Tôi tìm đọc “Kẻ trộm sách” như sự tiếp nối thú vị của câu chuyện hậu họa của Hitler mà tôi đã đọc sách và xem phim từ lâu. Còn một lẽ nữa là tôi cũng yêu sách đến độ mê đắm, sách là một phần của cuộc sống tôi, và đến lúc này tôi không giấu diếm, giống như nhân vật trong tiểu thuyết, trước đây tôi có trộm vài cuốn sách mà mình yêu thích vài lần- do không tìm ở đâu ra, mua thì không bán, nên tôi phải đi ăn trộm.
Những lúc đó tôi có nghĩ hành vi trên sẽ bị đánh giá về đạo đức, chưa kể là khi bị bắt còn liên quan đến hình sự chứ không phải giỡn chơi, nhưng tôi không vượt qua được sự ham muốn ngập tràn lòng tôi lúc đó. Tôi tự vớt vát là dù sao cũng ăn trộm có văn hóa.
“Kẻ trộm sách” là tiểu thuyết của nhà văn người Úc Markus Zusak. Markus Zusak nói chính mẹ là người đã thuật lại cho mình những câu chuyện kinh hoàng thời thế chiến thứ hai, bà từng sống ở thành phố Munich, Đức và trở thành nhân chứng trực tiếp chứng kiến tội ác chiến tranh. Các câu chuyện ấy sau này đã trở thành nguồn tư liệu quý giá và là nguồn cảm hứng vô tận cho Markus Zusak để anh hoàn thành một trong những cuốn sách kinh điển nhất đời mình - “Kẻ Trộm Sách”.
Xuất bản vào năm 2005, “Kẻ trộm sách” đã trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trên thế giới, theo bình chọn của NewYork Time, và được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ. “Kẻ trộm sách” cũng đã được dựng thành phim, tôi xem phim và nhận thấy, dù phim khá dài nhưng dường như vẫn chưa đủ, nếu không đọc truyện tôi khó hiểu được các sự kiện xếp rời nhau, khó kết dính với nhau từ cảnh trước sang cảnh sau trong phim.
Nhất là những trường đoạn diễn tả tâm lý nhân vật, phim không nói được hết ý, tôi đơn cử một trường hợp cụ thể, chẳng hạn như trường đoạn Liesel đi tìm Max, lúc này trong dòng người trên đường phố, cô đang bị dằn vặt mạnh, nhiều và lâu nhưng trên phim thể hiện quá nhanh, không diễn tả được điều ấy.
Người kể chuyện là thần chết
Khác với tất cả các loại tiểu thuyết từ hồi nào đến giờ, ở đây “Kẻ Trộm Sách” người kể chuyện là thần chết. Ẩn mình dưới vai của một Thần Chết, Markus Zusak xứng đáng được người đọc gọi là “một bậc thầy về ngôn từ”. Thần Chết đã cho tôi một cái nhìn toàn diện về con người, về cái chết, chiến tranh, tình yêu, nỗi đau, từ những thứ nhỏ bé nhất cho tới những thứ lớn lao nhất, từ cái bình dị nhất cho tới cái điên rồ nhất.
Thần chết ở đây không có lưỡi hái, ngoại hình không xác định, nhưng có tính cách lãng mạn, thực tế, hài hước. Người ta đánh nhau thế nào thì kệ, thần chết chỉ quan tâm việc làm chăm chỉ, cần mẫn của mình, chả bao giờ vì những giọt nước mắt, kêu gào của con người mà quên đi nhiệm vụ.
Tôi đã phải nín thở khi được Thần chết dẫn lối qua vô vàn những cung bậc cảm xúc ngỡ ngàng, rồi xúc động, hay hồi hộp rồi lại thở phào nhẹ nhõm. Giúp tôi hiểu sự phức tạp bên trong mỗi con người, sự đối lập trong thế giới loài người, một sự hỗn độn xen lẫn cả thiện ác. Cả câu chuyện như nằm sẵn dưới cây bút của Thần Chết, vị thần này không trêu đùa với mạng sống của con người, nhưng lại như trêu đùa với cảm xúc của tôi.
Tóm tắt cốt truyện
Chuyện bắt đầu vào những ngày tháng yên bình cuối cùng của thế giới - mùa hè năm 1939 - ngay trước khi nhân loại bước vào một trong những sự kiện lịch sử tồi tệ nhất của loài người - thế chiến thứ II. Cô bé 9 tuổi Lisel có mẹ bị đưa vào trại tập trung, được một gia đình trên phố Himmel (Thiên Đường) nhận nuôi- gia đình của Hans Hubermann và Rosa Hubermann. Liesel là một cô bé ngang ngạnh, ương bướng, có thể sẵn sàng đấm vào mặt bạn bất cứ lúc nào nếu nó bị bạn xúc phạm.
Tại phố Thiên Đường này, Liesel đã bắt đầu quen mặt với đủ loại nhân vật:
Từ người đàn bà không chồng Holtzapfel đặc biệt ưa thích việc khạc nhổ và chửi rủa người khác, đến mụ chủ cửa hàng tạp hóa người Aryan cao quý, thuần chủng;
từ Rudy Steiner, đứa con trai với mái tóc màu vàng chanh mà sau này sẽ trở thành người bạn chí cốt của Liesel. Và cũng phố Thiên Đường ấy, mặc cho sự trỗi dậy mạnh mẽ về mặt kinh tế của nước Đức dưới thời Hitler, vẫn là con phố của những kẻ nghèo khổ, bần hàn.
Khi đến phố Thiên Đường, người bạn đầu tiên của Liesel, không ai khác, chính là người bố nuôi - Hans Hubermann - một người chơi đàn accordeon tài ba. Hans đến bên nó khi nó gặp cơn ác mộng đầu tiên, ở bên nó những khi màn đêm buông xuống, bày cho nó những con chữ đang nhảy múa trên từng trang sách. Ông mang âm nhạc tới con phố nghèo nàn u ám này, với cây đàn xếp cũ kỹ trên tay.
Và cũng chính ông, một người Đức thuần chủng, đã giang tay che chở cho Max Vandenburg, một thanh niên người Do Thái sinh ra trên đất Đức đang bị chính đất nước mình ghẻ lạnh, mặc cho giấu một người Do Thái trong nhà mình ở thời điểm đó là một việc làm đầy nguy hiểm.
Nhưng lương tâm của ông đã buộc ông phải làm vậy, dù cho những tháng ngày đó ông phải sống trong sự dằn vặt, sợ hãi trước một sự thật, rằng một khi Max bị phát hiện, không chỉ ông, mà cả Rosa và Liesel cũng sẽ không còn đường sống sót. Ông đã làm vậy, cho tới khi không còn có thể tiếp tục được nữa.
Liesel yêu sách da diết. Và tình yêu ấy của nó, sau đó, thường được hiện thực hóa theo cái cách kì dị và điên rồ nhất - trộm sách, đặc biệt là sau khi con bé đã có thể tự đọc được chữ, thì niềm khao khát những cuốn sách mới trong nó càng cháy bỏng hơn bao giờ hết.
Liesel là một cô bé với những ý nghĩ và những quyết định kì quặc, nhưng bên cạnh nó, đồng hành với nó trong những vụ ăn trộm, luôn là Rudy Steiner. Rudy không phải một kẻ mê sách, nhưng thằng bé vững chãi và luôn muốn đảm bảo rằng “cô bạn gái bé nhỏ” của nó được an toàn.
Trong truyện còn có một nhân vật với tầm ảnh hưởng rất lớn tới tính cách và tình yêu văn chương trong con bé - Max Vandenburg. Max là một võ sĩ đấm bốc người Do Thái trú ngụ trong nhà Liesel, trong một khoảng thời gian khá dài và nhiều biến cố. Max là người Liesel lo lắng nhiều nhất, cũng tìm kiếm nhiều nhất.
Thời gian có Max trong gia đình với con bé là khoảng thời gian tuyệt đẹp khi nó được hàng ngày ngồi cùng anh dưới tầng hầm, anh viết truyện, còn nó thì đọc sách. Cuốn sách lấy điểm nhìn nước Đức và Hitler qua con mắt của người Đức.
Ở đó, bạn có thể hiểu được nhân dân Đức trong thời kì đó cũng phải chật vật sống cùng cái đói, cũng bị cưỡng ép phải chống lại Do Thái. Bên cạnh những người “một lòng một dạ” trung thành với cái ác, với Hitler, thì đâu đó, vẫn có những con người thiện lương điển hình như Hans, Rosa, và cả Liesel.
Đọc sách là một điều thú vị, đầy đam mê
Liesel Meminger có rất ít sách nhưng mỗi một cuốn sách là một phần cuộc đời của cô bé. Cuốn sách đầu tiên mà cô bé có được là sau khi tận mắt chứng kiến các phu đào huyệt chôn cất đứa em trai của mình – cuốn “Cẩm nang của người đào huyệt”. Đó cũng chính là quyển đầu tiên Liesel Meminger đọc hay nói đúng hơn là cô đã đọc cùng bố nuôi của mình.
Tiếp theo, vào ngày sinh nhật của ngài Quốc trưởng, khi người dân Đức đổ ra đường để dấy lên ngọn lửa thiêu đốt các cuốn sách liên quan đến người Do Thái thì Liesel Meminger đã thành công trong việc đánh cắp cuốn sách thứ hai. Lần lượt ở các giai đoạn về sau là những câu chuyện mà Thần Chết kể về quá trình Liesel Meminger có được những cuốn sách quan trọng của cuộc đời mình.
Cô bé đã nhận ra, sau những biến cố đã xảy đến với mình, gia đình, người bạn thân nhất, con phố Thiên Đường, thị trấn Molching và cả nước Đức là tác nhân làm cho từ ngữ có sức mạnh to lớn đến nhường nào. Những từ ngữ, được Liesel hít vào rồi thở ra dưới căn hầm chật chội nhà Fiedler, chen chúc dưới những âm điệu rền vang của những quả bom dội xuống trần nhà.
Cô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là xoa dịu nỗi sợ hãi của tất cả mọi người, sự hỗn loạn, căng thẳng của người lớn, và tiếng gào khóc của lũ trẻ con. Mọi sự đều dừng lại để cho tiếng đọc sách lảnh lót của một cô bé gái khiến cho tầng hầm hỗn độn, đông nghịt người trở nên im ắng. Từ ngữ quả thật có một sức mạnh riêng, nó có thể xây dựng mà cũng có thể phá hủy tất cả mọi điều do con người tạo nên.
Xúc cảm của tôi
Sau khi đọc đến trang cuối, gấp sách lại, cái đọng lại trong tôi là nghĩ về những được mất của con người trong cuộc chiến. Zusak kề về chiến tranh mà không có những chiến trường đẫm máu, hay những cỗ xe tăng, súng máy bắn chết người như ngã rạ. Mà là những năm tháng đầy ắp những ám ảnh, lo lắng, sợ hãi, bao trùm trong nỗi kinh hoàng, qua hình ảnh một cô bé tại một thị trấn nhỏ thuộc ngoại ô thành phố Munich, Đức, trên một con phố mang tên Thiên Đường.
Cuộc sống ấy đã có thể thật đẹp đẽ nếu như không có cuộc tàn sát diệt chủng, và gia đình Hubermann đã không phải sống trong dằn vặt khi phải giấu một thanh niên Do Thái trong căn nhà chật chội của mình. Cuộc sống ấy đã có thể trở nên dễ chịu hơn nếu những quả bom không rơi xuống Munich từ những chiếc máy bay hàng đêm gầm rú trên bầu trời.
Chiến tranh được tạo ra bởi những người đứng đầu độc tài mà trong đó, con người bị sai khiến bởi Thần Chết dẫn đến những cuộc chiến tranh đẫm máu. Chiến tranh cứ như một ông chủ sai bảo Thần chết phải hoàn thành công việc của mình thật nhanh thật gọn, đó chính là công việc hủy hoại loài người.
Câu chuyện cái chết chứa đựng nhiều mất mát đau thương nhưng lại thấm đẫm tình người cao quý, con người dù phải sống trong hoàn cảnh tối tăm nhưng vẫn lan tỏa những tình cảm tốt đẹp, đến mức ngay cả cái chết cũng không thể làm nó lụi tàn được. Chiến tranh là tội ác, ngổn ngang nhà đổ, gạch vụn bao lấy biết bao con người sống trong nỗi sợ hãi kinh hoàng.
Trong tác phẩm, Markus Zusak không chỉ phác họa hình ảnh hàng đoàn người Do Thái đói rét diễu hành đến những trại tập trung mà còn vẽ nên cuộc sống nghèo nàn của nhiều người dân Đức sống ở tầng lớp hạ lưu. Họ sinh tồn trong cảnh túng thiếu và phải làm những công việc trái với lương tri vì Quốc trưởng không cho họ sự lựa chọn.
Vô số người đàn ông hay những cậu bé chỉ mới thành niên bị buộc phải ra chiến trường, có người mang theo sự cuồng tín, tôn thờ kẻ đứng đầu nhưng cũng có người ra đi trong sự đau đớn khi bị ép buộc thực hiện “nghĩa vụ” của mình. Những con người ấy không chiến đấu vì lý tưởng, họ chiến đấu chỉ để sống sót.
Còn đó điều day dứt trong tôi, đáng sợ hơn cả việc bị tước đi sinh mệnh, những ai may mắn trở về từ chiến trường thường sẽ phải mang theo hồi ức tàn khốc về cuộc chiến để rồi đoạn ký ức ấy sẽ trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng nhất trong giấc mơ hằng đêm của họ.
Chẳng ai muốn mình phải chết nhưng trong trường hợp này cái chết lại tựa như lối đi thanh thản nhất. Chiến tranh giết chết con người nhưng dư chấn chiến tranh giết chết trái tim con người trước khi hơi thở của họ cạn kiệt.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét