ĐỌC LẠI “MỘT THỜI ĐỂ YÊU VÀ MỘT THỜI ĐỂ CHẾT” - Bài của Nguyễn Phin
Thứ Tư, 11 tháng 10, 2023
Ảnh: Hai nhân vật chính trong phim "Một thời để yêu và một thời để chết"- Tôi đọc “Một thời để yêu và một thời để chết” lâu lắm rồi, của dịch giả Cô Liêu, nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn hồi còn khá trẻ. Tác phẩm để lại trong tôi xúc cảm rưng rức, buồn thương.
- Còn giờ đây, vào một buổi chiều phiêu lãng ở sân Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố, cuốn sách nhan đề “Thời để yêu, thời để chết” của dịch giả Lê Phát tôi đang cầm trên tay, đọc trang cuối với cảnh cái chết của Ernst Graber – nhân vật chính trong truyện, tôi tưởng như có mây nhẹ bay qua trên đống gạch vụn điêu tàn của thành phố Hakeastre quê anh.
- Tôi nhận ra Remarque không làm văn chương, văn ông có chất thơ phớt nhẹ như chút nước mát rưới xuống mặt đất cháy đen của thời lửa đạn. Lúc này đây tôi cảm nhận một tình yêu giữa chiến tranh với lửa và máu, với nuớc mắt và hoài vọng.
- *
- Từ mặt trận, Ernst được nghỉ phép ba tuần, anh trở về quê hương, khi nước Đức đang tang thương vì bom đạn của Đồng minh.
- Suốt trên đường về, anh chỉ thấy cảnh tàn phá thê lương, những ngôi làng chỉ còn sót lại một vài nóc nhà cháy đen hiện rõ ra thêm trên bãi tuyết đang tan, không tìm thấy mái nhà của mình trong đống gạch vụn.
- Đang trong lúc không tin tức của cha mẹ và cũng không biết họ sống, chết hay mất tích, Ernst Graber tình cờ gặp Elisabeth Kruse, người bạn thưở thiếu thời - Elisabeth Kruse là con gái của một trí thức phản kháng, bác sĩ Kruse đang bị Gestapo giam giữ.
- Họ yêu nhau, tình yêu của những con người bị lưu lạc trong bom đạn, mãnh liệt và chân thật. Ðám cưới của Ernst và Elisabeth giản dị không người thân hay bạn bè tại tòa thị chính.
- Tình yêu của họ ngọt ngào, nồng thắm của cuộc sống lứa đôi, chen lẫn nỗi sợ của con người không biết rồi mình sẽ về đâu.
- Trong thời gian này, các cuộc không kích liên tục của Đồng Minh đã làm gián đoạn mọi khoảnh khắc yên bình của Ernst và Elizabeth.
- Họ muốn trốn chạy sự khắc nghiệt của cuộc chiến bằng tình yêu, nhưng cả hai chỉ là những nạn nhân của thời chiến, họ không có sự lựa chọn nào cả dù chỉ là một giấc mơ thật bình thường.
- Ba tuần lễ phép thoáng qua như một giấc mộng, Ernst Graber trở lại chiến trường. Tàn cuộc chiến, Đức thua trận và rút lui.
- Trên đường về trại, Ernst và đồng đội được lệnh bắt và tử hình bốn người tù du kích Nga nhưng Ernst đã ngăn cản và bắn chết thuộc cấp của anh để giải thoát những người tù.
- Nhưng định mệnh qúa khắt khe, Errnst đã ngã gục bởi viên đạn của một người tù mà anh đã tha mạng chết. Viên đạn oan nghiệt đã tiễn chân anh về thế giới bên kia khi anh đang đọc lá thư của Elizabeth báo tin nàng đang mang thai đứa con của họ.
- *
- Tôi nghĩ độc giả Việt Nam lứa U70 như tôi khi đọc Erich Maria Remarque dễ nhìn và thấu hiểu một cách sâu sắc những gì mà nhà văn Erich Maria Remarque truyền tải.
- Bởi tôi và bạn đã từng được chứng kiến sự khốc liệt của bom rơi, đạn pháo, máu và nước mắt, tình yêu và mất mát mà chúng ta đã từng sống qua nhiều thập kỷ trước trên khắp quê hương mình.
- Tôi như thấy trước mắt, cũng một phần là do được xem phim cùng tên của hãng phim Hollywood thập niên 50, nên có một chút trực quan cảnh chiến trường khốc liệt với xác người không vẹn toàn, xình thối, vùi chôn dưới từng lớp tuyết, với những cảnh điêu tàn, những nóc nhà cháy, những bức tường đổ nát, những đống gạch vụn.
- Bỗng vẩn vơ nghĩ về chiến trường Ukraina khốc liệt hôm nay, tôi đồng tình với Erichs Maria Remarque, cần lên án những cuộc chiến tàn khốc và hủy diệt biết bao thế hệ, đẩy biết bao số phận con người vào nỗi khốn cùng.
- *
- Ngay khi Thế chiến I kết thúc đã dạy cho Erich Maria Remarque một bài học cay đắng về cái gọi là "chủ nghĩa yêu nước" ở một xã hội mà sinh mạng con người hoàn toàn bị coi rẻ.
- Erich Maria Remarque lỡ sinh ra trong thời chiến, tham gia vào các cuộc chiến thảm khốc, sống chết qua đường tên mũi đạn, nhân chứng những cái chết phi lý của đồng đội, sự tàn phá của những trận mưa bom vào thành phố tiêu điều.
- Vì thế Erich Maria Remarque viết về chiến tranh không phải bằng sự lấp lánh của những tấm huân chương mà bằng tất cả nỗi bi thiết và đớn đau tột cùng.
- Nhưng ông không để cho nhân vật của mình đi vào trạng thái tuyệt vọng, mà luôn hướng họ đến đỉnh cao của sự hy vọng và niềm tin.
- Vì khi còn có niềm tin, còn có hy vọng thì thế giới của con người vẫn còn tồn tại.
- Tôi cảm nhận đó là ngòi bút viết bằng sự cảm thông và thương yêu lớn lao, với một trái tim nhiệt thành và khao khát một cuộc sống hạnh phúc mà đáng lý ra con người phải được thừa hưởng trọn vẹn.
- Cũng chính vì sự lên án chiến tranh một cách mạnh mẽ và đích thực này mà Remarque bị buộc tội "phản bội những người lính bằng văn học" dưới thời Đức Quốc xã.
- Ông bị tước quốc tịch Đức và phải sống lưu vong, hai cuốn tiểu thuyết “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” và “Đường về” bị Đức quốc xã đem đốt.
- NGUYỄN PHIN
- Đ ọ c t h ê m
- Lật giở từng trang sách đều có những mẫu chuyện nhớ đời về cái chết, sự sống và tình yêu. Tôi chỉ chọn một trong hàng trăm trang như thế.
- *
- Graber đến nơi. Một số người chết đã tìm ra căn cước. Có người được để vào săng, có người để trên cáng quấn trong mền. Nhiều người mặc áo ngày lễ, có người được bọc vải trắng.
- Y lần lượt đọc tên từng người chết, lật mền lên coi những xác chết y không biết tên tuổi rồi đến xem những xác chết chưa lập căn cước xếp hàng ở gần mé tường.
- Một vài người được vuốt mắt, một số khác chắp tay lên ngực, nhưng phần nhiều để nguyên vẹn như lúc chết, chỉ vuốt tay cho xuôi đặng khỏi choán nhiều chỗ.
- Một đám người dân sự yên lặng đi qua, cúi xuống những khuôn mặt xám xịt với hy vọng tìm ra người thân. Cách y vài bước, một người đàn bà bỗng quỳ xuống gần một xác chết ôm mặt khóc rưng rức.
- Những người khác tránh ra sau bà ta để tiếp tục tìm kiếm, họ có những khuôn mặt kín đáo trầm lặng không lộ chút xúc động, nhưng có lẽ chỉ là sự chờ đợi khắc khoải.
- Càng gần hết hàng xác chết, hy vọng càng hiện rõ trên mặt, nom họ bình tĩnh hẳn lại khi ra về.
- Graber bước về chỗ cũ. Người gác hỏi:
- - Ông đến nhà nguyện chưa?
- - Chưa.
- - Những xác nào nát bấy thì để ở đây.
- Y lẳng lặng nhìn Graber. Nhưng phải cứng bóng vía mới nên vào đấy. Một anh trưởng trại tập trung hôm qua vào đây cũng phải chóng mặt, tuy rằng anh ta khỏe như con bò mộng.
- Graber không trả lời. Y đã trông thấy nhiều người chết rồi mà không bồn chồn, tuy ở đây là dân sự có đàn bà con nít nhưng cũng không khác. Những sự thảm khốc y đã chứng kiến bên Nga, bên Hòa Lan, bên Pháp không kém gì ở trong nhà nguyện.
- Y nhận thấy những xác người nát bấy chất đống trong nhà nguyện nom không đáng sợ bằng những xác chết đóng băng đủ mọi giai đoạn thối sình đã thấy bên Nga, nhất là một toán năm mươi du kích quân chết treo, mặt xanh dờn sưng húp, mắt lòi ra ngoài, môi nứt tung, lưỡi lè ra sưng to một cách kỳ dị.
- Trên chiến trường, tuyết rơi từng đợt kế tiếp nhau lấp kín xác chết, nhiều lớp tuyết dày quá, lính cứu thương không biết mà đem chôn, trông giống như người ta phủ một tấm vải trắng tinh lên một cái giường vấy máu và nhơ nhớp bùn.
- Những ngày mưa ròng rã đã tạo thành những vùng bùn lầy để lộ ra những xác chết từ những trận đánh trước, thây người chết rã ra, trương phình, dưới ánh sao, tưởng như thây ma nhỏm dậy, chập chờn trong bóng đêm, đưa đến một sự sợ hãi đến kinh hồn.
N.P
Tags:
ĐỌC SÁCH,
Nguyễn Phin,
TẠP BÚT,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét