Tôi kể bạn nghe niềm sung sướng của tôi mới đây. Nó liên quan đến một hồi ức đẹp. Hồi năm xưa, thập niên đầu tám mươi, tôi là bộ đội đóng quân trong rừng Pleiku. Là chiến sĩ Tiểu đoàn 16, thuộc Sư đoàn Bộ, Sư đoàn bộ binh 2. Theo nếp sống lính, tối tối sau phần sinh hoạt theo từng đơn vị riêng là tập trung theo dõi thời sự trên ti vi.
Sân đất nện, chỗ làm lễ chào cờ, làm lễ xuất quân là địa điểm xem ti vi của Tiểu đoàn. Đó là cái ti vi 32 inchs đen trắng mở cho cả tập thể tiểu đoàn xem. Không có gì giải trí, chỉ biết xem ti vi. Trên ti vi không có gì giải trí ngoài những bộ phim, nhà đài cho cái gì thì xem cái đó.
Tôi còn nhớ như in đó là vào năm 1983, mùa mưa. Đài truyền hình chiếu bộ phim “Người nông dân nổi dậy”, phim truyền hình Pháp, 6 tập, mỗi tập dài 60 phút. Tôi đã xem đủ cả 6, không bỏ bữa nào. Có bữa mưa tầm tã, giữa trời không mái che, mọi người bỏ chạy về lán trại, chỉ còn lại tôi nép bên mái hiên say mê buồn vui theo anh chàng Jacquou – nhân vật chính trong phim.
Tôi muốn rơi nước mắt trước hình ảnh cậu bé Jacquou nghèo khổ, lẽo đẽo đi theo mẹ cùng với vị luật sư tốt bụng tìm cách cứu chồng thoát khỏi cảnh tù tội oan ức. Nhưng rồi không chỉ cha chết, mà mẹ cũng lìa cõi trần. Chi tiết mẹ cậu ra đi trong một túp lều tồi tàn nơi hoang vu và mưa như trút nước làm tôi ràn rụa nước mắt thật tình luôn.
Nội dung tiểu thuyết “Jacquou le croquant” được dịch ra tiếng Việt là “Người nông dân nổi dậy”, Đài truyền hình quốc gia Pháp đã dựng thành phim vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Mãi đến năm 1983 mới được chiếu ở Việt Nam. Tôi đã xem phim một cách đắm đuối, mê say.
Phim dựng dưới dạng nhân vật chính thuật lại cuộc đời hồi trẻ của mình, qua giọng kể của diễn viên Daniel Le Roy. Phim có nội hàm rộng lớn và phong phú, mô tả trung thực và tinh tế phong tục xã hội và cảnh quan Pháp đầu thế kỷ XIX. Tôi thích chuyện kể trên nền nhạc, thấy đây là một "tiểu thuyết thôn quê", một bản "dân ca hương quê" ngọt ngào làm say đắm lòng tôi.
Bao giờ tôi cũng ngồi cho đến hết phần chạy chữ mới ra về, bởi tôi thường chờ đợi phần cuối là muốn nghe đoạn độc tấu ghita rất truyền cảm, buồn như những giọt âm thanh rơi trong tim tôi. Nhờ vậy, tới giờ tôi vẫn nhớ và lấy làm hãnh diện khi thấy trên màn hình, trong đoàn làm phim đông đảo người Tây có tên hai người gốc Việt là Nguyễn Đại Hồng và Nguyễn Thị Lan.
Mê phim đã thúc giục tôi đi tìm sách. Tôi xin kể đường đi của niềm đam mê tìm kiếm tác phẩm. Tôi đã có gần ba mươi năm, kể từ khi xem phim và sau khi xuất ngũ để mắt đến “Người nông dân nổi dậy” của nhà văn Pháp Eugène Le Roy, dịch ra tiếng Việt mà không hề thấy. Sách in năm 1986, nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, dày 330 trang, khổ 13x19.
Nó ra đời trong những năm bao cấp, nên là loại giấy tái sinh, đen đúa, có cả cộng rơm, cộng rác trong đó, mực in lem luốc, đọc không ra chữ. Những năm đó, bất kỳ loại sách gì cũng có tiarage lớn, bao giờ cũng là 20 nghìn bản trở lên. Vậy mà tôi lùng sục đi tìm một bản cũng không ra. Chắc là nó tiếp tục hành trình tái sinh thành giấy vụn từ rất sớm. Khắp các quày sách cũ, sách xôn, gánh hàng bán giấy vụn tôi đều để mắt tới nhưng chưa bao giờ gặp “Người nông dân nổi dậy”.
Mới đây tôi “lượm” được cuốn truyện “Người nông dân nổi dậy” cũ kỹ in trên giấy đen nhẻm của thập niên 80 xưa tại một quày sách cũ chuyên bán giấy vụn trên đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng mà thấy mừng rơn. Tôi như gặp lại người thương vậy đó, như người ta nói, mừng như bắt được vàng chính là tâm trạng của tôi lúc này.
Tôi có cả cuốn nguyên bản tiếng Pháp- “Jacquou le croquant” nhưng đọc thấy mệt, vì trình độ đọc tiếng Pháp của tôi không trôi chảy lắm nên ngăn trở xúc cảm của mình. Có người chuyển ngữ giùm- dịch giả Thiên An, phần nào giúp tôi đến với thế giới văn học, làm lòng tôi yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Vậy đó, như nói ở trên, “nhặt” được “Người nông dân nổi dậy” tôi thấy mừng rơn như gặp lại người thương vậy đó.
N.P
VÀI THÔNG TIN HẤP DẪN VỀ “Người nông dân nổi dậy”
* Bản phim qua hơn 50 năm đến nay vẫn được lưu hành ở Pháp và nhiều nước khác, bởi hình ảnh được quay ngay tại các địa điểm nêu trong truyện và không sử dụng các hình ảnh phim trường nên tính chân thực cao.
* Tại Pháp, do ảnh hưởng của bộ phim, Jacquou được đặt tên cho một loại bánh. Nhưng do giới trẻ khá ít người biết, khi phim công chiếu mới biết Jacquou không phải là một loại bánh và là một nhân vật.
* Các địa danh mô tả trong truyện bao gồm lâu đài Herm, nhà gia đình Jacquou, Lina, nơi mẹ Jacquou mất, nhà cha xứ Bonnal... đều được bảo tồn và là địa điểm du lịch.
* Ở Việt Nam, nhiều người lớn tuổi có ấn tượng, nên không ít cha mẹ đặt tên "Jacquou" là tên thứ hai cho con cái của mình, cũng giống như một số nhân vật khác trên phim Hàn Quốc thập niên 1990.
* Sau khi phim công chiếu, nhà báo Jean Gavel về tận vùng quê của nhân vật Jacquou để viết một bài báo ca ngợi như một anh hùng dân tộc. Bài báo nổi bật một thời, được công chúng đánh giá cao.
* Và Jacquou đã trở thành một biểu tượng anh hùng, nay vẫn có tượng được vinh danh ở Dome, Dordogne.
ĐÔI DÒNG TÓM TẮT CỐT TRUYỆN
Jacquou, nhân vật chính của câu chuyện, sinh ra trong một gia đình tá điền, ở thuê trên đất của bá tước Nansac ở lâu đài Herm thuộc Rouffignac. Cậu là con trai của Martissou (có biệt danh là Người nông dân nổi dậy), và Marie, từ bé đã phải chứng kiến cái chết oan nghiệt của người cha trong tù - do bị kích động nên ông bắn chết Laborie, quản gia khát máu của Nansac, Jacquou bị đẩy khỏi nhà và chứng kiến cái chết của người mẹ sau khi không tìm ra được việc làm, đói rét và ốm nặng.
Jacquou được linh mục Bonal ở Fanlac, có nguồn gốc nông dân, một người tốt bụng nuôi nấng và dạy dỗ. Jacquou vận động dân quanh lâu đài Herm nổi dậy chống Nansac và cho đốt tòa lâu đài. Anh bị bắt và xử tại Périgueux song được trạng sư Vidal-Fongrave bào chữa với bài hùng biện tuyệt vời và áp lực của cách mạng Tháng Bảy năm 1830 nên được tha bổng.
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét