm ăn no ấm nhờ đầu ông đe
Sáng ra phụt phụt sè sè
Vợ thổi chồng đập họ nghe rầm rầm
Không biết những lúc đó Định có nghe tiếng đập rầm rầm như tôi nghe không?
Còn kia nữa, cây ổi già xơ xác ven sông. Nó là giống ổi sẻ, rất sai, trái nhỏ và giòn với vị chua chua lúc vừa già, ngọt dịu lúc chín. Anh hay hái những trái ngon cho chúng tôi ăn. Thật thú vị khi ngồi dưới gốc ổi vừa ăn vừa nhìn những con sóng đòng đưa từng bông nắng hồn nhiên về phía bờ bên kia. Khi một con le le vừa dáo dác vụt ra từ đám lau sậy rồi hớt hải chạy dọc bờ sông, tôi nghe gió thở dài.
Giờ này anh ở đâu, Búa ơi!
Cảnh đó mà người xưa biền biệt cá nước chim trời.
6.
Con chim sắt lao vào sườn núi
Rồng lửa bay lên che rợp một góc trời
Hoàng hôn đỏ như máu
Chiến tranh thế giới đang hồi ác liệt. Vua Duy Tân tham gia vào quân đội đồng minh chống phát xít Đức. Cả kinh thành nghe tin đều ngỡ ngàng. Định ngồi lặng trong cung, không biết buồn hay vui chỉ thấy nước mắt lăn dài trên má. Từ hôm đó Định như người ở một thế giới khác. Những cột gỗ chạm rồng, những đồ đạc khảm ngọc chạm vàng, những mặt người xênh xao mũ cao áo rộng bỗng trở nên lạ lẫm với em. Định mất ngủ từ đó. Đêm nào Định cũng mơ thấy hoàng thượng cỡi con chim sắt lao vào sườn núi, máu rồng phụt đỏ hoàng bào. Giấc mơ ám ảnh Định như một lời tiên tri đau đớn. Đêm nào tôi cũng ôm Định vào lòng hát ru cho em ngủ. Dường như chỉ những câu dân ca xứ Nẫu mờ xa, những câu hò mênh mang sóng nước Trường Thi mới làm dịu đi những bi thương trong lòng Định. Vì lẽ đó tôi đưa Định về quê.
Món quà của Định dành cho quê hương là ba bức hoành sơn son thiếp vàng, một để ở từ đường, một bức tặng cho đình Kim Châu và bức còn lại tặng cho làng An Ngãi quê ngoại. Định vui lắm, mặt lúc nào cũng tươi cười. Nhưng niềm vui chẳng kéo lâu, mươi ngày Định ở quê bỗng có tin không vui từ kinh thành. Định bần thần cả ngày. Hôm sau, Định đi đâu từ tinh mơ đến tối mịt mới về, người phờ phạc mệt mỏi, mặt ủ ê sầu thảm như con sông quê những ngày mưa dầm. Định ném chiếc nón lá xuống chân, giọng nghèn nghẹn.
- Nói mãi mà không ai chịu mua…
- Mua gì cơ?
Tôi ngơ ngác hỏi. Bà chị dâu đã đứng bên tôi tự lúc nào, thở dài cái thượt.
- Đã nói với cô Ba rồi, thời buổi đang khó khăn, bọn Tây lại đang đánh đủ loại thuế nên ít ai dám bỏ tiền ra mua đất mua ruộng. Thôi để mai tui bảo thằng cháu đưa sang gạ lão chánh tổng xem sao. Dù gì ruộng hương hỏa của nhà mình cũng dễ bán…
Tôi nhìn Định chằm chằm không tin vào tai mình nữa. Sao lại bán ruộng hương hỏa của ông bà? Để làm gì Định ơi? Chẳng phải Định mong muốn ở mãi quê hương cho đến lúc vùi thây vào đất mẹ hay sao?
Và Định phải về lại Huế ngay, trước ngày đi đòi tôi đưa ra sông tắm. Lò dò mãi chúng tôi mới ra được bờ sông nhấp nhô từng vạt cỏ khô. Định cởi áo. Cặp vú chảy xệ. Tôi quay mặt đi, mắt nhòe cay, môi mặn chát. Định ơi, giấc mơ rồng có còn tươi rói trong lòng thanh xuân của em hay đã ê chề trong những tàn phai rệu rã của thời gian mất rồi?
* * *
Năm 1959 Định về quê, lần này không có đón rước cờ xí gì nữa. Định đích thân bán ruộng của cha để xây từ đường. Định đi tìm tôi. Nhưng tôi nào có ở Bình Định. Sau ngày Định đi, tôi đi tìm Định, tôi đi tìm Ba Búa. Tôi đến kinh thành Huế nhưng người ta nói chẳng biết Định là ai.
- Định của tôi là vợ vua Thành Thái, mẹ vua Duy Tân đấy.
Tôi nói thế nhưng chẳng ai đáp lời. Tôi đâm không tin những gì mình nói nữa. Liệu Định có phải là Bà Hoàng sanh mẫu, tên là Nguyễn Thị Định, sinh năm 1880, ở xóm Kim Nam, thôn Kim Châu, tổng Nhơn Nghĩa Hạ, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định... như trong Đại Nam liệt truyện đã ghi không. Hay Định là người đàn bà tôi đã gặp ở An Lăng trong một ngày hè nhức nhối tiếng ve. Người đàn bà ấy lầm lũi quét rác trên sân An Lăng. Rác nhiều vô kể. Tôi sán lại quét cùng. Từng nhát chổi xao xác rã rời. Bóng tôi và người đàn bà nhòa thành một. Tôi quét vào bóng mình một nhát chổi thật mạnh, cố kìm tiếng thở dài. Nước mắt tôi rớt xuống, bốc hơi trên mặt sân.
Nhìn sâu vào trong lăng, bóng rồng nghiêng ngả…
T.L.V
(*) Truyện ngắn đăng trên Văn nghệ An Nhơn số 17.2020
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét