Ambrose Bierce (1842 - 1914) là nhà văn, nhà báo, nhà thơ và chiến binh tham gia Nộichiến Hoa Kỳ (1861-1865). Tác phẩm của ông thường làm nổi bật sự bí ẩn vũ trụ và sự phi lý của cái chết. Bierce viết một cách chân thực về những điều khủng khiếp ông chứng kiến trong chiến tranh. Loạt truyện hiện thực nghiệt ngã gồm 25 truyện chiến tranh của ông được xem là tài liệu phản chiến vĩ đại nhất trong văn học Hoa Kỳ. Truyện ngắn sau đây là một điển hình.
I
Một chiều nắng nhạt mùa thu 1861. Một binh sĩ nằm rạp mình nơi khóm nguyệt quế bên vệ đường miền tây Virginia. Gã nằm sấp sát mặt cỏ, mũi giày tì lên đất đá, đầutựa cẳng tay trái; tay phải nắm hờ khẩu súng trường. Với tư thế xoải chân đó, cùng với sự lay động rất ít ỏi của hộp đạn ở thắt lưng, người ta có thể lầm tưởng gã đã chết. Thực ra, gã thiếp đi trong lúc làm nhiệm vụ. Nhưng nếu bị phát hiện, gã sẽ lập tức bị dính đạn từ đằng sau, đó là hình phạt đích đáng cho cái tội quá chểnh mảng của gã.
Ở Bang Virginia này cây cối rậm rạp khắp nơi ngoại trừ đáy thung lũng ở phía bắc, nơi có một đồng cỏ nguyên sinh thu hẹp, chảy qua đó là một dòng suối hiếm khi có thể nhìn thấy từ vành đai thung lũng. Nhìn từ trên cao, bãi đất trống này chỉ rộng cùng lắm là bằng cái sân nhà, nhưng thực ra nó chiếm tới vài mẫu Anh. Màu xanh cây lá ở đó tươi tốt hơn màu khu rừng bao quanh. Xa xa mọc lên một dãy vách đá sừng sững. Và len lỏi qua các vách đá, con đường bằng cách nào đấy đã dẫn lên tới đỉnh. Từ điểm quan sát này, thung lũng dường như hoàn toàn khép kín. Người ta có thể tự hỏi, làm thế nào tìm thấy lối ra hay lối vào con đường? Con đường đến, rồi rẽ đi đâu? Và làm cách nào để có thể đến vùng nước phẳng lặng của con suối, nơi nó rẽ nhánh, chia cắt đồng cỏ ở độ sâu hơn một nghìn feet ở dưới kia?
Chẳng xứ sở nào còn giữ nét nguyên sơ và hiểm trở mà chỉ thấy các tay súng đang vô tình biến chúng thành các bãi chiến trường; họ giấu mình trong khu rừng ở dưới cùng của khu phục kích quân sự đó; giả sử chỉ cần 50 lính địch canh giữ nghiêm ngặt các lối ra cũng có thể khiến cả đội quân khuất phục, dù nơi đây bố trí tới năm trung đoàn bộ binh Liên bang. Trước đó, họ đã hành quân cả ngày lẫn đêm, và bây giờ đang nghỉ. Khi màn đêm buông hẳn xuống, họ sẽ lên đường, nỗ lực leo đến nơi mà gã lính canh vô kỷ luật của họ đang ngủ, rồi đi xuống con dốc bên kia sườn núi, đột nhập doanh trại địch lúc nửa đêm. Hy vọng của họ là sẽ xông vào theo con đường đằng sau. Trong trường hợp bại trận, vị trí của họ sẽ cực kỳ nguy hiểm; và nếu điều đó xảy ra, dĩ nhiên họ sẽ thiệt hại rất nặng nề, hoặc chí ít cũng để lộ phương án hành quân.
II
Gã lính canh đang say giấc trong đám nguyệt quế là một thanh niên Virginia tên Carter Druse. Gã là con trai của đôi vợ chồng giàu có, sống thoải mái và tiện nghi, cai quản cả một vùng rừng núi phía tây Virginia. Quê gã chỉ cách nơi gã nằm vài dặm. Một buổi sáng, gã đứng dậy ở bàn ăn và nói, khẽ thôi nhưng nghiêm nghị: "Thưa ba, một trung đoàn Liên bang đã đến Grafton. Con sẽ gia nhập trung đoàn đó."
Với vòm tóc cứng xù ra kiểu sư tử, người cha ngước đầu, lẳng lặng nhìn cậu con trai một lúc, rồi đáp: "Được thôi! Đã vậy thì đi đi. Hãy cứ làm những gì mày cho là nghĩa vụ của mày. Vậy là bang Virginia, mà mày là kẻ phản bội, buộc phải cố thủ mà không có mày. Nếu cả tao và mày sống sót đến cuối cuộc chiến, chúng ta sẽ nói rõ hơn về vấn đề này. Theo lời bác sĩ, bệnh má mày đang nguy kịch. Tốt hơn hết, đừng làm phiền lòng bà ấy.”
Thế là, Carter Druse cúi đầu cung kính trước mặt cha; ông đáp lại cái chào của gã với phép lịch sự trang nghiêm che giấu một trái tim tan vỡ, và gã từ biệt ngôi nhà thời thơ ấu để ra chiến trường. Với lương tâm và lòng quả cảm, bằng những việc làm tận tâm và táo bạo, gã đã sớm tự khẳng định mình trước đồng đội và các sĩ quan. Cũng nhờ những phẩm chất ấy, cùng một số hiểu biết về vùng đất này, gã đã nhận trách nhiệm nguy hiểm hiện tại ở tiền phương. Tuy nhiên, sự mệt mỏi cơ thể đã lấn lướt mọi quyết tâm, gã chìm sâu vào giấc ngủ. Thiên thần hay ác quỷ nào sẽ đến trong giấc mơ để đánh thức gã khỏi tình trạng tội lỗi này, ai sẽ nói được điều ấy? Đột ngột thức giấc, gã lặng lẽ ngẩng đầu lên nhìn những nhành nguyệt quế, và theo bản năng, tay ôm chặt khẩu súng.
Cảm nhận đầu tiên của gã là một niềm vui thú mang tính nghệ thuật sâu sắc. Từ vách đá như một bệ phóng khổng lồ - nằm bất động ở rìa tảng đá cheo leo và nhô hẳn lên bầu trời - là một bức tượng người cỡi ngựa có phẩm cách cực kỳ ấn tượng. Hình dáng người đàn ông ngồi trên lưng ngựa, lưng thẳng, đầy vẻ uy nghi, với tư thế của vị Thần Hy Lạp khắc trên đá cẩm thạch, điều này khiến gã ngây người ra, không biết nên làm gì. Trang phục màu xám hài hòa với màu mây; ánh kim loại của những thứ linh tinh được làm dịu đi trong bóng tối; màu da ngựa
không đến nỗi quá chói chang. Một khẩu cạc-bin nổi bật bên tấm đệm yên ngựa, được giữ bằng tay phải; tay trái cầm dây cương. Trong hình bóng in lên nền trời, hình dạng con chiến mã được cắt với độ nét sắc sảo; nó nhìn xuyên qua các đỉnh cao của không gian đến những vách đá đối đầu phía bên kia. Khuôn mặt người kỵ mã hơi quay đi, lộ ra một đường viền nơi thái dương và bộ râu; dường như ông đang cố nhìn xuống đáy thung lũng. Được phóng đại nhờ một lực nâng lên cao tít tận bầu trời hun hút và bởi cảm giác chứng thực của người lính về sự ghê gớm của kẻ thù gần kề, bóng người cỡi ngựa trông có vẻ cực kỳ oai phong, to lớn kinh khủng về tầm cỡ.
Ngay lập tức, Druse có cảm giác mơ hồ kỳ lạ rằng gã sẽ ngủ cho đến cuối cuộc chiến và đang chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật cao quý được dựng lên dựa trên sự nổi bật đó để hồi ức về những việc làm trong quá khứ hào hùng mà gã thực ra chỉ là một bóng mờ. Cảm giác đó bị xua tan bởi cử động rất khẽ của cả khối thực thể: con chiến mã, chân không hề nhúc nhích, đã hơi rụt mình về phía sau khỏi bờ vực; người đàn ông trên lưng ngựa vẫn sừng sững như trước. Tỉnh táo và linh hoạt trước tình huống đó, Druse thận trọng đẩy nòng súng qua khỏi bụi cây, áp báng súng vào má, nâng súng lên và ngắm một điểm quan trọng trên ngực người kỵ binh. Chỉ cần lảy cò, tất cả sẽ tốt đẹp với Carter Druse.
Liệu quá nhẫn tâm chăng khi nã đạn vào kẻ thù chiến tranh - kẻ có thể làm lộ bí mật quân sự, và gây bất lợi cho sự an toàn của gã và đồng đội - kẻ thù mà gã biết là đáng gờm hơn tất cả quân số của đối phương cộng lại? Carter Druse sởn da gà; tay chân bủn rủn, gã gần như ngất đi, và trân trân nhìn hình tượng trên cao - một khối hình thù đen thẫm, đang bồng bềnh lên xuống, di chuyển chập chờn thành những vòng tròn trên bầu trời sáng rực. Tay gã buông vũ khí, đầu gã từ từ gục xuống cho đến khi mặt gã chạm vào những chiếc lá nơi gã nằm. Tay súng dũng cảm đồng thời là tên lính cứng đầu này gần như lịm đi vì cảm xúc vô cùng mãnh liệt diễn ra trong lòng gã.
Chuyện xảy ra thật nhanh; trong khoảnh khắc tiếp theo, gã ngước mặt lên khỏi nền cỏ, hai tay đặt lại đúng vị trí trên khẩu súng trường, ngón trỏ tìm cò súng. Cả trí óc, trái tim và đôi mắt cùng bừng lên, lương tâm và lý trí cùng lên tiếng. Gã không hy vọng bắt sống đối phương; đánh động ông ấy lúc này chỉ khiến ông phi nhanh về doanh trại địch, mang theo thông tin tai hại. Nhiệm vụ của gã rất rõ ràng: phải bắn chết người đàn ông kia, cái chết không được báo trước, cũng không có một chút thời gian để chuẩn bị tinh thần, và không có cơ hội để đọc lời cầu nguyện. Nhưng một tia hy vọng lại nảy sinh trong tâm trí Carter Druse: có lẽ ông ta không nhìn thấy điều gì, chẳng qua ông đang chiêm ngưỡng sự thăng hoa của cảnh quan thôi. Và cũng có thể ông sẽ quay ngựa, đi theo hướng đã đưa ông đến. Nhưng Druse không dám chắc liệu người kỵ mã đã nhìn thấy những gì. Biết đâu ông ta chỉ đang chú mục vào một thứ gì đó. Druse quay đầu lại, nhìn xuống thung lũng phía dưới, qua màn sương, đáy thung lũng giống như một vùng biển mờ. Druse nhìn thấy bóng dáng đồng đội dắt ngựa len lỏi giữa đồng cỏ - một tay chỉ huy ngu xuẩn nào đó đang cho phép thuộc hạ tắm ngựa ở ngoài trời, trong tầm nhìn khá rõ ràng từ hàng chục đỉnh núi!
Druse rời mắt khỏi thung lũng và định thần lại, nhìn người kỵ mã trên bầu trời. Một lần nữa, gã giữ chặt cây súng, ngắm bắn. Nhưng lần này mục tiêu của gã là con chiến mã. Trong ký ức gã, đó như thể là một mệnh lệnh thiêng liêng, vang lên từ lời dặn dò của người cha khi gã rời
khỏi nhà: "Dù chuyện gì xảy ra, hãy làm những gì mày quan niệm là nghĩa vụ của mày." Lúc này gã bình tĩnh lại. Gã cắn chặt răng; tâm trí tĩnh lặng như bé con đang ngủ - không một cơn run rẩy nào ảnh hưởng bất kỳ cơ bắp nào trên cơ thể gã; hơi thở gã vẫn đều đặn và chậm rãi cho đến khi phải kìm lại để ngắm trúng mục tiêu. Phận sự đã được khẳng định; hồn vía gã nói với chính gã: "Bình tĩnh nào."; Rồi gã bóp cò.
III
Một sĩ quan lực lượng Liên bang, người có tính mạo hiểm hoặc ưa thích khám phá cảnh quan đã rời binh đoàn ẩn trong thung lũng, lững thững tìm đường đến mé dưới khu vực đó, ở gần chân vách đá. Ông tò mò xem xét hết nơi nọ, tới nơi kia. Ở khoảng cách một phần tư dặm trước mặt ông, từ rìa cây thông nổi lên bóng dáng khổng lồ của vách đá cao ngất ngưởng. Nó khiến ông thích thú nhìn lên. Nó thể hiện một mặt cắt thẳng đứng trên nền trời. Ngước mắt nhìn lên độ
cao chóng mặt đó, viên sĩ quan nhìn thấy một cảnh tượng đáng kinh ngạc - một người đàn ông đang cỡi ngựa xuống thung lũng từ không trung!
Người cầm cương ngồi thẳng, phong cách chiến binh, với chỗ ngồi vững chắc trên yên ngựa, tay ghì dây cương để ngựa khỏi lao nhanh. Từ cái đầu trần, mái tóc dài của ông xòa ra, bồng bềnh. Đôi tay ông khuất trong đám lông bờm ngựa. Thân thể con chiến mã nằm ngang bằng, tưởng như đang đặt móng lên mặt đất. Chuyển động của nó giống như một cú phi nước đại hoang dã, nhưng ngay khi viên sĩ quan nhìn lên, cả người lẫn ngựa cơ hồ dừng lại, với bốn chân hất mạnh về phía trước như hành động sà xuống từ một bước nhảy vọt. Rõ ràng đây là một cuộc bay kỳ ảo!
Đầy kinh ngạc và sợ hãi trước sự xuất hiện của người kỵ mã trên bầu trời - nửa tin nửa ngờ mình là người được chọn để chứng kiến một Ngày Tận thế mơ hồ nào đó, viên sĩ quan bị khuất phục bởi cảm xúc mãnh liệt; đôi chân trượt xuống, ông ngã nhào. Gần như cùng lúc đó, ông bồi hồi nghe thấy tiếng va chạm trên cây - một âm thanh chết chóc mà không có tiếng vọng – rồi tất cả tĩnh lặng.
Người sĩ quan đứng dậy, run rẩy. Cảm giác quen thuộc khi bị cọ vào ống chân gợi cho ông những năng lực lạ thường. Trấn tỉnh lại, ông chạy nhanh theo hướng rời khỏi vách đá, đến một điểm thật xa; ở đó, ông mong tìm thấy người kỵ mã kia; nhưng chả thấy gì. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ông chứng kiến mọi chuyện, trí tưởng tượng của ông vẫn đắm chìm trong ơn sủng, sự thoải mái và chú tâm quan sát màn trình diễn ngoạn mục; do vậy, ông không hề nghĩ rằng con đường người kỵ binh bay ấy đi thẳng xuống dưới và ông có thể phát hiện đối tượng ngay dưới chân vách đá. Nửa giờ sau, ông lững thững quay về doanh trại.
Tay sĩ quan này là người khôn ngoan; ông chỉ cần biết, tốt hơn là không nên nói ra một điều khó tin như vậy. Ông không nói gì về những điều đã thấy. Nhưng khi cấp chỉ huy hỏi ông, trong lần trinh sát vừa rồi, liệu ông biết được điều gì có lợi không, ông đáp: "Vâng, thưa ngài; từ phía nam, chẳng có con đường nào dẫn xuống thung lũng này cả."
Vị chỉ huy biết nhiều hơn thế, nhưng chỉ mỉm cười.
IV
Sau khi bắn xong, binh nhì Carter Druse nạp thêm đạn rồi xem đồng hồ. Chưa tới 10 phút sau, một trung sĩ Liên bang thận trọng trườn mình đến chỗ gã. Druse không quay đầu lại, cũng không nhìn anh ta, mà nằm im không nhúc nhích hoặc gần như không biết.
"Cậu vừa bắn phải không? viên trung sĩ thì thào.
"Vâng."
"Bắn gì?
"Ngựa. Hồi nãy nó đứng trên tảng đá kia – chỗ xa xa kia kìa. Giờ nó không còn ở đó nữa. Nó đã lao qua vách đá."
Khuôn mặt gã trắng nhợt, nhưng không biểu hiện cảm xúc gì. Trả lời xong, gã quay mặt đi, không nói gì thêm. Vị trung sĩ chả hiểu gì.
Sau một lúc im lặng, anh nói: "Này Druse, tỏ ra bí ẩn thế, chả ích lợi gì đâu. Tôi ra lệnh cho anh báo cáo: Có ai trên con ngựa ấy không?
"Có chứ."
Ai?
"Cha tôi."
Vị trung sĩ đứng dậy, bỏ đi.
"Lạy chúa!" anh ta buột miệng.
(Trần Như Luận lược dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét