(Đọc SÔNG HỒNG HÁT của LÊ MINH. Nxb Văn học, 2023)
Chưa một lần gặp mặt, chỉ biết nhau qua những trang viết nên đành đọc văn để nhận ra tâm tính của tác giả! Văn chính là người mà! Nhưng có lẽ với 32 bài tản văn trong SÔNG HỒNG HÁT của LÊ MINH, ta chỉ nhận ra một góc nhỏ nào đó của tâm hồn tác giả. Ừ thì, cứ len vào góc nhỏ MỖI KHI XUÂN VỀ TIẾNG HÁT LẠI NGÂN LÊN để thấy một Lê Minh nặng tình với mùa xuân, với quê hương, với con người…
Đọc tản văn, tôi luôn có tâm thế tìm về những xưa cũ, những nhớ thương, những con người, những hương vị… khuất lấp trong dòng thời gian mà tác giả đã bóc tách cho hiển lộ. Âm hưởng của nét xưa phải được giữ nguyên trạng để người nay cảm nhận được dù đã qua lăng kính của tác giả: “Ghé vào quán nhỏ bên đường, nâng chén trà đặc, lòng dạ lại thêm cồn cào. Đã lâu rồi, tôi chưa về thăm Hà Nội. Quán trà nhỏ xưa, bao năm vẫn thế, chiếc ghế gỗ nâu, chiếc bàn sờn mòn theo thời gian. Bà cụ bán hàng nước cũng vậy, mọi thứ chầm chậm trước mắt. Tôi cứ da diết với những gì xưa cũ.” (Hà Nội trong tôi). Tác giả “da diết với những gì xưa cũ” nhưng xuyên suốt 32 tản văn ta luôn thấy hình ảnh mùa xuân, mùa của tuổi trẻ, mùa của tương lai, kể cả khi nói về mẹ: “Tôi yêu mùa xuân, yêu nụ cười của mẹ. Giá như mùa xuân của mẹ cũng giống như mùa xuân của đất trời thì sẽ hạnh phúc biết bao khi luôn có mẹ. Ngoài kia gió xuân đang thì thầm trong nắng mới, vi vu thổi, thoáng đâu đó con nhớ lời ru của mẹ…” (Mẹ và mùa xuân). Có lẽ, tâm hồn tràn ắp yêu thương nên cảnh và người cũng ngập tràn cảm xúc mà trao cho nhau những điều tươi đẹp nhất. “Ta muốn gửi vạt nắng của mùa xuân cũ, hong ấm những mùa xuân sang, khi trời đất vẫn ngắm mình trong màn mưa lê thê đến não nề. Ta muốn gửi câu hát của mùa xuân cũ khi xuân này giai điệu không đủ rực lửa đam mê.” (Tình xuân)
Vâng, câu hát của mùa xuân cũ chính là tiếng vọng của quá khứ ùa về tương lai như biển mặn mà nhưng lòng rất khát, luôn muốn uống những dòng sông chảy trôi đổ về (Sông Hồng Hát). Tôi muốn nói đến mùa xuân trong tản văn của Lê Minh. Mỗi khi mùa xuân xuất hiện là ta nghe thấy tiếng hát bật lên. Mùa xuân của Lê Minh không phải chỉ là mùa của thiên nhiên mà là mùa của một vùng đất cụ thể. Đó có thể là một Hà Nội oằn mình lột xác để làm mới: “Hà Nội bây giờ bao nhiêu hàng cây chỉ còn trơ gốc, mùa xuân về biết đâm chồi, nẩy lộc ở đâu?” (Hà Nội trong tôi), hoặc không còn ngập ngừng mà xôn xao cùng gió trên hành trình đến tương lai: “Nắng bắt đầu vàng, nắng không còn ngập ngững bẽn lẽn như ngày đầu xuân nữa. Miên man, mải miết, lang thang, rong ruổi trên cánh đồng, trên hè phố, xôn xao cùng gió trên vòm lá…” (Hai mùa hạ tím). Cứ thế, bước chân tác giả đặt đến đâu thì ở đó nẩy mầm xuân và bật lên tiếng hát. Ta yêu Sa Pa đâu chỉ núi rừng hùng vĩ, con người dễ mến; mà ở đó còn có những mềm mại, non tơ, trinh nguyên của đất trời vào xuân:
“Cơn gió xuân thầm thì mỏng mảnh, nhẹ nhàng len lên hồn lá xanh mướt, mơn mởn. những áng mây trắng xốp bồng bềnh, xếp lên mình từng lớp, từng lớp, lặng trôi, như sà hẳn xuống mặt đất. Lòng người nơi đây cũng cảm nhận rất rõ nét hồn tươi mới, trinh nguyên của đất trời Sa Pa, trong không gian ngập tràn mùa xuân.” (Những màu xuân Sa Pa)
Những vùng đất khô cằn, gian khổ; nơi đầu sóng ngọn gió cũng bật lên tiếng hát khi tác giả nhắc đến. Dẫu chưa phải là tiếng hát vui tươi, phơi phới cho một vùng đất đầy khó khăn nhưng đã tạo nên những giọng điệu khác lạ cho tập tản văn. Đó là tấm lòng “Ta đau đáu miền Trung, rưng rưng những số phận.” (Miền Trung hai tiếng yêu thương); đó là suy nghĩ: “Liệu có bao giờ ta nghĩ có một lần nào ta đến với Trường Sa, để một lần gian nan, một lần khổ sướng?” (Cảm xúc Trường Sa). Có được điều đó, chỉ có thể giải thích một cách thấu đáo là:
“…Chỉ có quê hương là cho tôi được yên bình, bởi chỉ có quê hương mới cho tôi được giản dị, mộc mạc, rất đỗi thân quen. Bởi chỉ có quê hương mới cho tôi nhìn thấy được vầng trăng sáng nhất, nơi đêm khuya nghe được cả tiềng côn trùng rỉ rả ca khúc hát quen thuộc từ ngàn năm.” (Hương vị quê xưa)
Lý giải như vậy cũng chưa thể rốt ráo khi tác giả nói đến một vùng đất mà không hề được gọi là quê hương. Đó là một châu lục xa ngút ngái: “Mùa xuân Châu Âu vốn dĩ rất đẹp, luôn biết cách chiều lòng người. Cây cứ xanh tươi, nắng cứ ấm vàng, hoa đua nhau nở, chim chóc vẫn hoan ca giục gọi xuân về…” (Nơi mùa xuân về muộn) hoặc là một đất nước Hà Lan với muôn màu sắc hoa “Tulip như linh hồn của mùa xuân, loại hoa duy nhất mang đến cho mùa xuân đầy đủ các sắc màu. Nhìn thấy tulip nở là rạo rực sắc xuân. Sự ấm áp đang dần lan tỏa trong không gian, đất trời, cảm nhận được cả tình yêu, hơi thở mà tulip dành cho vạn vật.” (Tin ở tulip). Vậy nên, cứ nói đến một Lê Minh lòng đấy ắp yêu thương cuộc sống, yêu thương con người để mỗi lần chạm vào là ngân lên tiếng hát. “Tôi luôn nghĩ và tin như vậy...” (Điều chưa đặt tên)
Phải chăng cái tên “Sông Hồng hát” đã dẫn dụ tôi vào những thanh âm đầy chất nhạc của tập tản văn, dẫu rằng, đây đó vẫn còn những âm thanh thô ráp chưa thật sự gọt dũa. Nhưng chính điều ấy đã là cho tập sách thêm chân thực và lôi cuốn đáng trân trọng. Tôi yêu cả cái điều như vụng về mà duyên dáng của tập tản văn, và mỗi lần chạm cái chất thơ trong mỗi đoạn văn, lòng tôi lại ngân nga tiếng hát: “Chiều cuối năm lại miên man nỗi nhớ. Có ai về thăm quê hương, nhặt giùm ta tuổi ấu thơ vàng. Những ngày lang thang với đám bạn. nghe gió sông Hồng thổi từ phương Bắc, rét buốt đôi tay, run rẩy bờ môi. Nhưng lòng rạo rực, thoáng thấy mùa xuân đang khẽ về bồng bềnh đậu trên vầng xanh mái tóc.” (Hà Nội thành phố tôi yêu).
N.V.C
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét