Tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoi tôi đã đọc từ hồi còn nhỏ, đến bây giờ hưu trí tôi vẫn còn thích đọc lại- lần thứ bao nhiêu tôi không còn nhớ rõ- để chiêm nghiệm những vấn đề của nhân loại mà Lev đã nêu lên trong đó. Tôi không phải nhà chuyên môn về phân tích bình luận tác phẩm, tôi không phải là nhà lý luận văn học. Tôi chỉ đọc và cảm nhận một tác phẩm dưới mắt nhìn của một độc giả bình thường. Tuy tác phẩm đồ sộ, cao siêu, nhưng tôi không đủ sức quan tâm cái cao siêu, tôi chỉ ghi lại dưới mắt nhìn của tôi, những kỷ niệm của tôi, những nghĩ suy của tôi về “Chiến tranh và hòa bình”.
Từ ngày nghỉ hưu hơn hai năm nay, trong kế hoạch đọc lại sách xưa lúc cuối đời nhằm học hỏi, tìm đến chốn tâm linh, chuẩn bị cho việc chuyển sang “ngôi nhà vĩnh cửu bên kia thế giới” của mình, tôi ước mơ được đọc lại “Chiến tranh và hòa bình” của Nguyễn Hiến Lê dịch. Sách này tôi đã đọc lúc 15 tuổi, trong một bối cảnh đáng nhớ. Đó là năm 1972, trong những ngày được gọi là “mùa hè đỏ lửa”, lúc ấy trên chiến trường, hai bên – quân đội Việt Nam cộng hòa và quân giải phóng đang giằng co ác liệt ở địa danh mấu chốt Quảng Trị. Đài phát thanh, đài truyền hình liên tục đưa tin máu đổ, thương vong, chết chóc xảy ra hàng ngày để phe mình được cắm cờ trên cổ thành Quảng Trị.
Nhà tôi ở ngay trước chùa Thuận Thành, tôi thường xuyên thấy những quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ từ chiến trường chở về. Do phần lớn người ta quan niệm chết bom đạn, chết đường chết chợ không được đưa vào nhà. Và phần lớn các gia đình này đều nghèo, nhà chật, thiếu không gian làm tang lễ, vì thế thân nhân cho quàn tại chùa. Phải nói bình quân hàng tuần, tôi đều thấy quan tài, đều nghe tiếng khóc ỉ ôi, kể lể của những người vợ lính còn rất trẻ, với nhiều mái đầu xanh quàng khăn xô trắng xóa đầy nét bi thương.
Tôi đang tuổi thiếu niên nhưng nhìn thấy cảnh ấy, bỗng buồn trong lòng, có khi mai mốt đây mình cũng sẽ rơi vào cảnh huống “Kỷ vật cho em” như những người vợ lính. “Kỷ vật cho em” là bài hát thời thượng, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ của Linh Phương, với tiếng hát Thái Thanh tỉ tê, nỉ non làm tôi thấy rờn rợn:
Em hỏi anh, bao giờ trở lại
Xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã
Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng.
Tuy thế, tôi có không gian riêng, thế giới riêng- đó là sách. Mỗi lần tôi “chui” vào đó tôi thấy như vào thành trì an ổn, không ai phiền nhiễu được mình. Thói quen đó có từ nhỏ, bây giờ ở tuổi hưu trí vẫn còn “đậm đà” trong tôi.
Hồi đó chỉ gọi là đọc “ngấu nghiến” chẳng có định hướng, có mục đích, chương trình gì, nhưng với một ý nguyện là muốn đọc sách văn học để cảm nhận văn phong, nhịp điệu, không khí, cảm xúc của nhân vật hơn là chỉ đọc để nắm nội dung.
Những học trò cùng lứa tôi thủa đó phần lớn say mê vùi đầu vào tác phẩm của Kim Dung để rồi đánh võ mồm. Thường sau khi đọc “Anh hùng xạ điêu”, “Cô gái Đồ Long”, Thần điêu đại hiệp”… chúng kể cho nhau những miếng võ lõm bõm trong sách, hoặc vào võ đường học kỳ được những chiêu của những tài tử xuất hiện nhan nhản trên màn ảnh đại vĩ tuyến thời bấy giờ như Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long, Trần Tinh... thì tôi lại ưa vùi đầu vào loại sách “khó nhằn” của người lớn kiểu như “Chiến tranh và hòa bình”, “Những người khốn khổ”, “Những khẩu đại bác thành Navarra”, “Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu”, có cả loại truyện “sướt mướt” như “Bên dòng sộng Trẹm” chẳng hạn. Chẳng qua là những cuốn này nó có trước mắt tôi, trong tủ sách gia đình.
Tôi nhớ tôi đã đọc “Chiến tranh và hòa bình” bản dịch của Nguyễn Hiến Lê in lần đầu của Nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn 1969. Ở tuổi đó, đọc loại sách đó, tôi không nắm được hết nội dụng, tôi chỉ mê sự kiện, mê chi tiết miêu tả của Lev Tolstoi, nhất là tả cảnh chiến tranh. Thời điểm đó ở Đà Nẵng có kênh truyền hình dành riêng cho lính Mỹ (hàng đêm từ 19g đến 23g máy bay Blue Eagle bay ở độ cao ổn định, chở thiết bị vòng vòng trên trời phát sóng xuống mặt đất) có chiếu phim Combat (Chiến đấu), phim này tôi rất khoái, không bỏ bữa nào. Tôi hồi hộp theo dõi hai nhân vật chính là trung sĩ Vic Morrow, trung úy Vic Thompson chuyên tiếp cận hang ổ quân Đức, khiến địch quân nhiều trận nếm mùi thất bại ê chề.
Đọc “Chiến tranh và hòa bình” tôi lại mê miêu tả một trận đánh chi tiết như vậy. Nào là đội kỵ binh, đội pháo thủ, cánh trái, cánh phải, đội phiêu kỵ, đội bộ binh… Lev Tostoi miêu tả rất chi tiết cách bố trí quân, diễn biến trong trận đánh. Nhiều đoạn tôi phải đọc đi đọc lại mấy lần để hình dung vị trí của nhân vật, họ chạy từ chỗ này sang chỗ nọ, diễn biến trận đánh như thế nào (*).
Những cảnh đó, những đoạn văn miêu tả đó là những đoạn văn tôi thích nhất. Rồi có tuổi hơn chút nữa, đọc lại “Chiến tranh và Hòa bình”, tôi nhận ra điều mà những lần trước mình chưa hiểu. Cụ thể là chiều kích tâm linh của cuốn tiểu thuyết qua những chuyện xảy ra trong các phòng khách và trên bãi chiến trường, qua những lời thoại sâu sắc.
Độc giả cụ thể là tôi, mỗi lần đọc lại hiểu thêm về triết học, tôn giáo, hiểu thêm về chân lý, biết phân biệt thêm về tốt xấu và hành động cho phù hợp trong hoàn cảnh thực tế. Có khi lần trước tôi chưa kịp nhận ra, lần này tôi lại thấy Lev Tolsoi đã trình bày chiến tranh như một sự kiện, trong đó tâm hồn con người được tôi luyện, những phẩm chất cá nhân và sự vĩ đại của đất nước được hình thành. Trong từng trận đánh cho ta thấy tất cả những nỗi khủng khiếp của chiến tranh, số lượng khổng lồ các nạn nhân, những nỗi bất công và đau khổ vô cùng tận giáng xuống những con người bình thường.
Mới đây, một lần trú tại khách sạn Đại Nam, một khách sạn nhỏ nhắn, bên bờ biển dạt dào sóng gió trữ tình tại Nha Trang, bất ngờ tôi “gặp lại” “Chiến tranh và hòa bình” bản của Nguyễn Hiến Lê dịch, tái bản in tại Nhà xuất bản Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh in năm 2000 (tập 1: 816 trang, tập 2: 778 trang, tập 3: 731 trang, tập 4: 809 trang, cỡ giấy 18 cm).
Tôi vui như bắt được vàng khi nhìn thấy bộ tứ tác phẩm nói trên nằm trên giá sách khá khiêm tốn, nghèo nàn ở sảnh tiếp tân của khách sạn. Vậy là bao nhiêu năm mong ước, tìm kiếm nay bất ngờ gặp lại, nhất là tâm niệm trong những ngày hưu trí cần đọc một loạt tác phẩm kinh điển, qua đó an lòng sống những ngày cuối đời.
Kiểu như bá tước Léon Tolstoi từng gửi gắm trong “Chiến tranh và hòa bình” rằng:
“Hành động của tôi liên quan tới ý chí khác và tùy thuộc vào hợp lực của những ý chí khác không phải của tôi. Hoạt động của ta càng trừu tượng bao nhiêu thì nó càng được tự do bấy nhiêu” (**).
Để từ đó đừng có mạnh miệng nói rằng, già rồi muốn làm gì cũng được “Vouloir c’est pouvoir”. Trên tinh thần đó, tôi đã đóng cửa phòng suốt hai ngày thứ bảy và chủ nhật tại khách sạn, say mê đọc “Chiến tranh và hòa bình” bản dịch của Nguyễn Hiến Lê mà tôi đã đọc hồi còn nhỏ, mặc cho mọi người trong đoàn du lịch vui chơi, tắm biển, ngao du thiên đường Vinpearl.
Người ta nói “vùi đầu vào trang sách” thật đúng với hình ảnh tôi lúc này. Tôi vui mừng gặp lại Natasha với vũ điệu bình dân Nga dưới ánh trăng, Natasha có tâm hồn, tươi sáng, cởi mở, hồn nhiên, hành động luôn theo tình cảm, rất tận tâm, rất yêu người, yêu đời, tuy có lúc nhẹ dạ, lầm lỗi nhưng không làm cho tôi ghét mà trái lại làm cho tôi thêm thương.
Tôi cảm nhận sâu xa điều mà Tolstoi nói: “Những cái tôi viết đây không phải tôi bịa ra đâu, tôi đã đau đơn rút từ trong ruột tôi ra đấy”. Tôi đã lấy bút high- light gạch dưới một đoạn văn để nghiền ngẫm: “Một hôm ông lại Novgorod mua đất, ghé một quán trọ ở Arzamas để nghỉ đêm, thấy phòng vuông vức như chiếc quan tài, tường trắng như khăn tang, đồ đạc bằng gỗ đỏ như máu. Nửa đêm ông bừng tỉnh tưởng như nghe thấy thần chết gọi mình, không ngủ lại được nữa, nằm xuống cầu nguyện. Sáng hôm sau vội vàng về nhà, khi thấy hai tháp ở cổng, ông mừng rơn: thoát chết”.
Qua đoạn văn trên tôi thấy dường như đâu đó, tôi cũng đã từng rơi vào tâm trạng này. Tôi phục lăn Tolstoi tả cảnh chết. Tôi xem đó như hành trang, như bước chuẩn bị để thanh thản, không bối rối khi đương đầu với nó nay mai. Có thể là kinh nghiệm cái chết trước cái chết của bá tước Bezoukhov, cái chết của Andres, cái chết đau đớn, ghê sợ, oán hờn của Lise, cái chết của lão công tước Bolkonski luôn nghiêm khắc với con…
N.P
(*) Nhân đây tôi nói rõ, tôi không thích đọc sách trên internet nên gì thì gì tôi cũng tìm mua cho được bản in giấy. Tôi hay dừng lại giữa chừng để suy nghĩ khi đọc sách, có khi đó chỉ là những suy nghĩ linh tinh bên ngoài. Trước mỗi đoạn văn khiến tôi thích thú, tôi thường đọc đi đọc lại hai ba lần. Khi quá trình này đang diễn ra, tôi không cảm thấy phiền lòng mà thấy thú vị. Điều này chỉ có sách in trên giấy là thích hợp.
(**) Trích bài viết “Vài lời về cuốn Chiến tranh và hòa bình” của bá tước Leon Tolstoi
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét