Ảnh( pinterest) |
Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org] Tiếp theo phần 3.
Quân “Khăn Vàng” được xác định là giặc trong lịch sử
“Cuối thời Linh Đế, Khăn Vàng nổi lên, châu quận các nơi tự mộ nghĩa binh, Tiên Chủ (chỉ Lưu Bị) dẫn thuộc cấp từ chỗ hiệu úy Trâu Tĩnh thảo phạt giặc Khăn Vàng có công, trở thành huyện úy huyện An Hỷ”. Câu này là trong sách Tam Quốc Chí – Tiên Chủ truyện nói về việc Lưu Bị đánh giặc lập công và được phong chức. Có thể thấy quân Khăn Vàng bị chính sử phán xét là quốc tặc, không phải là nông dân khởi nghĩa như trong sách giáo khoa lịch sử đã bị soán cải của Trung Quốc hiện đại. “Châu quận các nơi tự mộ nghĩa binh” mới là nghĩa binh mà lịch sử thừa nhận, là các tổ chức tự phát trong nhân dân do cơ quan chính phủ ở các châu các quận dán bảng triệu tập, và là nghĩa quân cùng với quan quân đi thảo phạt giặc Khăn Vàng.
Còn một nhánh mà Lưu Bị tổ chức, chính là nghĩa binh triệu tập theo bảng cáo thị của quan phủ. Trong câu chuyện mở đầu của Tam Quốc diễn nghĩa, Lưu Bị được cấp cho địa vị nông dân báo quốc, nghĩa quân hưng khởi, viết rằng ba anh hùng hào kiệt Lưu–Quan–Trương trượng nghĩa đánh giặc mà ‘kết nghĩa vườn đào’. Nếu như đảo lộn địa vị này, thì anh hùng dân tộc thiên cổ mà người ta ca tụng sẽ mất đi ý nghĩa, người dân trăm họ sẽ không yêu mến và kính ngưỡng họ; văn hóa của chúng ta, lý niệm nhân nghĩa làm người cũng sẽ bị nghi ngờ và phủ định. Nếu nhận thức cơ bản về quân Khăn Vàng bị soán cải thì thị phi thiện ác cũng bị điên đảo, người đời sau học đến đoạn lịch sử này sẽ hoài nghi tổ tiên và văn hóa truyền thống của mình, đạo đức tất nhiên sẽ trượt xuống. Người Trung Quốc hôm nay đã là như vậy.
Do đó, khi tác giả viết tiểu thuyết lịch sử, mặc dù là tiểu thuyết, nhưng mục đích cũng mười phần rõ ràng: nếu đã là thông qua hình thức hý kịch vừa học vừa vui để đạt được hiệu quả, truyền đạt giá trị quan ‘nghĩa’, thì đầu tiên nhất định phải minh xác bên nào là nghĩa binh. Đây là việc quan trọng bậc nhất, cũng là tuyệt đối không được thay đổi. Nhân vật và câu chuyện có thể được hư cấu, nhưng cái lý niệm ‘nghĩa’ mà nó biểu đạt là tuyệt đối không được thay đổi, cho nên các nhân vật chủ yếu mà tác giả dùng để hồng dương lý niệm nhân nghĩa như Lưu Bị, hồng dương trung nghĩa như Quan Vũ, Gia Cát Lượng, cũng tất nhiên đại biểu cho bên chính nghĩa.
Vì vậy, chúng ta mới tiến hành diễn giải tường tận, từ bối cảnh của câu chuyện mở đầu ‘kết nghĩa vườn đào’.
Đạo thuật vốn dĩ vô tội, chỉ vì bị dùng với mục đích xấu
Vậy vì sao thủ lĩnh của quân Khăn Vàng là Trương Giác có thể hô mưa gọi gió, còn có thể sử dụng nước phép để trị bệnh cho người ta? Tác giả gửi gắm nguyên nhân, thiện ác chính tà ở trong đó hết sức rõ ràng.
Trong sách viết: “Quận Cự Lộc có ba anh em: một là Trương Giác, hai là Trương Bảo, ba là Trương Lương. Trương Giác vốn trượt tú tài. Khi vào núi hái thuốc, thì gặp một lão nhân, mắt danh, khuôn mặt trẻ, tay nắm gậy lê, gọi Giác vào trong một hang động, truyền cho ba cuốn thiên thư, rồi nói: ‘Sách này gọi là Thái Bình yếu thuật. Ngươi có được nó rồi thì phải thay Trời giáo hóa dân chúng, phổ cứu thế nhân; nếu có lòng khác, thì tất bị ác báo’. Giác lạy hỏi danh tính, thì lão nhân nói: ‘Ta là Nam Hoa lão tiên’. Nói xong thì hóa thành cơn gió đi mất.”
Đoạn này nói rõ, Trương Giác xuất thân ở huyện Cự Lộc, không phải nông dân, mà là thi trượt tú tài. Bản sự hô mưa gọi gió, dùng nước phép trị bệnh của y là do khi vào núi hái thuốc thì gặp được Nam Hoa lão tiên truyền cho ba quyển Thái Bình yếu thuật, nhưng thông tin này vẫn không phải trọng điểm, quan trọng nhất là lão nhân truyền lại rằng: “Ngươi có được nó rồi thì phải thay Trời giáo hóa dân chúng, phổ cứu thế nhân; nếu có lòng khác, thì tất bị ác báo”.
Vì sao câu này lại trọng yếu? Bởi vì đây là lời răn đe Trương Giác, người được nhận thiên thư thì phải thay Trời giáo hóa dân chúng, phổ cứu thế nhân, nếu không sẽ bị ác báo. Đây chính là mục đích của việc truyền thiên thư cho y, để y có được Đạo thuật thần kỳ, có được bản sự siêu thường, tuyệt đối không thể dùng để mưu cầu vinh hoa phú quý cho cá nhân. Rất hiển nhiên, tác giả viết ra lời này chính là đang nói với độc giả: Đạo thuật thần kỳ là có tồn tại, Thần Tiên sẽ lựa chọn người để truyền thụ thiên thư, để người này hiển hiện thần tích ở một mức độ nào đó, giúp người tiêu bệnh giải nạn, từ đó được quần chúng tin cậy, dựa vào đó mà thay Trời tuyên truyền đạo đức giáo hóa, để cho thế nhân nào có đạo đức bại hoại, có thể hiểu đạo lý thiện ác hữu báo, từ đó mà quy chính nhân tâm, trọng đức hành thiện, đạt được mục đích cứu người.
Có nghĩa là, những bản sự siêu thường ấy, các thứ thuật loại của Đạo giáo, nhất định phải dùng vào việc cứu người, cho dù là trị bệnh hay là để cuối cùng cứu nhân tâm đã bại hoại cũng vậy, đều là cứu người. Một khi đi ngược với lời thề, lợi dụng sự sùng bái của tín đồ đối với hiệu quả thần kỳ của Đạo thuật, dùng để đạt được mục đích danh lợi, thì tuyệt đối không có kết cục tốt. Ba anh em Trương Giác vì vậy mà mất mạng.
Các câu chuyện Thần Tiên lưu truyền từ thời cổ, đều cho người ta một nhận thức chung thế này: Thần Tiên truyền cho đệ tử, tuyệt đối không để cho đệ tử mưu cầu vinh hoa phú quý nơi thế gian con người, cho dù là trong Phong Thần diễn nghĩa kể rằng Nguyên Thủy Thiên Tôn lệnh cho Khương Tử Nha hạ sơn phò tá Châu Văn Vương, thuận thiên ý mà hành, thay đổi triều đại, lật đổ Trụ Vương nhà Thương, cũng chỉ có thể giới hạn ở việc xuất sơn phò tá Châu Văn Vương có đức hạnh rõ ràng, vốn được thiên hạ ủng hộ, mà không dùng phương thức cầm đầu các tín đồ tôn giáo, tự mình xưng vương để làm những việc đó. Việc này sẽ không gì hơn ngoài việc làm bại hoại hình tượng của tôn giáo, từ đó biến thành tà giáo. Việc thành lập tôn giáo vốn là để dẫn dắt đệ tử tu Đạo hướng thiện, vốn không cầu bất kể thứ gì của thế gian, Trương Giác rõ ràng đã vi phạm lời răn mà Thần Tiên đã căn dặn lúc đầu, muốn lợi dụng tôn giáo để đoạt lấy chính quyền, đi ngược mục đích ban đầu, thì làm sao có thể không tà biến được, không bị gọi là quốc tặc sao được? Có thể thấy tác giả đang răn đe người ta, rằng Đạo thuật mà thiên thư truyền vốn không có tội, dùng cho ngay chính thì là Thần thuật, dùng vào việc ác thì bị người ta xem là yêu thuật. Các thứ thuật loại, thiện dụng hay ác dụng, đều ở nhân tâm.
Vu Cát sử dụng Đạo thuật ngay chính, hình thành một ví dụ đối lập
Đạo thuật chỉ có thể dùng cho chính, chỉ có thể phục vụ cho tư tưởng cứu người, trong hồi 29 miêu tả Tôn Sách của Đông Ngô trảm Đạo sĩ Vu Cát, rồi bị Vu Cát đòi mạng mà chết đi, trong đó miêu tả rõ ràng nhất, Đạo nhân Vu Cát cũng trị bệnh cho người như vậy, cũng dùng Đạo thuật Thái Bình, hơn nữa từ không trung vẽ ra con rồng, rồi lấy gan rồng, tạo ra thần tích khiến mưa rơi xuống dày ba thước, giải trừ hạn hán ở địa phương, so với thần tích của Trương Giác thì còn thần kỳ đáng kinh ngạc hơn. Nhưng người này mấy chục năm không hề lợi dụng Đạo thuật để thu nạp môn đồ tại thế gian, chưa từng gây họa cho thế gian, chỉ là một mình hành tẩu làm việc tốt giúp người ta trị bệnh miễn phí, hình thành một hình ảnh đối lập mạnh mẽ với Trương Giác. Trong chương này, tác giả viết cũng là có mục đích, dùng để răn đe thế nhân. Đạo thuật thần tích của Thần Tiên là có tồn tại, chính là xem người dùng nó thế nào, là dùng một cách ngay chính hay dùng làm việc ác. Không thể vì có người dùng làm việc ác mà phủ định sự tồn tại của Thần Tiên và thiên ý, từ đó đi sang cực đoan, trở thành ác đồ vô Pháp vô Thiên, không tin thiện ác báo ứng, Tôn Sách cuối cùng bị Vu Cát đòi mạng, chính là để giảng đạo lý này. Tâm kính Thiên kính Thần là không thể bị dao động, nếu không sẽ có ác báo. Nhưng đồng thời cũng cần phải phân rõ thật giả và chính tà.
Từ khi Trương Giác sáng lập ra Đạo giáo Thái Bình thì đồ đệ ngày càng nhiều, tín đồ có mặt khắp nơi, thế là y khởi lên ý khác, cho rằng đã đắc được lòng dân, không dùng thì quả là đáng tiếc, nên bí mật bàn với hai em là Trương Bảo, Trương Lương để hành sự, muốn đoạt lấy chính quyền nhà Đông Hán. Bọn họ dùng một cách ác ý “Thiên nhân hợp nhất”, cách nói tam tài Thiên-Địa-Nhân mà văn hóa Đạo gia Trung Quốc giảng, Trương Giác tự xưng là Thiên Công tướng quân, Trương Bảo xưng là Địa Công tướng quân, Trương Lương xưng là Nhân Công tướng quân, lôi kéo cả một đội quân làm loạn lên đến 40~50 vạn người, muốn lập ra “Hoàng Thiên” của hắn, xảo ngôn rằng “Trời xanh đã chết, Trời vàng đang lập”. Vì họ buộc khăn vàng quanh trán, nên bị gọi là giặc Khăn Vàng.
Mắt thấy “thế giặc to lớn, quan quân nản lòng”, đại tướng quân Hà Tiến tấu thỉnh Linh Đế hỏa tốc giáng chiếu, lệnh các nơi đánh giặc lập công; “mặt khác lệnh cho trung lang tướng Lô Thực, Hoàng Phủ Tung, Chu Tuyển, mỗi người dẫn theo lính tinh nhuệ, phân ba đường thảo phạt”.
Cánh quân của Trương Giác đến đánh U Châu, khiến cho thái thú Lưu Yên dán cáo thị chiêu mộ nghĩa binh. “Bảng cáo thị đi đến huyện Trác, thì có một anh hùng trong huyện Trác xuất hiện”. Vị anh hùng này chính là Lưu Bị. Lưu–Quan–Trương đã gặp nhau vào lúc này, mở ra câu chuyện kết nghĩa vườn đào.
Xem tiếp ...
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/254338
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét