Đọc tiểu thuyết “Cuộc đời của Pi” – “Life of Pi” của nhà văn Yann Martel, đoạt giải thưởng Man Booker (Canada)
*
Từ lâu tôi đã thấy gia đình là nơi nhiều bão tố mà đời tôi là một con thuyền. Tôi phải dập dềnh trên đó học bài học khó để làm người chân chính. Tôi có muốn chạy cũng không chạy đâu cho thoát, bỗng nghĩ về “Cuộc đời Pi”, một tiểu thuyết mà tôi đã đọc lúc này phù hợp với mình làm sao!
Tôi đã đọc “Cuộc đời của Pi” ba lần, tôi cũng đã xem bộ phim cùng tên ba lần. Qua đó tôi thấy nhiều điều lắng đọng, gợi lên những suy nghĩ sâu xa, chiêm nghiệm những giá trị vĩnh hằng về tình yêu, về niềm tin tôn giáo, về sức mạnh của con người. Tôi lần theo “cái phao” của Pi để chiến đấu trong thực tế, tiến đến chỗ yên lòng được chăng.
Nhà văn Yann Martel đã đoạt giải thưởng Man Booker (Canada) với cuốn tiểu thuyết “Cuộc đời của Pi” – “Life of Pi”. Tác phẩm này đã được đạo diễn nổi tiếng Lý An chuyển thành bộ phim thu hút hàng triệu khán giả trên thế giới. Lý An là đạo diễn người Đài Loan, tôi đã từng mê ông qua phim kiếm hiệp “Ngọa hổ tàng long”
Tác phẩm kể về cậu bé Piscine Molitor Patel, cậu tự gọi mình là Pi - đặt theo tên một hồ bơi ở Paris, bởi cậu cũng như của cha mình đặc biệt thích bơi. Piscine Patel hay còn gọi là "Pi" - là người kể chuyện và là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết.
Pi là con trai của một chủ vườn thú tại vùng Pondicherry của Ấn Độ. Cậu say mê tôn giáo và cùng một lúc theo cả đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Thiên Chúa.
Để tránh những biến cố chính trị, gia đình cậu chuyển toàn bộ vườn thú tới Canada trên một con tàu của Nhật Bản có tên là Tsimtsum. Con tàu đã gặp một cơn bão lớn và chìm, còn Pi lạc mất gia đình mình, cậu sống sót trên chiếc thuyền cứu hộ cùng một con hổ Begal có tên Richard Parker, một con linh cầu, một con đười ươi và một con ngựa vằn.
Cuối cùng, chỉ còn lại con hổ và cậu lênh đênh trên biển. Sử dụng những hiểu biết về nuôi dưỡng thú hoang, Pi đã duy trì sự sống của cả cậu và Richard Parker cho tới khi cả hai dạt lên một bờ biển. Câu chuyện bắt đầu khi tác giả gặp Pi, lúc này đã ở tuổi trung niên có vợ và hai con, tại Winnipeg- Canada và bắt đầu ghi chép lại chuyện đời của anh.
Phần 1 câu chuyện bắt đầu được kể khi Pi ở tuổi trung niên, bây giờ đã kết hôn và có gia đình riêng của mình, và sống ở Winnipeg – Canada.
Phần 2 kể chuyện khi cậu mới mười sáu tuổi. Pi kể lại câu chuyện của cuộc đời mình và 227 ngày hành trình của mình trên xuồng cứu sinh sau khi con tàu chìm ở giữa Thái Bình Dương trong một chuyến đi đến Bắc Mỹ. Chuyến đi này là thử thách cực độ cả về tinh thần lẫn thể xác. Bạn đồng hành của Pi là một con hổ Bengal trưởng thành, vừa là mối nguy lại vừa là cái neo giúp Pi bám lấy cuộc sống.
Phần 3 của câu chuyện diễn ra tại một bệnh xá của Mê-hi-cô, nơi hai viên chức của hãng tàu Nhật Bản phỏng vấn Pi về nguyên nhân tàu chìm. Giải thích thêm về tên "Pi": Do tên Piscine phát âm là "Pit-xin", rất dễ nhầm với Pissing (đi tiểu), do đó nhân vật chính quyết định lấy tên là Pi để tránh bị trêu chọc.
*
Tôi rút tỉa được bốn bài học cho riêng mình
1.
Khi chiếc tàu bị chìm, Pi được ném xuống biển trên một chiếc tàu cứu sinh với một số lượng thực phẩm và đồ cấp cứu rất hạn chế. Pi buộc phải thực hiện một kế hoạch sống sót với một thời gian không chắc chắn trên vùng biển khắc nghiệt. Tôi rút ra bài học số một: Tôi phải lập kế hoạch cho nhiều tình huống khác nhau, ngay cả khi nguồn thu nhập thấp, tôi vẫn có thể có một cuộc sống ý nghĩa.
2.
Khi Pi bất ngờ tìm thấy con hổ Richard Parker trên thuyền cứu sinh, anh quyết định mang thức ăn dự trữ sang chiếc bè để tránh bị con hổ ăn thịt. Ngay lúc đó, có vẻ đó là một quyết định khôn ngoan, vì anh vẫn chưa hình dung được những nguy hiểm lớn hơn mà anh chưa bao giờ biết đến. Vào một buổi tối, một con cá voi khổng lồ xuất hiện lật úp chiến bè, vứt đi tất cả nguồn thực phẩm dự trữ và nước ngọt. Lúc đó Pi nhận ra rằng sống chung với con hổ Parker trên thuyền có lẽ là một sự lựa chọn tốt hơn.
Sau sự cố cá voi, Pi nảy ra ý định cần phải "hòa giải" với hổ Parker để cùng sống trên tàu cứu sinh, một ý tưởng mà anh luôn gạt bỏ từ trước tới nay. Sống cùng Parker trên thuyền, anh luôn giữ chính mình ở trạng thái cảnh giác. Nhưng khi Parker đói bụng và nhảy xuống biển bắt cá, Pi đã giúp nó trở lại thuyền một cách từ từ. Bài học số hai: Bao giờ cũng có cách chung sống trong hòa hoãn, khó khăn- thuận lợi hai bên cùng nương tựa nhau.
3.
Pi bị trôi dạt đến một hòn đảo tảo ăn thịt người, là một ốc đảo dồi dào thực phẩm và nước ngọt, là một nơi trú ẩn lý tưởng. Nếu hài lòng thì coi như Pi tìm ra một giải pháp trung bình cho một vấn đề chiến lược. Lúc này là lúc dễ thỏa hiệp nếu Pi quyết định sống trên đảo với đầy loài tảo ăn thịt vào ban đêm.
Tuy nhiên đáng học tập là Pi luôn để mắt và tâm trí đến mục tiêu cuối cùng. Pi đã quan sát cách tồn tại của những sinh vật trên đảo để tìm ra cách thức tồn tại của chính mình. Anh đã rời bỏ hòn đảo. Bài học thứ ba: Không thỏa hiệp với thuận lợi trước mắt.
4.
Giữa đại dương bao la, bão to, sóng lớn, cá voi, hỗ dữ, rơi vào trạng thái tuyệt vọng, gần như bên bờ vực phá sản. Bao giờ Pi cũng nghĩ đến triết lý vô thường của cuộc sống, những khó khăn chỉ là tạm thời. Pi đã thử hết tất cả mọi cách, thử đi thử lại nhiều lần. Pi đang đói bỗng nhiên có cá bay cung cấp thực phẩm, có cơn mưa rào cung cấp nước ngọt, có hòn đảo để nghỉ ngơi. Pi không bao giờ từ bỏ hy vọng sống sót. Bài học số bốn: Sẽ luôn có cơ hội cho bạn, khó khăn chỉ là tạm thời.
N.P
PHỤ LỤC
Đây là một chương ngắn nói về sự sợ hãi (Chương 56). Mời bạn cùng nghiền ngẫm xem cuộc đời này có gì đáng để sợ không?
Sự sợ hãi là đối thủ thực sự duy nhất của cuộc sống. Chỉ có sợ hãi mới đánh bại được cuộc sống. Nó một đối thủ khôn ngoan và xảo quyệt. Nó không có liêm sĩ, không tuân thủ bất cứ luật lệ gì, không biết thương xót. Nó tấn công chỗ yếu nhất của ta, và bao giờ cũng tìm thấy chỗ ấy một cách dễ dàng. Nó luôn tấn công trước hết vào tinh thần ta.
Ta đang bình tĩnh, chủ động, hạnh phúc. Đùng một cái, sợ hãi ngụy trang dưới một nghi ngờ nhẹ nhàng, lẻn vào tinh thần ta như một tên gián điệp. Nghi ngờ gặp phải Không tin và Không tin cố đánh bật nó ra. Nhưng Không tin là một anh lính quèn kém võ trang. Nghi ngờ loại anh này ra khỏi vòng chiến một cách dễ dàng. Ta bắt đầu lo lắng bồn chồn. Lý lẽ liền xung trận bảo vệ ta. Ta thấy yên lòng lại. Lý lẽ được trang bị bằng mọi loại vũ khí công nghệ hiện đại nhất. Nhưng trước sự kinh ngạc của ta, mặc dù đã có những chiến thuật siêu đẳng và một số chiến thắng không thể phủ nhận, Lý lẽ vẫn bị yếu thế. Ta lại thấy yếu lòng, hoang mang. Nỗi lo lắng và bồn chồn của ta trở thành kinh hoàng.
Lúc ấy sợ hãi đổ dồn toàn lực sáng cơ thể ta, vốn đã lờ mờ cảm thấy có chuyện chẳng lành đang xảy ra. Lập tức hai lá phổi ta vỗ cánh bay mất như một con chim, và ruột gan thì như bầy rắn hốt hoảng trườn đi. Rồi đến lưỡi ta cứng đơ lại, còn hàm thì bắt đầu phi nước kiệu tại chỗ. Tai ta điếc đặc. Cơ bắp bắt đầu run rẩy như sốt rét và hai đầu gối thì lắc như múa. Tim ta thắt lại quá nhỏ và các cơ vòng thì lỏng ra quá nhiều. Và tất cả bộ phận khác cũng vậy. Bộ phận nào cũng hỏng, theo kiểu riêng của chúng. Chỉ có hai con mắt vẫn chạy tốt. Chúng luôn chú ý đến Sợ hãi.
Và thế là ta nhanh chóng có những quyết định rất tai hại. Ta bỏ rơi những đồng minh cuối cùng là Hy vọng và Tin tưởng. Đó là lúc ta đánh bại chính mình. Và Sợ hãi thực chất cũng chỉ là một ấn tượng, đã đánh bại ta.
Chuyện đó rất khó nói ra bằng lời. Bởi vì Sự hãi, nỗi Sợ hãi thật sự, hằn sâu vào cốt tủy như khi ta phải đối mặt với cái chết, sẽ làm tổ trong ký ức ta như một ổ thịt thối: nó tìm cách làm thối mọi thứ, kể cả những lời sẽ phải dùng để nói về chính nó. Cho nên ta phải tranh đấu kịch liệt để diễn đạt nó ra. Ta phải chiến đấu đến cùng để làm rỡ ràng ánh sáng của những lời dùng để nói về nó. Bởi lẽ nếu không thế, nếu nỗi Sợ hãi của ta trở thành một cõi đen tối không lời mà ta lẫn tránh, thậm chí có thể lãng quên, ta sẽ bỏ ngõ chính ta cho những cuộc tấn công khác nữa của Sợ hãi, vì ta đã chưa bao giờ thực sự kháng cự kẻ đã từng đánh bại ta.
*
TÓM TẮT TỪNG TRƯỜNG ĐOẠN “CUỘC ĐỜI CỦA PI”
1.
Pi sống trong một gia đình trung lưu điển hình của Ấn Độ trong những năm 50, 60 của thế kỉ trước. Gia đình gồm có 4 người ấy sở hữu một khách sạn hạng trung. Thế rồi một ngày kia, ông bố nhận thấy mình thích gắn bó với những loài thú hoang dã. Ông đưa gia đình về với vườn thú Pondicherry.
Lòng say mê khám phá, yêu quí những loài động vật hoang dã ấy cứ lớn dần lên trong lòng Pi Patel theo những năm tháng ấu thơ của cuộc đời. Càng ngày Pi càng cảm thấy gắn bó hơn với chúng, chúng là một phần của cuộc sống mà em đang có, quan sát chúng làm em học được rất nhiều điều.
Và trong số những loài vật ấy, có một con hổ vùng Bengan tên là Richard Paker - một con thú có ảnh hưởng vô cùng lớn đến phần đời còn lại sau này của cậu bé.
Cuộc sống có thể vẫn cứ tốt đẹp như thế, bên cái “vườn địa đàng” và niềm tin thành tâm, sâu sắc vào tôn giáo ấy nếu không có những biến đổi về chính trị sâu sắc trên chính trường Ấn Độ thời đại Neruh.
Những thiết chế cũ nhanh chóng bị phá vỡ để thay vào đó là sự độc tài, kìm hãm nhiều mặt sự phát triển của đất nước. Ông bố lại một lần nữa quyết định: họ sẽ bán vườn thú và di dời sang đất nước Canada.
2.
Từ đây, thảm họa bắt đầu. Biển nổi sóng ầm ĩ sau bao ngày yên ả. Con tàu chìm nghỉm vào đêm đen của đại dương và cuốn theo toàn bộ thành viên lẫn thủy thủ đoàn, chỉ còn lại một mình cậu bé Patel sống sót. Chẳng còn ai khác ngoài cậu trên một chiếc xuồng cứu hộ ngoài khơi.
Bọn thú hoang không hiểu làm sao đã thoát ra được khỏi chuồng và đang hấp hối trên mặt biển như hình ảnh tái hiện của một trận Đại Hồng Thủy trong Kinh Thánh.
Bất chợt một con ngựa vằn rơi từ trên boong tàu xuống xuồng cứu hộ, què một chân. Pi nhìn thấy Richard Packer - con hổ Bengan đang vùng vẫy, một phút yếu lòng cậu đã ném cho nó 1 chiếc phao cứu sinh.
Ngay lập tức cậu bé nhận ra mình đã sai lầm thì quá muộn, con hổ dùng chân đạp nước cho cái phao tiến nhẹ về xuồng và nhảy phắt lên, Pi nhảy ùm xuống biển. Rồi những vệt sáng lân tinh của bầy cá mập lóe lên trong làn nước đen ngòm làm cậu hốt hoảng bơi lại vào xuồng.
Sự sống như bị giằng co từ 2 phía, con hổ trên xuồng và bầy cá đói mồi dưới nước. Chẳng bao lâu sau cậu còn phát hiện thêm có một con linh cẩu trên xuồng nữa, nó ở đó trước khi cậu được thả xuống xuồng. Ngày hôm sau, cậu lại cứu thêm được một con vượn cái đang bám vào 1 mảng chuối trên biển.
Như thế là chiếc xuồng cứu hộ có đến 5 thành viên: 1 con người, 1 con hổ đói Bengan đang say sóng, 1 con linh cẩu hung hãn, 1 chú ngựa vằn què chân và một con vượn cái.
3.
Bằng số lương thực, nước uống ít ỏi dự trữ trên xuồng cứu hộ, cậu bé đã sống được đến khi cậu có thể tự tay săn bắt và tạo ra nước ngọt từ những máy biến nước mặn thành nước ngọt trên xuồng.
Tận mắt chứng kiến cảnh con ngựa vằn tội nghiệp bị con linh cẩu giết chết, rồi đến con vượn cái cũng là một nạn nhân tiếp theo của con linh cẩu, để rồi cuối cùng con linh cẩu chết dưới móng vuốt của con hổ Richard Packer, Pi đã vô cùng lo sợ.
Cuối cùng chỉ còn lại một mình cậu bé và con hổ trên xuồng. Cậu ăn thịt rùa, cá các loại, uống máu rùa, ăn tảo, đập vỡ mai rùa, mổ bụng, moi gan cá… dù trước đó có nằm mơ cậu cũng không nghĩ rằng đến một ngày mình có thể làm những việc như thế.
Bóng tối với những con commando đi dạo quanh xuồng, ban ngày với cái nóng vô cùng của xứ nhiệt đới và cái mặn mòi của nước biển làm da thịt cậu lở loét, quần áo rách nát, cuối cùng chẳng còn manh áo trên ngườ.
Cậu bé phải kiếm đồ ăn cho mình và cả cho con hổ đói. Những nỗi sợ hãi vô cùng trong khoảnh khắc đối diện với móng vuốt sắc nhọn của con hổ dữ, sự hi vọng leo lét về một ngày nào đó mình sẽ gặp được một con tàu đi ngang qua, để rồi quay trở lại với nỗi cô đơn và thất vọng ngập tràn, trong giờ phút ấy cậu vẫn tin vào Chúa.
Rồi đến một ngày, những “công cụ lao động” của mình bị cơn bão biển cướp đi sạch sẽ.
Cậu bé không còn gì ăn, mắt mù, chân mỏi, đói và khát, sự sống dường như tắt lịm thì lại lóe lên một tia hi vọng le lói cuối đường hầm: cậu đã lạc vào một “hòn đảo” kì lạ. Và suýt chút nữa cậu bé đã quyết định “định cư” hoàn toàn trên hòn đảo kì lạ ấy nếu như không phát hiện ra rằng nó là một “hòn đảo ăn thịt người”.
Cậu lại quay về những ngày tháng lênh đênh trên biển cả với con hổ là bạn đồng hành - cậu không nỡ bỏ nó lại nơi này, với lại nó cũng gần như hoàn toàn thuần phục.
4.
Thế rồi cậu bé vẫn sống, cho đến ngày cái xuồng của mình xuôi theo sóng biển đến tận bờ biển Mexico. Khi chạm tay vào đất mẹ cậu mới tin là mình đã sống, con hổ Bengal chính là lý do giữ cậu lại trên đời, cậu nợ nó một điều gì đó.
Khi chiếc xuồng cập bến, con hổ nhảy phắt lên bờ và mất hút trong cách rừng bên cạnh, không kịp một lần ngoái đầu lại nhìn “người bạn đồng hành” của mình đang kiệt sức lịm đi trên cát.
Pi được đất nước Canada mở vòng tay chào đón, một gia đình tốt bụng mang Pi về nuôi, khoản tiền bảo hiểm của công ty tàu biển, một trường đại học danh tiếng, người vợ hiền và một gia đình hạnh phúc.
Nhưng vẫn còn lại trong anh những nỗi đau thường nhức nhối lên trong lòng sau những đêm mất ngủ. Và con người ấy vẫn sống, vẫn tiếp tục sống hết cuộc đời của mình để xứng đáng với những gì anh đã làm để giữ nguyên vẹn sự sống mà Thượng Đế tối cao đã ban tặng cho anh.
*
(Tác giả: Yann Martel. Dịch giả: Trịnh Lữ. Nhà xuất bản Văn học, năm 2019).
Tiểu thuyết được Mỹ chuyển thể thành phim, do Lý An đạo diễn, đầu tư 120 triệu USD, Phim đã được công chiếu tại Anh ngày 03.12.2012.
Năm 2013, tại lễ trao giải Oscar lần thứ 85, Cuộc đời của Pi đã được đề cử ở 11 hạng mục (xếp thứ 2) và chiến thắng với bốn giải: Đạo diễn xuất sắc nhất (Ang Lee), Nhạc phim hay nhất, Quay phim xuất sắc nhất.
“Life of Pi” là một tiểu thuyết của nhà văn người Canada Yann Martel, được xuất bản năm 2001. Năm 2002, cuốn sách giúp tác giả giành được giải Man Booker. Năm 2003, văn bản tiếng Anh, Life of Pi, được chọn cho giải Canada Reads và văn bản tiếng Pháp L'Histoire de Pi, được chọn cho giải Le combat des livres; cả hai giải là của CBC Radio./.
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét