Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang
Đời người ta có nhiều chứng bệnh phong: phong hàn, kinh phong, phong đòn gánh, phong hủi... Riêng anh chủ quán bột chiên chủ thằng bé Đen lại mắc phong chửi.
Chiếc khẩu trang luôn xề xệ trên mặt nhưng ảnh cứ lầm bầm chửi hai đứa phụ quán là Đen và con Ly.
Gì mà khách vô chưa kịp ra oder cũng chửi. Khách kêu tính tiền chưa kịp đem phiếu ra cũng chửi. Khu vực bếp khá xa khu khách ngồi, nhưng cặp mắt anh chủ là “quả nhãn kim tiêm”, ý lộn, “quả nhãn kim tinh” hay gì á. Ảnh nhìn không xót một vị khách nào, ngay cả cái nĩa rớt mà thằng bé Đen chưa kịp lượm, ảnh cũng chửi.
Ba cái bếp thì luôn đỏ lửa vì bột chiên, nui chiên, bánh lọt xào, cánh gà chiên nước mắm, mì xào… Nhưng mắt anh chủ cứ lia như sát thủ trong phim hành động lia súng vậy đó. Khách nào mới vô, khách nào chờ nãy giờ, khách nào kêu tính tiền, khách nào đang xỉa răng và dượm móc ví ra… ảnh đều thấy và hét hai đứa phục vụ “khách kìa, khách kêu kìa”.
Đen mới 14 tuổi nên nó chưa biết suy nghĩ như chị Ly 18. Cứ hễ anh chủ nhóng cái mỏ lên chửi “lính” là cái môi Đen cũng giựt giựt tính cự lại. Vì sao? Vì nó cũng chạy muốn lọi giò chứ có ngồi không đâu mà chửi. Anh chủ bảo nó sao không oder, sao không tính tiền, sao không bưng gỏi, sao không mang trà đá, sao không mấy thêm khăn giấy…
Ủa rồi tay chân sao không mọc ra thêm giùm cái? Gì thì cũng từ từ chứ. Khách cả chục, mà phục vụ có hai đứa, đi ăn bột chiên đã nóng rồi, mà tính khách còn nóng hơn thì…chết vi khuẩn đường ruột hết à!
Chị Ly cười nghiêng ngả khi nghe thằng Đen xổ một tràng. Là nó lén “xổ” sau lưng anh chủ thôi, chứ nói trước mặt á, trong vòng một nốt nhạc là lãnh lương ra khỏi quán thôi.
- Tao hỏi mày, nếu mày nghỉ quán anh Khang thì mày có đi làm quán khác không?
- Có chứ chị! Nghỉ thì lấy gì ăn!?
- Rồi mày làm quán khác, chắc chắn chủ không chửi không?
- Ừm… cái đó… không biết..
- Vậy mày phải coi lại cách ăn ở, coi sao ảnh cứ chửi mày hoài vậy?
- Chắc tại ảnh… mới bị bồ bỏ!
- Bậy, tao nghe nói ảnh chưa có bồ!
- Chời, thời nay hai lăm tuổi mà chưa có bồ là ế đó! Hay là bà làm bồ ổng đi, cho ổng hết chửi với tụi mình!
- Xời, hổng phải gu tao nha! Gu tao là bạch mã hoàng tử, ăn nói lãng mạn, hát hay đàn giỏi nha! Còn anh Khang hả, tao chỉ làm mướn cho ảnh để lấy tiền thôi, làm bồ thằng cha quỷ khó vậy, tao thà chết sướng hơn!
Giọng con Ly cong cớn.
***
Thăng Đen mồ côi mẹ đã ba năm nay. Nói rõ ra là mẹ Đen mất vì Covid. Một người phụ nữ ngoài ba mươi khỏe mạnh ngày vác cả trăm cần xé củ mì nhưng không chiến thắng được đại dịch và đã qua đời. Để lại thằng con trai mới lên 10 cho ông chồng làm nghề mua bán trái cây dạo.
Vậy rồi cuộc sống đẩy đưa, thằng bé tiểu học đang được học bán trú ngon lành phải chuyển qua học một buổi để buổi còn lại theo cha ngược từng cơn gió trên chiếc xe lôi khắp mọi nẻo đường mà bán dừa tươi, bán dưa hấu, bán cam, bán bơ… kiểu mùa nào trái nấy để gọi là “cha con có nhau”. Những bữa cơm gia đình của cha con thằng bé Đen đã không còn nữa, mà ba năm nay triền miên ăn cơm hộp, cơm gà xối mỡ, cơm sườn nướng, sườn ram…đủ mọi hương vị chiên, nướng, luộc, xào. Nhưng rồi ba Đen nói, chỉ có cơm nhà ngon nhất, chảo cá con kho quẹt chấm với dưa leo hoặc rau luộc cùng tiếng cười của vợ chồng con cái là hạnh phúc nhất. Vậy mà cái hạnh phúc đó đã quá xa vời, kể từ ngày Đen mồ côi mẹ.
Mấy tuần nay chiếc xe lôi của cha con thằng bé Đen ăn cái gì mà cứ hư miết. Bán buôn ế ẩm mà xe hư lần mấy trăm ngàn thì thật là méo mặt lắm.
Bao nhiêu lần không đếm hết, chiếc xe đang vù vù chạy, gió ngược thốc vào mắt những bụi bặm, nhựa đường, đất cát cay đến xốn xang, rồi bỗng dưng xe xực… xực… tắt máy. Nhưng Đen ưa cảm giác xé gió đó, nó thấy mình như một anh hùng, dám đi gió ngược mây mà bay lên tận mấy tầng trời xanh mưa nắng.
Gió theo vận tốc của xe chạy đến nổi cái nón bảo hiểm như bứt quai và nhảy khỏi cái đầu hoe nắng của Đen vậy. Nó cười hăng hắc nói với ba rằng, khi nào rảnh rảnh, ba chở con đi khắp đất nước nhé. Để con thấy ruộng bậc thang ở miền Bắc đẹp như thế nào, để con biết Hà Nội thơm mùi hoa sữa là mùi như thế nào. Rồi miền Trung có biển xanh cát trắng nữa, miền Tây Nam bộ có dừa nước, có con sông chín rồng… cha con mình sẽ đi hết nha ba!
Ba của Đen vừa quẹt mồ hôi vừa mắng yêu “Rồi lấy khỉ gì ăn mà đi dữ vậy con? Cơm ngày hai bữa, xe hư sửa sặc gạch tao đây mà mày còn đòi đi khắp đất nước nữa à?”
Đen nói, đó chỉ là ước mơ thôi mà ba. Khi nào mình rảnh thì mình đi thôi, biết đâu lúc đó cộng đồng mang sẽ đưa ba lên dzu túp rằng “Người đàn ông và thằng con cùng chiếc xe lôi ba bánh đi du lịch khắp đất nước”. Rồi “lai” nhiều lên, ai cũng biết cha con mình, đi tới đâu người ta sẽ cho quà bánh, cơm gạo, áo quần đến đó. Mình sẽ không sợ đói đâu ba! À mà khi cha con mình đi, nhớ đem tấm hình mẹ theo nha ba! Để mẹ đi chung với mình á ba!
Ước mơ là mơ ước vậy thôi chứ có bữa, cha con còn không đủ tiền ăn hai dĩa cơm nữa đó. Vậy là… ba Đen chọn cách mua một dĩa, thêm một phần cơm trắng, rồi chia thức ăn ra cho hai cha con.
Cũng tạm lót dạ được, nhưng cái tuổi mới lớn của Đen thì cái dạ dày như bị thủng vậy, ăn xong tí là đói, tí là đói ngay thôi.
Nên khi quán bột chiên A. Khang ở ngã tư chợ xã mở ra và treo bảng “cần người phụ việc” thì Đen bảo ba ghé lại, hỏi xem có nhận Đen không.
***
Anh Khang quét ánh mắt nóng như hòn than nhìn Đen từ đầu tới chân rồi nói:
- Ép ép nhận đại, chú! Đáng ra phải mười lăm tuổi mới được. Nhưng thương hoàn cảnh em nó, con nhận luôn. Nhưng chú cho em nó cắt tóc gọn lên, móng tay chân bấm sạch sẽ nha, khuyến mãi thêm cho nó cái quần dài cho lịch sự nha chú! Áo thì quán con sẽ phát cho nhân viên. Làm từ 2 giờ trưa tới 9 giờ tối, tháng được nghỉ hai ngày, lương tháng đầu ba triệu, bao cơm cháo no nhóc, nha chú! Nhưng yêu cầu nhân viên không được sử dụng điện thoại trong giờ làm việc, tiền bạc thật thà, ăn nói lễ phép với khách, nha chú!
Mọi sự rốp rẻng trong một phút ba mươi giây làm thằng Đen mừng suýt khóc vì không nghĩ mọi việc dễ dàng như vậy.
- Dạ… dạ… cảm ơn cậu chủ… tuy em nó mất mẹ sớm nhưng tui bảo đảm nó cũng biết lễ phép thật thà lắm! Ba của Đen cũng mừng đến nói lắp.
***
- Ba chiên trứng, hai chiên xúc xíchhhh…
- Hai cánh gà chiên nước mắm ít cay, anh Khang ơi!
- Năm ly sâm hột é ngọt nhiều dì Tám ơi…
- Hai bánh lọt xào quán ơiii
- …
Tiếng gọi món loạn cả lên kèm theo tiếng chảo cháy xèo xèo, mùi tỏi ớt bốc lên khiến người ta nhảy mũi liên tục. Thằng Đen thì bảo khách đòi ăn chi mà “cay như quỷ”, để nó vừa bưng vửa nhảy mũi. Con Ly thì nói “Ăn tiền là chỗ cay nhảy mũi đó cưng”. Rồi tụi nó kháo nhau rằng có cay cho dữ vậy thì nước ngọt, nước sâm mới bán đắt chứ! Hai đứa cười hí hí huých nhau khiến mấy chén nước tương bưng cho khách bị đổ tèm lem vào dĩa gỏi đu đủ trông như món bị bỏ thừa, thấy ớn!
- Phi tang ngay, để ông chủ khó tính lại chửi!
Con Ly nói chưa dứt đâu thì thằng bé Đen đã cho hai dĩa gỏi đi vào chỗ không trời không đất. Hai cái má của nó phồng lên rồi lại độn qua độn lại trông rất buồn cười.
***
Mưa to quá, đài báo áp thấp nên bầu trời cứ xám xịt. Con Ly ra khỏi cửa quán nhìn ba bên bốn phía, thấy hướng nào cũng đục trắng màu mây. Gió thì quất vù vù qua mấy tầng cây, mấy đoạn đây điện gì đó bị gió quăng đứt lòng thòng gần quán mình, thấy ghê quá. Ly gọi to:
- Anh Khang ơi anh Khang ơi... ra coi dây điện gì đứt chỗ quán mình nè, vầy nó giựt làm saooo
Giọng con dài dài nhằng ẻo lả làm anh chủ quán không thuộc tuyp người lãng mạn thấy rất bực. Rồi anh cũng bước ra xem, bảo:
- Đi làm, làm ơn bỏ não vô đầu chút nha! Nhận biết chút nha, dây quai-phai mà nói đây điện làm tao mắc công bỏ bếp ra coi hà!
- Em có biết dây gì đâu, thấy lòng thòng là báo anh thôi, không anh lại trách sao không nói sớmmm
Con Ly vẫn nhão nhoẹt
- Thôi nha, đây không có nhu cầu nghe ỏng ẹo! Lượn đi!
Anh Khang vẫn giữ nét oai ông chủ kèm tí khô khan của tuyp thanh niên không biết lãng mạn là gì.
Con Ly quay đi lầm bầm “Lúc nào cũng ngầu, hèn gì ế, vái cho ế tới đám giỗ luôn”
***
Con Ly không có ba. Đơn giản theo mẹ nó nói, chuyện ly hôn là “lỗi hệ thống” từ thời ông Lạc bà Âu, họ sống với nhau tới trăm đứa con vẫn chia tay. Thì vợ chồng thời nay sinh một vài đứa rồi bỏ nhau là chuyện bình thường. Quan trọng là người làm mẹ phải ráng dạy con ngoan ngoãn học hành, thành người phi thường thì quá tốt, không thì người bình thường cũng được. Quan trọng là đừng tầm thường nha.
“Người bình thường” theo mẹ Ly là còn nhỏ ráng nghe lời mẹ học hành chăm chỉ, lớn học cho được cái nghề nuôi thân, quan trọng đừng dối trá lừa lọc ai hay vi phạm pháp luật là tốt rồi. Làm người á, không cần hi sinh vì người khác quá đâu, đừng nghĩ “gái có công, chồng không phụ”. Ừ thì mình có công mình làm hết mọi việc rồi, thì còn gì nữa đâu cho chồng phụ giúp
Vậy nên dù chỉ là bà cô bán rau cải thôi, nhưng mẹ đã cố gắng nuôi con bé Trúc Ly vàng ngọc của mẹ học xong lớp 12. Cô bé đang chờ thi vào Cao đẳng sư phạm, khoa Mầm Non đấy. Trong khi chờ đợi để học thì Ly xin vào quán A Khang làm phục vụ.
Lương tháng ba triệu cũng được, thời gian làm việc như vậy cũng được, quan trọng là nó sẽ được ăn uống các món của tuổi teen thật đã miệng mà không lo về chuyện tiền bạc.
Mà anh Khang coi khô khan cộc tính và hay chửi vậy chứ cũng tâm lý lắm, mấy dĩa bột chiên trứng của tụi “lính”, bao giờ anh cũng làm phần đặc biệt, có xúc xích nè, có tôm nè, có tóp mỡ nữa nè
***
Trước khi làm ông chủ trẻ, anh Khang cũng làm mướn hết bốn năm chứ bộ! Nhưng thời buổi “mật ít ruồi nhiều” rồi “bụt nhà không thiêng” nữa nên về nhà mở cái quán nho nhỏ, chi tiêu tự túc.
Đã qua rồi cái thời sáng sớm ngược sương ngược gió để vào ca một, mà sương sớm còn đỡ. Có khi là mưa sớm, tầm tã, rầm rập trên mái tôn, thèm được cuộn mình vài chiếc mền nhung ấm ngủ thêm chút nữa. Mà cái chuông điện thoại cứ rền rĩ báo thức, thì làm sao mà ngủ? Rồi nhớ mấy cái “công” nước lèo, nước tiềm, cháo, bún… của nhà hàng đang chờ mình. Nướng thêm tí nữa thì quá êm, nhưng ai sẽ thay mình cho mấy cái “công” đó lên bếp, ai sẽ cho từng gói nguyên liệu vào nồi?
Vậy là tốc mùng dậy, ngược gió ngược sương mà đi thôi.
Xong ca một thì về ngủ được từ hai giờ, tới năm giờ chiều là lại ngược những cơn gió xoáy của bầu trời vần vũ, mà đi làm “ca gãy” ở quán ăn gia đình Cây Cau.
Người nghe sẽ hỏi, làm một ca, lương tháng sáu, bảy triệu rồi. Thanh niên chưa vợ xài cũng đủ, làm chi nhiều cho mệt rồi than? “Sống lâu lên lão làng” mấy hồi mà lo cho nát đời trai vậy Khang? Dạ thưa đủ đấy, nhưng đủ bản thân mình thôi, còn phần nào phụ mẹ nuôi em, phần nào dành dụm cho gia đình lúc hữu sự?
Vậy nên Khang phải đi làm như vậy. Ngày của Khang bắt đầu từ bốn giờ ba mươi sáng và kết thúc lúc mười một giờ ba mươi đêm.
Bốn năm ròng rã như thế với hai chỗ làm. Sức người chứ bộ sức voi sao, Khang cũng mệt chứ. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh mẹ mình mẹ đơn thân có ba đứa con trai mà chưa một ngày được giàu có đủ đầy là anh phải cố gắng… cố gắng…
Nhưng rồi sự “hết duyên” nhau đã xảy ra. Quán ăn Cây Cau đã bị mất một số tiền to mà đối tượng nghi vấn lại chính là… mấy đứa “lính” trong quán.
Ông chủ bảo rằng đó là tiền ông chuẩn bị trà tiền hàng, gần hai mươi triệu, vừa đếm xong để trên bàn chờ bà chủ đi ngân hàng chuyển cho bên nhận thì khách ào vô quán quá đông.
Vậy rồi… hết khách, tiền mất. Mà khu vực kế toán này ngoài ông bà chủ và các nhân viên thì khách không đến được. Thì ai lấy?
Năm nhân viên gồm Khang phụ bếp, hai em phục vụ, dì Sáu làm rau, cô Tư rửa chén chả ai chịu nhận mình đã lấy. Camera lúc đó “tua” lại không được vì bỗng dưng mất sóng.
Chủ quán nhờ công an vào cuộc, ông chủ nhất quyết chỉ là đám “lính” dám chôm tiền chứ không ai. Rồi ông quyết định, trong khi chờ điều tra thì các nhân viên đều bị “giam lương”.
Vụ việc sáng tỏ sau ba tháng điều tra. Hóa ra, kẻ lấy tiền chính là… con trai của ông bà chủ! Vậy mà họ không xin lỗi đám nhân viên một tiếng, còn bảo “may mà không phải tụi bây”. Trong “tụi bây” đó có hai bà già gần sáu mươi mới ghê!
Buồn đời, bà rửa chén xin nghỉ, Khang cũng nghỉ việc ở Cây Cau.
Bây giờ thì không còn cảnh chiều chiều ngược gió đi làm, tối tối ngược sương đêm đi về nữa. Cái quán tại nhà Khang, sau ca một làm ở nhà hàng thì thời gian còn lại dành cho cái quán. Thức ăn nhanh tuổi teen nên không cần đầu tư nhiều nồi nhiều chảo hay nhiều gia vị chuẩn nhà hàng. Chỉ xèo xèo thơm thơm chuẩn đường phố là được.
Hai đứa “lính” cũng tuổi em của Khang chứ to tát gì. Nhưng đôi khi mệt quá, chửi cũng là xả xì trét vậy đó. Với lại tụi nó, nhất là thằng Đen cũng còn ham chơi lắm.
Anh Khang cười hì hì bưng hai dĩa bột chiên thập cẩm cho hai “lính”. Mùi dầu chiên, mùi hành lá, mùi trứng, mùi tóp mỡ, xúc xích đan xen vào nhau trong cơn mưa chiều đang trút từng cơn xối xả ngoài hiên quán. Hai đứa hít hà nuốt nước miếng rồi con Ly hiểu chuyện hơn, đã bưng dĩa của nó mời anh chủ “Anh ăn đi, trưa giờ em thấy anh chưa ăn gì cả. Em thì… đang giảm cân”.
Anh Khang cười “May mà giảm cân nên mét năm hai mà có năm bảy ký á. Hông giảm chắc chín bảy ký”.
Rồi anh đi về hướng bếp, làm hai dĩa bột chiên nữa, một cho mình, một cho dì Sáu rửa chén.
Từng cơn gió trong màn mưa đang quất ngược ngọn nước vào cửa quán.
Đ.P.T.T
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét