Đào Văn Đạt (Bình Dương)
Vào hè trời như xanh hơn, những áng mây ngoan hiền nằm từng cụm trắng như bông trên nền trời xanh ngắt. Cảnh vật thật lung linh dưới ánh nắng vàng trải khắp không gian… Vậy mà nhìn vào lịch trình di chuyển dày đặc của một bệnh nhân F0, bầu trời xinh đẹp của mùa hè trở nên sụp đổ trước mắt tôi. Tôi thầm trách: “Đi gì mà khiếp vậy? Từ nước ngoài về, dạo một vòng gần như khắp đất nước, đem căn bệnh chết người này đi dọc Việt Nam chắc! Người gì mà vô tâm đến thế không biết?”. Giận thì nói vậy, nhưng nghĩ lại trước khi vào Việt Nam người ta cũng đã cách ly đủ ngày quy định, xét nghiệm âm tính rồi mới cho nhập cảnh. Nhưng tại căn bệnh quái ác này như một phù thủy biến chứng khôn lường nên đố ai tránh khỏi. Đi đến đâu bệnh nhân này đã vô tình lây cho hàng loạt F1, rồi từ F1 lây cho F2, rồi từ F2 lây cho Fn… Báo hại tôi phải lên đường thi hành công vụ.
Theo chân ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, tôi khoác ba lô lên vai cùng với các bạn tình nguyện viên nhanh chóng đến địa điểm cách ly tập trung. Má tôi vội lấy xấp khẩu trang đưa cho tôi, và không quên nhắc một câu mà ai cũng phải nhớ trước khi ra ngoài:
- Đeo khẩu trang vào con ơi!
Má tôi là vậy, những đứa con ra khỏi nhà bao giờ má cũng lo từng chi tiết. Ngày anh tôi vào bộ đội, mặc dù người ta đã lo đầy đủ cho một tân binh, nhưng trước khi đi má tôi vẫn dúi chai dầu gió vào túi áo cho anh. Chai dầu gió theo anh tôi đến tận địa điểm đóng quân. Trong một lần lăn lộn tập trận, chai dầu văng ra, hình ảnh má tôi ẩn hiện bên hàng rào nơi thao trường như nhắc nhở anh tôi chân cứng đá mềm… Giờ đến lượt tôi đi trực khu cách ly, cái khẩu trang của má tôi luôn đeo trên mặt, cảm giác má như một lá chắn vững chắc ngăn mọi nguy hiểm cho từng đứa con của mình.
Đêm trong khu cách ly thật yên lặng. Một sự yên lạnh đến rợn người. Ánh đèn trong các căn phòng trên tầng hai rọi xuống lán trại của chúng tôi một màu vàng nhợt nhạt. Cảm giác như có ngàn con virut chết người đang lãng vãng đâu đây. Không ai nói với ai câu nào, chúng tôi làm nhiệm vụ thì dù có khó khăn nguy hiểm đến đâu cũng phải hết lòng phục vụ bệnh nhân. Mỗi người trong chúng tôi giăng chiếc võng cách nhau hai mét. Trực khu cách ly mà lúc nào tôi cũng cảnh giác nhìn xung quanh, cứ ngỡ trực luôn cả bầu không khí mà mình đang hô hấp. Kiểm soát đến từng nhịp thở của mình qua lớp khẩu trang. Nhìn qua nhìn lại, rồi nhìn lại chính mình, có khi nào ta trở thành Fn… chăng? Chiếc điện thoại của ai đó vang lên một bản nhạc buồn man mác, làm tôi nhớ đến em. Không biết giờ này em đang ở nơi đâu. Từ khi em theo mẹ về quê tôi mất liên lạc với em, ở một nơi nào đó em có được mạnh khỏe không? Công việc buôn gánh bán bưng của em liệu có được bình yên trong giai đoạn giãn cách này không? Chứng kiến bao nhiêu bệnh nhân phải bỏ công việc xa gia đình vì căn bệnh quái ác này, làm tôi nhớ em đến cồn cào.
Trong chúng tôi mỗi người phụ trách một việc. Tôi được phân công trực vòng ngoài, nhiệm vụ là chia đồ ăn và nhu yếu phẩm cho các bạn ở vòng trong mang đến từng phòng trong khu cách ly. Thỉnh thoảng người nhà bệnh nhân cũng gửi quà đến. Ai đến khu này cũng cảnh giác đứng từ ngoài xa, chỉ có chúng tôi là những người biết nguy hiểm nhưng vẫn kiên cường chóng chọi với con vi rút này, để mọi người trong khu cách ly yên tâm và cảm thấy ấm lòng, vẫn còn chút gì đó gọi là tình người trong cơn hoạn nạn. Người thân của bệnh nhân họ sợ con Virut, hay nói đúng hơn họ dè chừng với chình người thân của mình. Con vi-rut Covid này đã âm thầm chia rẽ người thân một cách êm đềm mà không một lời trách móc…
Hàng ngày tôi nhận rất nhiều quà của người thân và các nhà hảo tâm gửi đến cho bệnh nhân. Phòng nào cũng có nhu yếu phẩm của người thân gửi đến đầy đủ. Duy chỉ có phòng số 15 là không thấy quà của người thân. Thỉnh thoảng phòng số 15 chỉ nhận được vài món đồ lặt vặt của ai đó gửi vào rồi thôi. Một tuần trôi qua phòng số 15 vẫn lặng lẽ và êm đềm. Nhất là vào ban đêm, phòng số 15 càng vắng vẻ hơn. Trong ánh đèn vàng hắt ra từ tấm màn che cửa, lờ mờ bóng một người con gái xõa tóc ẩn hiện càng làm tăng thêm vẻ cô độc của căn phòng. Từ phía dưới lán trại của chúng tôi nhìn lên, phòng số 15 trơ trọi, chơi vơi một cách đáng thương. Nghe loáng thoáng bệnh nhân phòng số 15 là nữ, người tiếp xúc trực tiếp và gần nhất với bệnh nhân F0. Vào đến khu này rồi thì ai cũng như ai, F1 là F1. Lẽ nào cũng phân biệt người tiếp xúc gần, người tiếp xúc xa ư?… Ôi sao mà bất công cho phòng số 15 quá!
Qua đến tuần thứ hai, tôi nhìn lên phòng số 15 cửa vẫn mở mà vắng lặng như chưa từng có một bệnh nhân nào đang ở bên trong. Tò mò, tôi định chờ đội ngũ y bác sĩ đến lấy mẫu xét nghiệm sẽ hỏi bệnh nhân ấy tên gì và địa chỉ ở đâu? Thậm chí có thể xin số điện thoại. Nhưng nhìn vẻ vội vã đầy áp lực công việc của các y bác sĩ nên tôi không tiện hỏi. Đến ngày thứ ba, tôi quyết định kéo tay một y tá đang vội vã đi lên tầng trên lại hỏi. Cô ta trả lời rất nhanh: “Bệnh nhân này tên Nguyễn Ngọc Hân, có triệu chứng ho, người tiếp xúc rất gần với bệnh nhân F0. Chúng tôi đã lấy mẫu lần 2 chờ kết quả!”. Nói dứt lời, cô y tá vội vã mang đồ nghề bước lên cầu thang, cô đi nhanh đến mức tôi không kịp hỏi số điện thoại của bệnh nhân phòng số 15.
Từ sáng đến chiều hôm ấy, cái tên Nguyễn Ngọc Hân cứ ám ảnh tôi. Chắc có lẽ tên trùng tên. Mặc dù vậy, nhưng từ lúc biết tên bệnh nhân phòng số 15, ngày nào tôi cũng nhìn lên phòng bằng một ánh mắt rất khác, một ánh mắt đầy thương cảm, hệt như bệnh nhân nữ kia là người thân nhất của tôi. Những gì quan tâm ưu ái tôi đều dành hết cho phòng số 15. Quà của má tôi gửi lên, lần nào tôi cũng dành một nửa cho em. Khi thì mấy trái cam, hộp cơm, vài gói mì, khi thì chai dầu gội đầu, mặc dù là dầu gội dành cho nam giới nhưng tôi biết đối với một bệnh nhân cô độc, không người thân như thế này thì vẫn tốt hơn.
Chỉ còn một ngày nữa là biết kết quả lần xét nghiệm thứ hai. Tôi tình cờ được nghe mấy bạn gác vòng trong nói về lý lịch của bệnh nhân phòng số 15. “Cô ta là con của một Việt kiều cùng mẹ về nước thăm người thân, và đã được cách ly đủ ngày quy định. Sau khi ra khỏi khu cách ly tập trung dành cho người nhập cảnh, cô và mẹ đi rất nhiều nơi để tìm một người thân, nghe đâu người đó tên là Tú đang sinh sống trong tỉnh này. Hai mẹ con tìm hoài mà không gặp, sau đó họ về lại khách sạn. Rồi bỗng nhiên mẹ cô bị sốt và đi xét nghiệm dương tính với Covid-19. Tức khắc mẹ cô được đưa vào bệnh viện để điều trị. Thế là dĩ nhiên cô trở thành F1, mà là một bệnh nhân F1 rất đặc biệt. Trước khi đưa đến khu cách ly này cô đã được xét nghiệm âm tính lần một, chờ lấy mẫu xét nghiệm lần hai…”.
Nói về bệnh nhân phòng số 15 chỉ vài dòng như vậy thôi. Nhưng không hiểu sao tôi có cảm giác người đó chính là em, Hân của tôi ngày nào. Ngày em xa tôi để về quê đến nay cũng đã hơn tám năm rồi hai đứa không gặp nhau. Lẽ nào khi rời xa tôi, vì một hoàn cảnh nào đó mà em cùng mẹ mình xuất cảnh, rồi sau khi ổn định công việc nơi nước ngoài em mới về Việt Nam tìm tôi. Bởi lẽ, nghe nói người em tìm tên là Tú trùng với tên của tôi. Nghĩ đến đây đôi chân tôi muốn chạy thẳng lên phòng số 15 xem tận mặt người con gái ấy. Nhưng theo quy định của ban phòng chống Covid-19 người gác vòng ngoài không được tự tiện vào vòng trong. Hơn thế nữa bệnh nhân phòng số 15 rất đặc biệt nên mọi thứ đều phải ngăn cách. Chỉ có những y bác sĩ mới được vào lấy mẫu mà thôi.
Một buổi sáng, các y bác sĩ đến. Tôi nóng lòng muốn biết kết quả xét nghiệm của bệnh nhân phòng số 15 như thế nào. Nhìn những bước chân vội vã của y bác sĩ bước lên cầu thang, tôi có cảm giác điều gì đó không lành đến với em. Và điều tôi linh cảm cũng đã đến. Bệnh nhân phòng số 15 dương tính với SARS-CoV 2. Một chiếc xe chuyên ngành được sát khuẩn cẩn thận đang đậu ngoài cổng chờ. Từ trên tầng hai phòng số 15, một bệnh nhân nữ nhanh chóng được dẫn xuống. Khi đi ngang qua chỗ gác, tôi cố nhón người nhìn rõ mặt bệnh nhân. Tuy đã được trang bị đồ bảo hộ bịt kín nhưng đôi mắt kia không lẫn vào ai được, đôi mắt mà một thời đã làm trái tim tôi xao xuyến. Trời đất như sụp đổ dưới chân tôi khi nhận ra người ấy là Hân. Sau bao nhiêu năm xa cách nay gặp lại em trong một tình huống éo le như thế này, tôi không thể nào kiềm được cảm xúc. Tôi gọi to:
- Hân ơi! Anh là Tú của em đây!
Em quay lại nhìn tôi với đôi mắt ngạc nhiên và đầy cảm xúc. Em muốn nói điều gì đó với tôi, nhưng vì sự an toàn em đành cúi đầu bước đi theo đội ngũ y bác sĩ. Bất giác đôi chân tôi muốn chạy theo bất chấp nguy hiểm. Nhưng một cánh tay của đồng nghiệp đưa ra ngăn tôi lại. Tôi ngồi sụp xuống ghế, ném ra một tiếng thở dài đầy bất lực. Hơn bao giờ hết lúc này tôi yêu Hân hơn cả bản thân mình. Xưa vì hoàn cảnh tôi và em phải xa nhau, nay gặp được nhau rồi mà vì căn bệnh chết người này hai chúng tôi một lần nữa phải cách xa. Càng yêu Hân tôi càng căm giận trời đất, gieo chi bệnh nan y để hại người và ngăn cách hai chúng tôi.
Chiếc xe sát khuẩn lạnh lùng đóng cửa lại rồi lăn bánh một cách vội vã. Xe mang tình yêu tôi đi đến một nơi nào đó tôi cũng không biết. Chỉ biết giờ đây tôi ở lại một mình với tâm trạng xót xa, trống rỗng đến nhói lòng… Đâu đó trong tiềm thức tôi vang lên lời cầu nguyện mong em mau lành bệnh.
Không gian khu cách ly trở lại sự yên lặng vốn có của nó. Duy chỉ có phòng số 15 là gió vẫn thổi đều đều luồng qua khung cửa sổ, làm cho những tấm rèm cứ phất phơ, lay động vang lên một thứ âm thanh khắc khoải từng chặp. Nghe như trong gió lời nhắn nhủ của Hân dành riêng cho tôi. Rằng “Anh Tú ơi, ta hãy chờ nhau vào một ngày mai tươi sáng anh nhé!”
Phía dưới lán trại, các bạn tình nguyện viện vẫn ngày đêm kiên cường chiến đấu và phục vụ bệnh nhân. Trong tâm trí mọi người ai cũng mong và hy vọng sẽ có một ngày đẩy lùi được căn bệnh quái ác này.
Đ.V.Đ
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét