Nhà văn Mỹ O. Henry (1862 - 1910) tên thật là William Sydney Porter. O. Henry làm nhiều nghề, trong đó có nghề bán dược phẩm, thư ký nhà băng, người vẽ sơ đồ thiết kế. Ông từng sáng lập tờ báo hài Rolling Stone (1894 - 1895). O. Henry là nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng, với gần 400 truyện, mang tiếng cười và thông điệp nhân sinh sâu sắc. Truyện ngắn sau đây đề cập đến chức năng thức tỉnh của nghệ thuật đối với con người, dù họ là ai, đồng thời có tính hài hước như phong cách vốn thấy ở O. Henry.
Soapy trăn qua trở lại trên băng ghế ở Madison Square. Khi ngỗng trời kêu quang quác trong đêm, khi phụ nữ không có áo khoác làm bằng lông hải cẩu nép sát vào chồng họ và khi Soapy trăn trở trên băng ghế trong công viên thì bạn biết là mùa đông đang tới thật gần.
Một mảnh giấy khô khốc rớt vào lòng Soapy. Đó là danh thiếp của Jack Frost. Jack rất tốt với những cư dân thường xuyên ở Madison Square và thường đưa ra các cảnh báo tử tế trong các lần viếng thăm hàng năm. Ở các góc đường của ngã tư, anh che gió bấc và trao giấy bồi có ghi các lời cảnh tỉnh cho người phục vụ của tòa lâu đài All Outdoor để người ở đó biết mà chuẩn bị.
Đầu óc Soapy biết rõ sự thật là đã đến lúc anh ta phải quyết định để được vào trung tâm của một ủy ban đáng chú ý là Ủy ban tài sản và phương tiện để được bảo trợ nhờ đó có thể chống lại mùa đông khắt khe đang đến. Và do đó, anh ta trằn trọc trên băng ghế. Ước mơ có được những giấc ngủ ngon vào mùa đông của Soapy không phải là quá ngông cuồng. Trong những ước mơ đó, không có du thuyền đi trên Địa trung hải, không có những đê mê khi ở trên tàu và lướt đi dưới bầu trời phương nam trên vịnh Vensuvia. Có được ba tháng ở tù là thứ mà linh hồn anh ta khát khao. Ba tháng có cơm ăn áo mặc, người xung quanh thì dễ mến và không bị cảnh sát quấy rầy đối với Soapy dường như là điềm chính yếu trong các ước ao.
Đã nhiều năm rồi, bệnh viện Blackwell là khu vực trú đông của anh ta. Anh ta như thế còn may mắn hơn những người bạn New York vô gia cư khác khi họ phải mua vé để được vào Palm Beach và Riviera mỗi khi mùa đông đến, do đó anh ta khiêm tốn sắp xếp cho việc thoát thân hằng năm của mình bằng cách ước mơ được vào tù. Và giờ, mùa đông đã đến. Đêm hôm trước, ba tờ báo lót dưới áo khoác, phủ bụng và chân đã thất bại trong việc chống lại cái lạnh khi anh ta ngủ trên băng ghế gần một vòi nước đang phun ở một khu phố cổ. Do đó hình ảnh nhà tù quẩn quanh trong đầu anh ta. Anh ta khinh thị số thực phẩm nhân danh từ thiện dành cho người vô gia cư trong thành phố. Theo anh ta, luật pháp còn dễ chịu hơn các tổ chức từ thiện. Có vô số các tổ chức từ thiện, các ban ngành thành phố mà anh ta có thể đến để xin chỗ ăn chỗ ở ở mức đơn sơ nhất. Theo Soapy, quà cáp từ thiện rất rắc rối. Vì không phải trả tiền nên bạn phải bẽ mặt khi nhận những ích lợi từ tay các nhà từ thiện. Cũng như Caesar hoạch họe tướng Brutus, mỗi chiếc giường từ thiện, nếu muốn được nằm thì phải tắm rửa, mỗi ổ bánh mỳ nếu muốn được nhận phải qua thẩm vấn cá nhân. Do đó, tốt hơn hãy là khách của pháp luật, chịu luật lệ chi phối và không bị những việc riêng tư của một quí ông nào đó quấy rầy.
Soapy quyết định vào tù và ngay lập tức hành động để hoàn thành ước muốn. Có nhiều cách để thực hiện điều đó. Hành động vui vẻ nhất là tới ăn tối ở một nhà hàng sang trọng sau đó tuyên bố là không có tiền và êm thấm bị bắt giữ giao cho cảnh sát. Một quan tòa biết gia ơn sẽ làm việc còn lại.
Soapy rời băng ghế và bước ra khỏi công viên, băng qua con đường nơi Broadway và Fifth Avenue gặp nhau. Lên khu Broadway, anh ta đứng chần chừ trước một tiệm ăn, nơi hằng đêm người ta bán các thứ thức ăn được lựa chọn kỹ như nho, con tằm và các chất nguyên sinh.
Soapy thấy tự tin với hàng nút từ dưới lên trên của chiếc áo gilê của mình. Anh ta vừa cạo râu, áo khoác thì tươm tất còn chiếc áo gilê đen do một bà soeur tặng trong lễ Tạ ơn thì gọn ghẽ, vừa vặn. Nếu anh ta đến ngồi vào bàn trong tiệm ăn đó thì sẽ không có ai ngờ vực gì khẩu phần thức ăn trên bàn của anh ta cũng sẽ không gây ra mối ngờ nào trong đầu tay hầu bàn. Soapy nghĩ, anh ta sẽ kêu vịt trời quay, một chai Chablis, sau đó là một chai Camembert, một tách cà phê và một điếu xìgà. Điếu xìgà chỉ chừng một đôla. Giá toàn bộ bữa ăn cũng không nhiều đến mức làm tay quản lý tiệm ăn giận sôi người và đương nhiên bữa ăn sẽ làm cho anh ta no vui để bước đến nơi trú đông.
Nhưng khi Soapy bước chân vào cửa tiệm ăn, tay tiếp viên trưởng đổ mắt vào chiếc quần sờn cũ và đôi giày rách của anh ta. Những bàn tay mạnh bạo ngăn anh ta lại, lặng lẽ đẩy anh ta ra đường và do đó cũng ngăn lại sự hủy diệt đê tiện của gã vịt trời nguy hiểm.
Soapy rời Broadway. Dường như đối với anh ta, đường đến nhà tù thèm muốn kia không phải là con đường nhung lụa. Phải nghĩ ra cách khác để được vào tù.
Ở góc đường Sixth Avenue, ánh sáng điện tinh quái chiếu sáng hàng hóa sau một cửa kính, làm cho cái cửa kính ấy trở nên đáng chú ý. Soapy lượm một viên sỏi và ném vào cửa kính. Người ta đổ dồn vào góc đường ấy, có một viên cảnh sát dẫn đầu. Soapy đút hai tay vào túi quần và đứng im, cười với viên cảnh sát.
“Thằng ném đá đang ở đâu?”, viên cảnh sát mạnh giọng hỏi.
“Ông không nghĩ ra là tôi có thể đã ném đá để làm gì à?”, Soapy nói không chút mỉa mai nhưng thân thiện, như là người ta đang chúc may mắn.
Viên cảnh sát từ chối nghĩ rằng Soapy là một nghi can. Kẻ ném đá như thế thường không đứng lại để đôi co với nhân viên công lực. Họ bỏ chạy. Viên cảnh sát thấy có một gã đàn ông ở phía dưới khúc đường đang chạy theo một chiếc xe hơi. Anh ta cầm dùi cui đuổi theo. Soapy phẫn uất bỏ đi sau hai lần thất bại.
Bên kia đường là một nhà hàng trông không chút tự phụ. Nó bán thức ăn nhiều nhưng rẻ. Chén làm bằng đất sét nung dày, không khí trong nhà hàng bận rộn còn xúp thì loãng và khăn trải bàn thì mỏng. Ở đó, Soapy vẫn mang đôi giày tội đồ và chiếc quần làm lộ tẩy không chút e dè. Anh ta ngồi vào bàn và gọi bò bít tết, bánh kếp, bánh cam vòng và bánh patê. Sau bữa ăn, anh ta ra hiệu cho bồi bàn biết anh ta không có xu nào và là một người lạ.
“Nào, hãy gọi ngay cho cảnh sát”, Soapy nói. “Đừng để một quí ông phải chờ lâu”.
Hai gã bồi bàn đè phía trái đầu anh ta xuống vỉa hè cứng. Anh ta từng chút một vùng dậy, như thợ mộc mở thước và phủi bụi trên quần áo. Việc bắt giữ anh ta lại dường như còn xa vời. Nhà tù cũng quá xa vời. Có một viên cảnh sát đứng trước một nhà thuốc cách đó hai căn nhưng chỉ cười rồi bỏ đi.
Sau khi bước đi qua năm khối nhà, sự can đảm của Soapy cho phép anh ta lại nghĩ đến chuyện làm sao để được bắt giữ. Lần này cơ hội đến và anh ta nông nổi gọi là “dễ”. Một phụ nữ thanh nhã trẻ đang đứng trước một tủ kính chăm chú nhìn bột cạo, giá để mực và cánh cửa hiệu chừng hai yard, có một viên cảnh sát cao to, thái độ rất nghiêm túc đang đứng tựa vào một cột nước. Soapy muốn đóng vai một cái “máy xay” đáng khinh và đáng nguyền rủa. Sự mảnh mai của nạn nhân và viên cảnh sát tận tâm đang ở gần đó làm anh ta tin rằng anh ta sẽ chính thức bị chộp lấy cánh tay và chắc chắn sẽ được vào tù để trú đông.
Soapy chỉnh lại cho thẳng chiếc cà vạt mà các soeur truyền giáo tặng, móc chiếc còng nhỏ ra, đội lệch chiếc mũ chết chóc và len lén đi đến chỗ người phụ nữ trẻ. Anh ta nhìn cô gái và bỗng họ sù sụ rồi cười đểu, trơ tráo khởi động những lời dông dài, hỗn xược và đáng khinh của chiếc “máy xay”. Anh ta nheo mắt nhìn viên cảnh sát đang nhìn anh ta chằm chằm. Người phụ nữ trẻ bước đi vài bước nhưng vẫn chăm chú nhìn món bột cạo. Soapy bước theo và mạnh bạo tới đứng bên cạnh cô, giở mũ ra và nói:
“A, Bedelia đây! Em không muốn đến nhà anh chơi à?”.
Viên cảnh sát vẫn đang chăm chăm nhìn. Người phụ nữ trẻ đưa ngón tay lên ra hiệu và Soapy trên thực tế đang bước đi trên đường vào ốc đảo nhà tù. Anh ta bỗng cảm nhận được sự ấm áp của nó. Cô gái quay ra nhìn anh ta, đưa tay nắm lấy ve áo khoác của hắn.
“Chắc chắn, Mike ạ”, cô nói vui vẻ. “Giá mà anh hắt vào em một xô xà phòng thì em đã nói chuyện với anh sớm hơn, nhưng cảnh sát đang nhìn kìa”.
Với người phụ nữ trẻ là dây trường xuân bám vào cây sồi Soapy, họ đi qua viên cảnh sát và vùng tối. Anh ta dường như thấy rất tự do.
Ở góc đường tiếp theo, anh ta tống khứ người bạn đồng hành và bỏ chạy. Anh ta dừng lại ở khu vực có những con đường rực sáng về đêm, có lời nhạc kịch, có tiếng kinh cầu và ấm áp.
Phụ nữ mặc áo lông và đàn ông mặc áo khoác rộng bước đi vui vẻ trong gió lạnh. Một nỗi sợ bất ngờ ập đến với Soapy. Anh ta nghĩ vì quá muốn bị bắt giữ nên đã làm cho anh ta không bị bắt giữ. Ý nghĩ này gây hoảng loạn ít nhiều cho anh ta. Khi thấy có một viên cảnh sát bệ vệ đang loanh quanh trước một nhà hát nguy nga, anh ta nghĩ ngay đến việc “gây rối trật tự công cộng”.
Anh ta bắt đầu lấy hết gân hết cốt la thét. Anh ta nhảy nhót, gào rú và làm đủ trò khác, làm rung rinh cả vòm trời.
Viên cảnh sát xoay chiếc dùi cui, quay lưng lại với Soapy và nói với một người đi đường:
“Thằng ở Yale này đang ca ngợi những cái trứng ngỗng nó tặng cao đẳng Hartford. Ồn ào nhưng vô hại. Chúng tôi đã có chỉ thị cứ cho những điều như thế được tồn tại”.
Soapy buồn bã dừng lại việc quấy rối. Sẽ không có viên cảnh sát nào sờ đến anh ta sao? Trong suy tư của anh ta, nhà tù hình như là vùng Arcadia của Hy Lạp cổ đại, không thể vào được. Anh ta gài lại nút chiếc áo khoác mỏng để chống lại cái lạnh.
Tại một cửa hàng bán xìgà, anh ta thấy một người đàn ông đang mồi một điếu xìgà trong ánh sáng lung liêng. Chiếc dù vải silk của ông ta đang được để ở cửa ra vào. Soapy bước vào bên trong, nhìn ngó chiếc dù và từ từ cầm lấy nó, bình thản đi ra. Người đàn ông vội vàng bước theo.
“Chiếc dù là của tôi”, ông ta nghiêm túc nói.
“Ồ, vậy à?”, Soapy cười nhếch mép như khinh bỉ việc ăn cắp vặt. “Ừ, sao không gọi cảnh sát? Tôi lấy nó, lấy dù của ông! Sao không gọi cảnh sát. Có một cảnh sát đang đứng ở góc đường kia kìa”.
Người chủ của chiếc dù bước chậm lại. Soapy cũng thế và có linh cảm rằng may mắn đang đến với mình. Viên cảnh sát tò mò nhìn hai người.
“Đương nhiên”, người đàn ông là chủ chiếc dù nói, “được thôi, ông biết có sự nhầm lẫn rồi đó... Nếu đó là dù của ông, tôi hy vọng ông sẽ bỏ qua cho... Tôi nhặt được nó ở một nhà hàng sáng nay... Nếu ông nhận ra đó là dù ông, tôi hy vọng ông sẽ...”.
“Tất nhiên đó là dù của tôi”, Soapy hằn học nói.
Ông chủ cũ của chiếc dù rút lui. Viên cảnh sát chạy tới giúp một phụ nữ cao, tóc vàng, mặc ào choàng vũ kịch đang băng qua đường trước một chiếc xe hơi đang ở cách cô chừng hai khối nhà.
Soapy đi về phía đông, ngang qua một con đường đang được sửa chữa. Anh ta giận dữ chĩa dù xuống một cái hố. Anh ta lầm bầm chửi những người công nhân đang đội mũ cối và cầm thuổng vì muốn ngã vào cuốc thuổng và các hố họ đang đào. Họ hình như coi anh ta là một ông vua không thể làm điều gì sai quấy.
Cuối cùng Soapy đi đến một con đường ở phía đông không ồn ào và không lấp lánh ánh đèn. Anh ta cúi mặt đi về hướng Madison Square và trở về nhà, dù nhà là một băng ghế công viên, là một bản năng của sự tồn tại.
Nhưng khi đi đến một góc đường yên tĩnh, Soapy bỗng dừng lại. Ở đó có một ngôi nhà thờ cũ, kỳ lạ, có nhiều đầu hồi. Từ chiếc cửa sổ kính màu tím, ánh sáng nhẹ hắt ra và sau cánh cửa có một người đang chơi đàn ống đang nhẹ lướt tay trên các phím để tập luyện cho lễ chủ nhật sắp tới. Tiếng nhạc ngọt ngào vẳng vào tai Soapy làm anh ta đứng dán chặt vào hàng rào sắt cuộn.
Đêm yên tĩnh, trăng sáng ngời; chỉ có vài ba chiếc xe và vài người đi qua đường; chim sẻ ngái ngủ kêu líu ríu trên các đầu hồi. Trong thoáng chốc, cảnh vật giống như cảnh vật trong một khuôn viên nhà thờ ở thôn quê. Tiếng nhạc thánh ca mà người chơi đàn ống đang chơi làm cho Soapy dán người vào chiếc hàng rào sắt bởi anh ta biết rõ bản nhạc này trong những ngày đời anh ta còn có những thứ như mẹ, hoa hồng, bạn bè, những khát vọng và suy nghĩ thì hãy còn tinh sạch.
Sự pha trộn giữa trạng thái đầu óc tiếp nhận âm nhạc và hình ảnh ngôi nhà thờ thuở xưa bỗng làm thay đổi tâm hồn anh ta một cách tuyệt vời. Anh ta kinh hãi nhìn xuống đáy địa ngục mà anh ta đã ngã vào. Đó là những ngày suy đồi với những ước muốn thấp kém, những hy vọng buồn tẻ, những hành động phá hoại, những động cơ đê hèn - những thứ cùng nhau làm nên sự tồn tại của anh ta.
Và cũng trong phút chốc, trái tim anh ta đã phản ứng lại một cách xúc động với tâm trạng mới. Một xung động mạnh mẽ và ngay tức khắc làm anh ta muốn tranh đấu với số phận gian nan. Anh ta muốn kéo mình ra khỏi bùn lầy, muốn làm một con người mới, muốn khuất phục con quỉ đã nhập vào mình. Hãy còn thời gian và anh ta hãy còn trẻ. Anh ta sẽ làm sống lại những khát khao đẹp cũ và theo đuổi chúng không nao núng. Những nốt thánh ca ngọt ngào và nghiêm trang đã làm trỗi dậy một cuộc cách mạng trong anh ta. Ngày mai, anh ta sẽ vào trung tâm thành phố ồn ào để kiếm việc. Một nhà nhập khẩu lông thú đã từng nhận anh ta vào làm người lái xe. Ngày mai anh ta sẽ đi tìm ông ấy và xin việc. Anh ta sẽ là một ai đó trên đời. Anh ta sẽ...
Soapy thấy có một bàn tay đặt lên trên cánh tay mình. Ngoảnh ra anh ta thấy có một viên cảnh sát mặt bự.
“Ông làm gì ở đây?”, viên cảnh sát hỏi.
“Không làm gì cả”, Soapy nói.
“Vậy thì theo tôi”, viên cảnh sát nói.
“Ông bị phạt tù ba tháng”, quan tòa ở Tòa án cảnh sát phán vào sáng hôm sau.
· Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ American great short stories.com
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét