Nhà văn Trần Quang Ngân
Mẹ kiếp! Đời đẹp nhự thế này mà mấy mươi năm mình bị đui. Hắn ngồi trầm ngâm nhìn ra góc phố và thầm nghĩ, thỉnh thoảng hắn mỉm cười vu vơ. - Ừ, mình cũng còn may mắn để được nhìn thấy thiên hạ trong phần đời còn lại, ít nhất là hai mươi, ba mươi, bốn năm mươi năm nữa… biết đâu chừng, còn trẻ chán, rồi mình sẽ kiếm được nhiều tiền, sẽ sống bù lại những năm tháng mù lòa gian khổ, ăn bụi, nằm bờ nơi đầu đường xó chợ. Trời sẽ cho lại mình tất cả những ân nghĩa cuộc đời mà mình đã trải qua. Cảm ơn người đã cho mình đôi mắt sáng. Ừ… ừ... cứ sống cho trọn vẹn, vui vẻ cho hết ngày hôm nay như lão Phan nói. Rồi sẽ tính, quá khứ là cái đã qua, cái không đẹp không nhìn lại, không nghĩ đến, tương lai là cái chưa tới, là sự mơ mộng viễn vông làm sao biết được, thôi đừng nghĩ tới. Mệt óc, cứ sống tốt đẹp hết một ngày, ngày mai chuyện tốt đẹp sẽ tới với mình, kệ mẹ nó, cuộc đời cái gì đến rồi nó sẽ đến.
- Uống đi, cậu nghĩ gì vậy, cà phê sữa để nguội lạnh không ngon, trừ khi có đá thì lại khác, hôm nay cậu cứ để tôi trả cho, đầu tháng mới lĩnh tiền hưu, tuổi già không có gì bằng nuôi hưu hết, tối ngủ, sáng ra là có mấy trăm sống rồi, bao cậu ly cà phê vài đồng là chuyện nhỏ, có cậu tôi cũng vui, ít nhất cũng có người nghe chuyện tôi nói, tôi quen nói rồi. Ngày xưa còn làm cán bộ tôi hay đứng trước hàng trăm người nói chuyện, chuyện làng, chuyện nước, chuyện trên trời, chuyện dưới biển, chuyện đầu suối cuối khe, chuyện đồng ruộng, ao nhà. Có nhiều chuyện theo chủ đề mà nói, có chuyện nói để làm quà, để trút bầu tâm sự vào thiên hạ cho khuây khỏa. Chứa nhiều việc trong người cũng làm mình khổ, nói cho thoát bớt cái hơi ấm ức, không biết thì bị đè đầu cởi cổ, biết nhiều thì khổ nhiều, biết ít thì đỡ khổ hơn. Trưa nay về nhà tôi ăn cơm cũng được, tự nấu rau dưa đạm bạc thôi, chứ ăn cơm bụi hoài tốn kém mà không ngon đâu. Ăn hoài những thứ thịt, cá, chiên xào dầu mỡ ớn lắm. Ngày trước vợ mới bỏ đi tôi lười nấu cũng hay ăn vậy, bây giờ thì ngán rồi, rau tự trồng, cơm tự nấu, nấu một bữa ăn một ngày, thừa cho mèo hoang, chó hàng xóm. Hơn nữa, về nhà có việc vặt làm đỡ trống trải.
- Cảm ơn bác, bây giờ thì cháu có thuê tạm căn phòng trọ phía sau nhà ông chủ tiệm bánh, có bếp nấu ăn, sáng dậy sớm giúp ông bà chủ làm bánh cho tiện. Từ lúc hắn ngồi vào cái bàn trống đầu góc quán, gặp ông Phan, hắn thấy mình đỡ lạc lõng. Quán lúc nào từ sớm tinh mơ cũng đã có khách đông nghẹt, dường như bàn nào ngồi theo nhóm bạn đó để trò chuyện, riêng bàn hắn ngồi là trống, sau này hắn mới biết, đó là bàn của ông Phan. Chiếc bàn gỗ vuông nhỏ nếu ngồi chật cũng vửa đủ cho bốn người trên bốn chiếc ghế đẩu. Ông Phan trông người cao ráo, trán hói, biết rất nhiều chuyện, gần như chuyện gì ông cũng tỏ vẻ thông thạo. Nhưng có lẽ tội nghiện nói, nói dài, nói dai nên không ai chịu ngồi cùng với ông. Mặc dù buổi đầu ông sẵn sàng chi tiền cà phê cho người chịu ngồi nghe ông nói, không kể là ai. Dứt câu chuyện, ông nhìn vào hắn thăm dò, hắn ngồi gật gật tỏ vẻ hài lòng. Sự thật, từ hồi nào hắn có được ngồi nói chuyện với ai bao giờ, và có ai ngồi nói chuyện riêng với hắn. Cái mặc cảm thân phận bần hàn hắn cũng chẳng dám gần gũi, thân thiện với ai và cũng mong ai đừng đá động đến đời tư của hắn.
Đôi kính màu đen của ai đó cho sau khi mổ mắt, cũng một phần làm thay đổi khuôn mặt bụi đời dĩ vãng của hắn. Tiếng xì xào, chuyện trò xen vài tiếng chửi thề văng tục vô tư, hồn nhiên giọng miền Nam, hắn nghe quen thuộc và thân thiết. Nhất là tiếng mời rao giọng lơ lớ, pánh pao, pánh bò, pánh tiêu kẹp xôi cúc, của chú Ba Chệch đội nón lác rộng vành bưng rổ bánh đến từng bàn mời chào, mà bây giờ hắn mới nhìn thấy mặt. Hắn cũng mua xã giao hai chiếc bánh bao, một cho hắn ăn sáng và một mời ông Phan. Hắn cũng tự nhận ra mình hơi lớ ngớ trước mọi người. Hắn nghĩ, có thể đây là nơi đầu tiên mà tiếng hát lưu linh của hắn cất lên, với đôi bàn tay thô ráp đưa ra để đón nhận những đồng tiền ban ân phước cứu sống đời hắn và cũng là lần đầu tiên hắn được ăn những miếng bánh mì kẹp thịt, những bát cơm không độn khoai sắn, với những quả trứng kho, thịt kho béo ngậy. Ôi! Đời không gì sung sướng bằng, giờ lại có đôi mắt sáng nhìn đời. Ôi! Miền Nam ơi! Ta nhớ mãi ơn người. Hắn nhớ những ngày tháng trôi qua êm ả. Rồi đến một buổi sáng, hai buổi sáng, đến kế tiếp những buổi sáng. Từ đâu đám lùng tùng phèng ập đến khua chuông, đánh trống, những cái nắp xoong lập chập chạm nhau làm chập chạ khua lách cách, đít xoong gõ làm trống lùng tùng, đánh theo điệu nhạc, tiến đến áp gần hắn, khua vang ầm ĩ, khiêu khích làm át tiếng hát của hắn.
Mấy ngày liền hắn không xin được đồng nào, bụng đói meo. Ban đầu hắn quì gối van xin lạy lục họ vẫn không tha, rồi chửi bới văng tục cũng chẳng được. Tức quá phải liều, hắn dùng cây gậy đả cẩu bổng quơ tứ tung, trúng đâu thì trúng. Hắn tưởng chiêu này lảm người ta khiếp sợ lảng tránh để hắn kiếm sống. Nhưng bất ngờ ở đầu gậy bên kia của hắn bị một sợi dây dù đầu cột cái ổ khóa ném quấn vào cánh tay, vào đầu gậy, kéo hắn đổ sấp như trời sập. Một thân hình khổng lồ đè lên hắn, cổ hắn bị kẹp cứng, nước mắt trào ra, hắn khóc rống, hắn nghe tiếng Thắm cũng khóc rống van xin, con chó Ki Noa nhào tới bênh chủ cắn xé sủa vang vang. Trong phút chốc hắn được buông ra, tiếng chửi thề từ miệng người đè lên hắn.
- Đ. mẹ. Tha cho mầy đó nghe con… cho mầy mần ăn mấy bữa nữa rồi tính sau. Đám lùng tùng phèng bỏ đi. Hắn trở lại ca hát làm ăn được vài bữa, thì chị Hai Ban Chủ Cái Bang từ đâu về, lập kế bảo hắn. Chị Hai Ban Chủ là người Hải Dương quê hắn, lần đầu đến nhà xin mẹ cho hắn cùng một số người cùng cố vô căn vào Nam kiếm sống. Lên tàu, chị ghép đôi hắn với Thắm để Thắm dìu hắn đi. Vào Nam lúc xuống tàu chị phân chia thành từng nhóm, mỗi nhóm đến một nơi riêng đều có người hướng dẫn, mạnh khỏe thì tìm việc làm thuê, già yếu đui mù, bệnh tật thì đi hành khất xin ăn. Hắn và Thắm những ngày đầu cũng được chị dạy cho ca hát đôi bài, chỉ cho cách đi đứng. Thắm lúc đầu cũng phải giả dạng làm người tật nguyền để phù hợp với nghề hành khất. Mấy hôm nay nghe việc làm ăn rắc rối chị lên để tìm cách hóa giải.
- Chị tìm hiểu rồi, làm ăn kiểu này thì khó ai thoát khỏi đám giang hồ ở địa phương. Cả đàn thú hoang, ở đâu cũng có lãnh địa riêng của nó, huống chi là kẻ trôi sông lạc chợ như tụi mình. Thôi, chị bàn với hai em là chiều tối ngày kia chủ nhật tức còn ba ngày nữa chị sẽ tổ chức ăn cưới cho hai em, lấy cớ để ra mắt kết thân với đám giang hồ nơi đây, để chúng khỏi quậy phá công việc của hai em. Thấy Thắm và Nghinh còn lớ ngớ chị Hai Ban chủ nói tiếp:
- Mọi viêc để chị lo liệu sắp xếp, hai em không phải lo gì hết. Đến ngày, chị đưa đến đó, chị bảo sao thì hai em làm vậy cho chị là được.
- Vâng, cảm ơn chị Hai, vậy từ nay chúng em là vợ chồng.
- Vâng, chị Hai Ban chủ mỉm cười.
Trời mưa se lạnh. Bên vỉa hè , căn nhà nơi góc phố vẫn là chốn nương thân của hắn và Thắm từ bao ngày tháng qua. Đêm ấy, chúng mới cảm nhận được sự ấm áp và hạnh phúc của hai thân thể một cách lạ thường , trong đầu hắn, ý nghĩ cứ rộn ràng nhảy múa lời chị Hai Ban Chủ hồi chiều “từ nay chúng em là vợ chồng".
Hi!hi! Hắn mỉm cười sung sướng. Từ nay hắn có vợ, có Thắm, không còn ai quấy phá. Hắn sẽ hát thật nhiều và có nhiều tiền giao cho Thắm để Thắm lo hắn ăn, mặc, ốm đau... Hắn mơ có một căn nhà, một cái giường nằm và bếp nấu... hi! hi! Hắn vui sướng xoay người ôm hôn Thắm. Ngoài trời yên vắng, không nghe khua động tiếng một bước chân đi. Thắm cũng vén chăn nhìn ra ngoài, ôm hắn, và thả lỏng thân hình cho bàn tay hằn tự do trên ngực, trên thân thể của Thắm. Đây là lần đầu tiên hắn đón nhận niềm hạnh phúc hoan lạc mà Thắm dành cho hắn. Hắn đang loay hoay thụ hưởng, thì từ đâu con chuột nhắt bò tới gặm ngón chân nghe nhột nhột. Hắn co chân giật thót, con chuột văng ra. Con chó ki Noa nằm phía dưới, kịp trườn tới vồ ngoạm ngay, con chuột kêu chít chít. Đáng đời cho con chuột phá đám. Sáng ra hắn ngồi tựa lưng vào tường, ngước mặt lên trời, tay vuốt lưng con chó, miệng mỉm cười thầm thì lẩm nhẩm - cảm ơn mầy hồi tối cứu một bàn thua.
Thắm xong công việc dọn dẹp, đi mua về cho hắn ổ bánh mì kẹp thịt như mọi hôm, hắn bẻ cho Ki Noa một miếng:
- Nè, thưởng công cho mầy đó!
- Anh ăn đi, nó có nửa ổ đây rồi. Tiếng “anh” của Thắm hôm nay nghe sao ngọt xớt. Thật mát lòng, vậy là nó cũng được Thắm thưởng. Hắn nghĩ. Một ngày... hai ngày trôi qua. Chiều nay chị Hai Ban Chủ tổ chức ra mắt cho hai đứa . Hắn hồi hộp chờ đợi, như đã hẹn, chị Hai dẫn hai đứa đến nhà nghỉ Đa Phương, “nhà nghỉ chuồng gà” dành cho những kẻ sa cơ lỡ bước với những khoản tiền ít ỏi. Chị Hai dẫn hai đứa vào phòng trong, trao cho hắn và Thắm mỗi đứa một bộ quần áo mới. Hai cành hoa hồng đề sẵn trên bàn với lời căn dặn, chỉ dẫn ngọt ngào, những động tác cũng như việc phải làm trong chiều nay. Trên hai chiếc chiếu bông có bày sẵn rượu thịt, chén đũa, tô, nồi với nhiều thức ăn thơm phức. Nhóm Tùng phèng của Anh Hai trung sĩ cùng Tư Kiếm xe ôm cũng đến đúng giờ, như lời mời của chị Hai Ban chủ. Mọi khi, đến nơi chốn nào đàn hát để kiếm sống, Tư Kiểm xe ôm phải đỡ anh Hai Trung sĩ xuống xe, mang ba lô phía sau cho anh, đưa cây đàn guitar cho anh ôm phía trước, rồi tự anh lết đi. Chiều đến nơi hẹn đưa anh Hai về chỗ trú. Lần này, thì Tư Kiểm xe ôm đưa anh Hai trung sĩ và đồ đạc vào trong chiếu ngồi cạnh anh Hai như người bảo vệ. Sự hướng dẫn, sắp xếp vẻ thân mật của chị Hai Ban chủ cũng làm cho hai người tự nhiên hơn. Trong cuộc dò hỏi sơ giao, chị Hai Ban chủ hỏi Tư Kiểm – Sao cứ gọi là anh Hai trung sĩ?
- Vì ngày trước trong quân ngũ anh Hai là Trung sĩ tiểu đội trưởng chỉ huy tiểu đội biệt kích của tôi, tình nghĩa sinh tử đậm đà, sau này gặp lại thấy hoàn cảnh anh vậy nên thương quí gọi nhau như ngày nào.
- Tôi không nghĩ là hôm nay hai anh cũng đến.
- Đúng ra là ngại không đến, nhưng anh Hai trung sĩ nói là thấy hai dòng nước mắt chảy trên mặt thằng nhỏ và tiếng khóc van xin của vợ nó hôm bị anh đè xuống, động lỏng trắc ẩn nên anh Hai ân hận, phải mang phong bì đến chúc mừng hạnh phúc cho hai đứa.
Buổi tiệc bắt đầu. Chi Hai Ban Chủ đứng lên gọi đôi Uyên Ương ra đứng bên cạnh tuyên bố lý do buổi lễ, rồi đeo vào ngón tay trỏ mỗi người một chiếc nhẫn vàng tây nhỏ, hai cành hoa hồng và những lời bày tỏ thâm tình cùng với thực khách.
- Các anh chị em thân mến! Hôm nay là ngày thành thân của hai em Nghinh và Thắm. Suốt thời gian ba năm dìu nhau ngược xuôi trên bước đường lưu lạc, từ Bắc vào Nam để kiếm sống, nhờ những tấm lòng độ lượng thơm thảo của bá tánh nơi đây, và nhất là sự cảm thông, độ lượng và nhường nhịn sẻ chia anh Hai Trung sĩ và các anh chị em đồng cảnh ngộ, tôi mong rằng từ nay anh chị em chúng ta cùng biết thương yêu nhau hơn. Dứt lời, chị Hai Ban chủ mời mọi người cùng nâng ly uống cạn để chúc mừng hạnh phúc cho hai em. Anh Hai trung sĩ và anh Tư Kiếm xe ôm cũng đến trao cho đôi bạn trẻ hai chiếc phong bì dày cộm tiền lẻ.
Anh Hai trung sĩ nói: - Suốt đời tôi có lẽ không bao giờ quên được đôi mắt ướt của hai em, trong một lần sự cố do tôi gây ra vào buổi sáng hôm ấy. Đây là chiếc phong bì mà chúng tôi gửi đến hai em với tấm lòng, lời chúc mừng và cũng là lời xin lỗi mong hai em thông cảm cho. Thấy anh Hai trung sĩ có vẻ thành thât và xúc động, Tư xe ôm đưa cây đàn guitar bảo anh Hai hát bài cho vui đi. Anh hai ôm đàn so dây rồi vừa đệm vừa hát - Tôi nó sinh ra nhằm chinh chiến mới quen nhau mà thương mến. Nó quê ngoài kia từ lâu lắm chưa lần về. Ngày tôi gặp nó mắt đăm chiêu đêm nhập ngũ thấy thương nhau nhiều quá… Đôi đứa đôi nơi, ngày đầu tiên biết tin nhau là tin cuối… Hát đến đây anh Hai nghẹn ngào dừng lạị. Tư xe ôm hiểu ý vỗ tay đánh trống lãng, đề nghị Nghinh và Thắm hát để anh Hai đệm đàn.
- Chúng em xin hát bài Sợi nhớ sợi thương, Nghinh nói, rồi bắt đầu cất giọng:
- Trường Sơn Đông,Trường Sơn Tây. Bên nắng đốt, bên mưa quây. em dang tay , em xoè tay. Chẳng thế nào mà xua tan mây. Chẳng thế nào mà che anh được. Chứ rút sợi thương, nay anh chắp mái lợp. Chứ rút sợi nhớ đan vòm xanh. Nghiêng sườn đông mà che mưa anh, nghiêng sườn tây mà xõa bóng mát. Rợp trời thương ấy mấy màu xanh suốt. Mà em nghiêng hết ấy mấy về phương anh… Mà em nghiêng hết ấy mấy về phương anh…
Anh Hai gật gù: - Giọng hai đứa rất tốt, nhưng bây giờ hát những bài này thì nhàm quá, vì sau ngày miền nam giải phóng người ta nghe đã quá nhiều rồi, không khéo chẳng ai cho tiền.
- Theo anh Hai thì chúng thì chúng em hát bài nào là hợp.
- Chị nghe trong Nam và ngay cả miền ngoài, bây giờ người ta hát nhạc vàng, giống như anh Hai Trung sĩ nhiều hơn. Chị Hai Ban chủ nói.
- Nhạc Bolero, đó là loại nhạc trữ tình phổ biến thịnh hành ở miền Nam từ hồi nào tới giờ. Anh Tư xe ôm xen vào.
- Đúng rồi, nhưng làm sao chúng nó biết mà hát được. Chị Hai Ban chủ thở dài.
- Tội nghiêp tụi nó! Thôi, để anh Hai dạy cho. Hai em về đây, mỗi tối anh Hai tập cho một vài bài.
- Dạ... Tốt quá! Chúng em cảm ơn anh Hai Trung sĩ…
- Bắt đầu tối nay nha! Làm liền đi, anh Hai hát trước cho nghe đã.
- Ăn xong đã anh Hai.
- Vừa nhậu vừa hát cũng đươc, không sao. Cạn hết ly này đi... Zô nè… zô… Anh hát bài Tàu đêm năm cũ nghe. Anh Hai bấm phím so dây, dạo khúc nhạc đầu rồi vừa đệm đàn vừa hát “… Trời đêm dần tàn, tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn. Cầm chắc đôi tay, ghi vào đời tâm tư ngày nay. Gió khuya ơi! Lạnh sao, ướt nhẹ đôi tà áo… Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời. Trở gót bâng khuâng, tôi hỏi lòng đêm nay buồn không. Chuyến xe đêm lạnh không. Để người yêu vừa lòng… Đêm nay lặng nghe, gió lùa qua phố vắng. Trong giây phút này, tôi mơ ướt sao, nằm trọn vào tay nhau...
Chấm dứt bài hát, anh Hai lặng về xa xăm, như gợi lại một kỷ niệm xa xôi trong quá khứ. Sau tiếng vỗ tay chị Hai Ban chủ cũng ngồi lặng nhìn anh cảm động
- Hay quá anh Hai, hát vậy mà ai không động lòng.
- Anh Hai tập cho chúng em bài hát đó nha.
- OK, anh Hai sẽ dạy cho hai em đêm nay, thức đến khuya cũng được. Anh nhìn sang anh Tư Kiểm xe ôm bảo – Chú về nghỉ đi, mai đến đưa tôi đi chợ Tân Phát, khu vực này nhường lại cho hai em nó làm ăn.
- Ngồi chơi nữa cũng được không sao đâu. Tư Kiểm nói.
Tập xong bài hát rồi, mọi người đề nghị anh Hai trung sĩ hát. Đêm khuya, rượu ngấm, Hai trung sĩ bỗng thấy lòng mình lãng đãng khói sương, mộng mơ, từng khoảnh khắc dĩ vãng như hiện về trước mắt anh, nhớ người yêu thuở còn đi học. Nhớ đến xé gan ruột, đôi mắt anh bỗng xa xăm. Anh nâng ly rượu nốc cái ực rổi cất giọng hát: -Em hỏi anh… Em hỏi anh bao giở trở lại. xin trả lời mai mốt anh về…Mai anh vể trên đôi nạng gỗ. Bại tướng về làm gã cụt chân. Em ngại gùng dạo phố mùa xuân. Bên người yêu tật nguyền chai đá… Thì thôi hãy nhìnnhau xa lạ... Em nhìn anh ánh mắt chưa quen. Tình nghĩa cũ một lần trăng trối...
Bài hát đầy tâm trạng, anh Hai ôm cây đàn ngẫng người nhìn lên ngọn đèn phía trước, nước mắt trào ra làm mọi người xúc động theo trong im lặng. Anh bỗng thấy xót xa, anh nhìn thật lâu, thật sâu vào đôi bạn trẻ rồi bỗng dưng buộc miệng nói:
- Hai đứa đẹp lắm! Nhưng trời đã lấy đi của hai đứa một cuộc sống tươi đẹp thật đáng quí. Anh Hai hứa, nếu mai này có cái chết được báo trước đến với anh Hai, anh Hai sẽ hiến tặng cái nhục thân này cho nhân thế, còn đôi mắt thì trao tặng cho em Nghinh để hai em vươn dậy với cuộc đời và thoát khỏi kiếp khổ lụy trần ai này.
-Anh Hai hứa… Chị Hai Ban Chủ nói.
- Hai trung sĩ này tuy làm thân hành khất nhưng chẳng bao giờ hứa sai lời với ai cả, như Tư Kiểm đây đã biết, các em yên chí. Lời Hai trung sĩ nói hôm nay có đất trời chứng giám, có Tư Kiểm làm chứng và thực hiện cho anh. Đời mình thế này thì còn gì để gian dối, tứ cố vô thân, không cha, không mẹ, không vợ, không con, anh em bè bạn xa lánh. Bao nhiêu ước mơ lấp biển, vá trời thuở còn đi học, nay chỉ còn đôi nạng gỗ lê la nơi đầu đường xó chợ thì có gì để tiếc đâu. May mà còn có Tư Kiểm thương tình gần gũi, chứ thân xác này cho đi cũng là để trả nợ ân nghĩa cho đời thôi mà.
-Ok! Nâng ly lên. Những việc có ý nghĩa thì Tư xe ôm sẽ không tư chối. Khuya rồi, thôi chia tay, xin chúc mọi người ngủ ngon, chúc đôi bạn trẻ zui zẻ hạnh phúc, ngày mai gặp lại.
* * *
Ánh nắng ban mai xuyên qua mái hiên, chiếu thẳng vào mặt hắn, trong cảm giác quen thuộc tự nhiên, hắn ngoẽo cồ nhìn lên, và lấy bàn tay che mặt. Đó là lúc hắn biết mặt trời đã lên cao, hắn lấy chiếc mỏ gió con con gõ vào đầu gậy đả cẩu bỗng gọi “Mười! Mười” vài tiếng rồi vợ hắn từ bên kia đường chạy sang dẫn hắn qua, lấy khăn ướt lau mồ hôi trên mặt trên cổ cho hắn. Những đồng tiền tha nhân bố thí hắn lục lọi giao hết cho Thắm, rồi ngồi đợi bữa cơm trưa. Ôi! Đời đẹp làm sao! Hắn nghĩ .
- Khiêng bàn xích vào trong cho đỡ nắng. Lão Phan nói – Cháu có bạn gái
chưa?
- Dạ…
- Thời buổi này muốn có bạn gái phải có nhiều tiền, không mất vui.
Quán vắng dần, chỉ còn thưa thớt một vài bàn khách ngồi đánh cờ tướng. Hắn vẫn ngồi nhìn mông ra ngoài.
-Cậu suy nghĩ gì vây?
-Dạ …
Phía góc đường có người phụ nữ mặc chiếc váy trắng có con chó đen, chạy trước ngoe nguẫy đuôi, như muốn tìm chỗ ị… Bỗng dưng hắn nhớ Thắm, hắn nhớ con Ki Noa, tự nhiên hắn buộc miệng gọi:
- Thắm… Thắm… người con gái ngước lên nhìn rồi vội vã quay lưng đi, con chó ngập ngừng như không muốn đi theo.
- Ki noa… ki Noa. Hắn gọi con chó. Ki Noa là tên con chó mà mẹ hắn đặt lúc còn ở nhà. Khi lên tàu hắn xin ôm theo cho có bạn.
Nghe tiếng hắn gọi con chó ngoe nguẫy đuôi chạy tới, nhảy lên liếm bàn tay hắn với vẻ quen thuộc mừng mừng, tủi tủi. Như vậy đúng là mi rồi! Hắn nói nhẩm.
- Cháu vừa gọi ai vậy?
- Người phụ nữ vừa rồi có phải tên là Thắm không Bác?
- Nghe ở nhà gọi là Thúy, làm vợ lão đại lý vé số xóm tôi được vài năm nay, cũng có người gọi là Thắm. Nghe đâu trước là vợ tên mù hát rong ở khu vực này, sau đi bán vé số…
- Hắn gật đầu hiểu ý, đứng dậy bắt tay chào lão Phan về nhà trọ, lấy hành
trang rồi đón xe ra đi. Con Ki Noa cũng ngoan ngoãn chạy theo hắn.
07/5/2023
T.Q.N
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét