Chiều nay không biết làm gì cho hết thì giờ, mẹ ngồi xem phim trên smart tivi một mình trong cô đơn. Chiều nay tôi cũng cảm thấy cô đơn nên ngồi xem chung với mẹ. Bộ phim được xem là phim “Tây du ký”. Phim này theo tôi biết, mẹ xem chí ít cũng đến lần thứ mười lần, lần nào mẹ cũng cười rất vui theo tình tiết, theo hành động của các nhân vật trong phim. Tiếng cười rất thoải mái, có khi vang lên ha hả. Chỉ là cười vui, trên bề mặt theo chuyến tây du.
Riêng tôi mới thấy đàng sau câu chuyện là cái gì. Thấy ý thâm sâu, cái nghĩa triết học của nó. Mặc dù thủa xa xưa, lúc tôi bước chân vào cuộc đời này, mẹ là người thầy đầu tiên của tôi. Ai cùng lứa ngoài 60 như tôi hẳn còn nhớ kiểu đánh vần – hay bị người lớn “chọc quê”: “a, bê, xê- dắt dê đi ỉa”, “a, ă, ớ- dắt dợ (vợ) đi chơi”. Mẹ bày tôi đọc theo quyển “Em học vần” của thập kỷ sáu mươi, mà bây giờ hơn sáu mươi năm tôi vẫn đọc thuộc lòng được, tỉ như: Ông xã xệ đi săn voi/ Ông ta ngồi trên tảng đá/ Bắn súng ra/ Đạn trúng ngà/ Voi ngã gục. Hoặc: Nhà em có có chó vàng/ Ngày thì sợ chuột đêm trèo mái tranh/Một hôm mèo nhảy lên mành/ Trời ơi mành đổ tan tành mâm cơm. Hoặc: Chuyện cô Bê- rét đi bán sữa. Là bài văn vần minh họa truyện của Lafontaine mà tôi nhớ đời, cô Bérette mơ màng đội rổ trứng trên đầu, tính toán tiền lời, say sưa, cô nhảy cẫng lên và rổ trứng tan tành. Từ thủa ngọng nghịu đọc những bài thuộc lòng, từ thủa run run viết những chữ do mẹ khai tâm, “vỡ lòng” cho tôi theo kiểu dân dã, nôm na như vậy đó mà nó đã theo tôi đến hơn sáu mươi mùa xuân rồi.
Và nếu so sánh một chút bằng hình ảnh thì phải nói, tôi đã đi lên cung trăng với trời kiến thức đông tây kim cổ của tôi. Còn mẹ cũng chỉ cứ vậy, từ ngày khởi đầu làm người thầy đầu tiên của tôi cho đến tận bây giờ trình độ văn hóa của mẹ vẫn không thêm không bớt. Hàng năm thống kê xã hội học vẫn xếp mẹ vào diện tái mù.
*
Tôi cũng đã xem phim, đọc truyện “Tây du ký” chắc cũng gần đến số chục. Tôi thấy nội hàm của Tây Du Ký vô cùng uyên thâm. Tôi đã đọc vào thời niên thiếu, đọc lúc trưởng thành, đọc khi về già đều thấy đó là một bộ thiên thư tinh thâm, cả đời người dẫu dày công nghiên cứu cũng khó có thể hiểu cho tỏ tường. Vậy nên, nói tôi hiểu về Tây Du Ký, thì thật sự xin thưa chẳng có mấy. Có điều phim “Tây du ký” gắn liền với kỷ niệm nhớ đời của tôi. Đó là những ngày của thập niên 90 thế kỷ trước, khi bà ngoại vợ của tôi qua đời. Vào những ngày cuối cùng phút hấp hối bà đang xem phim “Tây du ký”. Lúc ấy đài truyền hình đang chiếu phim này, rất hót, mỗi buổi chiều lúc 15 giờ cũng là lúc chợ búa, đường sá vắng tanh, vì mọi người ai nấy háo hức từng giờ từng phút theo dõi phim trên màn ảnh nhỏ. Ti vi đen trắng 21 inches được đưa vào phòng ngoại nằm để ngoại xem quên cơn đau và con cháu túc trực theo dõi từng diễn tiến trong chiều bế tắc của ngoại.
*
Phim “Tây du ký” có nhiều bản nhưng tôi chỉ thích xem phim do nữ đạo diễn Trung Quốc Dương Khiết đạo diễn, sản xuất năm 1986. Bề mặt là câu chuyện trừ yêu diệt quái, nhưng thật ra nội hàm chân chính của Tây Du Ký là con đường hàng phục ma tính của một người tu hành.
Thông qua câu chuyện thần thoại sang Tây Thiên thỉnh kinh, tác giả Ngô Thừa Ân đã dẫn dắt tôi cách khắc phục nội tâm trên con đường nhân sinh, hàng phục tâm ma, tiến tới thành tựu đời người. Cũng bởi vì tâm người luôn bay nhảy tự do như vậy, nên tư tưởng con người có thể qua lại giữa thiên đường và địa ngục, có thể dao động giữa thiện và ác. Cái tâm của người đời rất giỏi biến hóa, chỉ trong chốc lát có thể biến ra các loại tâm thái khác nhau. Luyện tâm có thể khiến lòng người sáng sủa, trí huệ sáng suốt, vậy nên lò Bát Quái không thể thiêu chết mà trái lại còn khiến Tôn Ngộ Không luyện thành hỏa nhãn kim tinh. Cân Đẩu Vân của Tôn Ngộ Không lộn nhào một cái là đi được 10 vạn 8 nghìn dặm, nhưng lại không thể nhảy ra khỏi lòng bàn tay của Phật Như Lai. Đó là nói, con người dẫu làm gì thì cũng không thể thoát khỏi bàn tay của Phật Tổ, của số phận.
*
Mỗi một yêu quái là đại biểu cho Danh — Lợi — Tình nơi thế gian đang trói buộc con người, hết thảy đều xuất phát từ ma tính của bản thân một người. Hồng Hài Nhi và Hỏa Diệm Sơn đều là ngọn lửa trong tâm. Vì cái tâm không chế ước ngọn lửa của bản thân, nên cuối cùng lại đốt cháy chính mình. Bảy con nhện tinh đại biểu cho thất tình lục dục của con người. Thất tình lục dục cũng giống như tấm lưới do nhện giăng lên, có thể trói chặt con người.
Người đời tư niệm sinh tình, bị tơ tình vây khốn. Trên thân của yêu tinh rết có nghìn con mắt, đó chính là tượng trưng cho các loại dục vọng vật chất mà mắt người thấy được. Bọ cạp tinh đại biểu cho mỹ sắc, mỹ sắc sẽ dẫn dụ người ta giống như con bọ cạp, vậy nên thầy trò Đường Tăng đều không địch nổi nó.
*
Sau cùng Phật Tổ cho nhóm thầy trò kinh không chữ, chính là vì kinh không chữ mới là Chân Kinh. “Kinh” trong vô tự kinh, là ý chỉ những việc đã trải qua. Những việc trải qua trên suốt chặng đường này mới là “Kinh” chân chính, vượt xa những văn tự nơi thế gian con người. Một người, sau khi trải qua hết thảy mọi việc nơi thế gian, mới có thể giữ được chân tâm, dù chưa đến Tây Thiên thì trong lòng sớm đã thành Phật rồi.
Thật ra Tây Du Ký chỉ là câu chuyện mượn lý do thỉnh kinh để giãi bày đạo lý làm người, dùng hư cấu văn chương để răn đe người đời tính thiện nhân và tu dưỡng tâm tính. Trong tôi bao giờ cũng đều có thể là một Đường Tăng. Đều là thể xác, có những điểm mạnh và điểm yếu, tuy có lúc kiên định nhưng cũng có lúc u mê nhu nhược.
Tâm tôi hiện diện cả năm thành phần, trong đó, Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho cái tâm, Đường Tăng là thân thể, Trư Bát Giới là tình cảm và dục vọng, Sa hòa thượng là bản tính và Bạch Long Mã là ý chí của con người.
*
Nhân đây tôi nghĩ một chút về mẹ. Mẹ tôi năm nay 86 tuổi, sinh năm 1938, Mậu Dần. Canh cô mồ quả. Mẹ học rất ít, tôi biết dường như chỉ tốt nghiệp tiểu học. Xưa con nhà địa chủ lớn, quan niệm đàn bà con gái không được học nhiều, chủ yếu là lao động trong nhà. Sau này lớn lên đi theo chồng.
Tôi ảnh hưởng mẹ ở tính nhu mì, hết mình vì người, không kể người thân người sơ, không kể khó không kể khổ. Tôi khác mẹ ở chỗ, lớn lên, quan điểm, quan niệm về cuộc đời, nhân sinh quan, vũ trụ quan trước cuộc sống của tôi được mở rộng, được đào sâu. Còn mẹ thì vẫn vậy, thật thà, chất phác, hiền khô, chịu đựng, chờ ngày sang thế giới bên kia. Một đời tận tụy làm một bà nội trợ, một phụ nữ Á Đông đúng nghĩa, hy sinh bản thân cho chồng cho con.
Mẹ tuy ở gần chùa nhưng không được hưởng ánh đạo vàng của Phật, giống như cái tọa đăng, vầng sáng không chiếu đến chân đèn. Dù mẹ ăn chay một tháng hai lần, nhưng mẹ không có tâm linh, không có ông Phật ở chính giữa lòng mình. Nên mẹ mãi khổ đau, không nghĩ, không tin Phật giải thoát cho mình.
Còn tôi không đi chùa nhưng trong tôi có sự tỉnh thức, tôi biết tĩnh lặng hay không tĩnh lặng là ở nơi mình. Tôi không chao đảo trước thực tế đang tấn công, cố làm cho tôi muộn phiền.
N.P
PHỤ LỤC:
1. Tóm tắt những điều tôi học được từ “Tây du ký”
Đây là một cuộc thỉnh kinh vô tận của mỗi người trong chúng ta, và đường đi thỉnh kinh đó cũng chính là đường trở về với những giá trị tâm linh siêu thoát. Tôi thu nhận ở đây một nhân cách sống vì hạnh phúc an lạc của số đông, sống hiền thiện, vì công bằng, bình đẳng, tôn trọng sự thật, trách nhiệm cá nhân và đặc biệt là sống tùy duyên.
Thiện ác chỉ cách nhau một niệm, một niệm có thể thành Phật, nhưng một niệm cũng có thể biến thành tà ma. Khái quát mọi tâm niệm thân hành của con người, tượng trưng cho cái tâm lên trời xuống đất của con người là Kim — Mộc — Thủy — Hỏa — Thổ trong thế giới trần tục đè chặt. Núi Ngũ Hành cũng tượng trưng cho “tham (tham lam), sân (giận dữ), si (ngu si), mạn (ngạo mạn), nghi (hoài nghi)” trong Phật học. Dù Ngộ Không có thần thông quảng đại đến đâu, vẫn không nhảy ra khỏi 5 chữ này.
Chốt vấn đề, tôi hiểu ra, thầy trò Đường Tăng diệt trừ yêu quái trên suốt chặng đường sang Tây Thiên, thật ra chính là người tu hành đang trừ bỏ ma tính trên con đường nhân thế, do đó lấy kinh cũng chính là một quá trình dưỡng tính tu tâm.
*
2. Tôi chép ra 5 tính cách có trong tôi để luyện rèn, mong được bay vào cõi giải thoát.
a. Bạch Long Mã:
Ngựa thần là xác thân cương kiện. Con người đi tìm Chân lý, tìm Đạo, cần có xác thân vững vàng, khoẻ mạnh. Không có ngựa tốt thì Đường Tăng không tới được Lôi Âm. Người mà thể xác bệnh hoạn, tinh thần ươn hèn thì không quyết tâm chiến đấu để đạt tới Chân lý, đạt Đạo.
b. Sa Tăng:
Là tính cần cù, nhẫn nại. Sa Tăng phải nhọc nhằn gánh hành lý là lẽ ấy. Tề Thiên mấy bận giận Thầy, mấy phen đào nhiệm quay về Thủy Liêm động quê xưa; Bát Giới đã trăm lần ngàn lượt đòi chia của, rồi mạnh ai đường nấy. Chỉ riêng có Sa Tăng suốt cuộc hành trình vào yêu ra quỷ, một lòng một dạ quảy hành trang tiến tới. Không một lời thoái lui, không một lòng biến đổi. Sa Tăng là hình ảnh của tinh tiến, trì thủ, tâm bất thoái chuyển. Dù khó khăn đến đâu, đã quyết rồi, thì cứ đi tới.
c. Trư Bát Giới:
Là tính tham và dục, những tâm tính bản năng. Tham ăn, tham ngủ, tham của, tham sắc và tham nịnh nọt cho được lợi về mình. Khí giới của họ Trư vì thế phải bắt buộc là đinh ba, là cào cỏ, để mà vơ vào cho nhiều, cho vừa lòng tham dục. Bát Giới là sự tập hợp những bản năng rất vật dục và tầm thường nơi con người.
d. Tôn Ngộ Không:
Tượng trưng cho trí, lý trí. Lý trí phải dẫn dắt, phải soi đường cho hành động. Lý trí ưa nổi loạn, ngang tàng phách lối, chẳng chịu thua kém ai. Cho nên Tề Thiên coi mình to ngang với Trời (Tề Thiên: bằng Trời), và muốn lên trời xuống biển, quậy phá đều làm được tất, không chút đắn đo, chẳng hề ngần ngại. Đó là tượng trưng cho đầu óc duy lý của những người muốn phủ nhận Thượng đế.
Lý trí vì những "thuộc tính" như thế nên cần thiết phải được uốn nắn luôn luôn cho hợp với kỷ cương, khuôn phép. Tề Thiên bởi vậy mà phải đội kim cô. Khi về tới chùa Lôi Âm, thành Phật rồi, không cần cởi, vòng kim cô tự lúc nào đã biến mất. Giống như trẻ con mới đi học, tập viết phải có giấy kẻ hàng đôi, đến chừng lớn lên viết giỏi rồi, giấy chẳng vạch hàng kẻ ô vẫn dễ dàng viết ngay ngắn.
e. Đường Tăng:
Tượng trưng cho tình cảm con người: lòng từ bi, nhân hậu, bao dung, có quyết tâm tu hành vượt qua muôn vàn cám dỗ. Ngoài ra còn có tính phàm, u mê, nhu nhược, ba phải. Một trăm lần Tề Thiên cản: "Yêu ma đấy, chớ có cứu". Và đủ một trăm lần Đường Tăng cứ cứu, để rồi mắc nạn vương tai.
Đó là vì sự nhận thức của cảm tính không biết nghe theo tiếng gọi sáng suốt của lý trí. Đường Tăng cứ lặp đi lặp lại những sai lầm của mình và không có sai lầm nào giống sai lầm nào. Con người cũng thế, cứ đi từ sai lầm này đến sai lầm khác mà thôi, nếu không nghe theo lý trí, lương tâm mà chỉ biết chiều theo vọng tâm, tình cảm nhất thời.
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét