Cảm nhận khi đọc tiểu thuyết “Những cây cầu ở quận Madison” của nhà văn Robert James Waller.
*
Tôi không muốn lôi tôi vào chuyện liên can, nhưng thiệt tình tôi không giấu lòng mình, tôi đang trong tình huống của một người ngoại lục tuần đang chao đảo.
Tôi không thể làm những vần thơ yêu người như những người yêu nhau còn trẻ.
Tôi không làm được kiểu như trong bài hát “Aline” của Christophe: Ngồi họa hình người tình trên bãi cát vàng, rồi hét lên, gọi tên người yêu giữa sóng biển, gió trời.
Tôi phải làm người đứng đắn, theo chuẩn mực đời vạch ra, trong khi lòng tôi đang nghiêng ngã. Cho nên đọc “Những cây cầu ở quận Madison” tôi thấy lòng mình dịu lại.
Freud cho rằng, yêu đương là cơ sở tâm lý của con người, được phát triển nó làm con người sung sướng, yên ổn. Bị đè nén nó làm phá hoại sự quân bình của hệ thần kinh, đẻ ra các chứng bệnh tinh thần. Có đường dây liên hệ nào liên quan tới tôi ở đây chăng?
Tôi đọc nhiều tiểu thuyết trong và ngoài nước, nhưng công nhận một điều là không đâu như trong ca dao Việt Nam, chuyện yêu đương trai gái được thoải mái bộc lộ.
Vì nam nữ nông thôn ngày xưa cho đó là thiên tính, một nhu cầu sinh lý bình thường của con người.
Trong môi trường thiên nhiên không thể là nơi nghi lễ và luật pháp kiểm soát được, không thể đưa vào khuôn. Ước gì tôi được như thế:
“Trời nắng thì trời lại mưa/ Tính tôi hoa nguyệt chẳng chừa được đâu/ Lệ làng, làng bắt mấy trăm mặc làng…”
Tôi cho rằng người từng trải qua một tình yêu đích thực trong đời, một tình yêu vì lý do nào đó không toại nguyện, hẳn sẽ hiểu vì sao cuốn tiểu thuyết “Những cây cầu ở quận Madison” đã nói thay cho khát vọng tình yêu, rằng khi con người yêu và được yêu mãnh liệt sẽ làm cho cuộc đời lật sang một trang mới ra sao.
Truyện “Những cây cầu ở quận Madison” không phê phán, không bênh vực cho ai cả, truyện chỉ nói lại một chuyện có trong hiện hữu này. Do vậy, tôi thấy tôi trong “Những chiếc cầu ở quận Madison”.
Tuy vậy, trong cái khung phong tục tập quán Việt Nam hôm nay- có tôi trong đó vẫn phải bảo tôi rằng, chuyện này không khiến tôi có cảm giác là một thiên tình sử đẹp đẽ, đáng tôn vinh, càng không phải thứ khiến tôi khao khát- khao khát trong tội lỗi.
*Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để hai nhân vật chính (Francesa và Robert) nhận ra rằng, họ sinh ra để dành cho nhau. Họ nhanh chóng lao vào nhau theo cách mãnh liệt nhất. Chỉ có bốn ngày sống hết mình bên nhau, nhưng lại là những ngày tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mỗi người.
Để rồi sau đó, họ dành cả phần đời còn lại của mình, để tưởng nhớ về nhau, một cách âm thầm, nhưng không kém phần dai dẳng.
Tôi từng trải qua, tôi từng khao khát một tình yêu đích thực, tôi đã từng vì lẽ gì đó không được toại nguyện. Do vậy tôi đồng cảm, thấu hiểu vì sao Francesa và Robert biết rõ đã bước vào ranh giới của đạo đức và trách nhiệm mà vẫn điên cuồng lao vào nhau.
Tôi thừa nhận, ranh giới giữa tình yêu và tội lỗi, đôi khi chỉ cách nhau một cách nhìn. Có nhiều chuyện, mãi mãi không có câu trả lời, không có nhận biết đúng sai. Thước đo công minh nhất, chính là trái tim và lý trí.
*Rất đúng hoàn cảnh thực của tôi nhiều lắm, từ đó tôi suy ra. Tôi tin rằng, cho đến cuối cuộc đời mình, Francesa hay Robert- hiện thân của tôi- vẫn không hề hối tiếc về những gì họ đã làm trong bốn ngày đó.
Điều vĩ đại hơn cả là, dù đã gặp được thứ tình yêu đích thực của cuộc đời, thì cô ấy vẫn đặt trách nhiệm với gia đình lên trên hết.
Ở góc độ một độc giả như tôi, tôi không phán xét cô ấy, không áp đặt lên cô ấy những trách nhiệm, bổn phận kèm theo nghĩa vụ, đạo đức.
Tôi không nói những diễn biến trong đời sống tinh thần của cô ấy không quan trọng và có phần vớ vẩn. Bởi vì, chẳng gì khiến một cô gái vui vẻ, mãn nguyện và tràn đầy năng lượng hơn chính sự thoải mái trong đời sống tinh thần.
Vứt bỏ tất cả để sống nốt giấc mơ thời thiếu nữ, để tận hưởng trọn vẹn những dư vị ngọt ngào của tình yêu hay hy sinh bản thân mình để làm tròn trách nhiệm với người chồng và những đứa con?
Họ đã vô tình va phải ranh giới lớn nhất là đạo đức và trách nhiệm mà vẫn điên cuồng lao vào yêu nhau.
* Đọc truyện tôi thấy sáng rõ chỗ đứng của tôi trong tình yêu. Tôi đã qua nhiều va chạm, nên nhìn thấy đôi nhân vật trữ tình trong truyện, đủ giúp tôi rút ra bài học cho riêng mình. Đó là: Nếu ta muốn có niềm vui, hãy mang niềm vui cho kẻ khác, nếu muốn có tình yêu, hãy tập ban phát tình yêu.
Xem cảnh Robert nức nở khóc tôi nhận ra rằng, nước mắt đàn ông âm thầm lặng lẽ, nhưng đau lắm. Nó không rơi từng giọt để đặc tả một nỗi thống khổ nào đó, nhưng hẳn là nó có thể rơi suốt đời, trong câm nín.
Tôi thích “Những cây cầu ở quận Madison” cũng bởi nó chứa đựng những nỗi đau như thế, là khi người trong cuộc, phải chấp nhận cảm thấy hạnh phúc với sự bất hạnh của mình.
Tôi không tin rằng những chuyện tình như của Francesca và Robert chỉ có trên tiểu thuyết. Trong cuộc sống của chúng ta, có biết bao sự trái ngang kiểu vậy mang tên “ngoại tình” hay “người thứ ba”.
Tình yêu không bao giờ có lỗi, chỉ có điều, trong một vài phương diện nào đó, nó luôn phải đi cùng với hai từ: Trách nhiệm.
Tôi biết những người chấp nhận cả đời làm người thứ ba. Tôi cũng biết những người bằng lòng sống cùng với người bạn đời mà trong đầu họ không chỉ có duy nhất một tình yêu.
Vì thế tôi nghĩ cũng nên gác lại sự ngờ vực, hoài nghi về mối tình vụng trộm này để rồi giống như họ tìm thấy một cõi đi về trong mức độ chấp nhận.
Tôi biết cũng có người đồng tình với tôi: Không nên xem tiểu thuyết “Những chiếc cầu ở quận Madison” hoặc bộ phim cùng tên bằng con mắt của nhà đạo đức.
Tình yêu là một đặc ân của tạo hoá. Với tình yêu, không ai là tội đồ. Có những điều bên ngoài có vẻ rất đúng nhưng bên trong lại rất sai; có những điều bên ngoài có vẻ rất sai nhưng bên trong lại rất có lý.
Cái nhìn của tôi dành cho cặp đôi yêu nhau trong “Những chiếc cầu ở quận Madison” hay là những cuộc tình nghiệt ngã nào đó ở ngoài đời. Trở về với thực tại riêng tôi, tôi cũng có thể thấy tôi vẫn luôn muốn yêu và được yêu một cách sâu sắc, trọn vẹn nhưng lại bị giữ lại trong nỗi sợ.
Tôi chưa thoát ra khỏi điều đã được dạy rằng, mỗi vật có chỗ đứng của mình vào đúng thời gian qui định, vì đơn giản nó được hiện hữu.
Dù là lý do gì đi nữa, chuyện tình giữa Robert và Fransesca đã sưởi ấm trái tim tôi, cho tôi thấy một tình yêu đích thực vẫn tồn tại ngoài kia, và nó sẽ đến với những ai dũng cảm biết chiến thắng nỗi sợ.
N.P
*
PHỤ LỤC: Tóm tắt cốt truyện
Vào một ngày nắng tháng 8 năm 1965, khi Robert Kincaid đang trên đường đi tìm những cây cầu mái cổ kính tại quận Madison - Iowa để làm tư liệu cho phóng sự ảnh Những cây cầu ở quận Madison, anh đã dừng chân trước cửa nhà Francesca để hỏi đường.
Lúc này cô đang ngồi trên xích đu uống trà ở hiên trước, cả gia đình cô đã đến hội chợ bang Ilinois. Chỉ năm giây trôi qua trong ánh nhìn nhau thôi, nhưng Francessca biết rằng, Robert Kincaid có một cái gì đó khiến cô không thể rời khỏi anh.
Francesca là mẫu người phụ nữ của gia đình: hết lòng chăm sóc chồng con và từ bỏ những ước mơ của mình vì cuộc sống gia đình.
Nhưng cuộc đời cô đã hoàn toàn thay đổi khi Robert Kincaid xuất hiện. Anh là một nhiếp ảnh gia tự do, thường xuyên rong ruổi trên những chặng đường dài để chụp ảnh.
Giây phút đó đã đánh dấu sự thay đổi trong tâm hồn Francesca, cũng đảo lộn mọi thứ vốn không thể tĩnh lặng hơn nữa trong cuộc sống của cô.
Tình cảm của Francesca biến hóa nhanh không ngờ, khiến cô dám làm những điều mà chính cô cũng không nghĩ tới.
Cô mời anh vào nhà uống nước, rồi nuối tiếc khi để anh rời đi, lại vội vàng chạy ra cây cầu đính mảnh giấy hẹn anh, chuẩn bị thật kỹ càng để đón anh quay lại, hồi hộp nhìn theo anh, mua váy mới để gặp anh.
Cô, một phụ nữ đã bước vào tuổi trung niên phút chốc bỗng thành cô gái mới yêu với đầy đủ cung bậc cảm xúc.
Không chỉ cô say đắm anh mà anh cũng bị cô hấp dẫn. Họ cuốn vào nhau, gắn bó với nhau như thế đã yêu nhau từ rất lâu, dù chỉ có được bốn ngày bên nhau. Dường như họ sinh ra là để dành cho nhau.
Đấy thực sự là hạnh phúc nhất lớn nhất của đời người: yêu và được yêu bởi đúng người mình yêu.
Tiếc rằng cuộc gặp gỡ định mệnh đó lại không đúng thời điểm. Francesca đã không thể từ bỏ trách nhiệm của mình để đi theo tiếng gọi của con tim.
Còn Robert, nhạy cảm và thấu hiểu tâm tư của cô, cũng chẳng ra sức nài ép cô đi theo mình. Cô khao khát Robert, khao khát tình yêu của anh, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.
Cô lặng lẽ dõi theo anh, lặng lẽ gói ghém kỷ niệm về anh, lặng lẽ ghi nhớ tất cả những gì thuộc về anh.
Không thể tưởng tượng được Francesca đã sống những năm tháng còn lại trong cuộc đời mình với sự kìm nén mong muốn gặp lại Robert như thế nào.
Cho đến khi kết thúc cuộc đời, Francesca mới được về bên anh, như nguyện vọng cô đã viết cho các con:
“Mẹ đã hiến cả cuộc sống cho gia đình ta nên mẹ tặng cho Robert Kincaid những gì còn lại của mẹ”.
Francesa hòa vào lòng đất theo đúng cách Robert đã trải qua, đúng nơi anh đã nằm lại. Họ về bên nhau sau bao nhiêu chờ đợi theo cách riêng của hai người, bên cây cầu định mệnh đã kết nối họ.
Tình yêu của họ tuy bị chia cách về không gian nhưng chưa lúc nào ngừng tắt. Chính sự lựa chọn đầy trách nhiệm của Francesca cho gia đình đã làm tình yêu ấy thêm đẹp, thêm mạnh mẽ và trở nên bất diệt.
Và những cây cầu này đã trở thành nhân chứng cho một tình yêu gần như là mụôn mằn, bất diệt và toàn vẹn của Francesca với Robert, một nhiếp ảnh gia tài năng, phóng túng và khác biệt.
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét