K. vùng chạy.
Trời tối sẫm. Trên bầu trời mọc duy nhất một ngôi sao ban nảy còn hướng Nam, vậy mà bây giờ K. thấy nó lệch về phương Bắc, không biết là ngôi sao đang trôi hay do K. xác định nhầm phương hướng. K. lọt thỏm giữa đêm tối mênh mông. Mây mờ che phủ ánh trăng tròn, bóng tối thống lĩnh cả không gian huyền ảo.
K. không nhớ mình đã ngồi trên xe đò bao nhiêu lâu, cũng không nhớ rõ chiếc xe đã dừng lại bao nhiêu lần trên hành trình dài. Hành khách xuống xe, ngồi lô nhô bên đường. Người đàn bà quay mặt vào góc tường vạch áo cho con bú. Mấy đứa trẻ khóc oa oa đòi mẹ mua cho ổ bánh mì, thanh kẹo cao su hay những thứ quà xanh đỏ của những người bán hàng rong quảy đòn gánh đi lặng lẽ dưới cái nắng nóng ran như đổ lửa. Trên xe chỉ còn lại mình K. K. ngả đầu vào ô cửa, thiêm thiếp. K. đang lơ lửng trong tiềm thức. Hoặc K. không để ý những người xung quanh đã xuống hết cả rồi. Hoặc K. biết nhưng không buồn xuống xe, cơ thể K. đau buốt chỉ cần một cái khe khẽ rung người cũng đủ khiến những vết thương nhức buốt, nước mắt K. trào ra. K. khoác chiếc áo vải rộng bên ngoài, quấn thêm chiếc khăn voan trên cổ, tóc K. thả dài rồi chia đều hai bên vai. Mấy lần bác tài xế cho xe dừng lại để tiếp thêm nhiên liệu, hành khách nghỉ ngơi, K. vẫn lim dim. Người phụ nữ ngồi kế bên với tay lay K. thức dậy, K. thơ thẩn hỏi:
- Tới đâu rồi chị?
Người khách đáp gọn:
- Cỏ Lau. Em về đâu?
K. bình thản đáp:
- Khi nào xe về bến cuối thì em xuống.
Người phụ nữ tỏ vẻ bất ngờ trước câu trả lời có phần mơ hồ của K. nhưng rồi lảng đi. Đôi lúc K. cũng bất ngờ trước quyết định của mình. Lúc K. đứng trước quầy bán vé, chị bán vé hỏi K. về đâu, sượt ngang qua đầu K. là hình ảnh cả cánh đồng cải ngồng trổ bông vàng rực rỡ bên bờ sông, ánh nắng ban mai và bóng dáng cha thấp thoáng trong sương mờ chưa tan hẳn. K. cứ ngờ ngợ nơi đó có cha dù chính K. cũng không biết đó là nơi nào, gần hay xa, đi mấy ngày mới tới. K. buột miệng bảo cô muốn về nơi có vườn cải ngồng trổ bông bên bờ sông. Chị bán vé nhìn K. trân trân, rồi cái nhìn chuyển dần sang thương hại. Chắc chị nghĩ K. khờ khạo, hoặc một tai nạn nào đó thời tuổi trẻ để lại di chứng thần kinh trong K. cũng nên. Chị chần chừ chốc lát rồi đưa K. tấm vé, điểm đến là cái tên lạ hoắc cô chưa nghe lần nào trong đời: Mù Sương – cái tên cũng mờ mịt như chuyến đi của K. và tương lai phía trước. Cô cầm tấm vé trên tay, trong đầu K. mung lung những ý nghĩ không đầu không cuối, K. ngẩn ngơ bước lên chiếc xe đò, ngồi đúng ghế số 10, cạnh cửa sổ, và yên lặng đợi chờ những gì sắp đến. Bến xe đông người, kẻ đi vội vã tìm chuyến xe của mình cho kịp giờ xuất bến, người về rộn rã nói rộn rã cười, tay bắt mặt mừng, huyên thuyên kể chuyện nhau nghe. Chỉ có K. là lặng thinh với những nỗi niềm ngổn ngang trong lòng mình. Chỉ có K. là chênh vênh như cái tên Mù Sương có mùa cải ngồng bên bờ sông ngập nắng...
*
K. vẫn thường mơ thấy cha.
Trong giấc mơ, K. thấy mình bé xíu, tóc cột đuôi gà, K. mặc bộ đồ bông vải mềm và đôi chân không mang dép. Lạ lắm, buổi chiều thanh vắng khói từ chái bếp êm ả bay lên không gian, K. đang ngồi trước hiên nhà bỗng đâu có cơn gió lạ lắm thổi ngang qua chỗ K. ngồi. Cơn gió màu ngũ sắc, vệt xanh, vệt đỏ, tím, vàng... xen lẫn nhau lấp loáng trong ánh nắng buổi chiều. Cơn gió nâng cơ thể K. lên không trung, nhẹ hẫng. Ban đầu K. hoảng hốt gọi mẹ, nhưng hình như mẹ không nghe. K. nhìn xuống cơn gió đang nâng K. bay phiêu lãng giữa đồng cỏ xanh rì, hoa dại li ti từng chùm trắng muốt. K. quá đỗi ngạc nhiên, đôi mắt cay sè. Cơn gió mang hình hài của cha. Bờ lưng, khuôn mặt, mái tóc pha sương và nụ cười hiền dịu của cha. K. mừng rỡ:
- Cha, cha về với con rồi phải không? Con nhớ cha lắm!
Cha cười, gió cắt hình thành bàn tay trìu mến của cha đang xoa đầu K. vuốt tóc K. Cha nói, giọng trong lồng lộng gió:
- Ừ, cha về với K. rồi đây.
- Cha không bỏ con, không bỏ mẹ mà đi nữa chứ?
Cha gật đầu. K. mừng rơi nước mắt. K. bay. Hồi trước K. vẫn ao ước mình biết bay, giá như có phép mầu đưa K. lượn lờ trên không trung nhìn ngắm mây trời, nhìn ngắm đồng cỏ, mùa lúa chín vàng hay những mái tranh liêu xiêu trên bờ đê lộng gió. Giá mà K. có thể bay đi đâu cũng được, nếu K. muốn. Giờ thì K. bay, bay như một loài chim. Hạnh phúc. Hơi ấm của cha tỏa ra vây bọc lấy K. Hơi ấm này bấy lâu K. không được tận hưởng, bỗng chốc ùa về khiến K. điếng người. Phải chăng K. là người hạnh phúc nhất thế gian? Ừ, nhỉ! Ai được cha yêu thương, chở che, bảo bọc; ai sống trong tình yêu thương và tấm lòng nhân hậu của cha cũng trở thành người hạnh phúc nhất thế gian. K thều thào:
- Phải chi có mẹ bay cùng cha con mình, chắc thích lắm, cha nhỉ?
- Ừ,... Cha thì thầm.
K. bỗng nhớ lại buổi chiều năm ấy, xa lắm, khi K. còn bé xíu. Cha cõng K. xuống xuồng, bảo K. ngồi im để cha lấy mái dầm bơi xuồng qua sông. K. không biết bơi. Nghe lời cha dặn, K. ngồi im, tay vịn vào be xuồng cho chắc. Nhìn thấy con bìm bịp nằm chết dưới sông, K. thương đứt ruột nhưng cũng không dám thò tay vớt con bìm bịp lên xuồng. K. bỗng nhớ lại ngày cả gia đình còn sống trong căn nhà nhỏ cạnh con mương dẫn nước vào cánh đồng, mùa lụt, có con vịt chết chìm, K. tò mò thò tay xuống nước định vớt con vịt thì không biết từ đâu, một đàn cá lìm kìm, lòng tong cứ bám lấy tay K. mà rỉa. Sợ quá, K. la lên “Cha ơi, con cá lìm kìm cắn con cha ơi!”. Mẹ K. ngồi bên cạnh, xoa đầu K. cười. Thuở ấy, gia đình K. hạnh phúc. Cha mẹ rất thương yêu nhau. Đoạn đầu cuộc đời K. bình an như ngọn cỏ trên đồng, nắng hay mưa vẫn bình yên mà tô điểm cho đời cái sắc xanh mơn mởn.
Bơi xuồng qua sông, cha cắm mái dầm xuống vũng bùn giữ cho chiếc xuồng khỏi trôi ra rồi bồng K. bước lên bờ. K. hỏi:
- Mình đi đâu vậy cha?
Cha hôn và má K., nói khẽ:
- Đi tới đâu sống được thì đi.
K. chênh vênh. Cha cũng chênh vênh. Cha cõng K. chạy vùng vụt trên bờ đê, băng qua cánh đồng, chân cha bám bùn. Bóng tối chập chờn phía trước. Trên đồng chỉ còn lại hai cha con K. Một tiếng cúm núm kêu sương buồn não nuột vọng về. Đang chạy trên đồng, bỗng dưng cha đứng sững lại. Cha đang nghĩ gì? Cha đang nghĩ về tương lai của K., nghĩ về cái bóng đêm đang dần buông trước mặt. Cha ngoái lại phía sau, cỏ vẫn tươi màu. Cha nhìn K. mắt ứa nước. K. hỏi:
- Sao cha không đi tiếp?
Cha hôn vuốt tóc K., rỉ tai:
- Cha đưa con về, có chịu không?
- Sao con về? Còn cha? Cha không về cùng con ư? K. vừa hỏi cha, vừa mếu máo.
- Con phải về, đi theo cha, tăm tối lắm.
Nói rồi cha cõng K. chạy ngược trở lại bến sông có chiếc xuồng nằm chông chênh bờ bãi. Cha đặt K. xuống, hôn gấp gáp lên má K. Nhà ở bên kia sông. Cha bảo K. gọi mẹ, gọi to để mẹ nghe thấy, mẹ sẽ băng ngang qua dòng sông này đón K. trở về nhà. Còn cha lao vào bóng đêm. Biền biệt. Cha đi, lòng man mác nỗi sầu. K. đứng bên bờ sông vừa gọi mẹ, vừa khóc thét.
Nhiều lần K. nhớ cha, K. đòi mẹ dẫn K. đi tìm cha trở về. Mẹ ngăn. K. hờn dỗi hỏi bộ mẹ không thương cha, không thương K. hay sao. Mẹ bảo chỗ cha ở cách hai mẹ con K. xa lắm, có khi đi suốt cuộc đời cũng không bao giờ đến được. K. thèm được nghe giọng nói trầm ấm của cha, thèm hơi ấm của cha âu yếm vỗ về K. trong những đêm gió thốc bời bời. K. thèm được cha đưa K. đi học mỗi ngày, chiều chiều cha lại đợi K. về rồi dắt K. ra cánh đồng thả diều, chạy nhảy. K. đi học, bài vỡ lòng cô giáo dạy K. là tiếng “mẹ”, tiếng “cha”. K. chỉ đánh vần được mỗi tiếng “mẹ”, còn tiếng “cha” K. lúng túng mãi cũng không đọc được nên lời, cứ mỗi lần âm “ch” bật ra là cổ họng K. lại ngẹn đắng, âm “a” vì thế mà tắt lịm hẳn đi.
K. vẫn thường nằm mơ thấy cha. Cha cười. Cha vẫy tay. Cha đứng bên cạnh xoa đầu K., vuốt lọn tóc của K. Cha khen K. mau lớn quá, càng lớn khuôn mặt K. càng giống mẹ. Ngày còn trẻ mẹ có khuôn mặt trái xoan, nước da mặn mòi, đôi mắt long lanh và nụ cười duyên dáng. K. thừa hưởng nét đẹp từ mẹ, sự chân chất của cha. K. hỏi sao cha bỏ mẹ con K. mà đi... thì cha lặng im. Mắt cha thoáng buồn. Lát sau, cha bảo cha đâu có bỏ hai mẹ con, cha chỉ ở một nơi xa xôi, trên cánh đồng cải ngồng. Khi cải còn xanh thì cha tranh thủ về thăm K. Đến chừng cải trổ bông vàng thì cha phải ở lại giữ cho bông cải ngồng vàng rực suốt mùa, om bướm bay về dập dờn trên từng luống cải. K. hứa mùa cải ngồng năm sau K. sẽ đến thăm cha. Cha cười, bảo chừng nào nhớ K. thì cha về thăm, K. khỏi đi tìm, đường xa xôi, K. đi kẻo lạc thì khổ. Lạc nhau đau đớn thế nào mà người ta lại e dè một lần lầm đường, lạc lối?...
Đó là những mường tượng của K. về đoạn đầu cuộc đời...
Còn bây giờ thì K. đang bay. Bay trong giấc mơ. Bay cùng cha.
Cha là ngọn gió ngũ sắc – gió có màu. Cha cõng K. bay qua bao miền hoa cỏ. Hơi ấm. Nụ cười. Nắng rực. Âm vọng của bình an xoa dịu trái tim nhiều mảnh vá của K.
*
Màu đen trải dài trên vùng đất rộng. Sương rơi bì bõm. K. co ro, cô kéo chiếc áo khoác choàng ngang, quờ quờ cột hai sợi dây trước ngực lại với nhau để hai vạt áo không theo gió bay phơ phất. Hơi lạnh luồng vào ngực K., lưng K. Những vết thương chưa lành hẳn, vẫn còn bầm và rỉ ra một thứ nước trong suốt, hơi tanh. Đau buốt. Cô rùng mình, cảm giác có một luồng điện tê dại chạy dọc từ đỉnh đầu xuống tận sống lưng K. Cô nhìn dáo dác xung quanh, màu đen đặc sệt, K. cố gắng tìm một nguồn sáng hiếm hoi giữa mảnh đất tăm tối không người. Một con đom đóm bay là là trong không trung. Hai con đom đóm. Ba con đom đóm... Và nhiều con đom đóm khác bay ngang qua, chúng xếp thành một đường tròn lơ lửng trong không trung. K. đứng lặng, trố mắt nhìn. Tay K. ôm lấy đôi vai chính mình mà khuôn mặt ngẩn lên bầu trời. Sao và đom đóm. Những sắc màu rực rỡ. Đẹp quá, K. chép miệng. Chưa bao giờ K. cảm nhận được những khoảnh khắc bình yên như thế này. K. muốn thét lên cho màn đêm vỡ vụn, cho những nỗi đau vỡ vụn. Nhưng K. yếu quá, bác sĩ bảo K. đừng làm gì quá sức trong lúc này, không khéo những vết thương của K. lại bật máu, nhức nhối. K. đứng lặng ngắm nhìn khoảng trời bình an. Cô nhớ man mác dường như mình đã gặp cảnh tượng này ở đâu rồi thì phải. Hình như trong giấc mơ xa xôi. Cảnh tượng đẹp như cổ tích. Khoảng trời lung linh ấy chỉ có riêng K. và tiếng nước trôi trên dòng sông rộng lớn. K. đang ở cạnh bờ sông. Hơi lạnh ban đêm hòa lẫn với luồng gió lạnh se da từ dòng sông bay về vây bọc lấy K. Đêm bình an mà cô đơn.
K. nhớ lại cảnh tượng chen chúc nhau, mệt nhoài, nóng nực trên chiếc xe đò K. đi gần hai ngày mới tới. Chuyến xe đường dài. K. qua bao cánh đồng, nội cỏ, con dốc, đường đèo... cuối cùng mới đến mảnh đất Mù Sương với sương đêm mờ mờ giăng giăng đúng như tên gọi. K. nhún vai. Đôi chỗ xe xóc mạnh, người nọ ngả qua người kia, vết thương của K. bị hành khách kế bên va vào, đau chảy cả nước mắt. K. nép người sát vào trong, vòng tay ôm lấy thân mình. Lim dim.
Mở mắt ra, K. thấy ngoài ô cửa là một nơi hoàn toàn xa lạ.
Mở mắt ra, K. thấy mình đứng ngẩn ngơ trong bóng đêm chập chờn. Chiếc xe quay đầu trở về bến cũ.
K. đi tiếp. Bầy đom đóm cũng bay đi để lại bóng đêm đen ngòm...
Đi được một quãng thì K. mệt nhoài. Những vết thương rát rạt. Mà bóng cha lòa nhòa trong màn đêm. K. đã trông thấy cha. Cha trở về y như những lần trước. K. định nói “Cha ơi, con đi không nổi nữa rồi”. Nhưng K. không nói được. Cha không cõng K. bay bay trên đồng nội như những lần trước. K. đứng lặng im, nhìn K. Mắt cha màu đỏ. K. nằm sóng xoài trên tấm thảm thiên nhiên mềm mại, dịu dàng. Chắc là cỏ. Ươn ướt. Không. Không phải cỏ. Mùi cải ngồng dập nát, tan ra hòa lẫn trong sương rồi thoang thoảng vào mũi K. Mùi cải ngồng là mùi của kí ức, của những giấc mơ. Hóa ra, giấc mơ cũng có mùi. Nếu K. không mơ thấy mùi cải ngồng và hình bóng của cha. Nếu K. không thoáng nghĩ đến vườn cải vàng rực bên bờ sông thì có lẽ đời K. đã chìm nghỉm khi những rắp tăm tanh bẩn cứ mạnh bạo nhấn chìm K. giữa đời thường. Nếu K. không đi tìm cải ngồng, chắc bây giờ K. đã về với gió trời, K. tan vào thế giới của tro nguội, bụi lạnh...
Đêm trên đồng cải ngồng cạnh dòng sông. Thanh tịnh. Ngôi sao sáng rực trên nền trời. Những bông hoa cải li ti bỗng dưng lóe lên thành tia sáng lấp lánh giữa màn đêm. Trong giấc mơ, K. đưa tay bứt lấy một nắm bông cải ngồng. Bông hoa dập nát trên tay K., mùi nồng nồng. K. từ từ đưa lên mũi ngửi. K. áp bông cải vào ngực mình, một cảm giác ấm áp lạ thường giống cảm giác ngày xưa, xưa lắm, K. có cha bên cạnh, âu yếm, yêu thương...
Cha K. hiền lắm. Khuôn mặt cha nhân từ dẫu thời gian hằn in dấu vết của cơ cực, âu lo. Mỗi lần nghĩ đến cha, lòng K. thanh thản hẳn đi, không giống như khuôn mặt độc ác, dơ bẩn vẫn thường tìm đến với K. trong những đêm trăng sáng. Khuôn mặt ấy dí sát vào người K., áp chặt vào bầu ngực nhấp nhô nõn nà của K. Hắn lù lù trong bóng tối như một con thú hoang khát thèm da thịt. Hắn nhìn K. cười nham nhở. Căn phòng lặng thinh nồng nặc mùi thuốc lá hắn nhả vào. K. giãy giụa. K. van xin. Hắn giữ chặt lấy K., đôi tay hắn từ từ cởi từng cúc áo của K., xé toạc chiếc cóoc xê của K. để lộ bộ ngực trần của cô gái dậy thì, thơm tho, sạch sẽ. Hắn gặm nhấm như gặm một cái bánh ngọt, cái lưỡi tanh tưởi mùi thuốc lá rê dần, rê dần khắp người K. Tủi nhục. Xót xa. K. gọi mẹ. Mà mẹ đi đâu vẫn chưa về. Bất lực, K. gọi cha. Ước gì đây là một giấc mơ. Giấc mơ để cha trở về cứu K. ra khỏi cuộc cưỡng đoạt mà khuôn mặt đang hả hê nhìn K. chính là khuôn mặt của - thằng - cha - dượng mất hết nhân tính. K. khóc. Nước mắt K. ứa ra ướt cả lọn tóc xòa xòa hai bên. Sau mỗi cuộc chiếm đoạt, người cha dượng bình thản bỏ đi để lại K. với nỗi đau xác thân, nỗi đau tâm hồn hoen ố. K. trở nên trầm tính, ít nói, suốt ngày ru rú trong căn phòng nhỏ nhìn ra vườn. Cái cửa sổ K. đóng chặt tư niên. K. sợ mở ra sẽ trông thấy khuôn mặt đàn ông đứng nhìn K. thèm thuồng, thách thức như những đêm về gần sáng.
Mùa trăng. Hắn lại tìm đến cô. Nửa đêm, cánh cửa phòng K. ngủ bật mở. Nghe tiếng kẽo kẹt, K. hốt hoảng. Một chiếc bóng đen ngòm sấn vào trong phòng. Đêm trăng. K. giật mình lùi về phía góc tường, ngồi im lặng. Dường như K. không thở nữa. Giá mà trăng không sáng rực trên bầu trời đêm nay để hắn không nhìn thấy K. Bàn chân ấy bước đến bên K. Hắn đưa tay kéo K. đứng dậy rồi xô K. ngã ngửa trên giường. Ban đầu, K. cắn chặt môi đến bật máu, nhắm mắt đợi chờ những nỗi đau sắp đến như quy luật của những mùa trăng. Trong đầu K. thoáng nghĩ về cha. Và mùi bông cải. K. bật dậy. Hắn lại xô K. K. chống trả quyết liệt. K. chửi hắn là “đồ mất dạy”, “thằng tồi”. Nhớ lại những lần hắn hành hạ K. đau không chịu được, K. cắn mạnh vào cổ hắn, ngấu nghiến, cắn đến khi K. cảm nhận đầu lưỡi mình có vị mằn mặn, tanh tanh của máu. Miệng K. bê bết máu. K. cười. Nụ cười màu máu. Khi K. vừa buông hắn ra, ngay lập tức hắn tát vào mặt K. mấy cái đau điếng. K. vùng chạy, hắn kéo K. lại hành hạ K. đến rũ rượi, người K. mỏi nhừ. Hắn tìm được thanh gỗ dưới chân giường, quật tới tấp vào lưng K. như đánh một con trâu, con ngựa. Đau đớn. K. gào lên, vật vã. Hắn chẳng màng. Hắn cứ đánh K. bằng thanh gỗ mà không biết rằng trên thanh gỗ ấy lô nhô những chiếc đinh sắt đầu nhọn hoắc cắm phập vào da thịt của K. Máu ướt cả thanh gỗ. Đánh K. được một lúc thì hắn thỏa mãn bỏ đi.
Trong bóng tối, máu K. chảy ra, sợi dài, sợi ngắn, màu đỏ... đan chặt vào đêm.
K. vẫn thường la hét khi đêm về gần sáng. K. gọi cha. K. bảo cha về dẫn K. đi cùng. Vắng cha, đời K. đầy rẫy những bão dông, niềm đau, tủi nhục...
*
Trong đớn đau, tăm tối, người ta thường nghĩ về cái “ngày mai”, dẫu chưa biết ngày mai ấy sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn rằng nó sẽ rực rỡ và an yên hơn. Đời có thế nào đi nữa thì hãy tin rằng phía cuối con đường có những điều ngọt ngào và xinh đẹp mà chúng ta khao khát, đợi chờ. Một bóng hình. Một niềm vui hay đơn giản là sắc vàng tươi của bông cải ngồng bên bờ sông lấp lánh...
Gió vờn nhành bông cải lập lờ trên khuôn mặt của K. Cô thức giấc, đôi mắt cô chớp chớp mấy cái rồi mở hẳn, trong se, lóng lánh. Những tia nắng mai rọi thẳng vào đồng tử của K. Những vết thương trên cơ thể K. đã bớt đau, da non đã bắt đầu phủ trên miệng vết thương sau một đêm ngủ trên cánh đồng cải ngồng mênh mông, tít tắp.
Cải ngồng trổ bông đẹp quá! K. trầm trồ, mắt K. rực sáng. Cánh đồng này K. đa từng trông thấy trong giấc mơ. K. cứ ngỡ tất cả chỉ là mộng tưởng. Ngay cả chuyến đi này, K. đi tìm cánh đồng cải ngồng bên bờ sông mà cứ ngờ ngợ sẽ chẳng bao giờ tìm được. Cuối cùng K. cũng tìm thấy, K. đang nằm trên thảm bông vàng mượt mà, mát rượi. Lòng K. hân hoan. Hình như đêm qua cải ngồng đã giúp K. gột rửa những gì dơ bẩn trên cơ thể của K., gột rửa những vết ố đeo bám khoảng trời thanh xuân của một người con gái.
Cải ngồng đã trổ bông rồi. Còn cha ở đâu?
K. dáo dác tìm cha. Trong mùa bông cải...
*
K. ở hẳn bên bờ sông. Ngôi nhà nhỏ giữa đồng cải xanh rì, bông vàng lấm tấm.
Mỗi ngày, K. mang sách ra hàng ba ngồi đọc. Trên trời xanh. Dưới cải ngồng xanh. Đôi mắt K. màu xanh. Bình an... cũng màu xanh.
Đợi cha.
K. nhìn ra cánh đồng. Gió lộng. K. biết rằng khi bóng đêm buông xuống, cha sẽ về. Cha về trong tiềm thức, trong giấc mơ K. Cha sẽ mỉm cười, tay cha xoa đầu K., vuốt tóc K. Cảm giác bên cha là cảm giác bình yên, che chở...
K. nghe trong gió có tiếng ai thì thào:
Mùa này bông cải nở
Rực rỡ bờ sông quê..
H.K.D
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét