Hồ Chí Bửu - nhà thơ tình lãng tử - cái tên không còn xa lạ với những người yêu thơ trong nước và hải ngoại. Tôi đọc thơ anh từ những năm đầu của thế kỷ XXI và thích anh “Xuất chiêu đầu năm” với những câu thơ tự hỏi nhưng đã có câu trả lời thế này: “… Chẳng lẽ ta, Điền Bá Quang gác kiếm/ Cứ lên chùa để mê một ni cô/ Chẳng lẽ ta cứ xưa hoài như diễm/ chẳng lẽ ta vẫn còn máu giang hồ…”. Nhân vật Điền Bá Quang trong “Tiếu ngạo giang hồ” đi vào thơ Hồ Chí Bửu lúc hoàn lương. Phải chăng thi sĩ từ lâu đã thích nhân vật này hay chỉ thích cái chất giang hồ lãng tử trong con người Điền Bá Quang?! Tôi chọn bài thơ ấy vào “Tuyển thơ Văn Thơ Việt” tập 3 với “Tình nhân” cũng không kém phần hấp dẫn khi anh thú thực: “Em là chỗ sau cùng cho ta dựa/ cho ta hết còn đi tìm lá diêu bông”… Và bây giờ, sau chín năm tôi đã đọc rất nhiều bài thơ anh đăng trên trang facebook cá nhân, trong những ngày giãn cách xã hội vì Covid-19, tôi lại nhận được tập thơ thứ 19 của anh xuất bản, đó là “Thơ tình Hồ Chí Bửu 9”.
Hơn 50 năm cầm bút Hồ Chí Bửu đã tạo cho mình một lối diễn đạt riêng. Anh tuân thủ lối thơ truyền thống, viết tự nhiên như dòng sông đời anh chảy giữa vô thường. Ngôn ngữ cũng khác với các nhà thơ khác, nói những điều đẫm chất lãng tử kiểu giang hồ khí khái Nam Bộ. Hãy nghe anh viết về “Nàng”:
Nàng không ghen nhưng mà nàng không thích
Khi thấy ai comment có cánh thơ ta
Rồi anh tự lý giải cho nàng: “Không phải ghen mà chỉ là khó chịu/ ai có ghé qua phải nể mặt nàng” bởi vì “không là thánh-ta phàm phu tục tử” nên thấu lẽ sống của cuộc đời: “Đời cõi tạm hãy trải lòng ngộ hạnh/ trăm năm buồn như một giấc ngủ sâu/ chẳng có cơn mưa nào mà không tạnh/ có mùa đông nào mà chẳng lạnh đâu”…
Thơ tình Hồ Chí Bửu rất phong phú, đa dạng. Thơ tình về quê hương, về cha, mẹ, về những người bạn cùng áo lính ngày xưa gặp lại, thơ tình về cuộc đời, về thơ, về thân phận con người về thế sự, về một người em trai đã đi xa… Nhưng đặc sắc nhất, chiếm nhiều bài thơ nhất vẫn là thơ hướng về một người, đúng hơn là nàng, một hình bóng giai nhân khắc sâu tâm khảm hoặc thoáng qua trong ký ức thi sĩ, bàng bạc, sâu lắng, có khi là đi rồi quay lại; có khi quay lại rồi ra đi để lại quặn thắt, hành hạ anh viết lên những câu thơ ray rứt “nàng” từ trái tim lãng tử đa tình…
Trước hết là quê hương, ta nghe “Vọng quê” của Hồ Chí Bửu có một cái gì đó thật xa xót! “Thời binh biến ta bỏ quê về phố/ mang trong lòng bao kỷ niệm dấu yêu”. Chiến tranh khiến bao tang thương xảy ra; gia đình ly tán, người rồi phố về quê; người rời quê lên phố. Cuộc sống mưu sinh có gian khổ cũng chỉ mong cầu được bình an. Rồi tha hương chưa về thăm lại khiến lòng tác giả dằn vặt, nhớ thương: “Kiếp lưu vong là nỗi nhớ đoạn trường/ miền quê cũ chỉ còn trong ký ức”… Cho dù không về quê được nhưng người đọc cũng nhìn thấy ở anh một tình yêu quê hương da diết sâu nặng. Đó là tình cảm tất yếu của con người nhưng với anh được bộc lộ rõ hơn qua những câu thơ thật cháy lòng: “Mai ta sẽ về thăm quê lần cuối” hoặc “xứ người chùa vẫn chuông ngân/ vẫn ngồi gom lại những vầng trăng rơi/ gom luôn cả mảnh trăng đời/ gửi về quê cũ những vời vợi xa” (Xót xa mà chi).
Các nhà thơ viết về mẹ thường nhiều hơn viết về cha. Ở tập thơ này, tôi bắt gặp hình ảnh người cha “nghệ sĩ hào hoa” “đa tình” “trách nhiệm” có sức ảnh hưởng lớn với tác giả đó là tư tưởng Tây Âu, đó là tinh thần trách nhiệm, và tinh thần lạc quan cho dù khi “nằm xuống rồi nụ cười vẫn nở trên môi…”.
Và tôi thực sự xúc động khi đọc bài thơ “Tiễn Hồ Chí Thiện”, bởi Hồ Chí Bửu đã nhận ra, tất cả rồi cũng phủi sạch , rồi cũng rời cuộc chơi trong cõi tạm này:
Vòng đời chỉ thế mà thôi
Vòng đời có lúc đầy vơi phận người
Thì thôi từ bỏ cuộc chơi
Công hầu phủi sạch nợ đời trầm luân
Để viết được những câu thơ thấm ngộ lẽ đời như thế, ngoài từng trải, còn có sự trải nghiệm hoặc hóa thân vào các nhân vật trữ tình trong thơ mình để suy nghiệm, và sau cùng thì tác giả trở về với thơ tình yêu lứa đôi, với người mình yêu thương, dành nhiều thời gian để viết về họ.
Người phụ nữ trong thơ Hồ Chí Bửu có sức hút hồn thơ anh mãnh liệt. Ngay cả khi trong lòng kiếm khách “bẻ gươm quy ẩn” thì người phụ nữ ấy (Em) như bão dông cuồng nộ/ cuốn ta bay xa tít tận phương trời…” để rồi “ta lọt xuống mê cung”… Chính vì hiểu được quy luật của lực hút trái đất như lực hút của người phụ nữ với anh cộng với lòng tin duyên số kiếp trước là định mệnh an bài, nên nhà thơ:
… hướng về người vì có một sức hút đặc biệt
Cũng có thể hiểu là duyên số tiền căn
Định mệnh là điều không thể chối cãi
Cùng tần số thì cứ thế mà bay…
(Quy luật)
Chính vì yêu say đắm da diết mà thơ Hồ Chí Bửu cứ thăng hoa, đôi khi đang thăng hoa yêu thương một người phụ nữ thì anh cảm thấy nhiều lúc mình bất lực. Bất lực về ngôn ngữ? Bất lực về tuổi tác hay bất lực về phong độ của người đàn ông đuối dần theo năm tháng. Hay tất cả những lý do nói trên?! Thực ra trong cái gọi là cõi vô thường này, có gì là vĩnh cửu. Ngay cả trái đất có tuổi thọ cũng chừng mấy tỷ năm tính trên đầu ngón tay?! Đời người hữu hạn mấy chục năm thì tình yêu thân xác cũng rời ta mà đi, chỉ còn tình yêu tinh thần là ở lại. Vậy những lời em hứa với anh cũng chỉ như là “Lời hứa gió bay” mà thôi, có gì mà anh trăn trở hay anh trăn trở trước mất mát một người:
Em hứa theo ta trọn một đời
Mà thôi… lời hứa để vui chơi
Nghe chừng có tiếng cười trong gió
Ngạo nghễ - hay là tiếng lá rơi!?
(Trang 68)
Đôi khi thời sự đi vào thơ Hồ Chí Bửu nhẹ nhàng viết như nói chuyện bằng thơ. “Ta phương này buồn lấy chữ làm thơ/ nhiều tâm sự sau nhiều lần gãy cánh/ thời covid mọi người đều xa lánh/ thu mình vào góc nhỏ của an nguy” (Vùng cách ly). Thế nhưng viết như nói mà biểu đạt thành thơ, mà lay động lòng người không phải dễ. Tôi thích cái lối diễn đạt dự đoán về thơ mình sẽ đi đến đâu trong thời buổi này của anh:
Thơ ta còn nằm trên đỉnh tình si
Chưa biết thơ dương tính hay là âm tính
Nhưng nó chứa cả nghìn điều câm nín
Của kiếp này và cả kiếp lai sinh…(Trang 24)
Thơ tình của Hồ Chí Bửu còn có cả tính triết lý sâu sắc. Ngay cả khi anh viết về thơ và sự cô đơn, tính triết lý ẩn trong câu chữ rất rõ: “Bản chất của thơ là đơn độc lẻ loi”, “biến tấu của thơ là hủy diệt”, hay “làm thơ là đi tìm sự bất hạnh/ bởi thơ là không mà không cũng là thơ” (Thơ và nỗi cô đơn). Triết lý: không-có-có-không mà nhà thơ biếu đạt xuất phát từ kinh nghiệm từ sự trải đời, trải lòng mình với thơ, với cuộc đời này mà có….
Đọc 56 bài thơ trong “Thơ tình Hồ Chí Bửu” tập 9, ta thấy phần lớn anh viết theo thể thơ 8 chữ, một số bài thể thơ tự do, thể lục bát… nhưng có lẽ tôi thích thơ 8 chữ của anh nhiều hơn. Nó định hình phong cách Hồ Chí Bửu rất rõ. Khẩu khí thơ, chất “ngạo nghễ” như một kiếm khách, nét kiêu bạc hào hoa nhưng phóng túng về ngôn ngữ của một “gã lãng tử đa tình Nam bộ” làm cho thơ anh khác biệt với thơ của những nhà thơ khác. Người đọc có thể dễ dàng nhận ra đó là thơ Hồ Chí Bửu. Cái mà anh gửi gắm đến độc giả yêu thơ anh là thông điệp về sự yêu thương, đắm đuối không dễ gì từ bỏ tình yêu ngay cả khi “quy ẩn”. Ngay cả nhà thơ Xuân Diệu cũng đã viết: “ Trong hơi thở chót dâng trời đất/ cũng vẫn si tình đến ngất ngư” thì Hồ Chí Bửu cũng khẳng định khi “Xuống núi”:
Em thấy không - mình tự sinh tự diệt
Khói phù vân không tắt tiếng đại hùng
Ta cởi bỏ áo sồng không luyến tiếc
Lỡ yêu rồi thì yêu đến lâm chung! (Xuống núi)
Vì những câu thơ như thế nên tôi tin Hồ Chí Bửu vẫn còn chưa từ bỏ món nợ ân tình với cuộc đời, với quê hương và đặc biệt là với người phụ nữ mà anh yêu quý trong cuộc đời này. Và chính vì thế nên thơ tình của anh vẫn sẽ tiếp tục ra mắt bạn đọc, được nhiều độc giả yêu thích hơn. Chúc mừng sự thành công của anh với 19 tập thơ đều là thơ tình chứ không hẳn chỉ là “Thơ tình Hồ Chí Bửu 9”!
Bình Định, 2/7/2021
L.B.D
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét