Một ngày mưa gió sụt sùi, thật buồn, chẳng biết làm gì, tôi lục soạn tủ sách và tôi đã gặp lại cuốn Luận tuyển do thầy Hạ Ngọc Lăng soạn năm xưa. Cảm xúc dạt dào trong tôi, cầm sách trên tay tôi bâng khuâng nghe năm tháng đi qua đời tôi. Nghe lòng rung động tưởng như có hồn của người đi réo kẻ về.
Sách cũ lắm rồi, giấy hãy còn tốt nhưng đã mất trang đầu và trang cuối nên tôi không xác định được nhà xuất bản nào, ra đời năm nào. Nhưng tôi có thể suy đoán là được in khoảng đầu những năm 1970, nhà xuất bản Da Vàng- nhà xuất bản hiếm hoi và nổi tiếng ở Đà Nẵng thủa ấy. Tôi đoán như thế là do tôi căn cứ vào dòng chữ “Luyện thi vào lớp sáu”, bởi tôi thi đậu vào trường trung học Phan Châu Trinh năm 1969, khi ấy gọi là lớp đệ thất chứ không gọi là lớp sáu.
Cây xanh non nớt ngày nào- là tôi đây được bàn tay của người làm vườn điệu nghệ Hạ Ngọc Lăng ngày nào chăm sóc. Để đến hôm nay tôi đã là cái cây thân mộc vững chãi đứng giữa rừng cây đời muôn sắc hương. Qua những comments trên facebook của tôi, sau một quá trình dài tôi tổng hợp được những “lời khen”, nói rằng tôi có lối viết gọn gàng, sắc nét, tôi biết miêu tả sinh động, gợi cảm, biết tường thuật một vấn đề rõ ràng. Dĩ nhiên tôi vui chứ, vì tôi vẫn còn là người với hỉ nộ ái ố đầy mình, nghe khen thì vui, nghe chê thì buồn.
Là tôi biết vậy để hưng phấn viết facebook cho thêm phần sôi nổi. Nhưng công đầu tiên, người thầy đầu tiên tiễn tôi vào đời vững tin, làm người công dân, từng là công chức có ích, lưu lại chút gì đó cho lịch sử đời mình, tôi ghi nhận công ấy từ thầy Hạ Ngọc Lăng.
Năm mươi năm trước thầy đã trực tiếp dạy tôi, tôi còn nhớ thầy uốn nắn từng câu, sửa cách dùng từng chữ cho tôi. Những kỹ năng, kỹ thuật, kỹ xảo trong sử dụng tiếng Việt từ thủa ấu thơ ấy in sâu như dấu ấn không phai trong tôi suốt cuộc đời tôi. Và cuốn Luận tuyển do thầy biên soạn là cẩm nang chỉ đường cho tôi đi đúng hướng và đến đích thành công.
Cuốn Luận tuyển này là những bài tập làm văn được thầy lựa chọn trong các bài tập làm văn của học sinh lớp nhất và luyện thi đệ thất do thầy phụ trách. Đây là tập luận không phải do người lớn đẽo gọt nên những ý tưởng già dặn viết thành sách cho trẻ em học. Nó chính là sáng tác phẩm của tuổi thơ, do vậy đọc những lời văn giản dị, những ý tưởng ngây thơ, ngộ ngĩnh, tôi đã thấy thú vị, thấy thích ngay từ hồi đó. Tôi tưởng như do chính tôi viết ra, xưa kía tôi đã đối chiếu bài tập làm văn của mình với các bài văn của các bạn đi trước mình nên tôi thấy tự tin, dễ rút kinh nghiệm để mình tự làm bài. Luận tuyển gồm các bài văn miêu tả, tường thuật, viết thư- đơn từ, và nghị luận.
Những gì thầy bày vẽ năm xưa đến bây giờ, dù đã già tôi vẫn còn sử dụng như bửu bối để hành văn. Ví dụ như, văn miêu tả là phải sử dụng các giác quan – mà quan trọng nhất là thị giác để chạm tới các đồ vật, con người, cảnh trí để ghi lại điều nhận thức được. Có vận dụng được giác quan ta mới tìm được những điểm đặc sắc của mỗi sự vật mà diễn tả. Nhận thức của giác quan càng đúng bao nhiêu bài văn càng sinh động bấy nhiêu. Bởi vậy, trong bài tập miêu tả thầy dặn phải tập quan sát, ghi lại cái của riêng mình, không nên vay mượn ý ở các bài văn mẫu hay sách báo đã xem được.
Đó là bài lý luận văn học căn bản, cơ sở mà tôi đã được trang bị, trong đó có nét thoáng qua cả nhân cách, tính cách con người trên tinh thần “style c’ést l’homme” – văn là người. Phần đọc thêm là trích đoạn những đoạn văn đặc sắc, tiêu biểu của các nhà văn được yêu thích của muôn đời như Nhất Linh, Khái Hưng, Tô Hoài, Thế Lữ, Nguyên Hồng… mà hôm nay lướt qua tôi cũng thấy vẫn có cảm gíac thú vị.
Lòng tôi nở hoa bao nhiêu mùa rồi. Năm nay đào lại nở- Không thấy ông đồ xưa- Những người muôn năm cũ- Hồn ở đâu bây giờ? Từ ngày xa thầy đến nay đã hơn nửa thế kỷ con chưa hề gặp lại thầy một lần nào để gọi là tạ ơn người đã khai sáng tâm hồn con. Nay đã già, đứng bên kia dốc cuộc đời con mới gặp lại thầy qua cuốn sách vương vấn cái tình, cái tinh anh cốt cách của thầy.
Sau khi tôi viết bài này, tôi có nhận được thông tin qua tương tác trên facebook rằng, thầy đã qua đời cách đây hơn hai mươi năm. Chỉ còn lại đây trong tôi cái nhớ cái thương của một thời đã xa. Thầy Hạ Ngọc Lăng ơi, con có lỗi quá, xét trên quan điểm quân sư phụ của đạo lý Việt Nam thì là tội chứ không phải lỗi.
N.P
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét